Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Phản ứng chính sách của Việt Nam đối với mô hình kinh tế chia sẻ

See this content in the original post

Trong vài năm gần đây, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một thời đại “công nghệ số” đã hình thành, dẫn đến việc ứng dụng công nghệ vào các lĩnh vực đời sống trở thành xu hướng phát triển tất yếu của xã hội. Dựa trên kinh tế nền tảng, nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã đạt được những bước tiến nhanh chóng với sự ra đời của hàng loạt mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng kỹ thuật số, trong đó có mô hình kinh doanh mới gần gũi và phổ biến nhất là mô hình kinh tế chia sẻ.

Việt Nam đang trong quá trình thúc đẩy phát triển công nghệ số hóa, loại hình kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ tuy chưa phát triển mạnh như ở nhiều nước nhưng có nhiều tiềm năng để phát triển; một số startup trong thời gian qua đã tự tin đưa ra và phát triển các ứng dụng nền kinh tế chia sẻ; hợp tác với các đơn vị khác để phát triển mô hình.Tuy nhiên, nhu cầu hiện thực hóa các sản phẩm dịch vụ, mô hình kinh doanh sáng tạo vào cuộc sống gặp phải rất nhiều khó khăn do sự chưa sẵn sàng của khung pháp lý hiện tại. Nhiều mô hình kinh doanh mới, nhiều khái niệm mới chưa được quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành, dẫn đến cản trở đổi mới sáng tạo. Do đó, hoàn thiện pháp luật liên quan đến mô hình kinh tế chia sẻ sẽ giúp thị trường cạnh tranh hơn và loại hình dịch vụ đa dạng hơn, mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, đồng thời mở ra cơ hội đầu tư, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người lao động; đồng thời thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở Việt Nam.

Kinh tế chia sẻ là gì?

Mô hình và các hoạt động của nền kinh tế chia sẻ đã xuất hiện khá lâu trên thế giới, nhưng chỉ đến khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bùng nổ với các thành tựu phát triển của khoa học-công nghệ, công nghệ thông tin thì mô hình kinh tế này mới có những bước phát triển đột phá, được coi là yếu tố cốt cõi của nền kinh tế số hiện nay.

Kinh tế chia sẻ cũng được coi là hoạt động tái thiết kinh tế, trong đó các cá nhân ẩn danh có thể sử dụng các tài sản, dịch vụ nhàn rỗi (bao gồm cả các tài sản vô hình như kỹ năng cá nhân và thời gian rảnh rỗi), được sở hữu bởi các cá nhân khác thông qua các nền tảng kết hợp trên Internet. Đó là một mô hình kết nối để những người tiêu dùng có thể tận dụng nguồn lực dư thừa của nhau. Trong kinh doanh, nền kinh tế chia sẻ được hiểu là một thuật ngữ đề cập đến mô hình kinh doanh khai thác các yếu tố tài nguyên sẵn có của người dùng cuối cùng và kết hợp với các yếu tố công nghệ để hợp thành một mô hình kinh doanh. Theo đó, mô hình này thường do các doanh nhiệp khởi nghiệp khởi xướng - đối tượng này không sở hữu bất kỳ một nhà máy hay một kho hàng nào nhưng lại có cả một kho tài nguyên sẵn có trên toàn cầu và luôn sẵn sàng gia nhập vào hệ thống.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, có nhiều định nghĩa và cách hiểu khác nhau nhưng theo cách hiểu phổ biến nhất, mô hình kinh tế chia sẻ là một hệ thống kinh tế mà ở đó tài sản hoặc dịch vụ được chia sẻ dùng chung giữa các cá nhân, hoặc không phải trả tiền hoặc không trả một khoản phí, với tính chất điển hình là thông qua các công cụ Internet. Đây là một phương thức kết nối mới giữa người mua (người dùng) và người bán (người cung cấp) đối với một hoạt động kinh tế.

Theo nghiên cứu của Tập đoàn tư vấn Boston (The Boston Consulting Group), quy mô của nền kinh tế chia sẻ ước tính có giá trị 14 tỷ USD năm 2014 và sẽ tăng lên 335 tỷ USD vào năm 2025 chỉ riêng đối với hai dịch vụ của Công ty Uber và Airbnb. Đây là một tốc độ tăng trưởng khá nhanh lên tới 34-35%/năm và các nhà nghiên cứu tại PwC ước tính trong mười năm tới, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, năm lĩnh vực kinh tế chia sẻ chính, bao gồm cho vay ngang hàng (peer to peer lending), lao động và việc làm trực tuyến, du lịch và khách sạn, dịch vụ vận tải và phát nhạc, video sẽ tạo ra hơn 50% tổng doanh thu toàn cầu của các công ty cung cấp nền tảng ứng dụng kinh tế chia sẻ.

Tại Việt Nam, thời gian gần đây, thuật ngữ “nền kinh tế chia sẻ” được đưa ra bàn luận trên nhiều diễn đàn, với một số mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ số như ứng dụng gọi xe Grab, Be, Go Việt, dịch vụ du lịch và khách sạn, dịch vụ chia sẻ phòng ở như Airbnb,.... Trong điều kiện của Việt Nam có thể hiểu “kinh tế chia sẻ” là một phương thức kinh doanh mới của kinh doanh ngang hàng, một hệ thống kinh tế mà ở đó tài sản và dịch vụ được chia sẻ cho nhiều người sử dụng trên thị trường thông qua việc sử dụng các nền tảng số.

Như vậy, kinh tế chia sẻ là một mô hình thị trường kết hợp giữa sở hữu và chia sẻ, trong đó đề cập đến vai trò ngang hàng dựa trên sự chia sẻ quyền sử dụng hàng hóa và dịch vụ nhằm gia tăng lợi ích cho các bên tham gia. Hiện nay, có ba yếu tố giúp cho việc chia sẻ quyền sử dụng các hàng hóa và dịch vụ mới được thuận lợi như:

  • Thứ nhất, hành vi của khách hàng đối với nhiều loại hàng hóa và dịch vụ được thay đổi tính chất từ sở hữu đến chia sẻ.

  • Thứ hai, liên kết mạng lưới người tiêu dùng qua các mạng xã hội trực tuyến và thị trường điện tử dễ dàng hơn.

  • Thứ ba, ứng dụng công nghệ thông tin qua các thiết bị di động và các dịch vụ điện tử làm cho việc sử dụng, chia sẻ các hàng hóa và dịch vụ trở nên thuận tiện hơn.

Cơ hội/lợi ích lớn nhất của kinh tế chia sẻ là việc tiết kiệm tài nguyên thông qua việc sử dụng tiết kiệm tài sản trong toàn bộ vòng đời của nó. Do đó, với việc tiết kiệm trong sử dụng tài sản, máy móc, thiết bị, tiết kiệm tài nguyên v.v.., các hoạt động kinh tế chia sẻ cũng có tác động tích cực tới môi trường thông qua giảm phát thải khí nhà kính, giảm khối lượng các chất thải ra môi trường.

Kinh tế chia sẻ giúp giảm chi phí giao dịch trong các hoạt động kinh tế. Thông qua các nền tảng trực tuyến, người mua và người bán nhanh chóng tìm được nhau, tương tác trực tiếp với nhau; tiết kiệm được thời gian tìm đối tác, tiết kiệm thời gian thương lượng và chốt giao dịch. Kết quả cuối cùng là người tiêu dùng được hưởng lợi và hiệu quả sản xuất trong nền kinh tế tăng lên.

Kinh tế chia sẻ cũng góp phần thúc đẩy phát triển công nghệ nói chung và công nghệ thông tin nói riêng, do bản thân kinh tế chia sẻ có nhu cầu ngày càng cao đối với việc sử dụng và phân tích dữ liệu lớn của khách hàng.

Một số doanh nghiệp kinh doanh dựa trên mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam hiện nay

Trên thế giới, các doanh nghiệp kinh doanh dựa trên mô hình kinh tế chia sẻ đã đạt những thành công đáng kể. Airbnb – dịch vụ chia sẻ nhà ở cho người đi du lịch, Uber - taxi cộng đồng, KickStarter - gọi vốn từ cộng đồng… là những cái tên đã không còn quá xa lạ và đã có chỗ đứng nhất định trong giới công nghệ.

ại Việt Nam, mặc dù kinh tế chia sẻ chưa thực sự phát triển nhưng việc cho thuê những tài sản ít sử dụng đã và đang tồn tại. Một khảo sát mới công bố của Công ty Nielsen trong hơn 30.000 người tiêu dùng trực tuyến trên 60 quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu, châu Mỹ Latinh, Trung Đông, châu Phi và Bắc Mỹ cho thấy, kinh tế chia sẻ đang bắt đầu khởi phát, mở rộng trong các lĩnh vực và Việt Nam là một trong những nước có tiềm năng lớn để phát triển mô hình này. Theo khảo sát của Nielsen, cứ bốn người Việt Nam được hỏi thì có ba người cho biết thích ý tưởng kinh doanh về mô hình này; 76% cho biết sẵn sàng tận dụng các sản phẩm và dịch vụ chia sẻ; chỉ có 18% từ chối chia sẻ tài sản cá nhân của mình.

Thực tế tại thị trường Việt Nam hiện nay, kinh tế chia sẻ chưa phát triển mạnh như ở nhiều nước nhưng mô hình kinh tế mới này cũng đã xuất hiện và có nhiều tiềm năng để phát triển. Một số loại hình kinh tế chia sẻ đã xuất hiện ở Việt Nam, trong đó nổi lên ba loại hình dịch vụ: (1) Dịch vụ chia sẻ phương tiện giao thông (như Grab, Go Viet, Dichung, Fastgo, Be v.v...); (2) Dịch vụ lưu trú (như Airbnb, Travelmob, Luxstay);  (3) Dịch vụ cho vay ngang hàng (chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp Fintech). Ngoài ra, nhiều dịch vụ khác cũng đã được hình thành như dịch vụ du lịch, chia sẻ không gian làm việc (coworking space), gửi xe, chia sẻ lao động và việc làm, v.v.

- Dịch vụ chia sẻ phương tiện giao thông (GrabTaxi và Uber, Go Viet, Dichung, Fastgo, Be) là ứng dụng định vị tự động dùng để đặt và điều phối xe taxi trên điện thoại thông minh, hướng tới mục tiêu cải tiến thị trường taxi địa phương bằng khởi đầu đơn giản, chi phí hiệu quả cho cả 2 bên cung (công ty vận tải) và cầu (hành khách). Với công nghệ này, dịch vụ chia sẻ phương tiện giao thông tối ưu hóa quá trình kết hợp giữa công ty taxi và hành khách. GrabTaxi và Uber là hai ứng dụng đặt xe được sử dụng phổ biến và sớm nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, từ cuối tháng 3/2018, Grab công bố việc mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại thị trường Đông Nam Á và đổi lại chuyển nhượng 27,5% cổ phần cho Uber. Từ 08/04/2018, toàn bộ khách hàng và tài xế dùng Uber đã chuyển qua ứng dụng của Grab.


- Mô hình Airbnb: Du nhập vào Việt Nam từ năm 2014, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cùng với một số tỉnh thành khác hiện nay đã tham gia mạng lưới này với số lượng phòng ngủ, nhà cho thuê đạt trên 1.000 phòng. Theo một ước tính khác ở Việt Nam, có khoảng 6.500 cơ sở tham gia Airbnb tính đến tháng 06/2017. Để tạo sự yên tâm cho người thuê nhà, ứng dụng Airbnb xác nhận danh tính chủ nhà thông qua Facebook, số điện thoại, hộ chiếu, chứng minh nhân dân và đặc biệt là thông qua sự phản hồi của những người đã thuê nhà trước đó.

- Mô hình Triip.me: Mô hình này đã biến những người địa phương bình thường thành một hướng dẫn viên du lịch nghiệp dư. Triip.me cho phép bất kỳ ai cũng có thể tạo một gói sản phẩm du lịch, đưa lên và bán cho khách du lịch trên trang web hoặc ứng dụng trên iPhone. Triip.me được hình thành và xây dựng từ một nhóm người trẻ và đam mê du lịch, họ đến từ nhiều quốc gia với những nền văn hóa khác biệt nhau. Điểm chung lớn nhất của Triip.me là nơi kết nối mọi người, chia sẻ kinh nghiệm về du lịch qua đó góp phần bảo tồn văn hóa tại các địa phương…

- Mô hình Travelmob: Là trang web đăng tải thông tin về việc cho thuê nhà hay phòng ở trong thời gian ngắn hạn. Travelmob là trung gian giải quyết các giao dịch tài chính giữa hai bên chủ nhà và người thuê nhà. Được thành lập từ năm 2012 tại Singapore, Travelmob hiện nay đã được sử dụng ở hầu hết các điểm đến nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á và châu Á. Việt Nam hiện nay cũng đã có phiên bản tiếng Việt của Travelmob tại địa chỉ vn.travelmob.com.

Trong tương lai, dự kiến còn nhiều ngành nghề hoặc nhóm ngành, dịch vụ khác phát triển theo mô hình kinh tế chia sẻ.

Phản ứng chính sách của Việt Nam đối với mô hình kinh tế chia sẻ

Thứ nhất, ngày 12/08/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 999/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ với mục tiêu đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống. Động thái này thể hiện sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của Chính phủ trong việc công nhận hình thức kinh doanh mới trên cơ sở tận dụng các nguồn lực, tài nguyên còn dư thừa trong xã hội nhằm tối ưu hóa tài nguyên cũng như các hoạt động kinh tế dựa trên những tiến bộ của khoa học kỹ thuật đặc biệt là sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ đã tạo ra nền tảng pháp lý, có sự hậu thuẫn của Nhà nước giúp cho các công ty công nghệ hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ, tạo ra một sân chơi chung, cạnh tranh bình đẳng giữa các công ty truyền thống và công ty công nghệ. Điều quan trọng nhất trong phát triển của các mô hình này là mang lại lợi ích cuối cùng cho người dùng.

  1. Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ đặt mục tiêu đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống; đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ bao gồm người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ và doanh nghiệp cung cấp nền tảng; khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số.

  2. Quan điểm của Đề án là ủng hộ và thích ứng với xu thế phát triển mới của mô hình kinh tế chia sẻ trong điều kiện phát triển rất nhanh của công nghệ số trên thế giới; không cần thiết phải có các chính sách riêng biệt cho hình thức kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ do kinh tế chia sẻ không phải là một bộ phận tách rời hoặc một thành phần kinh tế riêng trong nền kinh tế.

Quản lý nhà nước cần đảm bảo cho các hoạt động kinh tế hợp pháp được phát triển trong đó có các hoạt động kinh tế chia sẻ; thay đổi tư duy và cách thức quản lý nhà nước cho phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0; đồng thời nâng cao nhận thức và năng lực của doanh nghiệp, địa phương và người dân về mô hình kinh tế chia sẻ.

Tạo lập một môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp hoạt động kinh tế chia sẻ và doanh nghiệp kinh doanh truyền thống, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài theo hướng tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp truyền thống chuyển đổi hình thức kinh doanh; Nhà nước khuyến khích, ưu tiên tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp cung cấp nền tảng; đặt doanh nghiệp vào trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo; hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển tạo lập các nền tảng số, hỗ trợ chuyển đổi số, số hóa ở cấp độ doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế. Thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới (dạng sandbox) cho việc triển khai và ứng dụng các công nghệ mới trong mô hình kinh tế chia sẻ; nâng cao năng lực quản lý của bộ máy nhà nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đáp ứng yêu cầu quản lý và thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Khuyến khích các mô hình kinh tế chia sẻ trên cơ sở phù hợp với lợi ích và trình độ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Hạn chế những rủi ro liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và phòng ngừa thất thoát thuế, lẩn tránh thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Đề án cũng đưa ra 4 nhóm giải pháp quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ gồm:

  • Nhóm các giải pháp thực hiện quyền và trách nhiệm của người cung cấp dịch vụ trong kinh tế chia sẻ;

  • Nhóm giải pháp thực hiện quyền và trách nhiệm của người sử dụng dịch vụ trong kinh tế chia sẻ. Nhóm giải pháp này hướng tới nâng cao năng lực hiểu biết và sử dụng dịch vụ kinh tế số, pháp luật về hợp đồng số cho người sử dụng dịch vụ; đảm bảo an toàn lao động và an toàn trong thanh toán các hợp đồng điện tử.

  • Nhóm giải pháp thực hiện quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp công nghệ/doanh nghiệp cung cấp nền tảng trong kinh tế chia sẻ. Nhóm giải pháp này hướng tới cao năng lực để hiểu rõ trách nhiệm cá nhân và doanh nghiệp về khai báo thông tin liên quan đến các hoạt động của kinh tế chia sẻ cho các cơ quan quản lý Nhà nước, bao gồm các thông tin hoạt động, nghĩa vụ thuế và các quy định quản lý chuyên ngành.

  • Nhóm giải pháp đối với Nhà nước nhằm xây dựng và phát triển hệ sinh thái cho kinh doanh, đầu tư theo mô hình kinh tế chia sẻ.

Ngoài ra, còn có các giải pháp xây dựng cơ chế, chính sách giảm thiểu rủi ro cho các bên trong hoạt động kinh tế chia sẻ bao gồm cảnh báo sớm cho người cung cấp dịch vụ; giải quyết vấn đề nảy sinh trong kinh tế chia sẻ như vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội; tạo thị trường cho mọi công dân tham gia vào các hoạt động kinh doanh chia sẻ (bao gồm cả không gian, hàng hóa và kỹ năng). Các bộ, ngành tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin và dữ liệu với nhau trong công tác điều hành quản lý nhà nước; đồng thời xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin và dữ liệu giữa các bộ, ngành với chính quyền các cấp, các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề.

Thứ hai, ở cấp độ cao hơn, ngày 27/09/2019, Bộ chính trị đã ban hành Nghị quyết 52/NQ-TW về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Nghị quyết 52/NQ-TW cũng chỉ rõ phải "Xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo. Sớm ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc CMCN 4.0.Quy định rõ phạm vi không gian và thời gian thử nghiệm. Nghiên cứu, xây dựng các khu thử nghiệm dành cho doanh nghiệp công nghệ theo mô hình tiên tiến của thế giới. Thực hiện định danh, công nhận, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các sản phẩm, công nghệ, mô hình kinh doanh mới".

Một số vấn đề pháp lý đặt ra

Rà soát, đánh giá bước đầu về sự đáp ứng của pháp luật hiện hành với mô hình kinh tế chia sẻcho thấy, hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh của Việt Nam hiện nay (Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại điện tử, các luật về thuế, v.v) chưa có quy định liên quan đến điều chỉnh hoạt động của mô hình kinh tế chia sẻ. Ví dụ, mô hình kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ không có trong danh mục ngành nghề kinh doanh, do đó doanh nghiệp gặp khó khăn khi đăng ký thành lập doanh nghiệp;do đó, đa phần các mô hình kinh doanh mới được đăng ký vào ngành Dịch vụ khác. Một số bất cập trong hệ thống pháp luật hiện hành điều chỉnh hoạt động của mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam có thể kể đến như:

(1) Còn thiếu các chính sách đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa kinh tế truyền thống và kinh tế chia sẻ trong từng ngành cụ thể. Thực tế, sự nở rộ của các dịch vụ theo mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam thời gian gần đây đã xuất hiện những mối lo ngại về sự cạnh tranh không bình đẳng (do thiếu hành lang pháp lý), nếu cơ quan quản lý điều hành không có biện pháp can thiệp kịp thời và đúng đắn. Bởi vì tính ưu việt của mô hình kinh tế mới này sẽ tạo nên sức ép cạnh tranh lớn đối với các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình truyền thống. Xung đột lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức truyền thống sẽ xảy ra. Hầu hết xung đột này là hết sức gay gắt nếu như không có những chính sách tốt của chính quyền với vai trò “trọng tài” giải quyết. Khi chưa có các chính sách đồng bộ, vấn đề cạnh tranh không công bằng với doanh nghiệp truyền thống là một rủi ro lớn cần giải quyết. Câu chuyện vụ kiện giữa Vinasun - hãng kinh doanh taxi truyền thống với Grab trong thời gian gần đây là một trong những minh chứng điển hình.


(2) Còn thiếu các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ để bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt là xác định rõ hơn nghĩa vụ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử có liên quan đến kinh tế chia sẻ. Kinh tế chia sẻ tiềm ẩn những rủi ro mà nhà quản lý cần phải quan tâm để đảm bảo lợi ích của cả người mua (người tiêu dùng) và người bán (nhà cung cấp dịch vụ). Mặc dù các bên có thông tin về nhau đầy đủ hơn, nhưng việc kiểm chứng các thông tin và tiếp xúc trực tiếp với nhau lại ít hơn nên cũng tiềm ẩn rủi ro lớn hơn nếu như không được khắc phục bằng những quy định cụ thể và hiệu quả. Vấn đề bảo hiểm, an toàn cho các bên bao gồm cả người cung cấp dịch vụ và người dùng/người sử dụng dịch vụ hay khách hàng cũng đặt ra gay gắt hơn.

(3) Còn thiếu các cơ chế chính sách quy định trách nhiệm rõ ràng hơn của các bên trong kinh tế chia sẻ. Do sự xuất hiện của bên thứ ba là nền tảng công nghệ, quan hệ hợp đồng trong kinh tế chia sẻ sẽ ít nhất là quan hệ 3 bên thay vì quan hệ 2 bên như trong các hợp đồng trước đây. Khung khổ pháp lý quy định trách nhiệm của từng bên trong mối quan hệ hợp đồng này cần được thay đổi và bổ sung. Đây cũng là một trong những lý do mà các nước trên thế giới (ngay cả các nước phát triển) đều cần điều chỉnh hệ thống pháp luật của mình để ứng xử phù hợp trong bối cảnh mới của kinh tế chia sẻ.

(4) Về lĩnh vực thuế, hiện nay còn thiếu hoặc chưa hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý các giao dịch thanh toán điện tử xuyên biên giới để có thể giám sát việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các đối tác nước ngoài tham gia vào các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Đối với loại hình kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ trong trường hợp các doanh nghiệp có trụ sở ở nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam, có doanh thu tại Việt Nam, chỉ nộp được thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương thức dựa trên doanh thu do không quản lý được đầu vào ở bên nước ngoài và không có trụ sở thường trú tại Việt Nam. Do vậy, gây ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, các vấn đề về thuế, đặc biệt là vấn đề thu thuế của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên quốc gia, vấn đề về tránh đánh thuế hai lần v.v…. là nội dung cần được quan tâm trong điều chỉnh chính sách thuế.

Bên cạnh đó, những doanh nghiệp đã hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam còn gặp khó khăn về kê khai thuế, do hệ thống pháp luật chưa ghi nhận loại hình kinh doanh này và các cơ quan thuế lúng túng khi xác định bản chất giao dịch để áp thuế. Chẳng hạn, hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, start-up Log Lag đang gặp vấn đề về kê khai thuế, do hệ thống pháp luật chưa ghi nhận loại hình doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực này. Log Lag phải thực hiện nghĩa vụ thuế theo doanh nghiệp vận tải, doanh thu phải hoạch toán theo tổng giá trị giao dịch của chuyến hàng, với con số lớn hơn nhiều so với mức phí mà doanh nghiệp thực thu trong vai trò kết nối. Nếu được thực hiện theo cơ chế thử nghiệm chính sách (sandbox), Log Lag kỳ vọng sẽ giảm thiểu rủi ro về dòng tiền. Trong khi đó, Công ty Luxstay Việt Nam hoạt động theo mô hình chia sẻ căn hộ. Sau một thời gian hoạt động và gọi thành công nhiều vòng gọi vốn triệu USD, Công ty đang tính toán mở rộng ra các dịch vụ chia sẻ khác. Để làm được điều này, họ rất cần một cơ chế sandbox thông thoáng.

(5) Còn thiếu các chính sách về quản lý lao động, việc làm và an sinh xã hội đối với người lao động và chủ sử dụng lao động trong nền kinh tế chia sẻ đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong kinh tế chia sẻ.

Một số đề xuất ban đầu

Một là, trong quản lý nhà nước, cần thay đổi tư duy, chấp nhận cái mới, đồng thời cho phép thử nghiệm các mô hình tiên phong, mạnh dạn dỡ bỏ các rào cản pháp lý không phù hợp,tuy nhiên, không cần thiết phải xây dựng một luật cụ thể quy định về mô hình kinh tế chia sẻ.

Hai là, cần rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan tới điều kiện kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp trong một số luật và văn bản hướng dẫn thi hành như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, ... theo hướng tạo quy định rõ ràng, thuận lợi cho đăng ký và hoạt động của doanh nghiệp. Các quy định cần được xây dựng trên quan điểm doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm để không làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là đối với những loại hình kinh doanh mới theo mô hình kinh tế chia sẻ mà chưa có trong danh mục ngành nghề kinh doanh (ví dụ dịch vụ tài chính cho vay ngang hàng P2P, ...) cần khẩn trương bổ sung quy định thí điểm cấp phép cho các loại hình này đi vào hoạt động.

Ba là, nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ luật dân sự, Luật Thương mại điện tử, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cùng các văn bản hướng dẫn thi hành, theo đó hướng tới mục tiêu đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ bao gồm người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ và doanh nghiệp cung cấp nền tảng; khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số
Bốn là, rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật trong Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cùng các văn bản hướng dẫn thi hành, với mục tiêu đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống. Bên cạnh đó, cần có những chính sách để tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp truyền thống chuyển đổi hình thức kinh doanh; hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển tạo lập các nền tảng số, hỗ trợ chuyển đổi số, số hóa ở cấp độ doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế.

Năm là, nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật lao động, bảo hiểm và các văn bản pháp luật có liên quan, đặc biệt chú trọng những quy định về tình trạng việc làm của người lao động, hợp đồng lao động, an sinh xã hội,… Ví dụ, người lao động trong các mô hình kinh tế chia sẻ, ví dụ tài xế Grab, có thể không phải là đối tượng của chính sách bảo hiểm xã hội hiện hành vì tính chất công việc của họ, vậy các chính sách an sinh xã hội cần được thiết kế theo dạng “mở”để có thể “quét” được nhóm đối tượng này (bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người lao động,…).

Sáu là, thực hiện cơ chế khung pháp lý thử nghiệm (Regulatory Sandbox) cho việc triển khai và ứng dụng các công nghệ mới trong mô hình kinh tế chia sẻ; trong đó, lưu ý nới lỏng các điều kiện kinh doanh truyền thống; quy định quản lý phải theo hướng hạ thấp các rào cản về gia nhập thị trường, rào cản đối với các starts-ups… để các doanh nghiệp hoạt động thử nghiệm, dần dần hoàn thiện công nghệ và đáp ứng các yêu cầu quản lý. Trong bối cảnh khung pháp lý thường đi sau thực tế, việc cho áp dụng thử nghiệm chính sách mới (dạng sandbox) chính là phản ứng chính sách/cách ứng xử của cơ quan nhà nước đối với những công nghệ mới.

Việc áp dụng cơ chế khung pháp lý thử nghiệm - Regulatory Sandboxnày cho từng lĩnh vực và trong điều kiện nhất định phải được thực hiện khi phân tích từng tình huống chính sách cụ thể. Trước mắt, cần khẩn trương xây dựng và áp dụng sandbox trong hai lĩnh vực lớn là tài chính - ngân hàng và giao thông vận tải.  Chẳng hạn, trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, sự phát triển của lĩnh vực fintech trên thị trường tài chính - ngân hàng ở Việt Nam trong thời gian gần đây đã mang đến những thay đổi tích cực đối với tổng thể hệ thống ngân hàng truyền thống, nhưng đồng thời cũng chứa đựng những thách thức đối với sự ổn định của hệ thống tài chính quốc gia, Việt Nam cũng như nhiều nước đang phát triển và mới nổi khác, mức độ phổ cập tài chính thấp còn phổ biến, nên đổi mới được coi là có hứa hẹn sẽ thay đổi nhanh chóng và tích cực. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính phải có trách nhiệm trước cơ hội này. Tuy nhiên, hầu hết các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính đang đối mặt với những thách thức như: Thiếu nguồn lực điều chỉnh thích hợp, cả về cán bộ, kiến thức và công cụ; cơ sở hạ tầng tài chính còn thấp, thị trường dịch vụ tài chính bán lẻ còn hạn chế; phức tạp và khó khăn trong việc cân bằng các mục tiêu điều chỉnh chủ chốt liên quan đến vấn đề phổ cập tài chính, tính ổn định, toàn vẹn, bảo vệ khách hàng, và cạnh tranh,... Do đó, việc áp dụng Sandbox - cơ chế khung pháp lý thử nghiệm áp dụng trong phạm vi hạn chế - có thể làm cho mối quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước (Ngân hàng, Bộ Tài chính) và các nhà cung cấp dịch vụ tài chính theo hướng cởi mở và chủ động đối thoại, tạo điều kiện cho cơ quan quản lý rà soát và xây dựng khung chính sách và giám sát thực thi một cách linh hoạt.
 

TS. Chu Thị Hoa, Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp.

See this content in the original post

Xem thêm

See this gallery in the original post