Sàn giao dịch giải quyết bài toán về vốn cho công ty khởi nghiệp

   

Thực tế, quy định về đầu tư cho khởi nghiệp đang bị chồng chéo giữa các quy định pháp luật về hoạt động đầu tư, doanh nghiệp. Do đó, cần thiết thành lập sàn giao dịch vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam.

9.-San-giao-dich-y-tuong_2.jpg

Tại Việt Nam, phần lớn các công ty khởi nghiệp huy động vốn từ các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức chuyên đầu tư ở giai đoạn rất sớm, khi doanh nghiệp chưa có lợi nhuận; thậm chí đầu tư vào các cá nhân/nhóm cá nhân chưa thành lập doanh nghiệp mà mới chỉ đang phát triển sản phẩm, dịch vụ (nhà đầu tư thiên thần).

Trên thực tế, việc huy động vốn của các công ty khởi nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn do các startup này thường hướng đến phân khúc sản phẩm/dịch vụ hoàn toàn mới thường gặp nhiều rủi ro về mặt công nghệ và thị trường; các startup thường không có nhiều tài sản hữu hình mà chỉ có tài sản trí tuệ nên khó thế chấp, vay vốn ngân hàng. 

Trong khi số lượng nhà đầu tư quan tâm cũng như có đủ kinh nghiệm và kiến thức để đầu tư vào các công ty khởi nghiệp còn hạn chế. Chỉ các startup nổi trội - tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghệ thông tin, chứng minh được tính thị trường của ý tưởng thì mới kêu gọi được vốn đầu tư.

Hiện trên thế giới đã có một số nước hình thành sàn giao dịch vốn dành riêng cho các công ty khởi nghiệp để giúp cộng đồng này huy động vốn trực tiếp từ xã hội, cũng như các quỹ đầu tư; có luật chơi riêng cho các startup, giúp phát huy được lợi thế rõ ràng khi phát triển đến một mức cao hơn.

Bài học từ thị trường Hàn Quốc

Hàn Quốc đã xây dựng sàn giao dịch vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp (KONEX) từ năm 2013. Chỉ sau hai năm đi vào hoạt động, quy mô vốn hóa thị trường đã tăng hơn 8 lần, đạt xấp xỉ 4,1 tỷ USD và có 88 doanh nghiệp tham gia so với 21 doanh nghiệp ban đầu, chưa kể các doanh nghiệp chuyển sàn niêm yết.

Sàn KONEX về bản chất cũng giống như sàn giao dịch chứng khoán cho các công ty đại chúng, nhưng dành cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn, điều kiện niêm yết không quá chặt chẽ.

Cơ quan quản lý thiết kế riêng khuôn khổ pháp lý áp dụng với các cổ phiếu giao dịch trên KONEX. Theo đó, doanh nghiệp niêm yết trên sàn này không cần phải đáp ứng tiêu chuẩn kế toán quốc tế, không phải công bố báo cáo tài chính hàng quý, hàng năm.

Khi doanh nghiệp lên sàn thì phải minh bạch hơn về tài chính, từ đó việc gọi vốn cũng dễ hơn. Đây cũng là bước khởi điểm để doanh nghiệp thực hiện IPO (bán cổ phần lần đầu ra công chúng).

Các công ty chứng khoán được chỉ định làm tư vấn, đánh giá các điều kiện niêm yết của các công ty khởi nghiệp. Trường hợp các startup muốn phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng để niêm yết trên thị trường chứng khoán, thì những công ty chứng khoán này sẽ là tổ chức bảo lãnh.

Trên sàn KONEX, cơ chế bảo vệ nhà đầu tư được cơ quan quản lý chú trọng. Chẳng hạn, quy định giới hạn đầu tư hàng năm cho nhà đầu tư nhỏ lẻ, tối đa là 30 triệu KRW, còn với nhà đầu tư chuyên nghiệp thì hoạt động theo Luật Dịch vụ đầu tư tài chính và thị trường vốn. Đáng chú ý, công tác giám sát được tăng cường nhằm giảm thiểu các giao dịch không lành mạnh.

Sàn giao dịch giải quyết bài toán về vốn cho công ty khởi nghiệp

Cần cơ chế riêng cho Việt Nam

Đầu năm nay, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập sàn giao dịch vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, báo cáo Thủ tướng trong năm 2020 - 2021.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, khi xây dựng sàn giao dịch vốn cho công ty khởi nghiệp, Chính phủ cần đưa ra được các quy định về điều kiện, xác định độ trưởng thành cho các doanh nghiệp, loại hình doanh nghiệp nào được tham gia giao dịch... Đặc biệt, không thể cho phép những doanh nghiệp không đủ điều kiện về vốn và đang có nguy cơ vỡ nợ tham gia giao dịch.

"Để thu hút dòng vốn đầu tư mạo hiểm từ nước ngoài vào sàn giao dịch vốn cho khởi nghiệp, Việt Nam cần có một cơ chế riêng về thuế, tiền tệ... để bổ trợ cho sàn giao dịch này", TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, vấn đề quy định để thực hiện sàn giao dịch, đồng thời các luật về chứng khoán, doanh nghiệp, đầu tư nước ngoài cần có sự điều chỉnh để phù hợp với tính chất sàn giao dịch vốn khởi nghiệp, ví dụ như nới room ngoại cho lĩnh vực Fintech.

Kỳ vọng về một sàn giao dịch vốn cho công ty khởi nghiệp, ông Đàm Quang Thắng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Agricare Việt Nam, Cố vấn cấp cao Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia, Trưởng làng Công nghệ nông nghiệp Techfest Việt Nam cho rằng, sàn giao dịch được thành lập sẽ giúp tách biệt nơi gọi vốn giữa công ty khởi nghiệp với công ty nhỏ và vừa, giúp xóa đi những rào cản về quy định trong góp vốn khởi nghiệp.

Thực tế, quy định về đầu tư cho khởi nghiệp đang bị chồng chéo giữa các quy định pháp luật về hoạt động đầu tư, doanh nghiệp. Tất nhiên, việc thành lập được sàn giao dịch vốn này không phải trong "ngày một, ngày hai".

Ông Đàm Quang Thắng cho hay, thị trường để đầu tư cho khởi nghiệp tại Việt Nam mới bắt đầu khởi động, nên chưa đủ tính hấp dẫn để các nhà đầu tư tham gia. Hơn nữa, không ít công ty khởi nghiệp đưa "lên mây" những con số tài chính, khiến tính minh bạch của số liệu chưa cao, trong khi chúng ta lại chưa có đơn vị xác thực số liệu nên ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, nhiều startup cũng chia sẻ, các nhà đầu tư hiện vẫn chưa quá "hào hứng" với các thủ tục về đầu tư, rót vốn vào công ty khởi nghiệp. Bởi các nhà đầu tư cần thời gian để kiểm nghiệm về năng lực thực sự của dự án khởi nghiệp.

Vì thế, sàn giao dịch vốn ra đời phải có cơ chế để kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo tính công khai, minh bạch, đồng thời đa dạng sản phẩm giao dịch, nếu không đây sẽ chỉ là nơi để gặp gỡ giữa các dự án, công ty khởi nghiệp và nhà đầu tư.