Nhà sáng lập quỹ đầu tư Nhật Bản Miraise tiết lộ 'hậu trường' gọi vốn khủng

   

Ông Shin Iwata, sáng lập quỹ đầu tư Nhật Bản Miraise đồng thời là Giám đốc Điều hành tại Skype Nhật Bản chia sẻ việc phát triển mô hình kinh doanh, gọi vốn khủng từ quỹ đầu tư ngoại. 

5c9400d15b71d0d4154cb858_Big Startup From the Gound.png

Đầu tư vào startup chính là đầu tư vào founders

Tại buổi chia sẻ mới đây tại SpaceShare về nội dung “Founder là Engineer - Lợi thế và rủi ro khi tiếp cận nhà đầu tư”, ông Shin Iwata cho rằng, startup là mô hình kinh doanh tiềm năng, nhưng chưa có thành tựu rõ rệt về lợi nhuận.

Startup thành công chủ yếu là nhờ sự kiên trì và tầm nhìn, năng lực của Founders. Vì vậy, sẽ không ngoa nếu khẳng định “đầu tư vào startup chính là đầu tư vào Founders.”

Rất nhiều công ty lớn trên thế giới được xây dựng bởi các Founders xuất thân Engineer nhưng thực tế cho thấy rằng, không phải Nhà đầu tư nào cũng tự tin rót vốn vào các kỹ sư tiềm năng này.

Đa phần người làm kỹ thuật thường rất chỉn chu trong việc làm sản phẩm nhưng chưa chuyên sâu về các vấn đề, kỹ năng kinh doanh.

Với kinh nghiệm làm việc với rất nhiều các công ty, tập đoàn, quỹ đầu tư, theo ông Iwata, Founder là Engineer có những điểm bất lợi sau:

Với các Founder là dân kinh doanh, đa phần họ xuất thân từ Sale, đã từng đi gọi vốn và bị từ chối rất nhiều lần. Dường như, “bị từ chối” đã trở thành một chuyện rất đỗi bình thường với họ. Tuy nhiên, với các Founder xuất thân Engineer – những người đầu tư thời gian trau chuốt sản phẩm, thì việc bị từ chối rất dễ khiến họ nản lòng.

Ông Iwata cũng gợi ý cách khắc phục điểm yếu này là chủ động “bị từ chối” càng nhiều càng tốt. Sau mỗi lần như vậy, các Founder nên chủ động hỏi rõ ý kiến nhận xét từ nhà đầu tư và lý do họ từ chối. Điều này không chỉ giúp các Founder nhận được nhiều ý kiến quý báu cải tiến sản phẩm mà còn gây thiện cảm rất lớn với các nhà đầu tư.

Ông Shin Iwata, sáng lập quỹ đầu tư Nhật Bản Miraise đồng thời là Giám đốc Điều hành tại Skype Nhật Bản

Ông Shin Iwata, sáng lập quỹ đầu tư Nhật Bản Miraise đồng thời là Giám đốc Điều hành tại Skype Nhật Bản

Ông Shin Iwata đã phát triển các mối quan hệ quan trọng tại địa phương để giúp công ty nước ngoài phát triển thành công tại Nhật Bản. Ông là một phần không thể thiếu trong việc thiết lập quan hệ đối tác tích hợp truyền hình toàn cầu quan trọng cho Panasonic VIERA và Sony BRAVIA và xây dựng mối quan hệ bền chặt với các nhà mạng không dây bản địa. SmartNews, Rovio, Gengo và Supercell đã được hưởng lợi từ kinh nghiệm của ông khi họ mở rộng quy mô kinh doanh sang thị trường Nhật Bản.

Các Founder cũng cần trực tiếp đặt vấn đề: “Nếu trong thời gian tới, sản phẩm khắc phục được những điểm yếu hiện tại thì Nhà đầu tư có thể cân nhắc rót vốn.” Và đặc biệt, sau khi tham gia các chương trình gọi vốn, các Founder nên gửi email cảm ơn tới các Quỹ đầu tư vì sự thẳng thắn và góp ý của họ.

Các Founder là Engineer rất thành thạo về kỹ năng chuyên môn nhưng đôi khi chưa tự tin trong các kỹ năng mềm rất cần thiết khi gọi vốn như giao tiếp, thuyết trình, đàm phán, hoạch định tài chính… Cách tốt nhất để khắc phục đó là tìm kiếm các cố vấn, chuyên gia, mentor hoặc cộng sự về những mảng này.

Mặc dù vậy các Founder xuất thân Engineer cũng có những điểm mạnh. 

Thứ nhất, trong dịch Covid -19, các kỹ sư, lập trình viên rất dễ dàng tìm kiếm công việc và cơ hội mới dù trong hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, họ sẽ luôn kiên nhẫn chuyển hóa các sản phẩm, dịch vụ từ nền tảng offline sang online để đáp ứng nhu cầu thị trường khi đó.

Thứ hai, bản thân Founder là Engineer đã tạo nền tảng vô cùng vững chắc cho công ty và đặc biệt là giúp công ty tiết kiệm một chi phí lớn, không cần phải thuê kỹ thuật bên ngoài. Các yếu tố về cải tiến sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường cũng được các Founder cập nhật mới mỗi ngày, giúp sản phẩm không ngừng cải tiến. Hoàn thiện sản phẩm chính là chìa khóa thành công của các Startup.

Thứ ba, với các Startup Công nghệ, Founder là Engineer luôn có rất nhiều sự lựa chọn về việc chọn đội nhóm làm cùng cũng như tìm nhà đầu tư. Ví dụ, nếu dự án hiện tại chạy không ổn, vì nắm trong tay công nghệ nên họ rất dễ dàng lựa chọn các đơn vị hợp tác khác để cùng xây dựng ước mơ. Qua mỗi lần thất bại hoặc bị các quỹ đầu tư từ chối, họ có thể ngày càng cải tiến sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Thứ tư, các Founder xuất thân là Engineer có thể không chuyên sâu về bán hàng, nhưng tư duy về sản phẩm cực kỳ tốt. Họ luôn cố gắng, nỗ lực để tạo ra các sản phẩm xuất chúng với tính năng phù hợp với người dùng.

Kỹ năng gọi vốn

Sau khi nhìn rõ các ưu - nhược điểm của Founder xuất thân Engineer, ông Iwata tiết lộ một số cách để thu hút các quỹ, nhà đầu tư.

Bên cạnh sự phát triển sản phẩm, Founder phải tìm được cộng sự tin tưởng để hoạch định về tài chính. Có nhiều quỹ đầu tư muốn lấy phần lớn cổ phần công ty, khiến các Founder cảm thấy mất quyền quyết định trong chính doanh nghiệp của mình.

“Đừng để mất tự chủ vì chính sự chủ động làm nên sức mạnh của các Founder khi vận hành doanh nghiệp. Khi nhận được nhiều lời đề nghị rót vốn, doanh nghiệp cần cân nhắc giữa các quỹ, xem kế hoạch của mình hiện tại như thế nào, có phù hợp với các hứa hẹn của họ trong tương lai không”, ông  Iwata cho biết.

Sau vòng gọi đầu tiên, các Founding engineers/CTO nên giữ được khoảng 80-85% cổ phần.

Ví dụ, bạn đặt ra là 1 triệu USD cho 20% cổ phần trong vòng 6 tháng, nếu các quỹ yêu cầu mức phần trăm cao hơn thì hãy chủ động đặt ra một KPI gần nhất bạn có thể đạt được và giúp họ tin tưởng đầu tư tiếp tục vào thời gian sắp tới. Đó là cách chứng minh cho các nhà đầu tư thấy được tiềm năng trong tương lai của startup. Việt đặt KPI với nhà đầu tư cũng giúp bạn lấy lòng tin và gọi được số vốn lớn hơn rất nhiều ở các vòng chỉ sau 2-3 tháng.