Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

GS Vũ Hà Văn: Tạo những điều kiện tốt nhất để nhà khoa học tập trung nghiên cứu

See this content in the original post

Theo GS Vũ Hà Văn, lương cứng của các nhà khoa học Việt Nam thấp, vì vậy, quỹ VINIF sẽ tạo những điều kiện tốt nhất có thể để các nhà nghiên cứu dám làm những điều mà trước đây họ không có điều kiện thực hiện.

Hơn 4 tháng sau sự kiện Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) công bố tài trợ 20 dự án khoa học và công nghệ mà giới nghiên cứu vẫn gọi là "chưa từng có ở Việt Nam", vị giáo sư nổi tiếng, đồng thời là Giám đốc khoa học của Quỹ VINIF mới có dịp ngồi lại để trải lòng về quãng đường đã qua và cả những ấp ủ cho tương lai.

Làm nhanh nhưng phải “chất”

- Nhiều chủ nhiệm dự án khi nhìn lại quãng thời gian chỉ 6 tháng từ xét duyệt tới lúc giải ngân vẫn chưa hết ngạc nhiên và cho rằng đó là kỷ lục. Điều này hoàn toàn khác so với cách làm của các quỹ khác tại Việt Nam. Sự thần tốc này liệu có đi đôi với chất lượng không, thưa ông?

Chất lượng là điều chúng tôi coi trọng nhất. Chúng tôi xét chọn theo 3 vòng. Vòng đầu tiên đã được thực hiện với sự tham gia chấm điểm của chuyên gia từ các trường và viện nghiên cứu, các trường đại học trong nước. Sau đó, chúng tôi mời 40 nhà khoa học nước ngoài từ các trường nổi tiếng trên thế giới đến thẩm định. Mỗi dự án qua các vòng đều có ít nhất 3 người thẩm định. Đến vòng cuối, chúng tôi mời tất cả các chủ nhiệm dự án đến để thuyết trình bảo vệ trước hội đồng do Viện (Big Data) thành lập.

Tiêu chí lựa chọn dự án là phải mới và có tính nghiên cứu cơ bản, đồng thời có định hướng ứng dụng. Kết quả đầu ra của dự án ngoài ấn phẩm trên các tạp chí uy tín, yếu tố quan trọng nữa là dự án phải hướng tới sản phẩm cụ thể, tức là phải có khả năng ứng dụng được trong công nghệ, công nghiệp của Việt Nam. Thêm nữa, chủ nhiệm dự án phải trả lời được câu hỏi về định hướng ngắn hạn, trung hạn và dài hạn: sau 2-3-5 năm, bước tiếp theo của bạn là gì? Chủ nhiệm dự án phải có tầm nhìn xa, chứ không chỉ nghĩ tới việc làm dự án, báo cáo xong kết quả là dừng lại.

- Ông đánh giá thế nào về các dự án gửi xét duyệt nhưng không được chọn để nhận tài trợ? Những dự án này có thể hoàn thiện để tham gia tiếp vào năm sau không?

Với những người chưa được tài trợ năm nay, chúng tôi khuyến khích mọi người tiếp tục tham gia vào năm sau, đặc biệt là các dự án đã lọt vào vòng cuối cùng. Đây là những dự án rất chất lượng, tiệm cận 20 dự án được chọn. Tất nhiên, các dự án này sẽ phải cập nhật lại tính mới, tính sáng tạo cho phù hợp với sự phát triển rất nhanh của khoa học, đặc biệt trong lĩnh vực Dữ liệu lớn và Trí tuệ nhân tạo mà chúng tôi quan tâm.

- Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup có ràng buộc hay cam kết gì với những người nhận tài trợ không, thưa ông?

Quỹ trao trách nhiệm cho các chủ nhiệm dự án chủ động thực hiện chương trình của mình. Bên cạnh đó, đội ngũ cố vấn dự án do Quỹ tuyển chọn sẽ hỗ trợ, cố vấn cho dự án theo chu kỳ nhất định. Sau khoảng 1/3 thời gian thực hiện dự án, phía Quỹ sẽ tiến hành đánh giá, kiểm tra tiến độ.

Đầu ra của dự án sau khi nghiệm thu sẽ được bàn giao cho viện, trường và các nhà khoa học. Nhà nghiên cứu hoàn toàn sở hữu các sản phẩm trí tuệ của mình.

Nơi các nhà khoa học dám làm

- Là nhà khoa học nhiều năm nghiên cứu ở nước ngoài, ông đánh giá, mô hình Quỹ VINIF đã tiệm cận với thế giới chưa?

Quỹ mới hoạt động năm đầu tiên, thậm chí không có thời gian chạy đà. (Các quỹ tương tự ở VN hay trên thế giới thường có thời gian chạy đà/chuẩn bị từ một đến hai năm.) Bởi vậy, sẽ có những vấn đề chúng tôi cần tối ưu. Nhưng ở một số điểm mấu chốt, mô hình của VINIF có ưu điểm hơn các quỹ trước nó.

Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ (The National Science Foundation - NSF), một trong những quỹ lớn của Mỹ và thế giới, chỉ xét duyệt 1 vòng. Quỹ này yêu cầu nộp dự án từ tháng 10, tới tháng 12, hội đồng sẽ mời các chuyên gia tới đọc một lượt, chấm điểm rồi quyết định trong một vòng xét duy nhất.

Trong khi ấy, ngoài hai vòng chấm điểm của các chuyên gia trong nước và quốc tế, VINIF có thêm phần thuyết trình bảo vệ dự án của các chủ nhiệm dự án trước hội đồng. Người làm dự án sẽ có cơ hội thể hiện trực tiếp ý tưởng của mình để hội đồng hiểu và đánh giá sát thực tế hơn.

Ngân sách tài trợ nghiên cứu đến từ tập đoàn tư nhân nên giảm thiểu được nhiều thủ tục, giấy tờ. Mức hỗ trợ, về tài chính, nếu tính theo tháng lương của nhà nghiên cứu, thì cao hơn mức ở Mỹ rất nhiều. Lương cứng của các nhà khoa học Việt Nam thấp, họ không thể tập trung nghiên cứu mà thường phải làm nhiều việc khác để tăng thu nhập. Bởi vậy, chúng tôi để mức tài trợ của quỹ cao hơn mức lương cứng nhiều lần, đảm bảo một cuộc sống tương đối thoải mái trong thời gian làm dự án, để nhà khoa học có điều kiện tập trung toàn lực vào nghiên cứu.

- Nhìn câu chuyện rộng hơn, ông đánh giá thế nào về việc một doanh nghiệp tư nhân bỏ tiền ra tài trợ cho các dự án nghiên cứu khoa học, đặc biệt là khoa học cơ bản - lĩnh vực trước đây rất ít doanh nghiệp tư nhân quan tâm?

VINIF là Quỹ tư nhân lớn nhất ra đời ở Việt Nam về tài trợ khoa học và công nghệ. Việc một tập đoàn tư nhân hỗ trợ cho nghiên cứu khoa học cơ bản ở mức này, như các chủ nhiệm dự án phản ảnh với tôi, là chưa có ở Việt Nam. Bỏ qua vấn đề tài chính, về mặt tư duy đây đã là một bước đột phá rất đáng quan tâm.

Ở phương Tây, việc một doanh nghiệp tư nhân tài trợ trực tiếp vào các trường đại học hoặc lập ra quỹ tài trợ khoa học tương tự như VINIF là chuyện khá phổ biến. Rất nhiều trường đại học có phòng thí nghiệm hay giáo sư hoàn toàn do tư nhân tài trợ. Đó là một cách họ hoàn lại cho xã hội một phần những gì họ có được và cũng là một cách đầu tư vững chắc nhất vào tương lai.

Ở Việt Nam vẫn chưa có văn hóa này. Sự liên kết giữa các doanh nhân hay các tập đoàn lớn với các nhà nghiên cứu hầu như chưa tồn tại. Sự kết nối, nếu có thường chỉ ở mức đặt hàng, tức là doanh nghiệp cần gì thì đặt nhà nghiên cứu làm rồi trả tiền. Chúng tôi hy vọng trong tương lai cách làm này sẽ thay đổi và sẽ xuất hiện thêm những quỹ hay chương trình tài trợ tương tự như VINIF.

- Ông từng bày tỏ, ông mong muốn các nhà nghiên cứu khoa học không còn phải luẩn quẩn với những dự án “chắc ăn”, nghĩa là viết được bài để nghiệm thu được, mà có thể dám làm những điều họ ước mơ. Với VINIF, ông có niềm tin sẽ thay đổi được điều này?

Điều chúng tôi muốn không chỉ là hỗ trợ cho một số dự án cụ thể mà qua đó xây dựng một văn hóa, tác phong, nghiên cứu mới. Từ chuyện xét duyệt đến giải ngân, cho đến tính hiệu quả và chuyên nghiệp của các công trình. Chúng tôi cố tạo những điều kiện tốt nhất có thể cho nhà nghiên cứu có thể chuyên tâm vào dự án của mình. Họ dám làm những điều mà trước đây họ không có điều kiện để thực hiện. Và tất cả chúng ta có cơ sở để hy vọng vào những đột phá mà họ mang tới. 

Bản thân nhà khoa học được tài trợ cũng cần cảm thấy phần trách nhiệm của mình. Với các tài trợ này, chúng tôi hy vọng các nhà nghiên cứu sẽ tạo ra một môi trường, tác phong chuyên nghiệp, và nó sẽ lan toả từ đội ngũ chủ nhiệm dự án tới các nghiên cứu viên trẻ và sinh viên cùng tham gia. Sự khác biệt phải do bản thân nhà khoa học tạo ra, ở trong chính môi trường làm việc của họ.

- Xin cảm ơn ông!

Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) được thành lập ngày 21/8/2018 với chức năng hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, hoạt động dựa trên nguyên tắc phi lợi nhuận. Để được nhận tài trợ, chủ nhiệm dự án phải là nhà khoa học có bằng tiến sĩ, đã có kinh nghiệm và thành tựu; số lượng người nước ngoài tham gia dự án không được vượt quá 30%. Trường hợp chủ nhiệm dự án là người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài, cần có thời gian làm việc trong nước tối thiểu 3 tháng/năm trong thời gian chủ nhiệm dự án. Quỹ sẽ tài trợ hàng năm cho các dự án xuất sắc để thúc đẩy các nghiên cứu đi vào ứng dụng thực tế.  

Mới đây, VINIF đã công bố 20 dự án được tài trợ đợt 1, mỗi dự án nhận mức cao nhất là 10 tỷ đồng.

Các dự án thuộc các lĩnh vực big data, y sinh tính toán, gene và tế bào, khoa học vật liệu, giao thông thông minh, IoT, nhận dạng hình ảnh và xử lý ngôn ngữ tự nhiên... lựa chọn trong số 200 hồ sơ đăng ký sau 6 tháng công bố nhận tài trợ, bởi Hội đồng Khoa học công nghệ của Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF).

GS Vũ Hà Văn sinh ngày 12/6/1970 tại Hà Nội. Ông là nhà toán học hàng đầu thế giới và hiện đang làm giáo sư toán học ở Đại học Yale (Mỹ). Cha của GS Vũ Hà Văn là nhà thơ nổi tiếng Vũ Quần Phương, còn mẹ là dược sĩ Đào Thị Hường.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, GS Vũ Hà Văn được cấp học bổng sang học ở  Đại học Eötvös Loránd, Hungary. Ông nhận bằng tiến sĩ toán học tại Đại học Yale. Sau thời gian nghiên cứu hậu tiến sĩ tại Viện Nghiên cứu cấp cao (IAS) Princeton và tại Ban Nghiên cứu của Microsoft. Từ năm 2001 đến 2005, ông làm việc ở Đại học California tại San Diego. Từ mùa thu năm 2005, ông trở thành giáo sư toán học tại Đại học Rutgers.  Đến năm 2011, Vũ Hà Văn trở thành giáo sư Đại học Yale.

Long Hiệp

See this content in the original post

Xem thêm

See this gallery in the original post