Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Các nhà khoa học Việt Nam trồng được sâm quý dưới mái che nhân tạo

See this content in the original post

Đây cũng là lần đầu tiên cây sâm được di thực thành công đến nơi có độ cao thấp hơn, khí hậu có nhiệt độ trung bình cao hơn và cách xa vùng sâm bản địa Ngọc Linh.

GS.TS Nguyễn Minh Đức và TS Lê Thị Hồng Vân tại vườn sâm Việt Nam ở Lâm Đồng

Đưa sâm rừng về trồng… dưới mái che

Theo các nhà khoa học, sâm Việt Nam được phát hiện tại đỉnh núi Ngọc Linh (Gia Lai - Kon Tum) ở độ cao 1.800m vào năm 1973, nên được gọi là sâm Ngọc Linh. Đây là một vị thuốc ‘giấu’ của người dân tộc Sê Đăng sống trên dãy Trường Sơn, dùng để tăng cường sinh lực và chữa nhiều bệnh tật. Sâm Ngọc Linh có hơn 50 loại saponin và là loại sâm có hàm lượng saponin lớn nhất thế giới. Đây là hoạt chất chính tạo nên những công dụng kỳ diệu của sâm như tăng lực, kích thích thần kinh trung ương; chống stress, oxi hóa; kích thích miễn dịch, giúp hạ đường huyết, kháng khuẩn…

Hiện nay, sâm được trồng chủ yếu bằng hạt dưới tán rừng tự nhiên, tập trung tại vùng núi Ngọc Linh thuộc hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Theo TS. Lê Thị Hồng Vân, Đại học Y Dược TPHCM, nếu trồng ở độ cao 1.800m, hàm lượng và thành phần saponin (đạt khoảng 20% ở cây 6 tuổi) trong sâm trồng tại Trà Linh (Quảng Nam) giống sâm thiên nhiên. Nếu trồng ở độ cao thấp hơn thì hàm lượng saponin thấp hơn nhiều và bộ phận dưới đất kém phát triển.

Tuy nhiên, sâm Ngọc Linh trồng theo phương pháp truyền thống dưới tán rừng phát triển chậm, cung không đủ cầu nên giá sâm còn cao và dễ bị trà trộn sâm kém chất lượng.

Cách đây 5 năm, nhóm nhà khoa học tại Việt Nam và Hàn Quốc, gồm TS Lê Thị Hồng Vân, GS.TS Nguyễn Minh Đức (Đại học Tôn Đức Thắng), GS.TS Park Jeong Hill (Đại học Quốc gia Seoul), TS Yu Yun Hyun (nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu trồng trọt nhân sâm Hàn Quốc) đã quyết định đầu tư vào nghiên cứu trồng loại sâm quý này.

Nhóm nhà khoa học đã tiến hành khảo sát trong 2 năm ở nhiều vùng đất khác nhau và lựa chọn vùng đất Đạ Sar, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng, nơi có độ cao khoảng 1.400m làm nơi trồng thử nghiệm.

GS.TS Nguyễn Minh Đức cho biết, việc trồng sâm Ngọc Linh ở Lâm Đồng có nhiều thuận lợi như khí hậu mát mẻ, độ cao trung bình khá. Giao thông ở đây cũng tương đối thuận tiện, nhiều vùng đất bằng phẳng, nông dân quen trồng trọt công nghệ cao và được sự ủng hộ của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, việc trồng sâm ở Lâm Đồng cũng có nhiều khó khăn, thách thức. Đó là, độ cao trung bình thấp hơn vùng núi Ngọc Linh. Nhiệt độ trung bình cao hơn vùng Ngọc Linh và có xu hướng tăng dần theo hiệu ứng nhà kính. Các nghiên cứu trồng trọt sâm (dưới tán rừng) trước đó đều chưa mang lại kết quả.

Dựa trên kinh nghiệm từ quá trình nghiên cứu của nhóm về sâm Ngọc Linh, kết hợp công nghệ trồng nhân sâm Hàn Quốc, nhóm đã đưa ra công nghệ thích hợp trồng sâm bằng hạt trên địa hình đất bằng phẳng với thiết kế mái che nhân tạo. Vật liệu, chiều cao, hướng, độ dốc, độ chiếu ánh sáng của mái che được các nhà khoa học nghiên cứu kỹ lưỡng để có thể trồng ở quy mô lớn trên đất bằng phẳng, kiểm soát tối ưu hướng và độ sáng, lượng nước mưa.

Thành công ngoài mong đợi

GS Nguyễn Minh Đức cho biết, việc thử nghiệm trồng Sâm Ngọc Linh bằng hạt trên đất bằng với mái che nhân tạo tại tỉnh Lâm Đồng trong 5 năm qua (2014-2019) cho thấy, trồng sâm Việt Nam theo công nghệ mới hoàn toàn khả thi.

Cây sâm trồng từ hạt có tỷ lệ hạt nảy mầm gần 80%, tỷ lệ cây sống cao (75 - 90%), năng suất cao. Đồng thời, tăng trưởng sinh khối rễ và hàm lượng saponin rất tốt, tương đương với sâm bản địa trồng ở Ngọc Linh. Hạt thu hái từ cây sâm 3 tuổi trở lên khi gieo trở lại có tỷ lệ nảy mầm hơn 80% và cho cây sâm phát triển tốt.

Đây là lần đầu tiên cây sâm được trồng đại trà trên cánh đồng phẳng với mái che nhân tạo. Cũng là lần đầu tiên cây sâm được di thực thành công đến Lâm Đồng là nơi có độ cao thấp hơn, khí hậu có nhiệt độ trung bình cao hơn và cách xa vùng sâm bản địa Ngọc Linh.

Sâm Việt Nam có hơn 50 loại saponin và là loại sâm có hàm lượng saponin lớn nhất thế giới

Mục đích của các nhà nghiên cứu là tạo ra nguồn sâm Việt Nam dồi dào theo công nghệ mới để tăng sản lượng sâm Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn có thể xuất khẩu.

“Ước muốn ban đầu của chúng tôi là sâm Việt Nam được sản xuất đại trà để người dân ai cũng có thể mua được với mức giá hợp lý hơn. Muốn làm được điều này thì phải có nhiều người cùng tham gia trồng trọt và sản xuất lớn”, GS Nguyễn Minh Đức chia sẻ. Chính vì thế, nhóm nghiên cứu có kế hoạch chuyển giao công nghệ cho nông dân và doanh nghiệp đầu tư trồng trọt để phát triển quy mô trồng sâm tại Lâm Đồng và các vùng khác.

Với mỗi cây sâm 3 năm tuổi cho khoảng 30 hạt và giá mỗi hạt giống hiện là từ 100-120.000 nghìn. “Năm 2020, chúng tôi sẽ cung cấp hàng chục nghìn hạt giống, cây sâm giống. Dự kiến trong vòng 5 năm tới thì số lượng sẽ tăng lên hàng triệu hạt và cây giống”, GS Đức nói.

Trong khi đó, TS Hồng Vân cho biết thêm, hiện nay nhóm tiếp tục nghiên cứu chọn lọc giống sâm Việt Nam chất lượng cao, so sánh chất lượng sâm trồng ở Lâm Đồng và các khu vực khác trong nước. “Hiện nay, các nghiên cứu về sâm Việt Nam còn rất ít. Vì vậy, chúng tôi mong muốn được hợp tác với các nhà khoa học trong nước, quốc tế, các trường viện, doanh nghiệp, tiếp tục nghiên cứu để phát triển cây sâm Việt Nam", TS Vân bày tỏ.

Quy trình trồng sâm công nghệ cao này cũng vừa được giới thiệu tại Hội thảo phân tích xu hướng công nghệ “Trồng sâm Việt Nam phi lâm nghiệp” do Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM, thuộc Sở KH&CN TP.HCM tổ chức.

Phương Hà

See this content in the original post

Xem thêm

See this gallery in the original post