Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Cuộc chiến giao hàng ở Hàn Quốc: Startup đối đầu chaebol

See this content in the original post

Dù có tiềm lực mạnh mẽ nhưng các chaebol ở Hàn Quốc lại đang lép vế so với startup trong lĩnh vực giao hàng.

Mua thực phẩm và các đồ tạp hóa trực tuyến đã trở thành thói quen hàng ngày của bà Lim Soo-hyang. Bà nội trợ 40 tuổi này thường đặt mua sữa, đồ ăn nhẹ, mỳ ăn liền và thịt gà cho 6 thành viên trong gia đình qua ứng dụng E-Mart trên điện thoại thông minh.

“Rất đơn giản và thuận tiện. Tôi không thể nhớ được lần cuối tôi ra cửa hàng mua sắm là khi nào nữa”, bà Lim cho hay.

Bà Lim không phải là người duy nhất sử dụng những dịch vụ này. Thị trường giao hàng tại Hàn Quốc vốn đã tăng trưởng mạnh trước Covid-19. Giờ đây, đại dịch càng khiến nhu cầu mua sắm và giao hàng trực tuyến bùng nổ do những quy định làm việc từ xa và giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Theo dữ liệu của chính phủ Hàn Quốc, doanh số bán hàng của 13 nhà bán lẻ trực tuyến trong tháng 7 tăng tới 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh số của 13 nhà bán lẻ truyền thống giảm 2,1%. Công ty bán lẻ trực tuyến SSG.COM thuộc E-Mart có giai đoạn kinh doanh khởi sắc khi doanh thu 6 tháng đầu năm tăng 61% lên 618,8 tỷ won (khoảng 520 triệu USD) so với năm trước.

Nhu cầu gia tăng mạnh đồng nghĩa sẽ dẫn tới nhiều đối thủ cạnh tranh hơn. Giờ đây, các tập đoàn gia đình (chaebol) lớn của Hàn Quốc đang bắt đầu tìm cách giành lấy thị phần từ các startup giao hàng, những công ty khởi nghiệp vốn đã và đang chiếm lĩnh ngành kinh doanh này. Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài cũng không hề giấu diếm ý định mở rộng hoạt động của họ tại thị trường Hàn Quốc.

Các tập đoàn lớn vào cuộc

Naver, công ty internet lớn nhất Hàn Quốc, tháng trước cho biết sẽ mở rộng dịch vụ mua sắm trực tuyến bằng cách đưa ba chuỗi bán lẻ Homeplus, GS Fresh Mall và NH Hanaro Mart cũng như các cửa hàng của Hyundai Department Store lên nền tảng trực tuyến của mình.

Lotte, tập đoàn lớn thứ 5 Hàn Quốc, mới đây cũng tung ra các dịch vụ mới để đáp ứng các nhu cầu gia tăng đột biến. Đối thủ cạnh tranh mà hãng này nhắm tới là những công ty khởi nghiệp như Coupang – startup tỷ USD được SoftBank chống lưng, và Market Kurly.

Coupang – startup tỷ USD được SoftBank chống lưng, và Market Kurly.

Dịch vụ Rocket Fresh của Coupang cam kết thực phẩm tươi mới trong ngày sẽ được giao tới khách hàng ngay đầu giờ sáng hôm sau. Được thành lập năm 2010 bởi người từng là sinh viên đại học Harvard Bom Kim, Coupang hiện là công ty thương mại điện tử lớn nhất Hàn Quốc tính theo doanh thu. Doanh số bán hàng của Coupang tăng 64% lên 7,2 nghìn tỷ won (6 tỷ USD) trong năm 2019. Năm 2018, Coupang đã nhận được khoản đầu tư 2 tỷ USD từ quỹ Vision của SoftBank. Trước đó, SoftBank cũng đã rót cho Coupang 1 tỷ USD hồi năm 2015.

Coupang từ chối tiết lộ mức đóng góp của các mặt hàng thực phẩm và tạp hóa trong doanh thu, tuy nhiên dữ liệu từ chính phủ Hàn Quốc cho thấy các mặt hàng này chiếm tới 20,8% doanh thu bán hàng tháng 7 của 13 nhà bán lẻ trực tuyến.

Tháng trước, giám đốc tài chính Coupang Alberto Fornaro cho hay do tác động từ đại dịch Covid-19, số lượng giao dịch của Coupang tăng 15%, tuy nhiên chi phí quản lý an toàn dự kiến tăng thêm 500 tỷ won (420,4 triệu USD) trong năm nay.

“Chúng tôi sẵn sàng trả các khoản chi phí để đảm bảo an toàn cho 50.000 nhân viên đang làm việc tại cơ sở hạ tầng rộng hơn 2 triệu m2 của chúng tôi”, Fornaro khẳng định trong một email gửi tới nhân viên.

Market Kurly cũng cung cấp dịch vụ giao hàng vào đầu giờ sáng với một loạt các mặt hàng từ bánh kẹo, đồ tráng miệng tới hàng tạp hóa, nhắm tới đối tượng là những gia đình nhỏ bận rộn. Kurly đã giới thiệu dịch vụ “giao hàng sáng sớm” từ hồi năm 2015, với hệ thống giao hàng riêng.

Cựu nhân viên ngân hàng Goldman Sachs Sophie Kim thành lập Market Kurly năm 2014. Từ đó đến nay, startup này vẫn đang không ngừng phát triển. Doanh thu năm 2019 của Market Kurly là 428,9 tỷ won (khoảng 360 triệu USD), gần gấp 3 lần con số 157,1 tỷ won (132 triệu USD) của năm trước đó. Các nhà đầu tư của công ty bao gồm cả hai cái tên Sequoia Capital China và Euler Capital.

Trong khi đó, Coupang đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển thị trường giao hàng tại Hàn Quốc. Để đảm bảo việc giao hàng trong vòng 24 giờ, Coupang thành lập các trung tâm điều phối giao hàng nhanh vào năm 2014 và đến năm 2019, số trung tâm này đã tăng gấp 6 lần, lên tới 168 trung tâm.

“Sở dĩ chúng tôi có thể đạt được tốc độ giao hàng thần tốc này là dựa vào công nghệ cũng như hạ tầng khi chuẩn bị sẵn sàng các mặt hàng mà khách hàng có khả năng sẽ đặt mua”, Bom Kim cho hay trong một tuyên bố hồi tháng 4.

Một trong những công nghệ được Coupang sử dụng là trí thông minh nhân tạo (AI). Startup này cho biết hãng sử dụng AI để dự đoán các đơn hàng của khách, sau đó cho nhập kho trước những mặt hàng này tại các trung tâm giao hàng. Công ty đang có khoảng 2.000 kỹ sư làm việc để đảm bảo mọi quy trình hoạt động một cách trơn tru.

Tuy nhiên, cuộc chơi đang trở nên phức tạp hơn khi những tập đoàn lớn như Naver muốn nhảy vào chia miếng bánh thị phần. Gã khổng lồ internet có một lượng khách hàng khổng lồ và nguồn dự trữ tiền mặt dồi dào. Các nhà phân tích cho rằng Naver có thể thu hút lượng lớn khách hàng nhờ các chương trình khuyến mãi hoàn tiền khủng, bất chấp việc tập đoàn này không có cơ sở hạ tầng logistics riêng.

“Naver Pay dẫn đến hiệu ứng giảm giá và chiết khấu”, Park Jong-dae, chuyên gia phân tích tại Hana Financial Investment cho hay khi đề cập tới dịch vụ thanh toán của Naver. “Dịch vụ này cho phép hoàn thêm tiền từ 2% tới 3%, bên cạnh các khoản hoàn tiền từ 3% tới 5% thông thường. Hầu hết các khoản tiền này đến từ tiền phí mà các nhà bán lẻ phải thanh toán”.

Các nguồn tin trong ngành cho hay, Naver từ lâu đã toan tính tới việc khai thác thị trường thương mại điện tử khi sở hữu lượng dữ liệu khách hàng của hơn 40 triệu người. “Thương mại điện tử vẫn là mơ ước lâu nay của giám đốc điều hành Han Seong-sook”, một nhân viên cấp cao giấu tên của Naver cho hay.

Theo các chuyên gia phân tích, Naver thậm chí còn có tham vọng vươn ra khỏi thị trường nội địa, hướng đến mục tiêu trở thành một gã khổng lồ trong khu vực châu Á.

“Chúng tôi đã đưa Amazon và Alibaba vào nhóm đối thủ ngang hàng của Naver vì hoạt động kinh doanh thương mại của tập đoàn này được kỳ vọng sẽ trở thành động lực tăng trưởng trong tương lai”, nhà phân tích Lee Seung-hoon tại IBK Investment & Securities nói. “Chúng tôi tin rằng tập đoàn này có thể phát triển như một nền tảng toàn cầu, bao trùm các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và khu vực Đông Nam Á khi quá trình tích hợp quản lý của Line hoàn tất”.

Để chống lại những thách thức từ phía Naver, Coupang cho biết sẽ tập trung nhiều hơn vào mảng chăm sóc khách hàng.

“Chúng tôi có kế hoạch mang lại nhiều lợi ích cho nhóm khách hàng thân thiết của công ty”, phát ngôn viên Kim Se-min của Coupang khẳng định. “Chiến lược tốt nhất của chúng tôi vẫn là cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng của mình”.

Doanh nghiệp nước ngoài lấn sân

Đại dịch Covid-19 thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa của thị trường đặt và giao đồ ăn của Hàn Quốc, khi người dân vẫn cảnh giác với việc tới các nhà hàng, quán bar. Ngành công nghiệp giao đồ ăn lâu nay vẫn do Woowa Brothers thống trị. Công ty này đang điều hành Baedal Minjok, gọi tắt là Baemin - ứng dụng giao đồ ăn lớn nhất cả nước.


Tuy nhiên, sự phát triển thần tốc của thị trường này cũng đang dần thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, khi gã khổng lồ Delivery Hero của Đức hồi tháng 12 năm ngoái đã thông báo kế hoạch mua lại 100% quyền sở hữu Woowa với giá 4 tỷ USD.

Delivery Hero dự định mua lại 88% cổ phần Woowa bằng tiền mặt, trong khi 12% cổ phần còn lại đang nằm trong tay ban lãnh đạo của Woowa sẽ được chuyển đổi sang cổ phiếu của Delivery Hero. Theo các điều khoản trong thỏa thuận, Woowa sẽ quản lý hoạt động của Delivery Hero tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Việt Nam, Singapore và Thái Lan.

Tuy nhiên, thỏa thuận này vẫn đang phải chờ cơ quan chống độc quyền Hàn Quốc phê duyệt. Delivery Hero cũng đang vận hành Yogiyo, ứng dụng giao đồ ăn số 2 Hàn Quốc. Năm ngoái, doanh thu của Woowa đạt 565,4 tỷ won (khoảng 475,2 triệu USD), tăng 80% so với một năm trước.

“Thỏa thuận này đồng nghĩa với việc chúng tôi đang được công nhận trên toàn cầu”, một nhân viên cấp cao đề nghị được giấu tên của Woowa cho hay. “Chúng tôi hướng mục tiêu của mình ra bên ngoài đất nước, mong muốn được triển khai các hoạt động kinh doanh của mình trên toàn châu Á”.

Đỗ Hiền

See this content in the original post