Startup Proptech Việt tỏa sáng trong thời kỳ biến động


Trong thời kỳ bình thường mới hay đang chuẩn bị cho làn sóng Covid lần thứ hai, một số startup công nghệ bất động sản (proptech) đã thay đổi và làm mới mình để gọi vốn tiếp tục phát triển và thực tế chứng minh nhiều startup trong lĩnh vực này vẫn nhận được cam kết rót vốn khủng cho thấy tiềm năng của nền tảng này trong tương lai.

Proptech-VN-Featured-Image.jpeg

Theo thống kê không chính thức Việt Nam hiện có 56 startup proptech đang hoạt động, cung cấp nhiều dịch vụ như môi giới, đầu tư, tài trợ tài chính, quản lý tài sản và IoT (internet vạn vật), không gian làm việc chung, xây dựng và tiện ích, công nghệ thực tế ảo, cung cấp dịch vụ định giá và phân tích, quản lý khách sạn, thuê và cho thuê.

Trong 6 tháng đầu năm, nhiều startup công nghệ bất động sản đã gọi được số vốn khủng từ các Quỹ đầu tư mạo hiểm như: Propzy gọi được 25 triệu đô trong vòng Series A do Gaw Capital và SoftBank Ventures Asia, công ty đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu của SoftBank Group. Nền tảng đầu tư bất động sản RealStake nhận vốn từ Quỹ 500 Startups. CenGroup thì rót 1 triệu USD đầu tư vào nền tảng công nghệ Revex. Hay như startup Homebase gọi vốn thành công vòng tiền hạt giống dẫn dắt bởi quỹ đầu tư mạo hiểm Antler, Iterative VC, và một số nhà đầu tư thiên thần chiến lược khác. Trước đó, Hoozing nhận đầu tư từ quỹ Smilegate Investment (SGI) Hàn Quốc, và Rever nhận được 4 triệu USD từ VinaCapital Ventures…

Đó là thành công bước đầu của các startup proptech nhưng để phát triển và vươn xa, các startup tiếp tục đổi mới đặc biệt là trong thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch Covid như hiện nay. Hướng đi của các startup này là gọi vốn, mở rộng phạm vi hoạt động và đang hướng tới mô hình kinh doanh đa mục tiêu, tối đa hóa giá trị cho người sử dụng.

Mở rộng mô hình kinh doanh đa mục tiêu

Propzy Việt Nam mới đây chính thức giới thiệu FIRE-Tech, một nền tảng cung cấp toàn diện các dịch vụ bất động sản, tài chính và bảo hiểm. Các tiện ích FIRE-Tech mang lại bao gồm Pricing Data (dữ liệu giá nhà, đất), Neighborhood Score (dữ liệu tiện ích nội khu, ngoại khu), Condo Hub (cổng thông tin dự án căn hộ) và News & Lifestyle Portal (tin tức mới nhất thị trường và phong cách sống). Theo lãnh đạo Propzy, giá nhà tại Việt Nam đang cao gấp 25 lần so với thu nhập bình quân của người lao động, trong khi vay mua nhà chưa thực sự được hỗ trợ nhiều. FIRE-Tech xuất hiện nhằm mang tới một lựa chọn phù hợp cho người mua nhà, nhất là các bạn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm trong giao dịch mua bán nhà.

“Propzy giải quyết hạn chế này bằng cách đơn giản hóa các giao dịch bất động sản trọn gói từ đầu đến cuối, cũng như các hoạt động hậu cần để hợp lý hóa toàn bộ vòng đời bất động sản như mua, bán, thuê, cho thuê, hệ thống quản lý căn hộ chung cư và quản lý tài sản”, ông John Le, sáng lập và CEO Propzy.vn, chia sẻ.

Theo kế hoạch, Propzy sẽ gia tăng kết nối với các định chế tài chính để tư vấn các giải pháp tín dụng bất động sản phù hợp với nhu cầu thực tiễn của người mua. Startup này cũng khai khác thêm nhiều sản phẩm khác như thuê nhà siêu tốc, thuê căn hộ, thuê mặt bằng kinh doanh để gia tăng độ phủ.

Mở rộng phạm vi hoạt động và tham gia sâu hơn vào các phương thức hỗ trợ tài chính cho người mua còn có Homebase. Proptech này chuyên cung cấp các kế hoạch đầu tư bất động sản được cá nhân hóa, nơi người mua nhà sẽ trả một số cổ phần sở hữu căn nhà mà họ có thể chi trả được, rồi chuyển vào ở ngay lập tức, sau đó, họ có thể tích lũy thêm tiền và dần mua số cổ phần còn lại theo thời gian.


Nền tảng đa kết nối, tất cả trong một

Xu hướng Proptech 2.0

Xu hướng Proptech 2.0

Các chuyên gia nhận định rằng những thay đổi đáng kể trong mô hình hoạt động của các proptech là dấu hiệu cho một làn sóng proptech thứ 2 (Proptech 2.0) với định hướng xây dựng một hệ thống dịch vụ theo kiểu One-Stop Shop. Đó là lý do vì sao ngày càng nhiều công ty proptech tại Việt Nam bắt đầu hợp tác với những tay chơi trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech). Ví dụ, các trang web bất động sản hợp tác với các nhà cung cấp ví điện tử để thu phí dịch vụ dễ dàng hơn từ người dùng.

Các website bất động sản giờ đây không chỉ đơn thuần là tìm kiếm nhà để thuê/mua nữa mà khách hàng có thể trải nghiệm các dịch vụ trọn gói từ lên kế hoạch hoạch định ngân sách và khu vực phù hợp với tình hình tài chính, đến khi xem nhà và quyết định mua và các giai đoạn sau mua như cho thuê sinh lời hay vay vốn để mua….Tất cả chỉ trên một nền tảng duy nhất.

Trong khi đó, việc giãn cách xã hội và hạn chế đi lại do đại dịch đã tạo cơ hội cho các proptech khi thay đổi hành vi người tiêu dùng khiến cho nhu cầu sử dụng các nền tảng kỹ thuật số gia tăng, kích thích các hãng công nghệ phát triển nền tảng gắn kết bên mua – bên bán, hay đảm bảo sự minh bạch cho thị trường nhà đất. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội cho các startup giảm thiểu chi phí và cải thiện tỉ suất lợi nhuận.

Theo ông Phan Nhật Minh, đồng sáng lập Rever, các giải pháp công nghệ giúp tăng năng suất đáng kể trong ngành môi giới bất động sản cũng như tiết kiệm thời gian, chi phí cho người mua và người bán. Thậm chí, một môi giới công nghệ có thể phục vụ lượng khách hàng gấp 10 lần môi giới truyền thống.

Vì vậy, dễ hiểu vì sao trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thị trường gần như đóng băng với nhiều công ty lớn nhỏ tạm dừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô thì một số proptech vẫn nhận được các khoản cam kết rót vốn khủng từ giới đầu tư. Và trước làn song Covid lần thứ 2 tại Việt Nam, các startup proptech chắc chắn đã có kinh nghiệm thích nghi với tình hình mới để phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Hàn Mai