Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Tác động của Trí tuệ nhân tạo và công nghệ đối với xã hội

See this content in the original post

Công nghệ đang làm thay đổi cách chúng ta sống và cách chúng ta giải quyết các vấn đề chưa từng có trước đây. Bên cạnh những mặt tích cực cũng có những thách thức cần khắc phục.

Hiện có ba xu hướng đưa chúng ta đến một nền văn minh hoàn toàn khác so với bất cứ điều gì đã xảy ra trước đây:

Các hệ thống ngày càng có nhiều năng lực

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà các hệ thống không phải con người có thể làm những việc mà trước đây chỉ có con người mới làm được. Thậm chí trong một số trường hợp các hệ thống không phải con người này còn có thể làm tốt hơn chúng ta. Trí tuệ nhân tạo (AI) giờ đây có thể bắt chước lời nói của con người, dịch ngôn ngữ, chẩn đoán bệnh, soạn thảo tài liệu pháp lý và chơi cờ (thậm chí còn đánh bại đối thủ con người). Chúng ta đang ở trong một xã hội mà các hệ thống có thể hoàn thành những nhiệm vụ chúng ta không tin là có thể xảy ra trong thời đại của mình. Khả năng của các hệ thống không phải con người đang ngày càng mở rộng.

Các hệ thống trở nên phổ biến hơn

Theo thời gian, ranh giới giữa trực tuyến và ngoại tuyến, thế giới thực và không gian mạng dần xóa nhòa. Các hệ thống đang trở nên có nhiều khả năng hơn và tích hợp nhiều hơn vào thế giới xung quanh chúng ta. Trước đây từng rất dễ phân biệt cái gì là công nghệ và cái gì không. Nhưng hiện nay và càng về sau, công nghệ sẽ lan toả trong các vật thể hay sản phẩm mà trước đây chúng ta chưa từng nghĩ đến như ngôi nhà thông minh với các thiết bị thông minh và ở không gian công cộng trong các thành phố thông minh dày đặc cảm biến.

Xã hội ngày càng được định lượng

Hiện nay, cứ mỗi vài tiếng đồng hồ chúng ta lại tạo ra nhiều dữ liệu hơn so với trước. Điều đó có nghĩa là khi dữ liệu được thu thập và sắp xếp, những người sở hữu và kiểm soát nó có cái nhìn sâu sắc hơn về những gì chúng ta nghĩ, những gì chúng ta quan tâm, cảm nhận, đi đâu, mua gì, nói gì với ai, làm gì vào lúc nào, có liên hệ với ai. Những thứ chúng ta để lại dấu vết cung cấp một ô cửa nhìn vào tâm hồn của chúng ta (cả cá nhân và tập thể) hơn hẳn bất cứ thứ gì mà các vị vua chúa hay các giáo sĩ trong quá khứ có thể mơ ước.

Ba xu hướng này đang tăng tốc và nhiều khả năng con người chúng ta sẽ phải thay đổi về cách sống. Chúng ta chưa bao giờ phải sống cùng những hệ thống không phải con người mạnh mẽ như vậy. Chúng ta chưa bao giờ biết bị bao quanh bởi công nghệ không bao giờ tắt sẽ như thế nào. Chúng ta chưa bao giờ ở trong một thế giới mà cuộc sống của mình được sắp xếp đến mức độ như vậy.

Công nghệ tạo nên quyền lực. Chúng chứa đựng các quy tắc mà chúng ta phải tuân theo và những người lập ra các quy tắc này ngày càng có quyền lực. Có hai thế lực nắm giữ quyền lực này: các cơ quan quản lý sử dụng công nghệ để giám sát việc thực thi các chính sách và các tập đoàn lớn, cụ thể là các công ty công nghệ hoặc các công ty sử dụng công nghệ áp đặt ngày càng nhiều các quy tắc mà chúng ta phải tuân theo (chẳng hạn như giới hạn 280 ký tự trên Twitter).

Bằng cách thu thập dữ liệu về sở thích, lịch sử duyệt web của chúng ta và ngày càng có nhiều người khác có quyền lực đối với chúng ta. Họ biết những gì làm cho chúng ta quan tâm và họ biết điểm mạnh và điểm yếu của chúng ta. Điển hình như vụ Cambridge Analytica và chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016, công ty này có cả nghìn dữ liệu của khoảng 200 triệu người Mỹ. Điều này cho phép họ đưa hình ảnh của ứng cử viên phù hợp với sở thích và định kiến ​​và thành kiến ​đến từng ​người dùng.

Tóm lại, càng nhiều dữ liệu về chúng ta được thu thập, người khác càng dễ thuyết phục, gây ảnh hưởng và thao túng chúng ta. Hơn nữa, nên biết rằng dữ liệu được thu thập có khả năng thay đổi hành vi của chúng ta. Nhiều người không thể hiểu được mức độ giám sát đã diễn ra. Nếu nhận thức rõ hơn về việc hiện chúng ta uôn bị theo dõi, chắc hẳn mọi người sẽ bắt đầu thay đổi hành vi của mình. Bản thân nó đây là một loại sức mạnh, mặc dù tinh tế nhưng quan trọng.

Chúng ta hiện đang phụ thuộc vào các bên thứ ba để biết những gì đang xảy ra trên thế giới và thường qua trung gian công nghệ kỹ thuật số. Khi nhận được tin tức từ một nguồn tin, chúng ta sẽ phải chịu sự chi phối của các nhà công nghệ, họ quyết định những lát cắt thực tế rất nhỏ trình bày cho chúng ta. Phải thừa nhận rằng những người sở hữu và kiểm soát các công nghệ sàng lọc nhận thức của chúng ta về thế giới là rất có quyền lực bởi vì họ định hình cảm xúc sâu thẳm và tâm hồn của chúng ta cũng như nhận thức tập thể của chúng ta.

Điều gì sẽ xảy ra khi sống trong một thế giới mà những thứ quan trọng như công việc, bảo hiểm hoặc tín dụng bạn đều phải tiếp cận qua trung gian các thuật toán mà bản thân chúng không nhất thiết phải công tâm theo chuẩn mực đạo đức hay luật pháp? Ví dụ, đã có những hệ thống nhận dạng khuôn mặt không “nhìn ra” người da màu vì chúng được đào tạo với bộ dữ liệu của người da trắng. Tương tự, hệ thống nhận dạng giọng nói có thể vất vả để hiểu giọng nói có dấu.

Một cá nhân đơn lẻ không có khả năng giải quyết những vấn đề trên, mà phải thông qua các phương tiện và cơ chế tập thể. Nếu bạn muốn thay đổi luật chơi cho mọi người, thì luật pháp và quy định là cách duy nhất để làm điều đó.

Mặc dù một số người tỏ ra thận trọng với việc các chính phủ thiết lập các quy định và ranh giới cho công nghệ, nhưng chúng ta phải có niềm tin vào bộ máy nhà nước nếu chúng ta muốn đảm bảo mình sẽ không sống trong một thế giới bị bao quanh bởi các thế lực vô hình và nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta bởi vì chúng tập trung trong tay tư nhân.

P.Uyên

See this content in the original post

Xem thêm

See this gallery in the original post