Sở KH&CN: Khai mạc Chợ công nghệ và thiết bị chuyên ngành Công nghệ sinh học
Thực hiện kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ đổi mới sáng tạo năm 2020 của Sở KH&CN TP.HCM, với mục tiêu thúc đẩy phát triển thị trường nhằm hỗ trợ kết nối nghiên cứu và sản xuất, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM - Sở KH&CN TP.HCM tổ chức “Chợ công nghệ và thiết bị chuyên ngành Công nghệ sinh học” (Techmart Công nghệ sinh học), diễn ra từ ngày 5-6/11/2020 tại Sàn giao dịch công nghệ TP.HCM, 79 Trương Định, phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM.
Chợ công nghệ và thiết bị chuyên ngành Techmart là sự kiện thường niên do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI) tổ chức. Sự kiện nhằm hỗ trợ đưa công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ ra thị trường, phục vụ nhu cầu ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Trong những năm gần đây, Techmart còn là cơ hội để các doanh nghiệp khởi nghiệp tìm kiếm đối tác đầu tư, hợp tác để phát triển sản phẩm, ý tưởng sáng tạo và phát triển kinh doanh.
Techmart Công nghệ sinh học gồm 3 hoạt động chính: Trưng bày, giới thiệu công nghệ và thiết bị; Hội thảo trình diễn công nghệ; Tư vấn chuyên gia về công nghệ.
Hơn 100 công nghệ và thiết bị của các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ và các nhóm khởi nghiệp tại TP.HCM được trưng bày, giới thiệu tại Techmart công nghệ sinh học đã sẵn sàng cung cấp, chuyển giao cho khách hàng.
Phát biểu tại buổi khai mạc, ông Nguyễn Kỳ Phùng - Phó giám đốc Sở KH&CN TP.HCM cho biết, trong xu thế thế giới đang hướng tới phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế nền tảng sinh học, công nghệ sinh học ngày càng đóng vai trò quan trọng và được kỳ vọng là một trong những nhân tố quyến định sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Ông Phùng cũng chỉ ra rằng, mặc dù năng lực nghiên cứu, triển khai công nghệ sinh học của nước ta hiện nay đã tiến được một bước khá dài: từ chỗ chúng ta chỉ tiến hành những nghiên cứu đơn giản và thường dừng lại ở phòng thí nghiệm, đến nay chúng ta đã có nhiều công trình nghiên cứu công nghệ cao được thế giới công nhận và nhiều công nghệ đã được đưa vào sản xuất. Tuy nhiên phải nhìn nhận một cách khách quan, lĩnh vực nghiên cứu và triển khai công nghệ sinh học của chúng ta còn hạn chế, trang thiết bị hiện đại phục vụ còn chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Thông qua sự kiện lần này, ông Phùng kỳ vọng Techmart chuyên ngành công nghệ sinh học sẽ thúc đẩy hoạt động ứng dụng công nghệ, ứng dụng đổi mới sáng tạo cũng như hỗ trợ quá trình mua bán, chuyển giao công nghệ và thu hút hơn nữa đầu tư vào lĩnh vực công nghệ sinh học.
Các công nghệ sinh học tại Techmart khá đa dạng, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác khau từ y tế, nuôi, trồng chế biến thủy hải sản đến môi trường… Việc ứng dụng công nghệ sinh học đã góp phần quan trọng trong tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, đóng góp thiết thực vào chuyển đổi cơ cấu kinh tế; tạo ra các công nghệ sản xuất các chế phẩm bảo vệ cây trồng, vật nuôi; các công nghệ bảo quản và chế biến nông – lâm – thủy sản nhằm đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm xuất khẩu và phục vụ tiêu dùng trong nước.
Một số công nghệ nổi bật tại Techmart như: Công nghệ sản xuất tế bào gốc trung mô từ mô dây rốn người (UC-SCI); Công nghệ sản xuất tế bào gốc trung mô từ mô mỡ người (AD-SCI); Công nghệ nano và công nghệ lượng tử trong chế tạo chế phẩm nano sinh học; Công nghệ RAPID'Chromogenic để phát hiện, phân lập, đếm các loại vi sinh vật gây bệnh trong thực phẩm và môi trường; Công nghệ thủy phân phụ phẩm chế biến thủy hải sản…
Bên cạnh đó, Techmart công nghệ sinh học còn giới thiệu đến khách hàng những thiết bị như: máy Real time PCR giá thành thấp BERT 1; máy Tách chiết DNA tự động Tigers, máy soi tĩnh mạch, máy soi sâu răng; Tủ an toàn sinh học cấp II; Tủ cấy vi sinh; Thiết bị xử lý nước cấp, khí thải, khí cấp, nước thải, rác thải và trang thiết bị phòng thí nghiệm thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học; thiết bị tưới Netafim - Israel; thiết bị chưng tinh chế dầu thực vật để sản xuất dầu ăn EPSCO; tủ cấy vi sinh thổi đứng TTS-V1000; máy khử khuẩn không khí; thiết bị phun sương khử mùi hôi; thiết bị nuôi cấy vi sinh (Bioreactor) để nuôi cấy trùng thảo; máy tách đá, loại bỏ tạp chất không mong muốn trong các ngành sản xuất gia vị, tinh dầu; máy iCheck Strip Reader, phân tích độc tố nấm trong thực phẩm, dư lượng thuốc trừ sâu, chất kháng sinh; máy EnSURE Touch, phân tích sự hiện diện của vi sinh vật, và phân tích các chỉ số nhiễm vi sinh vật.
Ngoài ra, Techmart cũng trưng bày và giới thiệu các bộ Kit như: bộ kit xét nghiệm các bệnh di truyền: bệnh ung thư, tim, khiếm thính, thalassemia, cao cholesterol,…bộ kit phân tích các đặc điểm về dinh dưỡng, thể chất, làn da, dị ứng, tính cách cho người lớn và trẻ em; bộ kit tầm soát đột biến gene gây bệnh ở người; bộ KIT phân tử phát hiện nhanh bắp biến đổi gen; bộ KIT phát hiện và định danh vi khuẩn gây bệnh trong thực phẩm, Test Kit kiểm tra sản phẩm thủy sản tôm, cá…
Chương trình Techmart Công nghệ sinh học trong 2 ngày 5-6/11/2020
THỨ NĂM, 5/11/2020
Sáng:
1. Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ phát hiện các bệnh về da và kết nối bác sĩ da liễu - TS. Ngô Thanh Hoàn - Khoa Kỹ thuật Y Sinh, Đại học Quốc Tế, Đại học Quốc Gia TP. HCM - Hội trường tầng trệt;
2. Ứng dụng công nghệ tế bào gốc và công nghệ nano trong thẩm mỹ - Bà Phùng Thị Thảo Nguyên, Phó phòng chuyên môn, Công ty TNHH Mediworld - Hội trường tầng trệt;
3. Công nghệ tế bào gốc trung mô từ dây rốn người trong sản xuất thuốc điều trị các bệnh bệnh do xương khớp và hỗ trợ làm lành vết thương- Phạm Văn Phúc, Viện trưởng, Viện tế bào gốc, Trường Đại học KHTN TP.HCM - Hội trường tầng trệt;
4. Nhiễm khuẩn bệnh viện và CRE - Ts.Bs. Nguyễn Thị Thanh Hà- Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Tp.HCM, Phó trưởng bộ môn KSNK Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch; Nguyên trưởng khoa KSNK Bệnh viện Nhi Đồng 1 - Hội trường lầu 4;
5. Công bố kết quả nghiên cứu phát triển đĩa CRE sản xuất tại Việt Nam - Ths.Trần Chí Thành - Giảng viên Doanh nhân / Đại học Nguyễn Tất Thành, Nghiên cứu viên chính / Viện Nghiên cứu Y học Đinh Tiên Hoàng, Cộng tác nghiên cứu / Viện Karolinska Thuỵ Điển - Hội trường lầu 4;
6. Giới thiệu chế phẩm Limo Aga 3000mlg/kg trị sâu rầy; Chế phẩm Limo EI giúp tăng hiệu suất phân đạm và dầu Neem Aga 3000mlg/kg trị bệnh nấm - Trần Kim Qui, Giám đốc Công ty CP KHCN Hóa Sinh - Hội trường lầu 4;
Chiều:
1. Ứng dụng công nghệ nano, công nghệ lượng tử trong điều trị ung thư và các bệnh do vi khuẩn, virus - TS. Hoàng Thị Thu, giảng viên, Viện Vật lý Thành phố Hồ Chí Minh - Hội trường tầng trệt;
2. Công nghệ xử lý nước thải thủy hải sản bằng vi sinh vật chịu mặn - PGS.TS. Lê Hùng Anh, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ & Quản lý Môi trường (Trường Đại học Công nghiệp TP. HCM)- Hội trường tầng trệt;
3. Ứng dụng công nghệ xanh - lọc nước tuần hoàn trong nuôi trồng thuỷ hải sản- ThS. Lê Hạnh, Nghiên cứu viên, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II - Hội trường tầng trệt;
4. CoXplore - Ứng dụng nền tảng kết nối những không gian làm việc kiểu mới sử dụng công nghệ QR code - Hương Nguyễn -Founder & CEO, Công ty Cổ phần CoXplore Việt Nam - Hội trường lầu 4;
5. Hana- Chatbot trợ lý thông minh - Trương Công Hải, CEO & Founder, Công ty CP Công nghệ MIDES - Hội trường lầu 4;
6. Enmasys - Phần mềm quản lý doanh nghiệp (CRM, HRM) - Trần Quang Ngọc, Co Founder & CTO, Công ty TNHH Công nghệ ENMASYS - Hội trường lầu 4;
THỨ SÁU, 6/11/2020
Sáng:
1. Ứng công nghệ nuôi cấy vi tảo trên hệ thống 2 lớp màng dùng làm thức ăn nuôi trồng thủy hải sản - PGS.TS Trần Hoàng Dũng, Trưởng khoa CNSH, ĐH Nguyễn Tất Thành - Hội trường tầng trệt;
2. Qui trình tạo chế phẩm vi sinh xử lý amonia trong ao tôm thẻ chân trắng- Ths. Trương Phước Thiên Hoàng, Công ty TNHH BIO Nông Lâm- Hội trường tầng trệt;
3. Giải pháp dùng tỷ lệ đồng vị Carbon C13 xác định đạm trong thức ăn chăn nuôi, phân bón, thực phẩm..., Ông Bui Henry Hoang Xuan - Giám đốc Công ty TNHH MTV KHCN Hoàn Vũ- Hội trường tầng trệt;
4. Giải pháp nông nghiệp thông minh APPA Smart Farm - Phạm Hữu Việt, CEO APPA Group - Hội trường lầu 4;
5. Công nghệ F.AI cho hệ thống trường học - Trịnh Minh Trí, Trưởng nhóm Kinh doanh Công ty CP Titkul – Hội trường lầu 4;
6. Catback - Nền tảng mua sắm hoàn tiền - Minh Quang - Marketing Manager, Catback
7. Gannha.com - Thiết bị hiển thị thông minh tích hợp và điều hướng IoT - Nguyễn Trung Khánh – CEO, Công ty CP Công nghệ TK 25 – Hội trường lầu 4;
Chiều:
1. Công nghệ ứng dụng tinh dầu và màng bao trong bảo quản thực phẩm - Th.S. Liêu Mỹ Đông, Bộ môn Khoa học thực phẩm - Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - Hội trường tầng trệt;
2. Quy trình công nghệ xử lý phân heo bằng trùn quế tạo ra phân bón hữu cơ vi sinh - Lê Minh Vương, Quản lý sản xuất, Công ty CP trùn quế Việt Nam - Hội trường tầng trệt;
3. Quy trình công nghệ sản xuất chế phẩm nano Cu2O-Cu/Alginate phòng trừ bệnh đốm nâu trên thanh long, bệnh đạo ôn và bạc lá trên lúa - ThS. Lê Nghiêm Anh Tuấn, nghiên cứu viên của Viện Khoa học Vật liệu lý Ứng dụng - Hội trường tầng trệt;
4. Dr.Râu sản phẩm dược, mỹ phẩm - Ứng dụng các chiết xuất và tinh dầu thảo dược- Thạc sĩ Dược sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền, Giảng viên Doanh nhân, Đại học Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Cty TNHH Dược phẩm OceanPharm– Hội trường lầu 4;
5. Cơ hội hợp tác và phát triển kinh doanh sản phẩm Dr.Râu - Ths. Huỳnh Hồng Mai - PTP Quan hệ DN - Việc làm SV; PGĐ TT Sáng tạo và Ươm tạo khởi nghiệp - Đại học Nguyễn Tất Thành– Hội trường lầu 4;
6. Ứng dụng sản phẩm nano trong trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản - Đỗ Lương Trường,
Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, Công ty CP Dược Miphar - Hội trường lầu 4;
7. Sản phẩm bao bì bảo quản thực phẩm làm từ tinh bột sắn mì công nghiệp - Lê Đăng Khoa, chủ tịch HĐQT, GALAXYBIOTECH– Hội trường lầu 4;
8. Chế phẩm thủy phân phụ phẩm thủy hải sản - Đặng Văn Vụ, Giám đốc Bio Yersin– Hội trường lầu 4;
Tư vấn chuyên gia về công nghệ
Nhằm thúc đẩy quá trình kết nối, giao dịch giữa nhà cung cấp công nghệ và khách hàng, Techmart công nghệ sinh học tổ chức khu vực tư vấn chuyên gia trong suốt hai ngày diễn ra Techmart. Đội ngũ chuyên gia không chỉ tư vấn về 100 công nghệ được trưng bày, giới thiệu tại Techmart mà còn giúp khách hàng giải đáp những vướng mắc trong quá trình tìm hiểu, mua bán, chuyển giao các công nghệ thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học. Trong đó:
1. TS. Trần Thị Ngọc Lan, Giảng viên, Đại học Bách Khoa TP.HCM, tư vấn quản lý chất lượng nước trong thủy hải sản và cá cảnh: Kit đo nhanh, Máy đo ôxy hòa tan, Dụng cụ đo độ muối, ... ; Vật liệu nano: chất lượng và ứng dụng của nano bạc. Nano bạc diệt vi khuẩn, nấm mốc và virus cực mạnh kể cả các loại đã kháng thuốc, nên được dùng như chất khử trùng và thuốc kháng sinh thế hệ mới trong dược phẩm và mỹ phẩm; Quản lý chất lượng môi trường không khí.
2. PGS. TS. Nguyễn Đức Hoàng, tư vấn về lựa chọn chủng chủ và cách thức tạo chủng vi sinh vật biểu hiện protein tái tổ hợp; sản xuất protein tái tổ hợp ở vi sinh vật; tư vấn về lựa chọn và phát triển phương pháp kiểm nghiệm vi sinh vật; ứng dụng của vi sinh vật trong nông nghiệp.
3. Tiến sĩ, NCVC, Lê Văn Minh, Tư vấn kiểm nghiệm dược liệu bằng kỹ thuật sinh học; Quy trình và thiết bị xây dựng DNA mã vạch cho dược liệu; Xây dựng kỹ thuật xác định nhanh dược liệu quý hiếm bằng kỹ thuật khuếch đại đẳng nhiệt; Kiểm định dược liệu kết hợp các phương pháp khác.
4. Th.S Trần Chí Thành, Giảng viên Doanh nhân, Đại học Nguyễn Tất Thành, tư vấn dịch vụ/ quy trình thử nghiệm lâm sàng đối với các chế phẩm sinh học ứng dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe con người; Tư vấn quy trình/ dịch vụ thử nghiệm lâm sàng đánh giá hiệu quả sử dụng của các chế phẩm, các máy móc thiết bị... dùng trong y tế.
5. ThS. NCS. Nguyễn Thị Ngọc Nhi,Trường Đại học Thủ Dầu Một, Tư vấn Công nghệ Thực phẩm - Công nghệ lên men: Quy trình và thiết bị trong công nghệ chiết xuất và cô đặc cao (nấm dược liệu và thảo dược); Quy trình và thiết bị sản xuất tinh dầu, tư vấn quy trình công nghệ lên men vi sinh bằng hệ thống Bioreactor; Tư vấn quy trình sản xuất các loại nấm ăn và nấm dược liệu...
6. ThS.NCS. Lê Thị Thanh Tâm, Đại học Y dược tư vấn về chế phẩm sinh học trị liệu; Thủ tục pháp lý thử nghiệm 4 pha; Thủ tục xin số lưu hành thị trường
7. TS. Nguyễn Thị Mỹ Trinh, Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM tư vấn các quy trình và thiết bị liên quan đến việc phân lập, nuôi cấy và xác định sự hiện diện của vi sinh vật; quy trình và thiết bị liên quan đến sản xuất protein tái tổ hợp; Phương pháp đánh giá hoạt tính kháng khuẩn và kháng ung thư của các chất
8. PGS. TS Phạm Thị Minh Tâm, Đại học Nông Lâm TP.HCM, tư vấn sử dụng chế phẩm vi sinh làm phân hữu cơ vi sinh; Sử dụng chế phẩm vi sinh cho cây trồng; Sử dụng phân hữu cơ vi sinh cho cây trồng.
Để đăng ký tư vấn chuyên gia, quý khách vui lòng truy cập trang techport.vn/ quét mã QR code hoặc đăng ký trực tiếp với Ban tổ chức tại triển lãm Techmart. Tới nay, hàng trăm yêu cầu tư vấn về công nghệ sinh học đã được Ban tổ chức gửi đến chuyên gia, xếp lịch tư vấn, giải đáp nhu cầu công nghệ cho các doanh nghiệp và cá nhân ngay tại sự kiện.
Techmart được thực hiện nhằm thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ KH&CN, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.
Ban tổ chức hy vọng Techmart Công nghệ sinh học sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có điều kiện tiếp cận đến các thành quả KH&CN phát triển khả năng đổi mới sáng tạo để nâng cao giá trị gia tăng trong năng suất và chất lượng sản phẩm.
Chi tiết về TECHMART CÔNG NGHỆ SINH HỌC vui lòng liên hệ:
Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP. HCM
Phòng Thông tin Công nghệ
79 Trương Định, Phường Bến Thành, Quận 1, TP. HCM.
Điện thoại: (028) 3521 0735 – 3822 1635
Fax: (028) 3829 1957. Email: duykhanh@cesti.gov.vn
Mobile: 079 652 3381 (gặp anh Khanh)