TelePro mở rộng sang mảng giao hàng, marketing để xây dựng hệ sinh thái kín

   

Từ dịch vụ ban đầu là kết nối doanh nghiệp với đối tác telesale, hiện nay TelePro phát triển thêm mảng giao hàng cho khách, tạo tiền đề phát triển thành một hệ sinh thái kín, gồm marketing, bán hàng, giao hàng.

phong-thi-nghiem_rcfh.jpg

Phát triển nhanh hậu Shark Tank Việt Nam

Shark Tank Việt Nam luôn là một trong những chương trình thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng khởi nghiệp. Chương trình là nơi các startup gặp gỡ với các nhà đầu tư, qua đó tạo điều kiện cho các công ty khởi nghiệp có dịp bước ra ánh sáng.

Chia sẻ về trải nghiệm sau khi lên sóng Shark Tank Việt Nam mùa 3, anh Nguyễn Trung Hiếu, giám đốc và nhà sáng lập TelePro, nói chương trình đem lại cho công ty một giá trị rất lớn về mặt truyền thông.

"Nhờ hiệu ứng của chương trình, TelePro đã phát triển thêm nhiều khách hàng mới trên nhiều lĩnh vực như giáo dục, bất động sản, bảo hiểm, bán lẻ", anh Trung Hiếu chia sẻ. Thời điểm lên sóng Shark Tank, công ty đã bước sang tuổi thứ hai.

Với nền tảng là quản lí đội ngũ bán hàng của các công  ty có doanh thu năm hàng trăm đến nghìn tỉ đồng, nhà sáng lập bắt đầu nhận thấy những vấn đề khi bộ máy lớn dần: Nếu trực tiếp quản lí, công ty sẽ tốn rất nhiều công sức trong khi thuê ngoài, công ty lại không thể đảm bảo khả năng quản trị. Đó là lí do TelePro, một startup giống như như Uber trong lĩnh vực telemarketing, ra đời.

Giám đốc Trung Hiếu cho rằng các công ty cần phải outsource (thuê ngoài) để có khả năng phát triển các giá trị cốt lõi. Anh cũng khẳng định outsource đang là xu hướng của tương lai.

TelePro trên sóng Shark Tank Việt Nam mùa 3. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.

TelePro trên sóng Shark Tank Việt Nam mùa 3. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.

"Việc thuê một đội bán hàng cần tốn nhiều chi phí cố định, trong đó riêng chi phí văn phòng đã là một con số lớn. Vấn đề là làm thế nào để thuê ngoài, mà vẫn quản trị được", anh phân tích.

Là một ứng dụng kết nối, TelePro cần xây dựng một hệ sinh thái từ cả hai phía: Các khách hàng sử dụng dịch vụ và các đối tác tư vấn viên làm nhiệm vụ telesale. 

Với mỗi ứng dụng kết nối, tìm và xây dựng hệ sinh thái là hai câu chuyện khác nhau. Đối với TelePro, tìm các đối tác tư vấn viên là việc khó hơn.

Cụ thể, theo anh Trung Hiếu, hiện tại rất nhiều doanh nghiệp muốn thuê ngoài dịch vụ telesale để có thể giảm chi phí cố định. Thậm chí nhiều doanh nghiệp đã làm việc này từ trước đó, nên TelePro không cần tốn quá nhiều công sức để định hướng thị trường.

Khó khăn lớn nhất của TelePro trong thời gian đầu là xây dựng đội ngũ tư vấn viên. Công ty mất một tháng để tìm 500 tư vấn viên đầu tiên. Tới thời điểm lên sóng truyền hình, TelePro có 12.000 tư vấn viên (tỉ lệ tư vấn viên hoạt động trong tháng khoảng 16%) và hiện tại con số ấy lên đến 40.000.

Cơ hội và thách thức trong mùa dịch

Dịch COVID-19 làm thay đổi nhiều bộ mặt của xã hội, và các câu chuyện xoay quanh vấn đề kinh doanh cũng không phải ngoại lệ. Giám đốc TelePro nhân định dịch bệnh vừa là thách thức, nhưng cũng là một cơ hội với startup mà anh xây dựng.

Giống như hầu hết doanh nghiệp B2B, khó khăn của TelePro là giữ chân khách hàng. Khi khách hàng doanh nghiệp không thể kinh doanh thuận lợi, đương nhiên ngân sách cho hoạt động bán hàng cũng giảm một phần.

CEO Nguyễn Trung Hiếu muốn xây dựng một hệ sinh thái khép kín tại TelePro. Ảnh: NVCC

CEO Nguyễn Trung Hiếu muốn xây dựng một hệ sinh thái khép kín tại TelePro. Ảnh: NVCC

Song đây cũng là dịp để các khách hàng doanh nghiệp của TelePro tối ưu chi phí, đồng thời giảm chi phí cố định cho các nhân viên. Do đó, nhóm khách hàng đó hướng tới giải pháp chủ động thuê ngoài, mà đây là thế mạnh của TelePro.

"Hiện nay công ty phát triển thêm mảng giao hàng cho khách, tạo tiền đề phát triển thành một hệ sinh thái kín, gồm marketing, bán hàng, giao hàng", anh Hiếu thổ lộ.

Sau khi nhận yêu cầu đơn hàng kèm đầy đủ thông tin, công ty sẽ chuyển đơn trực tiếp tới hệ thống của các hãng giao hàng đối tác của TelePro tại Việt Nam để rút ngắn thời gian nhận hàng của khách, đồng thời tăng tỉ lệ thành công.

Trong tương lai, TelePro muốn xây dựng một hệ sinh thái lớn, bao gồm nhiều dịch vụ liên quan. Ngoài việc bán hàng qua telesale, TelePro còn có thể tư vấn bán hàng khi khách gọi tới (inbound) và tư vấn bán hàng qua inbox.

Nhà sáng lập có kế hoạch phát triển dịch vụ của TelePro sang các nước trong khu vực trong tương lai. Tên miền công ty hiện đang để ở dạng (.me), với mong muốn có thể mở rộng qui mô doanh nghiệp theo theo hướng rộng, sau khi đã phát triển đủ sâu.

Không ảnh hưởng khi nghị định chống cuộc gọi rác ra đời

Nghị định 91/2020/NĐ-CP đã yêu cầu các cơ quan chức năng xây dựng hệ thống để giảm thiểu tối đa các tin nhắn, cuộc gọi bán hàng mang tính chất "rác". Các nhà mạng đã bắt đầu chặn các cuộc gọi, tin nhắn mang dấu hiệu rác theo qui định của Cục Viễn thông.

Giám đốc TelePro khẳng định công ty hầu như không chịu tác động từ nghị định 91. Ảnh: NVCC

Anh Trung Hiếu khẳng định công ty gần như không chịu ảnh hưởng, dù lĩnh vực chính của TelePro vẫn là telesale.

"Doanh nghiệp uy tín ủy quyền cho TelePro chăm sóc khách hàng của họ. Phần lớn khách hàng của doanh nghiệp từng mua sản phẩm, hoặc có nhu cầu, đang quan tâm tới sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp", anh Hiếu bình luận.

Không phải đến khi nghị định 91 ra đời, TelePro mới quan tâm tới vấn đề gọi “spam”, theo anh Hiếu. 

"Để không gây ảnh hưởng đến hình ảnh của doanh nghiệp trong tâm trí khách hàng, từ những ngày đầu TelePro đã chủ động nghiên cứu tâm lí khách hàng và đưa ra nhiều tiêu chí chăm sóc khách hàng hiệu quả", anh nói.

Tiểu Phượng