Thanh toán điện tử: Hai tháng 'gặp dịch' bằng 10 năm hô hào
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử vẫn “sống khỏe”, tăng trưởng phi mã.
Tăng trưởng chóng mặt
“2 tháng gần đây, khi Covid-19 diễn biến phức tạp, trong lĩnh vực thanh toán đã có sự thay đổi chóng mặt, đặc biệt là thay đổi thói quen, hành vi người tiêu dùng. Chúng ta mất tới 10 năm hô hào thanh toán không dùng tiền mặt bằng thanh toán điện tử, nhưng kết quả chưa cao, thì 2 tháng qua đã bằng 10 năm trước đó, khi gần như gia đình nào cũng dùng dịch vụ thanh toán online. Hàng chục ngàn đơn vị, doanh nghiệp, cửa hàng trước đây bán hàng offline, thì giờ đây trong mùa dịch, để tồn tại, họ đã phải chuyển đổi số, bán hàng, cung cấp dịch vụ từ xa, chấp nhận thanh toán online, lượng đối tác triển khai thanh toán online tăng vọt”, ông Đào Minh Phú, Tổng giám đốc NextTech Group (Công ty mẹ của ví điện tử Vimo, Ngân lượng, Mpos) cho biết.
Chưa bao giờ hai mặt đối lập của thanh toán điện tử thể hiện rõ như tại NextTech. Mpos thanh toán qua quẹt thẻ từ ngày 1/4/2020, khi có Chỉ thị 16/CT-TTg thì giao dịch qua máy Mpos giảm rất mạnh, tới 60% so với trước đó. Trong khi đó, Ngân lượng thì tăng trưởng rất mạnh, khi tháng 3/2020 tăng trưởng hơn 30% so với tháng 1 và 2/2020.
Tương tự Ngân lượng, ZaloPay cũng có sự tăng trưởng đột biến trong thời gian qua với mức tăng trưởng ước đạt 36%.
“ZaloPay ghi nhận tăng trưởng mạnh ở các giao dịch chuyển tiền, mua hàng. Nguyên nhân là khi thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc thì nhu cầu mua sắm online tăng mạnh. Các đối tác khác như chuỗi các cửa hàng bán đồ ăn, thực phẩm, siêu thị… thay vì bán hàng trực tiếp cũng chuyển sang bán hàng online”, bà Trương Cẩm Thanh, Giám đốc ZaloPay cho hay.
VNPAY-QR cũng cho biết, tốc độ tăng trưởng giao dịch thanh toán qua nền tảng này rất lớn. "So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng người dân quan tâm đến các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tăng lên. Tốc độ tăng trưởng giao dịch thanh toán qua mã VNPAY QR trong tháng 2/2020 tăng tới 600%. Covid-19 đang tác động mạnh mẽ đến hành vi người tiêu dùng, hầu hết đều có xu hướng tìm đến những phương thức trực tuyến hiện đại và an toàn. Khi dịch vụ ngày càng gần gũi với người dân hơn, ưu việt hơn, tôi nghĩ sẽ thay đổi được thói quen thanh toán từ truyền thống sang online", ông Ngô Anh Tuấn, Giám đốc kinh doanh phụ trách VNPAY-QR nói.
Còn theo số liệu từ Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), từ Tết Canh Tý đến giữa tháng 3/2020, tổng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua Napas tăng 76%, tổng giá trị giao dịch tăng 124% so với cùng kỳ 2019.
Nắm bắt cơ hội chuyển đổi số cho doanh nghiệp
Thanh toán điện tử tại Việt Nam đang có nhiều lợi thế, với cơ cấu dân số trẻ, nền kinh tế tăng trưởng nhanh và tầng lớp trung lưu ngày một tăng... Đặc biệt, trong Covid-19, việc hạn chế tiếp xúc, giãn cách xã hội đang tạo ra một hoàn cảnh thuận lợi thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng nhanh chóng.
Nắm bắt cơ hội đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử đang lên kế hoạch mở rộng thị trường, đa dạng hóa dịch vụ, liên kết đối tác để cạnh tranh gia tăng thị phần và khách hàng.
“Xác định đây là cơ hội tốt, chúng tôi đã không những không cắt giảm bất cứ vị trí nào, mà còn tuyển dụng thêm nhân viên kinh doanh khắp các tỉnh, thành phố để tiếp cận ngay các cửa hàng, hộ kinh doanh thực hiện chuyển đổi số, chấp nhận thanh toán online. Bên cạnh đó, NextTech cũng đang tích cực phối hợp với các ngân hàng lớn, giảm phí giao dịch để kích thích mua sắm online. Về dài hạn, Quỹ Next100 của NextTech cũng vừa tiến hành đầu tư hàng loạt công ty như Pushsale, Botbanhang để thúc đẩy nhanh việc chuyển đổi số cho hàng trăm ngàn doanh nghiệp”, ông Đào Minh Phú tiết lộ.
Bà Trương Cẩm Thanh thì cho biết, ZaloPay đang tập trung phát triển kênh thanh toán online phục vụ các đối tác là các định chế tài chính, doanh nghiệp, sản phẩm.
“Đợt dịch bệnh này đã cho thấy thanh toán điện tử sẽ tăng trưởng mạnh mẽ và thay thế các phương thức thanh toán truyền thống trong một ngày không xa. Dịch bệnh mang lại rất nhiều khó khăn cho nền kinh tế, nhưng nó cũng tạo ra cơ hội thúc đẩy sự tăng trưởng của các hình thức thanh toán điện tử. Đơn vị nào biết tận dụng có thể đạt được những thành tựu đáng kể, gia tăng thị phần và khả năng cạnh tranh trong tương lai”, bà Thanh nhận xét.
Ngoài hình thức thanh toán qua ví điện tử, trung gian thanh toán, Internet Banking… thì các doanh nghiệp Việt Nam như VNPT, Viettel, MobiFone đã sẵn sàng gia nhập thị trường thanh toán điện tử bằng Mobile Money. Đây là hình thức thanh toán không dùng tiền mặt có rất nhiều ưu điểm, đặc biệt là sự thuận tiện, chi phí thấp, khả năng phủ sóng tốt…
“Phương thức này hoàn toàn có thể đảm bảo nhu cầu thanh toán, mua sắm nhỏ của người dùng và phòng chống dịch bệnh”, ông Phạm Trung Kiên, CEO Viettel Digital đánh giá.
Trong một diễn biến mới nhất, Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành, hoàn thiện quyết định về triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ (Mobile Money), dự kiến trình Chính phủ trong tháng 4/2020. Theo kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước, hàng loạt nghị định, thông tư liên quan đến hành lang pháp lý thử nghiệm các phương tiện thanh toán mới sẽ được ban hành trước tháng 12/2020. Khi hệ thống hành lang pháp lý này hoàn thiện, sẽ là cơ hội thuận lợi cho thanh toán điện tử phát triển.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện có 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua Internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động. Riêng giao dịch tài chính qua kênh Internet, tính đến hết năm 2019, đạt hơn 200 triệu giao dịch, giá trị hơn 10 triệu tỷ đồng, tăng 51,8% so với năm 2018.
Hữu Tuấn
Xem thêm