ThinkZone Accelerator tìm kiếm gì ở startup?
Mỗi startup được lựa chọn đào tạo chuyên sâu trong Chương trình Tăng tốc khởi nghiệp ThinkZone Accelerator tới đây sẽ nhận khoản tài trợ trị giá 50.000 USD từ ThinkZone và các quyền lợi khác trị giá hơn 50.000 USD từ các đối tác của Chương trình.
ThinkZone Accelerator là chương trình Tăng tốc khởi nghiệp hỗ trợ các startup Việt Nam trong giai đoạn kiểm chứng sản phẩm và thị trường, được tổ chức lần đầu từ năm 2019.
Trong khoá 3 này, ThinkZone Accelerator tiếp tục hỗ trợ và phát triển các startup công nghệ ở giai đoạn đầu (early stage) từ nhiều lĩnh vực (E-commerce, Healthtech, Edtech, Fintech, Logistics & Supply Chain, AI,...).
Các startup được chọn sẽ nhận những hỗ trợ như:
- Khoản đầu tư trực tiếp trị giá 50.000 USD;
- Các gói hỗ trợ toàn diện trị giá hơn 50.000 USD từ các đối tác Amazon Web Services, MISA, VnExpress, FPT Play, LadiPage, Zendesk, NovaonX, HubSpot,...;
- 3 tháng huấn luyện và 24 tháng đồng hành chiến lược, áp dụng các triết lý khởi nghiệp tiên tiến như Lean Startup, Design Thinking, Lean Analytics,...;
- Mạng lưới cố vấn và chuyên gia toàn cầu với hơn 100 founders và mentors thuộc nhiều lĩnh vực trên khắp thế giới sẵn sàng hỗ trợ tư vấn cho các startup trong quá trình phát triển;
- Dịch vụ kết nối, tư vấn gọi vốn, tư vấn pháp lý với mạng lưới hon 50 quỹ đầu tư toàn cầu từ ThinkZone sau khi kết thúc chương trình.
ThinkZone Accelerator lựa chọn các startup theo nhiều tiêu chí khác nhau, từ sức hút của ngành, mô hình kinh doanh, sản phẩm, độ phù hợp với thị trường, năng lực của đội ngũ,...
“Với các gói hỗ trợ toàn diện và thiết thực, ThinkZone sẽ giúp các startup tiết kiệm tới hàng tỉ đồng chi phí sales & marketing, văn phòng, tuyển dụng, công nghệ,... cùng khả năng tìm kiếm đầu tư sau khi kết thúc chương trình”, chị Chelsea Nguyễn, giám đốc đầu tư tại ThinkZone, chia sẻ.
ThinkZone lựa chọn startup như thế nào?
ThinkZone đánh giá startup dựa trên 4 tiêu chí, theo mức độ quan trọng giảm dần như sau: Đội ngũ > Sản phẩm > Cơ hội thị trường > Tài chính.
Một đội ngũ mạnh chính là yếu tố quan trọng nhất cấu thành nên thành công của một startup. Tuy nhiên, ThinkZone không tìm kiếm một ông/bà founder nào đó có cả tá kiến thức hay kinh nghiệm trong ngành (dẫu đây là một điểm cộng), mài tìm một đội ngũ với các thành viên có kỹ năng/kinh nghiệm có thể bổ trợ lẫn nhau. Ngoài ra, đội ngũ đó cũng cần đủ năng động, với một tầm nhìn xa, nhưng vẫn đủ khiêm tốn để không ngừng học hỏi những điều mới.
Trong quá trình phát triển, sản phẩm và mô hình kinh doanh có thể liên tục thay đổi; một đội ngũ đủ mạnh, theo định nghĩa ở trên, sẽ có khả năng đương đầu và vượt qua những giai đoạn đó.
Khi đánh giá một đội ngũ, ThinkZone tìm kiếm những yếu tố sau:
Thành viên trong đội ngũ có kinh nghiệm trong ngành/lĩnh vực đó, hoặc đã từng vận hành một công ty.
Đội ngũ có một quy trình phát triển sản phẩm bài bản, quy củ.
Các thành viên tâm huyết với công ty (ví dụ: qua góp vốn, đầu tư,...).
Có tinh thần cởi mở, ham học hỏi.
Có một quy trình ra quyết định rõ ràng, hợp lý.
Sản phẩm
ThinkZone muốn thấy được rằng sản phẩm mà công ty đang xây dựng là hợp lý. “Hợp lý” ở đây có nghĩa là sản phẩm không xuất phát từ trí tưởng tượng hay nhu cầu của riêng founder, mà từ một quá trình nghiên cứu thị trường và khách hàng kỹ lưỡng. ThinkZone cũng muốn lắng nghe về chiến lược gia nhập thị trường trong thời gian đầu, cùng tầm nhìn dài hạn của founder cho sản phẩm.
Khi đánh giá sản phẩm, ThinkZone tìm kiếm những yếu tố sau:
Đội ngũ phát triển sản phẩm có một tư duy tinh gọn, và không ngừng thử nghiệm để kiểm chứng sản phẩm.
Có chiến lược gia nhập thị trường hợp lý dựa trên việc thấu hiểu khách hàng và thị trường.
Đội ngũ linh hoạt và cởi mở trong việc thay đổi sản phẩm để phù hợp với thị trường.
Cơ hội thị trường
Về khía cạnh cơ hội thị trường, nhóm hỗ trợ không quá chú trọng vào một thị trường có tổng quy mô thị trường lớn (ThinkZone đã gặp rất nhiều pitch deck tô đậm thật rõ con số quy mô thị trường tiềm năng). Thực chất, quy mô thị trường, dù có quan trọng, nhưng không phải dấu hiệu đảm bảo cho thành công của startup. ThinkZone quan tâm nhiều hơn tới lý do đằng sau khiến founder lựa chọn thị trường đó, và làm sao mà họ tin rằng mình có thể chinh phục thị trường này. Để làm được điều này, startup cần xác định thật rõ chân dung tập khách hàng mà mình sẽ phục vụ.
Khi đánh giá cơ hội thị trường, ThinkZone tìm kiếm những yếu tố sau:
Startup đang giải quyết một vấn đề nhức nhối và có thật trên thị trường.
Startup đã có một số traction (có thể dưới dạng danh thu, lượng active users tiếp tục sử dụng sản phẩm, lượng khách hàng trả phí, hoặc kết quả tích cực từ khảo sát/phỏng vấn khách hàng,...).
Quy mô thị trường đủ lớn.
Có chiến lược rõ ràng để chinh phục thị trường ngách, trước khi tăng trưởng để hướng tới thị trường lớn hơn.
Tài chính
Hầu hết các startup ở giai đoạn early đều có rất ít, hoặc không có doanh thu. Mặc dù lượng khách hàng trả phí mà chỉ số quan trọng đánh giá sự thành công của một startup, tuy nhiên với các startup early, đây không phải một chỉ số quá quan trọng. Về khía cạnh tài chính, ThinkZone đánh giá tính phù hợp của mô hình kinh doanh, cũng như tính hiệu quả trong quá trình startup tận dụng các tài nguyên của mình.
Khi đánh giá tài chính, ThinkZone tìm kiếm những yếu tố sau:
Một mô hình kinh doanh rõ ràng có thể tạo ra doanh thu, cùng với quá trình vận hành ổn định.
Startup có thể tồn tại ít nhất 6 tháng mà không cần gọi thêm vốn.
Mô hình kinh doanh có dòng doanh thu ổn định.
PV