Tiếp tục hỗ trợ startup Việt trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19


Trước bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” - Đề án 844 đã tiếp tục hỗ trợ cho Startup Việt với các phương án quảng bá mô hình kinh doanh, phát triển thị trường cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thay đổi tư duy về truyền thông - xây dựng thương hiệu tại Việt Nam để doanh nghiệp khởi nghiệp tạo được cơ hội cho mình trước bối cảnh khó khăn của dịch COVID-19.

Ông Phạm Dũng Nam, Giám đốc Văn phòng Đề án 844. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Ông Phạm Dũng Nam, Giám đốc Văn phòng Đề án 844. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Ông Phạm Dũng Nam, Giám đốc Đề án 844 cho biết: Đề án 844 đã hỗ trợ mạnh mẽ cho các startup Việt nhằm thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp, khuyến khích đổi mới sáng tạo trong cộng đồng. Trong 5 năm triển khai Đề án, 16 đơn vị đã nhận nhiệm vụ truyền thông hỗ trợ cho trên 200 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên cả nước với những bước chuyển biến trong tư duy làm truyền thông cũng như cách tiếp cận truyền thông cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Đặc biệt, lần này, Đề án 844 hỗ trợ các gói truyền thông cho startup Việt với sự đa dạng về hình thức như: Tư vấn, quảng cáo, sản xuất các nội dung giới thiệu startup hay tổ chức các hội nghị kết nối cho các startup… trên báo giấy, báo in, mạng xã hội giúp cho startup quảng bá mô hình kinh doanh, đồng thời phát triển thị trường và thu hút đầu tư cho doanh nghiệp.

Ông Đỗ Xuân Thắng, Giám đốc Khu vực miền Bắc của Cloud Ace - Đối tác cao cấp Google cho biết: Thông qua chương trình, các hỗ trợ đã tiếp cận các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhất là trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19, đặc biệt tại thời điểm dịch đang diễn biến phức tạp hiện nay. Bên cạnh đó, Việt Nam có lợi thế lớn về nhân lực và năng lực nhưng để tiềm năng đó thật sự có giá trị phải biết cách khai thác tập trung, đón đầu công nghệ 4.0 để mở rộng thị trường. Đó là điều còn thiếu ở hầu hết các startup trẻ hiện nay. Những gói hỗ trợ kịp thời trong khuôn khổ Đề án 844 đã giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vững vàng hơn trước những thách thức của kỷ nguyên số.

Chia sẻ về chiến lược truyền thông hướng đến các thị trường mới, bà Diệp Quế Anh, Giám đốc Truyền thông TikTok Việt Nam, Philippines và những thị trường mới cho biết: Quan điểm truyền thông ở Việt Nam có nhiều khác biệt, nhắc đến truyền thông thường nhắc đến những yếu tố như họp báo, thông cáo báo chí… Tuy nhiên, theo bà, điều quan trọng nhất trong vấn đề truyền thông là xây dựng uy tín của doanh nghiệp, do vậy cần phải hiểu về ý nghĩa hoạt động của doanh nghiệp với xã hội, mục tiêu, nhiệm vụ của doanh nghiệp thay vì chỉ tập trung vào sản phẩm và dịch vụ.

Bà Natalie Đỗ, Giám đốc Phát triển toàn cầu của startup Việt tại Silicon Valley ELSA Speak khẳng định truyền thông cần phải đúng định hướng, phải trả lời được câu hỏi giá trị mà doanh nghiệp mang lại cho thị trường là gì, bên cạnh đó cần tận dụng các nguồn lực hỗ trợ, tận dụng truyền thông để quảng bá sản phẩm.

Ông Phạm Dũng Nam, Giám đốc Đề án 844 nhấn mạnh, việc hỗ trợ truyền thông cho các starup Việt trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạo là cần thiết, tuy nhiên, có sự khác biệt giữa chiến lược truyền thông cho startup từ giai đoạn bắt đầu so với giai đoạn thu hút vốn đầu tư. Do vậy, giai đoạn đầu, truyền thông, báo chí là con đường dễ dàng nhất để lan tỏa những thông điệp, mục tiêu của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Sau khi đã có vốn hoạt động, câu chuyện truyền thông mới nằm ở sản phẩm, sự trải nghiệm, ý kiến của khách hàng.

TTXVN/Báo Tin tức