'Top' 10 cơ sở nghiên cứu hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực khoa học tự nhiên

   

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) vẫn là đơn vị dẫn đầu danh sách các cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu trong nước về nghiên cứu khoa học với 33 điểm AC; 3,52 điểm FC.

a2-586x381.png

Current Index, một bảng xếp hạng nhánh của Nature Index, vừa công bố danh sách 10 cơ sở nghiên cứu của Việt Nam giai đoạn từ 1/7/2019-30/6/2020 trong 4 nhóm lĩnh vực: Khoa học Vật lý, Hóa học, Khoa học Trái đất và Môi trường, Khoa học sự sống.

Phương pháp đánh giá của Nature Index dựa vào 2 chỉ số: AC (Article Count) là số lượng bài báo khoa học của đơn vị/quốc gia trong khung thời gian đang xét, được công bố trên những tạp chí có ảnh hưởng cao; FC (Fractional Count) là tỉ lệ đóng góp của các tác giả từ đơn vị/quốc gia đó. Nếu bài báo có 10 tác giả, thì mỗi tác giả được chấm 1/10 điểm.  

Trong giai đoạn từ 1/7/2019-30/6/2020, số bài báo AC của Việt Nam là 74, số bài báo tính theo FC là 15,27. Trong đó, ngành Khoa học Vật lý chiếm số điểm FC cao nhất với 9,77 điểm. Tiếp theo sau là ngành Hóa học với 2,46 điểm FC. Ngành Khoa học sự sống có 1,7 điểm. Cuối cùng là ngành Khoa học Trái đất và Môi trường có 1,8 điểm.

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) vẫn là đơn vị dẫn đầu danh sách các cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu trong nước về nghiên cứu khoa học với 33 điểm AC; 3,52 điểm FC.

Xếp thứ 2 và thứ 3 là Trường ĐH Duy Tân và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Trường ĐH Phenikaa - một trường đại học tư thục còn trẻ tuổi - cũng có mặt trong bảng xếp hạng đứng ở vị trí thứ 4.

Những vị trí còn lại lần lượt là: Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành - Quy Nhơn (ICISE); ĐH Quốc gia TP.HCM; Đơn vị nghiên cứu lâm sàng ĐH Oxford tại Việt Nam (OUCRU); ĐH Quốc gia Hà Nội; Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP.HCM); Trường ĐH Kỹ thuật Lê Quý Đôn.

Xét ở góc độ quốc gia và vùng lãnh thổ, với dữ liệu từ 1/7/2019 – 30/6/2020, Việt Nam xếp thứ 53 quốc gia và vùng lãnh thổ về số lượng và chất lượng các công bố khoa học trên thế giới.

Ở giai đoạn này, Mỹ vẫn giữ vững ngôi đầu với FC là 20081,59 - gấp 1,5 và 4,46 lần các quốc gia xếp thứ 2 và thứ 3 là Trung Quốc và Đức.

Ở khu vực Đông Nam Á, Singapore xếp vị trí 17 với FC là 602,5; Thái Lan xếp vị trí thứ 41 với FC là 47,4.

Nature Index chọn lọc ra 82 tạp chí hàng đầu thế giới từ hàng chục nghìn tạp chí quốc tế uy tín để đưa vào đánh giá xếp hạng, thuộc 4 nhóm lĩnh vực: Khoa học Vật lý, Hóa học, Khoa học Trái đất và Môi trường, Khoa học sự sống.

Current Index là bảng xếp hạng được công bố liên tục hàng tháng, với dữ liệu đầu vào là những bài báo được công bố trong vòng một năm kể từ tháng đó trở về trước. Bảng này cho sẽ phép đánh giá mức độ tích cực trong công bố quốc tế xuyên suốt một năm gần nhất của một đơn vị nghiên cứu hoặc một quốc gia.
Nhật Nam