Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

TP.HCM: Ba chương trình hợp tác giữa Khu công nghệ cao và ĐH Quốc gia

See this content in the original post

Chiều ngày 6/11, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM và Đại học quốc gia TP.HCM đã tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác tại Vườn Ươm Doanh Nghiệp Công Nghệ Cao nhằm tăng cường mối liên kết hợp tác bền vững, phát huy tối đa thế mạnh của hai bên, từ đó góp phần triển khai có hiệu quả kế hoạch hành động xây dựng Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố.

ĐHQG và KCNC với vai trò là hạt nhân của Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP.HCM, là nơi kết nối thực hiện 3 chức năng chính gồm nghiên cứu phát triển và ứng dụng KH&CN; giáo dục - đào tạo nhân lực có trình độ và chất lượng cao; sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ công nghệ cao. Đây sẽ là hạt nhân để dẫn dắt và thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang phát triển mạnh mẽ.

Nhằm phát huy thế mạnh của hai bên, ĐHQG và KCNC đã triển khai thực hiện những hợp tác chiến lược phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Gần đây nhất là thỏa thuận hợp tác nghiên cứu phát triển giữa ĐHQG và KCNC giai đoạn 2018 – 2020 đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp qua đó bước đầu đã xây dựng mối liên kết đại học – doanh nghiệp hiệu quả nhằm khai thác sử dụng nguồn lực chung phục vụ nghiên cứu khoa học kết hợp với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại TP.HCM, nâng cao tính thực tiễn của hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, tập trung hướng ứng dụng, tăng cường hoạt động chuyển giao công nghệ giữa ĐHQG và KCNC.

Phát biểu tại sự kiện, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM cho biết, hai đơn vị đã có những hợp tác từ khi mới thành lập về đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. "Việc ký kết hợp tác hôm nay là điều tất yếu. Sự hợp tác về chuyên môn đã có quá trình dài, nhưng kết nối vật lý giữa hai bên về đường sá cần được đầu tư để việc đi lại dễ dàng hơn", PGS Đạt nói.

Với nguồn lực 160 doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao với Intel, Samsung, Nidec... và nhiều công ty công nghệ cao trong nước, hai bên sẽ hợp tác triển khai các chương trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp theo mô hình mở, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các cơ sở ươm tạo công nghệ cao sẽ được hình thành nhằm thúc đẩy thành lập các doanh nghiệp công nghệ cao.

Theo PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP HCM, trong giai đoạn sắp tới sẽ đặt trọng tâm phát triển về nhân lực, tiềm lực khoa học công nghệ của doanh nghiệp trong nước. Họ sẽ được hỗ trợ để tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, phát triển công nghiệp phụ trợ và trở thành nhà cung cấp cho các doanh nghiệp FDI.

Thỏa thuận hợp tác giữa ĐHQG và KCNC gồm 3 chương trình hợp tác chính như sau:

1. Chương trình hợp tác phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ:

-     Hợp tác thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) hướng đến chuyển giao công nghệ và thương mại hóa cho các doanh nghiệp của Khu Công nghệ cao. Từ đó hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh/phòng thí nghiệm trọng điểm tại Trung tâm Nghiên cứu - Triển khai thuộc BQL KCNC và tại doanh nghiệp của Khu Công nghệ cao gắn với mục tiêu phát triển các ngành/lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao.

-     Hợp tác triển khai các nhiệm vụ phục vụ Kế hoạch hành động về xây dựng Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh theo Quyết định số 2655/QĐ-UBND ngày 28 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

-     Hợp tác chia sẻ các nguồn lực KH&CN phục vụ hoạt động đào tạo, nghiên cứu KH&CN, chuyển giao công nghệ của hai bên.

2. Chương trình hợp tác đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao trong các lĩnh vực công nghệ cao ưu tiên:

-     Hợp tác xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao trong các ngành/lĩnh vực công nghệ cao ưu tiên phát triển, theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.

-     Hợp tác thành lập cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ cao đạt tiêu chuẩn quốc tế (theo luật công nghệ cao).

-     Phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút, sử dụng nhân lực công nghệ cao; chia sẻ các nguồn lực phục vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

3. Chương trình thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo:

-     Hợp tác xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

-     Hợp tác triển khai các chương trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp (theo mô hình đổi mới sáng tạo mở).

-     Hợp tác chia sẻ các nguồn lực phục vụ cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

-     Phối hợp hình thành các cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, thành lập doanh nghiệp công nghệ cao (theo luật công nghệ cao).

See this content in the original post