Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

TP.HCM: Chuyển đổi số để đổi mới là lựa chọn sống còn của doanh nghiệp

See this content in the original post

Với môi trường cạnh tranh toàn cầu khốc liệt như hiện nay, nếu doanh nghiệp không kịp thời thích ứng, nắm bắt công nghệ và tận dụng những nền tảng công nghệ số để đổi mới, tối ưu hóa sản xuất thì sẽ nhanh bị tụt hậu, và khi đó nguy cơ bị đào thải khỏi thị trường là rất lớn.

Chương trình chuyển đổi số của TP.HCM đặt ra tầm nhìn, mục tiêu đến năm 2030

Hồi tháng 7/2020, TP.HCM đã công bố Chương trình Chuyển đổi số được xây dựng dựa trên Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025 và Kiến trúc Chính quyền điện tử TP.

Tại buổi công bố, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, chuyển đổi số ngày nay không chỉ là xu thế về công nghệ trên toàn cầu mà còn tác động vô cùng sâu rộng lên các lĩnh vực của kinh tế, xã hội.

“Theo đó, TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, thông tin của người dân, doanh nghiệp được số hoá và lưu trữ tại Trung tâm dữ liệu TP” - Ông Đức cho biết

Đáng chú ý, kinh tế số dự kiến chiếm 25% GRDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%. Tỷ lệ người dân và doanh nghiệp (DN) có tài khoản thanh toán điện tử trên 60%. Hạ tầng băng thông rộng phủ trên 95% hộ gia đình. Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh. Đến năm 2030, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. Hình thành đầy đủ nền tảng dữ liệu của điện tử thương mại phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Kinh tế số chiếm 40% GRDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 9%. Tỷ lệ người dân và DN có tài khoản thanh toán điện tử trên 85%.

Theo khảo sát mới đây của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN TPHCM về trình độ công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp thuộc các khu chế xuất, khu công nghiệp tại TPHCM, trình độ lạc hậu chiếm 2,49%, trung bình - 75,52%, trung bình khá - 15,54%. Hầu hết các doanh nghiệp đổi mới công nghệ thụ động, do yêu cầu nảy sinh trong quá trình sản xuất, chứ chưa có kế hoạch dài hạn. Tốc độ triển khai công nghệ mới của các doanh nghiệp cũng còn chậm và mức độ đầu tư đổi mới công nghệ mới chỉ đạt khoảng 0,5% doanh thu/năm, chủ yếu là chi mua trang thiết bị, máy móc, phần cứng.

Chuyển đổi số để đổi mới là lựa chọn sống còn của doanh nghiệp

Thực tế hiện nay đa phần doanh nghiệp khá "thờ ơ" với việc chuyển đổi số. Nhiều báo cáo nghiên cứu của các tổ chức độc lập đã ghi nhận, hơn 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phản ứng khá thụ động với những thay đổi của thị trường. Nguyên  nhân của sự thụ động ấy, theo các doanh nghiệp, một phần là do tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, khiến doanh nghiệp đang phải “vật lộn” để tồn tại mà chưa thể đầu tư cho số hóa hoạt động, dù rất quan tâm đến chuyển đổi số.

Bà Chu Vân Hải – Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM

Với môi trường cạnh tranh toàn cầu khốc liệt như hiện nay, nếu doanh nghiệp không kịp thời thích ứng, nắm bắt công nghệ và tận dụng những nền tảng công nghệ số để đổi mới, tối ưu hóa sản xuất thì sẽ nhanh bị tụt hậu, và khi đó nguy cơ bị đào thải khỏi thị trường là rất lớn.”, bà Chu Vân Hải – Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM chia sẻ tại hội thảo “Giải pháp phát triển các trung tâm đổi mới công nghệ phục vụ chuyển đổi số”, do Sở KH&CN TPHCM tổ chức ngàu 23/10.

Trước thực tế đó, ông Ngô Võ Kế Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai Khu Công nghệ cao TPHCM, đề xuất Sở KH&CN TPHCM cho phép hình thành một dự án hay chương trình về đổi mới công nghệ cho tổ chức KH&CN gắn với doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ phát triển sản phẩm, truyền thông, đào tạo giải mã các công nghệ nguồn.

Ngô Võ Kế Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai Khu Công nghệ cao TPHCM

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Đình Tuệ - Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cũng như một số đại diện các cơ quan cho rằng, nhiều doanh nghiệp chưa hiểu rõ chuyển đổi số là do nhận thức của lãnh đạo về tầm quan trọng chưa đầy đủ. Ngoài ra, các thuật ngữ chuyên môn chưa được giải thích rõ ràng, cụ thể, nên hoạt động tuyên truyền về chuyển đổi số chưa thực sự hiệu quả. Do vậy, ông Nguyễn Đình Tuệ đề nghị Sở KH&CN TPHCM có hướng tuyên truyền mới cụ thể, dễ tiếp cận hơn để doanh nghiệp nắm bắt và triển khai kế hoạch chuyển đối số phù hợp.

Ngoài vấn đề truyền thông, TS Võ Ngọc Điều, Trường Đại học Bách khoa TPHCM cũng đề xuất, Sở KH&CN TPHCM nên thành lập một sàn giao dịch kết nối trường đại học, viện nghiên cứu với các doanh nghiệp, để giải quyết nhu cầu của doanh nghiệp, thông qua việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ từ viện trường.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, bà Chu Vân Hải - phó giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, cho biết: Sở sẽ tập trung hỗ trợ, thúc đẩy, hình thành các tổ chức trung gian mạnh để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, kết nối doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp. Các trung tâm này sẽ làm cầu nối nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thực thi hiệu quả các chính sách hỗ trợ KH&CN như chuyển đổi số.

Tham gia vào các hoạt động hỗ trợ thông tin KH&CN cho các đơn vị và doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi số, Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM (CESTI, đơn vị trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) đang đẩy mạnh các hoạt động của Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM để đáp ứng tốt hơn nhu cầu tìm kiếm thông tin, kết nối và tư vấn chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp, trong đó có nhiều giải pháp số hóa, tự động hóa, điện toán đám mây, công nghệ máy học và trí tuệ nhân tạo,...“Toàn bộ thông tin yêu cầu công nghệ, sau khi tiếp nhận, đều được CESTI sàng lọc và xác thực, sau đó chuyển đến các nhà cung ứng giải pháp công nghệ nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ. Những thông tin này đều được công bố công khai trên website http://cesti.gov.vn và Cổng thông tin Đổi mới sáng tạo và Chuyển giao công nghệ (Techport.vn).”, bà Bùi Thanh Bằng – Giám đốc CESTI chia sẻ.

PV

See this content in the original post