TP.HCM ứng dụng công nghệ GIS trong quản lý đất đai

   

UBND TP.HCM vừa phê duyệt Đề án Ứng dụng công nghệ GIS (hệ thống thông tin địa lý), viễn thám trong công tác quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng trên địa bàn.

gis.png

Theo đó, Đề án nhằm mục tiêu liên thông, đồng bộ, thống nhất các dữ liệu, ứng dụng quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng, tạo thuận lợi cho công tác quản lý đô thị của các sở ngành, quận huyện.

Việc ứng dụng công nghệ GIS trong công tác quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng sẽ cung cấp thông tin trực quan, kịp thời cho lãnh đạo TP. HCM, các sở, ban, ngành, quận, huyện về quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng hỗ trợ công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo, điều hành, ra quyết định.

Đề án tập trung vào một số nội dung như: Xây dựng kiến trúc tổng thể, chi tiết hệ thống GIS, viễn thám về quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng; Rà soát, bổ sung, cập nhật cơ sở dữ liệu, xây dựng ứng dụng quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng; Tích hợp, liên thông cơ sở dữ liệu đất đai, quy hoạch và xây dựng; Xây dựng các công cụ trực quan hóa, phân tích, thống kê, công khai dữ liệu đất đai, quy hoạch và xây dựng; Xây dựng quy chế vận hành, liên thông dữ liệu, cập nhật và khai thác dữ liệu đất đai, quy hoạch và xây dựng; Hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ứng dụng GIS, viễn thám phục vụ quản lý và phát triển đô thị bền vững.

Hệ thống thông tin địa lý (GIS), viễn thám ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hoạch định các chính sách, chiến lược của một vùng lãnh thổ, hỗ trợ quản lý nhà nước trong rất nhiều lĩnh vực. Đây là những công cụ không thể thiếu đối với một đô thị thông minh nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và giám sát sự phát triển đô thị, kinh tế, xã hội.

Đến  nay, một số đơn vị quản lý Nhà nước trên địa bàn TP HCM đã từng bước  ứng dụng công nghệ GIS, viễn thám trong các lĩnh vực đất đai, quy hoạch  và xây dựng. Ảnh: TM

Đến nay, một số đơn vị quản lý Nhà nước trên địa bàn TP HCM đã từng bước ứng dụng công nghệ GIS, viễn thám trong các lĩnh vực đất đai, quy hoạch và xây dựng. Ảnh: TM

Với vai trò trọng tâm về nhiều mặt và là thành phố đông dân nhất cả nước, TP.HCM có tốc độ đô thị hóa nhanh, đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bất cập trong quản lý cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch và xây dựng.

Hiện nay, các đơn vị quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố đã từng bước ứng dụng công nghệ GIS, viễn thám trong các lĩnh vực đất đai, quy hoạch và xây dựng. Các hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành tại Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng đã mang lại hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước của các sở, ban, ngành và quận, huyện. Từ thực tiễn cho thấy, 3 lĩnh vực quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng có sự quan hệ mật thiết với nhau, đòi hỏi sự kết nối và chia sẻ thông tin liên tục giữa Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện.

Tuy nhiên, hiện nay các cơ sở dữ liệu và hệ thống quản lý chuyên ngành chưa có sự liên thông, chia sẻ thông tin, dữ liệu một cách đồng bộ, thống nhất trong các lĩnh vực đất đai, quy hoạch và xây dựng. Việc này gây không ít khó khăn cho công tác quản lý nhà nước của các sở, ngành, quận, huyện. Vì vậy, việc xây dựng Đề án ứng dụng công nghệ GIS, viễn thám trong công tác quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng trên địa bàn thành phố là cần thiết.

Mới đây, Trung tâm Ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý TP.HCM (HCMGIS) thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã tiến hành bàn giao phần mềm GIS mã nguồn mở (QGIS) phục vụ quản lý dữ liệu công trình xây dựng và Dữ liệu công trình xây dựng phục vụ tích hợp dữ liệu đất đai, quy hoạch, xây dựng trên địa bàn thành phố cho Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng (Sở Xây dựng TP.HCM).

Việc bàn giao phần mềm nói trên nhằm thực hiện chủ trương của Ủy ban nhân dân thành phố về xây dựng Kho dữ liệu dùng chung phục vụ triển khai Đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Đây cũng hoạt động nằm trong Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Sở Xây dựng và Sở Khoa học và Công nghệ về thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực xây dựng.

Kỳ Phong