TP.HCM phát triển mô hình Công viên khoa học cho khu đô thị phía Đông
Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM vừa tổ chức Hội thảo quốc tế “Công viên khoa học: Trung tâm đổi mới sáng tạo của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh”.
Với mục tiêu tìm hiểu và nghiên cứu các mô hình phát triển Công viên Khoa học thành công tại các nước tiên tiến, từ đó làm cơ sở khoa học để định hình mô hình Công viên Khoa học trở thành một trung tâm về khoa học công nghệ, là hạt nhân thúc đẩy cho sự phát triển của Khu Đô thị Sáng tạo phía Đông thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo “Công viên Khoa học: Trung tâm đổi mới sáng tạo của Khu Đô thị Sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh” vào ngày 12/11 tại Vườn Ươm Doanh Nghiệp Công Nghệ Cao (SHTP-IC).
Hiện TPHCM đang triển khai Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông bao gồm Quận 2, Quận 9 và Thủ Đức. Khu vực này được lựa chọn vì có những lợi thế như vị trí trung tâm vùng Đông Nam Bộ, các cơ sở hạ tầng giáo dục bậc cao, khu kinh tế sản xuất tiên tiến, hạ tầng giao thông kết nối chiến lược, môi trường thiên nhiên đặc trưng sông nước.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, Thành phố cần một mô hình Công viên khoa học phù hợp với xu hướng phát triển chung của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, có vai trò là công cụ để chuyển dịch cơ cấu từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế tri thức. Mô hình Công viên khoa học đang hướng tới là nơi gắn kết với Khu Công nghệ cao hiện hữu, trung tâm khoa học công nghệ Thành phố, là hạt nhân của đô thị đổi mới sáng tạo phía Đông. Đây là nơi có môi trường sống tốt để làm việc, học tập và trải nghiệm.
Năm 2015, Công viên khoa học - trực thuộc Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP được UBND Thành phố phê duyệt thành lập và triển khai đầu tư xây dựng trên diện tích khoảng 197 hecta tại phường Long Phước, quận 9. Đầu năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025, trong đó có điều chỉnh chức năng sử dụng đất tại Công viên khoa học. Hiện Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố đang triển khai các bước để đầu tư, phát triển hạ tầng cho Công viên khoa học.
Khu Công viên khoa học Thành phố có mục tiêu chiến lược là tạo điều kiện môi trường cho các hoạt động giữa nghiên cứu triển khai, ứng dụng công nghệ và thương mại hóa công nghệ cao, làm nền tảng thúc đẩy năng lực cạnh tranh chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của thành phố và cả nước. Đây sẽ là trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ đa chuyên ngành, liên kết với các đại học trong khu vực, đặc biệt là Đại học Quốc gia TPHCM; nơi thu hút đội ngũ trí thức, các nhà khoa học trong và ngoài nước đến làm việc, nghiên cứu sáng tạo công nghệ...
“Nói về cơ cấu, các dự án chúng ta thu hút vào trong khu công nghệ cao. Về lĩnh vực, nếu phân theo sản xuất dịch vụ, nghiên cứu, phát triển và công nghiệp hỗ trợ, Các dự án sản xuất chiếm đa số hơn 82%. Phần còn lại các dự án thuộc loại hình dịch vụ, nghiên cứu phát triển và công nghiệp hỗ trợ. Nếu chúng ta nhìn theo lĩnh vực đầu tư thì 4 lĩnh vực mà trọng tâm thu hút công nghệ cao đó là vi điện tử, công nghệ viễn thông, công nghệ sinh học, cơ khí chính xác tự động, năng lượng mới và vật liệu mới”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Thi cho biết.
Chia sẻ mô hình Công viên khoa học của Singapore, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Hồng Xuân, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Singapore ủng hộ và khẳng định tính đúng đắn của TPHCM về xây dựng Công viên khoa học, làm hạt nhân thực hiện cách mạng công nghiệp lần thứ tư và triển khai đề án đô thị thông minh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Hồng Xuân cũng đề xuất, cần có chính sách và biện pháp cụ thể tăng cường kết nối các lĩnh vực khoa học, trường đại học, nhà khoa học trong nước và quốc tế với doanh nghiệp, cộng đồng dân cư.
Việc hình thành và phát triển công viên khoa học đang là xu hướng tất yếu của các nước trên thế giới. Khoảng 20 năm gần đây, các nước tiên tiến không ngừng đầu tư xây dựng và phát triển nhiều dạng mô hình khác nhau, từ các trung tâm đổi mới sáng tạo, uơm tạo hay công viên khoa học, khu công nghệ cao, đô thị khoa học, vùng đô thị khoa học công nghệ… Nhiều mô hình công viên khoa học đã thành công tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Indonesia…
Ông Nakajima Takashi (chuyên gia Tổ chức JICA - Nhật Bản) cho biết, Nhật Bản có nhiều công viên khoa học và thành phố thông minh như Tsukuba, Kanagawa, Kashiwanoha. Trong đó, Công viên khoa học Tsukuba được thành lập năm 1963 và phát triển qua nhiều giai đoạn khác nhau để hoàn thiện.
Đây là khu vực hợp tác giữa học thuật và phát triển công nghiệp, với nhiều dự án được triển khai và được Chính phủ ủng hộ. Công viên này tham gia vào các chương trình phát triển của Nhật Bản, đóng vai trò như một trung tâm đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Cần hài hòa 5 yếu tố
Theo ông Nguyễn Hoa Cương, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), để một công viên khoa học thành công, cần hài hòa 5 yếu tố: phải là nơi đáng sống (cơ sở hạ tầng thuận lợi, môi trường phát triển bền vững); có hệ sinh thái hoàn chỉnh (đầy đủ các tổ chức đầu tư, hỗ trợ không gian, công nghệ, đào tạo, dịch vụ, tư vấn và kết nối hiệu quả với các doanh nghiệp); có nguồn nhân lực chất lượng cao (kết nối được nhiều viện nghiên cứu, trường đại học, phổ thông); thu hút khu vực tư nhân (có sự tham gia của các tập đoàn lớn và các startup); nhận được hỗ trợ của nhà nước (vai trò lãnh đạo, định hướng, chiến lược lâu dài, hỗ trợ về chính sách, môi trường kinh doanh thuận lợi).