TP.HCM tìm kiếm sandbox - cơ chế để thử nghiệm khung chính sách mới

   

TP.HCM có thể sẽ đi đầu trong lĩnh vực thử nghiệm khung chính sách mới, nếu vượt qua được những khó khăn về cơ chế chính sách.

z2071115295254_9523e6f6f3f9b325740ff2ea1027cb0a.jpg

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, đã nhấn mạnh điều này tại Hội thảo chính sách thử nghiệm Sandbox trên địa bàn TP.HCM. Hội thảo do Sở KH&CN TP.HCM tổ chức với sự tham gia của các đại diện đến từ ngân hàng, vườn ươm, trường đại học, các tổ chức công nghệ, doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM.

Sandbox là khung thể chế thí điểm, cho phép một số ít doanh nghiệp thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới trong môi trường thực tiễn nhưng có phạm vi và thời gian xác định, dưới sự giám sát của các nhà quản lý và có các phương án dự phòng rủi ro phù hợp để ngăn hậu quả của sự thất bại mà không ảnh hưởng lớn đến hệ thống tài chính quốc gia.

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, cho biết trong 6 chương trình đột phá của thành phố có khá nhiều nội dung đề cập đến hoạt động đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, sự phát triển của những xu hướng mới, công nghệ mới đi kèm theo đó là sự thiếu hụt về các chính sách và quy định hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Chính vì thế, thông qua buổi hội thảo, Sở KH&CN TP.HCM mong muốn thu thập thêm ý kiến từ các chuyên gia, tổ chức để có thể tham mưu cho thành phố những mô hình và chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Buổi hội thảo tập trung vào các mô hình sandbox nói chung và đào sâu hơn đối với fintech nói riêng.

Ông Đỗ Minh Hải - Đồng sáng lập, Giám đốc điều hành ATM online

Ông Đỗ Minh Hải - Đồng sáng lập, Giám đốc điều hành ATM online

"Không chỉ là tìm kiếm những cách thức thử nghiệm, cơ chế hoạt động riêng mà còn cần các chuyên gia đề xuất những chính sách đi kèm cho các hoạt động sandbox", ông Dũng gợi mở.

Theo người đứng đầu Sở KH&CN TP, sandbox trong lĩnh vực tài chính đang là một lĩnh vực mới. Trong khoảng 2 năm nay, các startup fintech kêu gọi được nhiều vốn nhất trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. TP.HCM có thể sẽ đi đầu trong lĩnh vực thử nghiệm khung chính sách mới, nếu vượt qua được những khó khăn về cơ chế chính sách.

Ông Nguyễn Việt Dũng cho rằng, cái mới là chưa có tiền lệ, không như những thứ đã có trong xã hội để xây dựng cơ chế chính sách quy định. "Vì vậy, TP.HCM đang cần có một chính sách hỗ trợ mô hình Sandbox để thành phố có hướng đầu tư hỗ trợ cho doanh nghiệp, cá nhân phát triển trong môi trường mới", ông Dũng nhấn mạnh. 

Chia sẻ tại buổi hội thảo, TS Dương Như Hùng, Trưởng Khoa QLCN - Trường Đại học Bách khoa - ĐHQG-HCM chỉ ra tầm quan trọng của Sandbox bởi chúng cho phép gỡ bỏ các rào cản truyền thống, tạo điều kiện cho hoạt động đổi mới sáng tạo phát triển. Những thử nghiệm ở Sandbox còn giúp nâng cao năng lực chính sách của nhà quản lý bằng cách mở ra các trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp để hiểu rõ hơn sự phát triển của thị trường.

Tiến sĩ Dương Như Hùng - Trưởng khoa QLCN Đại học Bách khoa TP.HCM

Tiến sĩ Dương Như Hùng - Trưởng khoa QLCN Đại học Bách khoa TP.HCM

Ông Hùng cũng cho biết, đối với fintech, cơ chế sandbox có thể giúp nâng cao tài chính toàn diện thông qua đổi mới công nghệ, biometric ID, điểm tín dụng, định danh điện tử, thanh toán dựa trên blockchain và các mô hình kinh doanh mới phục vụ khách hàng thiểu số.

Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra một số hạn chế của Sandbox, trong đó nhấn mạnh giải pháp này không phải để quyết định chính sách nào được miễn mà là tháo gỡ các rào cản phát triển sản phẩm mới, đáp ứng đầy đủ các quy định và tạo giá trị cho xã hội. Sandbox chủ yếu đáp ứng giải tỏa tạm thời cho một số ít doanh nghiệp. Cơ chế chính sách linh hoạt, hướng dẫn xử lý tình huống phát sinh mới là cơ chế tốt nhất để đổi mới.

Cũng với lĩnh vực fintech, ông Đỗ Minh Hải, Đồng sáng lập, Giám đốc điều hành startup ATM online, đặt ra những yêu cầu cụ thể cho những doanh nghiệp tham gia Sandbox. Trong đó, các công ty fintech tham gia sandbox cần phải có đầu tư sâu công nghệ, hệ thống nhằm giảm thiểu chi phí vận hành và mang lại lợi ích cho người sử dụng. Đồng thời cần phải được giám sát, kiểm toán hệ thống bởi Ngân hàng Nhà nước.

z2071114511641_eb02ed36cd3faf4d87c6d680d24fb0e5.jpg

“Căn cứ trên kết quả thử nghiệm khách quan, Ngân hàng Nhà nước có thể quy định trần lãi suất, các khoản phí… thông qua tổng số tiền phải thanh toán trên mỗi khoản vay để hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi cũng như hạn chế nạn tín dụng đen gây thất thoát thuế và gây rối trật tự cho hoạt động của nền kinh tế”, ông Hải nhấn mạnh.

Đại diện ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, việc xây dựng và ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động fintech nhằm tạo lập môi trường thử nghiệm các dịch vụ; đồng thời hạn chế rủi ro xảy ra cho khách hàng khi tham gia sử dụng dịch vụ fintech chưa được cho phép chính thức.

Về lĩnh vực này, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM cho biết, Sandbox là cách tạo một môi trường thử nghiệm giống như thật nhưng lại cô lập bởi nhiều điều kiện ràng buộc bởi các sản phẩm dịch vụ mới, trong đó có dịch vụ cho vay ngang hàng. Bởi nếu loại hình tài chính mới này được thừa nhận ngay lập tức mà không thông qua hình thức thử nghiệm có kiểm soát có thể sẽ ảnh hưởng rủi ro đến số đông và hậu quả sẽ khó lường. 

Hoàng Anh