Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Trường đại học: Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo

See this content in the original post

Là định chế trung gian uy tín với nhà nước và doanh nghiệp, trường đại học trở thành điểm kết nối cho các chính sách, đầu tư cơ sở hạ tầng của chính phủ, những khoản đầu tư thiên thần của doanh nghiệp đến với sinh viên – đối tượng khởi nghiệp tiềm năng.

Không phải ngẫu nhiên mà Hội thảo Phát triển trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo: Hợp tác chiến lược giữa nhà nước – trường đại học – tập đoàn lại lựa chọn địa điểm tổ chức là ĐH Kinh tế Quốc dân. Thậm chí, Techfest 2020 cũng dự kiến được tổ chức trong chính khuôn viên của trường đại học này. Lý do được TS Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ tiết lộ là “sau khi đã phát triển theo chiều rộng, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở phạm vi quốc gia sẽ đi theo hướng kết theo chiều sâu, trong đó trường đại học sẽ là trung tâm của các liên kết”. Đây cũng là điểm đặc thù mà Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình chính phủ trong Đề án 844 mở rộng.

Những thành công điển hình

Trong buổi hội thảo, Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo FTU (FIIS) của ĐH Ngoại thương được nêu ra như một điển hình của trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường đại học. FIIS nhận hỗ trợ của chính phủ, các tổ chức quốc tế, các cựu sinh viên với sứ mệnh biến ý tưởng trở thành các dự án khởi nghiệp và nuôi dưỡng các doanh nhân với tinh thần đổi mới sáng tạo.

Khởi động từ năm 2017, những người lãnh đạo của FIIS xác định hoạt động như một startup: tìm hiểu nhu cầu của thị trường và xác thế mạnh của mình. Sau hơn một năm rưỡi loay hoay, FIIS cho ra đời Runway – chương trình hỗ trợ startup có định hướng đưa sản phẩm Việt Nam ra quốc tế và gây được tiếng vang.

“Thế mạnh của ĐH Ngoại thương là nghiên cứu, giảng dạy kinh doanh, quản trị với các phương pháp luận về tiếp cận thị trường cùng mạng lưới cựu sinh viên đang điều hành các doanh nghiệp xuất nhập khẩu” - PGS.TS Lê Thị Thu Hà - Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo tại Đại học Ngoại thương (FIIS) nói rõ hơn về hướng đi. Tận dụng mạng lưới cựu sinh viên đang điều hành nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu, Runway tổ chức các bootcamp huấn luyện chuyên sâu dành cho doanh nghiệp mong muốn phát triển thị trường quốc tế với tần suất mỗi tháng một lần ở Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh. Đáng nói, để tham gia bootcamp doanh nghiệp sẵn sàng trả tiền – một minh chứng cho hiệu quả thực sự của những kiến thức mà Runway mang đến. ‘Giảng viên nói kiến thức ở trên, doanh nghiệp ngồi dưới tương tác trao đổi thực tế doanh nghiệp” – PGS Thu Hà mô tả lại. Những chương trình như vậy giúp giảng viên trong trường cập nhật lại kiến thức thực tế, vận dụng vào lý thuyết rồi tái hiện lại trong các tiết học cho sinh viên.

Cách đây 2 năm, chuyên gia hỗ trợ khởi nghiệp Nguyễn Đặng Tuấn Minh nhận định rằng, sự kết nối lỏng lẻo giữa nhà trường và thị trường khiến giảng viên - gạch nối quan trọng giữa nhà trường và doanh nghiệp - thiếu đi sự tiếp xúc thực tiễn, các hiểu biết về kinh doanh chung chung và rất khó đưa ra những định hướng tốt cho sinh viên về vấn đề thực tiễn cần giải quyết trong kinh doanh. Giờ đây, bài toán này đã được ĐH Ngoại thương giải quyết được phần nào. Kiến thức được cập nhật từ thực tiễn đã truyền cảm hứng cho sinh viên và góp phần hỗ trợ kết nối các nguồn lực giúp sinh viên có cơ hội hiện thực hóa ý tưởng của mình.

Trong lòng Khu công nghệ phần mềm ĐH Quốc gia TP.HCM, ITP hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (ĐMST) cũng sôi động không kém. Thậm chí, mới đây, khi ĐH Quốc gia TP.HCM trở thành 1 trong 6 điểm kết nối chính của thành phố sáng tạo phía Đông, những người điều hành trung tâm này tiếp tục có thêm niềm tin vào một hệ sinh thái phát huy hết tiềm năng, startup dễ dàng kết nối với các doanh nghiệp hơn với nhiều cơ hội bứt tốc hơn.

Chương trình Hành trình doanh nhân liên tiếp được tổ chức, với nhiều hoạt động như trò chuyện với cựu sinh viên của ĐH Quốc gia đang điều hành doanh nghiệp, tham quan, tìm hiểu hoạt động của doanh nghiệp đã tạo ra cảm hứng và hiểu biết về khởi nghiệp cho sinh viên. Bởi theo triết lí của ban lãnh đạo Khu Công nghệ phần mềm ĐH Quốc gia TP.HCM: “Sinh viên hiểu được, khởi nghiệp là một nghề trong xã hội và tự soi xét mình có đủ năng lực, tố chất đi theo con đường này không là thấy quý. Bởi sứ mệnh của chúng tôi là truyền cảm hứng và ươm mầm”.

Một trong những hiệu quả của sự ươm mầm ấy được Founder của Shub Classroom Nguyễn Đăng An đánh giá là “rất thiết thực và quan trọng” thể hiện rõ nét trong đợt Covid-19 vừa qua. Là startup cung cấp dịch vụ học trực tuyến nên lượng người dùng tăng đột biến trong dịch, khiến Shub Classroom phải tăng dung lượng server. Nếu sử dụng nền tảng của Amazon, startup này có thể phải chi trả tới trăm triệu một ngày, nhưng ở ITP họ được cung cấp miễn phí.

Hoạt động hiệu quả của hai mô hình trên cho thấy, trường đại học đã thể hiện rõ vai trò trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khi tham gia vào cả ba giai đoạn: Hình thành ý tưởng, phát triển sản phẩm; tăng trưởng cho một startup.

Nhân rộng những mô hình

Điều mà các diễn giả băn khoăn tại hội thảo này là làm sao để cả nước có thêm nhiều những mô hình thành công như vậy, để Việt Nam thực sự trở thành quốc gia khởi nghiệp như lâu nay Thủ tướng Chính phủ vẫn kêu gọi. Ông Trần Trí Dũng - Đại diện Chương trình Khởi nghiệp Thụy Sĩ nhắc lại quan điểm của Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng trong khuôn khổ Techfest 2018, rằng hệ sinh thái phải được xây dựng dựa trên nguồn lực, năng lực và nỗ lực của địa phương đó. Đối với trường đại học cũng vậy.

Đơn cử như ĐH Ngoại thương xác định phát huy thế mạnh và chủ động trở thành điểm kết nối các yếu tố trong hệ sinh thái. Năm 2019, khi ý tưởng Runway ra đời với mục tiêu hỗ trợ cho nhóm khởi nghiệp hướng đến xuất khẩu, một mô hình thử nghiệm đã được triển khai nhanh để đo lường phản ứng của khách hàng.

“Đây là cách làm của lean startup, nhanh gọn và không tốn kém. Chúng tôi liên tục thử để tìm ra cách thức hoạt động phù hợp nhất. Thậm chí đến khi chạy thực tế, Runway vẫn tiếp tục thay đổi, từ kế hoạch chương trình lớn tập trung chuyển thành các bootcamp nhỏ mỗi tháng một lần ở từng thành phố” – PGS.TS Lê Thị Thu Hà tiết lộ.

Trong khi đó, ở Đại học Kinh tế quốc dân, lãnh đạo của Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo xã hội (CSIE) xác định ươm tạo khởi nghiệp để trường đại học có cơ hội phát huy hết công suất cả về cơ sở hạ tầng lẫn năng lực đào tạo, sự kết nối với các doanh nghiệp, tập đoàn mà người điều hành là cựu sinh viên. Việc này vừa giúp ươm mầm cho các dự án khởi nghiệp vừa tạo điều kiện cho các tài năng có cơ hội cọ xát với môi trường kinh doanh thực tiễn.

Để rút ngắn khoảng cách giữa nhà trường và thị trường, với kinh nghiệm và góc nhìn của người làm khởi nghiệp, CSIE còn xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh, tham gia thiết kế môn học, chương trình mới liên quan đến khởi nghiệp ĐMST cho sinh viên, học viên cao học…. Theo đó tại ĐH Kinh tế Quốc dân theo chia sẻ của GS.TS Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng nhà trường đã có những công trình nghiên cứu cập nhật về các xu hướng trên thế giới về kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế biến đổi khí hậu, thậm chí là định hình kinh tế năng lượng của Việt Nam.

Trong mối quan hệ ba thành tố, doanh nghiệp - nhà trường - nhà nước, thì dường như doanh nghiệp, tập đoàn lớn là thành tố rất khó tiếp cận với startup nhỏ chưa có tên tuổi. Điều này dễ dàng được giải quyết khi vai trò của trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp được phát huy cùng mạng lưới cựu sinh viên. Đơn cử như cách mà ĐH Bách khoa Hà Nội đang làm, biến ngày hội cựu sinh viên trở thành một ngày để gặp gỡ, kết nối của nhà trường.

Theo ông Phạm Tuấn Hiệp. Phó giám đốc Ươm tạo, BK-Holdings: “Quỹ BKFund của cựu sinh viên có sứ mệnh đầu tư vào các phát minh, sáng chế trong trường đại học để thương mại hóa tài sản trí tuệ. Đáng quý hơn, các doanh nhân bách khoa sẽ trở thành người đỡ đầu, cố vấn, đối tác kinh doanh cho những startup được ươm tạo. Điều này rất có ý nghĩa lớn với doanh nghiệp còn non trẻ ở giai đoạn đầu”.

Từ hai nhiệm vụ ban đầu là nghiên cứu và đào tạo, giờ đây, các trường đại học đã xác định, thế kiềng ba chân mới cho mình trong chặng đường phát triển tiếp theo: nghiên cứu, đào tạo và ươm tạo thúc đẩy khởi nghiệp. Là nơi nghiên cứu và làm chủ công nghệ, đào tạo ra nguồn nhân lực, có uy tín với chính phủ, nhà đầu tư cũng như mạng lưới cựu sinh viên, cùng hệ thống cơ sở hạ tầng bao gồm co-working, phòng thí nghiệm…. rõ ràng trường ĐH là nơi lý tưởng nhất khởi nguồn cho những ý tưởng nếu được tận dụng và phát huy đúng vai trò.

Thụy Minh

See this content in the original post