Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

“Vườn ươm” khởi nghiệp: Bệ phóng startup thành công cho sinh viên

See this content in the original post

Các trường ĐH trên địa bàn TPHCM đang tạo mọi điều kiện để sinh viên (SV) thỏa sức đổi mới sáng tạo, xây dựng nền tảng cho phát triển dự án khởi nghiệp trong tương lai. Nhiều Startup từ SV đã gây tiếng vang trong những cuộc thi uy tín, đồng thời được trải nghiệm, đào tạo, gọi vốn mầm hàng tỷ đồng…

Xây dựng văn hóa khởi nghiệp 

PGS.TS Phạm Đình Anh Khôi – Giám đốc Trung tâm Ươm tạo DN Công nghệ - Trường ĐH Bách khoa TPHCM cho biết: Với tầm nhìn giai đoạn 2016 - 2020 định hướng 2030 là trở thành trường đại học (ĐH) sáng tạo, tiên phong và chủ động hội nhập quốc tế, nhà trường đã có sự chuẩn bị lâu dài về định hướng phát triển - chính sách - chế độ khi triển khai thực hiện các nhiệm vụ đào tạo, NCKH và đổi mới sáng tạo

Theo PGS Khôi, đến tháng 7/2019, Trường ĐH Bách khoa TPHCM về cơ bản đã xây dựng được nền văn hóa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong SV và giảng viên (GV). Nhà trường cũng đã và đang hoàn thiện một môi trường hỗ trợ tổng thể - bộ khung quan trọng của nền văn hóa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - bao gồm 5 cấu phần chính: Cơ chế - chính sách; bộ phận chuyên trách; sự kiện truyền thông; đào tạo khởi nghiệp; nguồn ngân sách. 

Với lợi thế nằm trong khu đô thị ĐH, Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - ĐH Quốc gia TPHCM (IEC) đã triển khai các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp một cách “hệ thống” dựa theo mô hình “hành trình khởi nghiệp”. IEC tập trung vào các giai đoạn ban đầu trong quá trình khởi nghiệp: “Truyền cảm hứng”, “Khám phá” và “Trải nghiệm” trên nền tảng của mạng lưới các chuyên gia, nhà cố vấn (mentoring) và nhà đầu tư thiên thần. 

ThS Lê Nhật Quang - Phó Giám đốc Khu Công nghệ Phần mềm - ĐH Quốc gia TPHCM (ITP), GĐ Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - ĐH Quốc gia TPHCM (IEC) cho biết: Ba nhóm đối tượng mà IEC hỗ trợ là SV, GV nhà nghiên cứu trong trường ĐH; Cộng đồng DN khởi nghiệp địa phương; Các trung tâm đổi mới sáng tạo, các trung tâm R&D của những DN công nghệ lớn. Ba nhóm đối tượng này, kết hợp với các đối tác, nhà đầu tư, nhà cung ứng dịch vụ, tạo ra được các giá trị cộng sinh cho chương trình hỗ trợ khởi nghiệp...

Hỗ trợ startup “trải nghiệm”

PGS Anh Khôi cho biết, trong 5 năm gần đây, Trường ĐH Bách khoa TPHCM đã tổ chức 1 cuộc thi mỗi năm với trung bình 70 - 100 dự án đăng ký; trong đó cuộc thi “Bách Khoa Innovation” cho các năm 2018 và 2019 đều sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh cho các đội tham gia. Ngoài ra, SV trường còn tham gia các cuộc thi khởi nghiệp được tổ chức bởi các trường hay trung tâm ươm tạo bên ngoài để tích lũy và học hỏi thêm kinh nghiệm…“Trong thời gian sắp tới, đội ngũ GV, tài liệu và các khóa đào tạo về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ được chuẩn hóa và triển khai đồng bộ giữa các hệ đào tạo trong toàn trường”, PGS Khôi chia sẻ.

Còn ThS Lê Nhật Quang cho biết, IEC đã triển khai hệ thống các chương trình Startup Open Day, tổ chức 20 chuyến/năm cho SV đi tham quan hệ sinh thái khởi nghiệp và các DN khởi nghiệp, tăng sự nhận thức, trải nghiệm thực tập và việc làm trong ngành; Tư duy khởi nghiệp, trung bình tổ chức 5 sự kiện/năm, dành cho SV mới vào Trường với mục đích định hướng và hình thành tư duy đổi mới sáng tạo và tìm kiếm các cơ hội tạo ra giá trị cho thị trường; Hành trình doanh nhân, trung bình tổ chức 5 sự kiện/năm với mục đích chia sẻ những câu chuyện thành công và thất bại từ các doanh nhân. 

Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp Creative Idea Contest (CiC) có quy mô toàn quốc được tổ chức định kỳ mỗi năm 1 lần và kéo dài 6 tháng. Chương trình nhằm tạo ra môi trường trải nghiệm thực tế giúp nâng cao kỹ năng và kiến thức, cũng như lan tỏa và truyền cảm hứng về tư duy khởi nghiệp cho sinh viên. Mỗi năm, CiC tiếp cận 600.000 lượt người, có gần 700 sinh viên, với 250 dự án đến từ 150 trường ĐH tham dự trực tiếp. Qua mỗi năm CiC đang tăng dần kể cả quy mô và chất lượng, định hướng là cuộc thi lớn cho khu vực và kết nối quốc tế. Sau cuộc thi có một số nhóm dự án đã gọi được vốn mầm hàng tỉ đồng…

Có khá nhiều Startup đã đi lên từ SV như: Startup Inut Platform (https://inut.vn/) đã phát triển thành công nền tảng cung cấp các công cụ hỗ trợ xây dựng các ứng dụng IoT nhanh chóng; Startup Shub (https://shub.edu.vn/) giúp cho việc số hóa cách thức làm bài và kiểm tra cho HS phổ thông trên nền tảng online, giúp nhà trường và GV quản lý học sinh (HS) thông qua điểm và học bạ số, ứng dụng lúc cao điểm đã lên hơn 5 triệu HS sử dụng; Startup Busmap (http://busmap.vn/) đang phát triển và nhắm tới việc cung cấp giải pháp thành phố thông minh và đã nhận được mức đầu tư ở vòng Series A…

TS Nguyễn Hải An, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo DN Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM cho biết, những năm qua, TPHCM có nhiều chính sách phát triển những vườn ươm khởi nghiệp sáng tạo. Đây là động lực để các vườn ươm tiếp tục hỗ trợ DN khởi nghiệp trong tương lai.  Theo TS An, vai trò của các cơ sở là tạo điều kiện, chất xúc tác giúp DN khởi sự thành công. Đây cũng là công cụ thúc đẩy sáng tạo, đổi mới, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa thành công các ý tưởng công nghệ nhờ gắn kết chặt chẽ mối quan hệ giữa trường ĐH, viện nghiên cứu và DN. 

Tinh thần khởi nghiệp hay đúng hơn là tư duy khởi nghiệp, là rất cần thiết cho SV và thế hệ trẻ hiện nay. Nó không chỉ phục vụ cho việc khởi nghiệp mà còn phục vụ cho nghề nghiệp. Và cũng nên xem “khởi nghiệp” như một nghề. Điều đó, đồng nghĩa với việc, chúng tôi không khuyến khích tất cả SV phải khởi nghiệp, việc khởi nghiệp không đơn giản là dành cho mọi người.

See this content in the original post