Mã số N3019: Nỗ lực khởi nghiệp của người trẻ

Nhiều dự án khởi nghiệp lần lượt ra đời đóng góp lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và kế hoạch xây dựng doanh nghiệp của TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới. Tuy nhiên, không ít ý kiến chuyên gia cho rằng, cần hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp nhiều hơn về vốn, cơ chế chính sách…

8_CXDK.jpg

Vượt khó lập nghiệp

2 năm qua hoạt động khởi nghiệp của cả nước phát triển rất nhanh, số doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới rất lớn. Năm 2016 chỉ khoảng 100.000 DN được đăng ký thành lập mới, đến 2017 có 127.000 DN. Tại TP HCM, năm 2017 có trên 41.000 DN đăng ký thành lập mới. Trong đó, hoạt động thanh niên khởi nghiệp diễn ra khá sôi động với nhiều dự án khởi nghiệp tạo tiếng vang. 

 

1742_web.jpg

Điển hình, với số vốn ban đầu 70 triệu đồng, kỹ sư điện tử Đỗ Hữu Tân (tốt nghiệp ĐH Bách khoa TP HCM) mạnh dạn đầu tư sản xuất hộp giấy thân thiện với môi trường, tái sử dụng và thuận tiện trong vận chuyển, giao hàng cho các kênh bán hàng thương mại điện tử. Hộp này, sau khi đựng hàng hóa có thể dùng làm khung hình, móc treo đồ… Từ những kết quả đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế xã hội của TP HCM, dự án Giải pháp đóng gói Magix là một trong 14 dự án nhận được sự hỗ trợ kinh phí 1 tỷ đồng từ Chương trình Hỗ trợ dự án khởi nghiệp. 

Theo báo cáo kết quả khảo sát về chỉ số khởi nghiệp TP HCM theo phương pháp GEM (Global Entrepreneurship Monitor) năm 2017, trong 12 chỉ số về hệ sinh thái khởi nghiệp TP HCM, có 3 chỉ số được đánh giá cao nhất là văn hóa và chuẩn mực xã hội, năng động của thị trường nội địa, cơ sở hạ tầng. Một vài chỉ số được đánh giá kém như tài chính cho kinh doanh; chuyển giao công nghệ và giáo dục về kinh doanh ở bậc phổ thông...

Nhìn vào thực tế phát triển của các dự án khởi nghiệp, PGS.TS Trần Hoàng Ngân- Giám đốc Học viện Cán bộ TP HCM cho rằng, thời gian tới phải phải tạo ra nhiều quỹ đầu tư khởi nghiệp nhằm hỗ trợ DN. Cứ 100 DN nhưng chỉ cần đầu tư đúng 1 – 10 DN là có thể lấy được vốn để  bù đắp cho 100 DN thất bại. Grab, Microsoft, hay Iphone, Apple,… thành công như ngày hôm này đều nhờ vào hoạt động đổi mới khoa học công nghệ. Khi thành công rồi thì thị trường và doanh thu phát triển không lường được. Vì vậy, mình đừng kỳ vọng 100 DN khởi nghiệp sẽ thành công vì còn rất nhiều khó khăn buộc họ phải vượt qua. 

Cần tiếp sức cho phong trào khởi nghiệp

Trong số khoảng 1.800 startup trên cả nước, có khoảng 834 startup đang hoạt động tại TP HCM (chiếm 42%). Điều đó cho thấy, TP HCM có môi trường thuận lợi để khởi nghiệp. Tuy nhiên, các chỉ số về khởi nghiệp và đổi mới khoa học công nghệ của Việt Nam vẫn còn đứng sau nhiều nước trong khu vực như Singapore, Malaysia,…

Để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tốt, đồng thời thực hiện mục tiêu của UBND TP HCM, từ nay đến năm 2020 phát triển 500 ngàn DN, Sở KH&CN TP HCM lên kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp bằng nhiều hình thức. Theo đó, tập trung kết nối và triển khai nhiều hoạt động với sự tham gia của tất cả các thành phần như trường phổ thông, trường đại học, nhà đầu tư, nhà cố vấn, DN, vườn ươm…, đã góp phần xây dựng TP.HCM trở thành khu vực có phong trào khởi nghiệp sôi nổi nhất. 

Đánh giá cao nỗ lực khởi nghiệp của thanh niên trẻ, song đa số các startup có quy mô nhỏ, nằm ở giai đoạn hạt giống cần hỗ trợ ươm tạo (chưa bước vào giai đoạn gọi vốn), khả năng tăng trưởng đột phá không cao; đi liền đó là cơ chế chính sách vẫn chưa thực sự tạo ra cú hích mạnh cho hoạt động khởi nghiệp, bà Nguyễn Phi Vân- chuyên chuyển nhượng thương hiệu cho rằng: “Đã đến lúc phải thay đổi và hành động thật nhanh. Thế giới đang chuyển động rất nhanh chóng, Việt Nam không có con đường nào khác là phải hòa cùng dòng chảy hội nhập, đẩy nhanh các hoạt động đổi mới sáng tạo thông qua các chương trình cụ thể để không bị bỏ lại phía sau”.

 
 

Thông tin

1.PNG
Đăng trên Báo Đại đoàn kết
Tác giả Thanh Giang
Ngày đăng 27/04/2018
Link bài gốc http://daidoanket.vn/doanh-nhan/no-luc-khoi-nghiep-cua-nguoi-tre-tintuc402161
 
banner-doc-26.03.2018.jpg
 
 
Đối tượng 3dmst