Mã số N3013: Tiềm năng startup Việt, nhưng sức hút còn hạn chế
Năm 2017, các DN khởi nghiệp (startup) Việt Nam đã thu hút được gần 300 triệu USD vốn đầu tư, liệu đây đã phải con số khả quan hay chưa.
Xung quanh vấn đề này, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với bà TRƯƠNG LÝ HOÀNG PHI, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC).
PHÓNG VIÊN: - Theo báo cáo của Topica Founder Institute, trong năm 2017 có 92 khoản đầu tư vào startup Việt với trị giá 291 triệu USD (tăng 42% so với năm trước) trong đó có những thương vụ lớn lên tới vài chục triệu USD. Những con số này gợi cho bà những suy nghĩ gì về sức hút của các startup Việt Nam?
Bà TRƯƠNG LÝ HOÀNG PHI: - Để đánh giá sức hút của startup Việt Nam, không chỉ cần so sánh với dữ liệu năm trước trong nước, mà so sánh với dữ liệu từ các nước Đông Nam Á trong khu vực. Năm 2017 cũng là năm đánh giá sự bùng nổ về các thương vụ đầu tư khởi nghiệp tại Đông Nam Á, với tổng giá trị các thương vụ (deals) được công bố 7,86 tỷ USD (theo Tech in Asia), tăng gấp 3 lần so với năm 2016, chủ yếu được đầu tư ở thị trường Singapore và Indonesia.
Có thể thấy rất rõ là so với khu vực Đông Nam Á, tổng giá trị thương vụ đầu tư vào Việt Nam còn rất khiêm tốn, chúng ta vẫn còn thấp hơn Thái Lan, Malaysia và chỉ cao hơn các nước như Myanmar, Campuchia một chút. Về tốc độ tăng trưởng vẫn hạn chế so với tốc độ tăng trưởng chung của khu vực là trên 300%.
Tuy có các thương vụ trị giá vài chục triệu USD, nhưng tính chất của thương vụ lại thiên về việc thâu tóm startup, có chút khác biệt với đầu tư để tăng trưởng.
Do đó, chúng ta cần nhìn nhận một thực tế là mặc dù các startup Việt Nam đã có những bước phát triển nhất định, nhưng sức hút của startup Việt vẫn còn hạn chế hơn so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, cũng không có gì bi quan vì mỗi hệ sinh thái khởi nghiệp đều sẽ phải trải qua những giai đoạn mới hình thành còn non trẻ, nên việc thu hút nguồn vốn đầu tư vẫn chỉ mới bắt đầu.
Nhận xét như vậy để các startup và các tác nhân khác trong hệ sinh thái thấy còn cần hợp tác nhiều hơn, cố gắng rất nhiều mới có thể tạo nên những thương vụ ngang tầm với startup khu vực và quốc tế.
- Được biết, trong 92 thỏa thuận đầu tư đã thực hiện, nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài thực hiện 28 thương vụ nhưng trị giá 245 triệu USD. Việc các NĐT nước ngoài quan tâm nhiều đến startup Việt sẽ đặt các DN này vào cơ hội và thách thức như thế nào, thưa bà?
- Việc các NĐT nước ngoài thực hiện các thương vụ đầu tư khởi nghiệp lớn tại Việt Nam cho thấy họ bắt đầu nhận ra độ hấp dẫn của startup Việt, cũng có thể khả năng nhìn thấy được “đường xa” và tranh thủ cơ hội khi định giá các startup Việt vẫn còn thấp so với tiềm năng mà các NĐT nhận định.
Như vậy đồng nghĩa các startup Việt Nam chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn hơn, từ cả NĐT trong nước và nước ngoài. Đối với NĐT nước ngoài, ngoài nguồn vốn ra, họ còn giúp startup phát triển mở rộng ra khu vực hoặc quốc tế, đưa các phương pháp quản trị chuyên nghiệp vào giúp startup phát triển tốt hơn và nhanh hơn.
Tuy nhiên, sẽ có những thách thức và rủi ro đi kèm với việc nhận đầu tư từ NĐT nước ngoài, đặc biệt trong việc theo đúng các điều khoản, điều kiện đầu tư mà NĐT đặt ra. Các NĐT nước ngoài thường áp dụng Luật Singapore, Hồng Công, hoặc Hoa Kỳ (là những nước có hệ thống tài chính tốt và bảo vệ quyền lợi NĐT) khi đầu tư vào startup Việt, nếu startup Việt không nắm rõ luật hoặc không có người tư vấn về “luật chơi” có khả năng startup làm sai luật và bị “thổi còi”, thậm chí bị loại.
- Năm 2017, cụm từ khởi nghiệp đã trở nên nóng hơn khi các startup ra đời nhiều, các sự kiện, cuộc thi liên quan cũng khá đa dạng. Vậy năm 2018 có cần những điểm nhấn mạnh mẽ hơn cho hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam?
- Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam còn khá mới và có rất nhiều đối tượng trong hệ sinh thái cần được phát triển, hoặc hỗ trợ phát triển. startup là một đối tượng quan trọng và thiết yếu, nhưng không phải đối tượng duy nhất và startup không thể thành công nếu thiếu các đối tượng khác trong hệ sinh thái.
Một trong những đối tượng chưa được tập trung nhiều nguồn lực là các NĐT cá nhân/thiên thần, là những người sẽ cung cấp vốn ban đầu, hỗ trợ startup từ lúc còn mới phôi thai. Hiện nay, các NĐT cá nhân/thiên thần chủ yếu hoạt động tự phát, chưa có nhiều liên kết với nhau và chưa có chuyên nghiệp hóa trong hoạt động đầu tư khởi nghiệp. Do đó, trong năm 2018, tôi nghĩ đây là một trong những đối tượng cần được chú trọng hơn để tạo thành sức bật cho cộng đồng khởi nghiệp.
- Ngay tại BSSC trong năm 2018 sẽ có những hoạt động như thế nào để trợ lực nhiều hơn cho các startup, thưa bà?
- Năm 2017, BSSC đã tập trung vào việc nâng cao năng lực cho các startup và kết nối mạng lưới cố vấn. Đây là nền tảng để năm 2018 BSSC tập trung vào chương trình tăng tốc khởi nghiệp, giúp startup xây dựng mô hình kinh doanh có thể nhân rộng ra tầm quốc tế, và có khả năng tăng trưởng vượt bậc. Điều này không loại trừ khả năng chúng tôi đang rất cần kêu gọi nhiều nguồn lực và sự hợp tác từ các đối tác trong và ngoài nước.
Với định hướng này, BSSC đang tìm kiếm cơ hội mở rộng mối quan hệ với các tổ chức/quỹ đầu tư nước ngoài, tổ chức tăng tốc khởi nghiệp để kết nối startup Việt Nam với NĐT thiên thần/ NĐT mạo hiểm; đưa DN Việt Nam tham gia học hỏi mô hình khởi nghiệp, tìm kiếm thị trường tiềm năng. Đây là các chương trình vốn đã được chúng tôi thực hiện khá tốt và tạo thành thương hiệu trong các năm vừa qua, như STARTUP WHEEL, STARTUP EXCHANGE sẽ có nhiều thay đổi nhằm hướng đến những mục tiêu trên.
Song song đó, một trong những điểm mới nổi bật của BSSC là hỗ trợ tích cực để xây dựng và vận hành nền tảng huy động vốn khác, ngoài những kênh huy động vốn truyền thống. Kết quả thế nào cần thời gian, chúng tôi sẽ thận trọng trong quá trình xây dựng cho đến khi có hiệu quả.
- Về phía các startup, theo bà trong năm 2018 bản thân họ cần có những nỗ lực như thế nào?
- Các startup luôn luôn cần nỗ lực trong việc phát triển DN của họ. Nỗ lực vượt qua những áp lực cạnh tranh từ môi trường bên ngoài ngày càng mạnh mẽ hơn, và cả nỗ lực để giải quyết những bài toán nội tại của DN trong quá trình thúc đẩy tăng trưởng, là điều mà startup luôn phải đối mặt.
Việc xác định định hướng và mô hình cho startup rất quan trọng, bởi hiện nay vẫn có nhiều (nhà sáng lập DN) nhầm lẫn giữa startup và SME (DNNVV). Đây là hai định hướng và mô hình kinh doanh khác nhau, nếu xác định không chính xác, nhà sáng lập có thể dẫn DN của mình đi sai. Do đó, ngoài những nỗ lực trong hoạt động vận hành hàng ngày, các nhà sáng lập cần học hỏi, trang bị kiến thức thêm về định hướng và mô hình kinh doanh cho DN của mình.
- Xin cảm ơn bà.