Mã số N3009: Phát triển doanh nghiệp startup: đừng cản lối đổi mới
Vào tháng 3 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Đây là một bước nữa trong tiến trình thực thi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (trong bài này gọi đơn giản là doanh nghiệp startup) từ phía Nhà nước.
Đọc nghị định này, có thể nhận thấy một điểm nhấn là sự xác lập khung pháp lý cho các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo thành lập và vận hành thuận lợi ở Việt Nam. Điều này sẽ giúp dòng tiền đầu tư cho doanh nghiệp startup thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, nếu cho rằng động thái này sẽ kéo được nhiều doanh nghiệp startup đăng ký kinh doanh ở nước ngoài quay về Việt Nam thì vẫn còn hơi sớm. Đó là vì doanh nghiệp startup cần không chỉ là tiền mà còn là một hệ sinh thái đầy đủ các nhân tố như chia sẻ từ người đi trước đã thành công, nhân lực, tiền vốn và môi trường kinh doanh.
Sự thật là tồn tại một xu hướng nhiều doanh nghiệp startup của Việt Nam đăng ký kinh doanh ở những nước láng giềng như Singapore, không chỉ vì họ cần tiền mà họ còn cần một môi trường ở đó họ có thể tự do kinh doanh, không bị nhũng nhiễu và dễ nhận được chia sẻ, hướng dẫn và lực cộng hưởng từ một cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo đã phát triển.
Trong những yếu tố đó, môi trường tự do kinh doanh là một vấn đề rất quan trọng mà Việt Nam cần đối mặt. Quay lại năm 2016, cộng đồng startup lo ngại ảnh hưởng của điều 292 trong Bộ luật Hình sự 2015 về việc cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông. Theo điều luật đó, nếu cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ mà không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép, thì sẽ bị phạt tiền hoặc thậm chí là giam giữ. Đến giữa năm 2017, điều luật này bị bãi bỏ. Nhưng nó là một ví dụ điển hình cho thấy trong môi trường pháp lý của Việt Nam, vẫn tồn tại một cách nghĩ ở các cơ quan quản lý nhà nước là người kinh doanh chỉ nên được làm những gì pháp luật cho phép.
Đây là một cách nghĩ dẫn đến sự ra đời của hàng loạt giấy phép con và là một rào cản cho tiến trình khởi nghiệp sáng tạo. Làm sao người ta sáng tạo và đổi mới khi bị áp đặt là họ chỉ được kinh doanh trong một cái khung định sẵn bởi hàng loạt điều luật và giấy phép con lỗi thời.
Qua trao đổi với một chuyên gia nghiên cứu về khởi nghiệp sáng tạo năm ngoái, người viết học được một quan điểm: để doanh nghiệp sáng tạo có thể phát triển tốt thì môi trường pháp lý lý tưởng cần quy định là các cơ quan nhà nước chỉ được làm và quản lý những gì pháp luật cho phép, còn doanh nghiệp có thể làm bất cứ cái gì Nhà nước không cấm.
Quan điểm này phù hợp với các góc nhìn Nhà nước phải nhỏ và gọn nhẹ, linh hoạt của kinh tế học 2.0. Nó có nghĩa là Nhà nước phải quản lý ít hơn và ít can thiệp hơn. Bởi vì, nhiều thứ bây giờ thay đổi nhanh, vượt quá tiềm lực của một Nhà nước to lớn và cồng kềnh. Nó cũng tương thích với mô hình chính phủ kiến tạo mà Việt Nam hướng tới.
Nếu theo quan điểm đó mà suy rộng ra, trước tiên cần hạn chế cái quyền cấp giấy phép con và tất cả những quyền khiến startup có thể bị nhũng nhiễu (mà rộng ra là cho tất cả loại hình doanh nghiệp tư nhân). Tiếp theo là phải xác lập quyền sở hữu rõ ràng với tài sản, bao gồm các quy định về sở hữu trí tuệ. Quyền sở hữu và bảo vệ nhà đầu tư luôn là một điểm yếu mà Việt Nam phải cải thiện, và cũng là nơi mà những chính quyền địa phương và những công ty lớn nhiều quan hệ có thể lợi dụng chèn ép doanh nghiệp startup.
Sân chơi kinh doanh của Việt Nam vì vậy phải thay đổi theo hướng cán cân quyền lực thị trường di chuyển từ phía người sở hữu quan hệ về phía người sở hữu tri thức sáng tạo. Xét về thực tế, quan hệ luôn chiếm vai trò rất quan trọng trong kinh doanh nhưng nó không nên chiếm thế gần như tuyệt đối như hiện tại ở nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Nền kinh tế vận hành chủ yếu trên quan hệ sẽ là rào cản rất lớn cho đổi mới vì những công ty đã tồn tại lâu, có nhiều quan hệ sẽ luôn cản trở sáng tạo và đổi mới, vì điều đó đe dọa thế độc quyền nhóm của họ trên thị trường (chẳng hạn như “cuộc chiến” giữa taxi truyền thống và Uber-Grab).
Một sân chơi mới với luật lệ mới, nơi mà Chính phủ sẽ tạo thuận lợi và “chơi đẹp” với những ai sáng tạo hơn, tạo ra nhiều giá trị hơn, và hiệu quả hơn chứ không phải với những ai lớn hơn và có nhiều tiền hơn sẽ là một sân chơi lành mạnh hơn và buộc mọi công ty trong xã hội phải đổi mới. Như vậy mới là một môi trường lý tưởng cho khởi nghiệp sáng tạo.
Nói ngắn gọn, doanh nghiệp startup cần tiền, môi trường pháp lý cho vận hành quỹ khởi nghiệp sáng tạo, điều mà chính sách đang thực thi đúng hướng. Có tiền rồi, doanh nghiệp startup cần tiếp theo là một môi trường kinh doanh mà các cơ quan công quyền không nhũng nhiễu họ và không cản lối đổi mới.