Mã số N3043: Đổi mới công nghệ là giải pháp “sống còn” của doanh nghiệp

Trong sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp luôn cần đến những giải pháp công nghệ để tăng năng suất và hiệu quả ở tất cả các khâu, từ cung ứng, tổ chức sản xuất, kiểm soát chất lượng, quảng bá sản phẩm, phân phối đến các hoạt động quản trị nhân sự, tài chính, đầu tư... Những doanh nghiệp không kịp thời nắm bắt công nghệ để đổi mới sáng tạo, vẫn kinh doanh theo phương thức truyền thống sẽ có nguy cơ rời khỏi thị trường.

getty_178976393_192891.jpg
 

Những năm gần đây, cùng với phát triển khoa học công nghệ, xuất hiện nhiều phương thức kinh doanh mới dựa trên nền tảng phát triển của internet kết nối vạn vật (Internet of things), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây, công nghệ tự động hóa trong sản xuất và kiểm soát chất lượng… với sức cạnh tranh vượt trội.

Những phương thức kinh doanh này không chỉ giúp doanh nghiệp vận dụng để gia tăng năng suất và kiểm soát chất lượng, mà còn có thể kết hợp với nhau để đổi mới các hoạt động của doanh nghiệp từ phân tích hành vi của khách hàng, sáng tạo sản phẩm mới, quảng bá sản phẩm, tư vấn trực tuyến, kiểm soát sản xuất và chất lượng tự động, quản lý tài chính, làm việc từ xa...

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế, trước xu hướng này, "dòng đời" của sản phẩm sẽ rút ngắn hơn, sự xuất hiện bất ngờ của đối thủ tiềm ẩn và sản phẩm thay thế làm doanh nghiệp không kịp thích ứng.

Những giải pháp công nghệ đều có thể ứng dụng trong các hoạt động quản trị, nếu doanh nghiệp chậm nắm bắt và cải tiến, năng lực cạnh tranh sẽ kém, có nguy cơ rời khỏi thị trường.

Trong khi đó, quá trình đổi mới của doanh nghiệp luôn đối mặt với những trở lực, nhất là công nghệ đã đầu tư với giá trị lớn nhưng lạc hậu khi chưa thu hồi vốn, kiến thức và kỹ năng của nguồn nhân lực không thích ứng với bối cảnh mới.

Số lượng doanh nghiệp Việt Nam nhiều và gia tăng liên tục nhưng có đến 97% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ. Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, dù kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam hàng năm không ngừng tăng lên nhưng đến 70% giá trị xuất khẩu của Việt Nam thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Một ví dụ khác là 44% số giày của Adidas được sản xuất tại Việt Nam nhưng các doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia được vào chuỗi cung ứng của thương hiệu này. Do đó, khi tham gia sâu vào các hiệp định thương mại tự do, các doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh được.

Cũng theo ông Hưng, năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam hạn chế do ít cập nhật sự thay đổi của thị trường và công nghệ. Thực trạng chung của các doanh nghiệp này là sử dụng công nghệ lạc hậu, năng suất lao động quá thấp so với các nước trong khu vực, thường xuyên gặp khó về tài chính, nhân lực yếu kém chưa tiếp nhận thông tin và công nghệ mới trong sản xuất, cũng như các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Thực tế, doanh nghiệp có rất ít thông tin về các chương trình hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ của Nhà nước hoặc khó tiếp cận được. Đơn cử, mỗi địa phương đều có Quỹ Phát triển khoa học công nghệ, nhưng nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được vì phải trải qua quy trình xét duyệt rất rườm rà và kéo dài.

Ông Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố dành 20% ngân sách (khoảng 2.000 tỷ đồng/năm) chi cho công tác nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ, nhưng hàng năm chỉ giải ngân được 0,08% chủ yếu cho đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Hầu như doanh nghiệp nào cũng có quỹ khoa học công nghệ, kể cả doanh nghiệp tư nhân, nhưng không được quan tâm sử dụng.

Đại diện Công ty thủy sản Khánh Trang (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, dù rất muốn đầu tư đổi mới công nghệ, nhưng điều doanh nghiệp trăn trở là không thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, khi doanh nghiệp đã tập trung nguồn lực tài chính vào mua nguyên liệu và trả lương cho người lao động. Các chính sách từ Nhà nước giúp khơi thông nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng cũng như các quỹ đầu tư dành cho khoa học công nghệ chính là “phao cứu sinh” cho các doanh nghiệp trong lúc này.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng, cần cải thiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ của Nhà nước. Cụ thể, phải đảm bảo hiệu quả thực thi từ khi ban hành chính sách đến người thực hiện xét duyệt hồ sơ; đồng thời cắt giảm những thủ tục, giấy tờ không cần thiết, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ nhanh nhất.

Theo bà Nguyễn Thị Vân, Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Bến Nghé (Thành phố Hồ Chí Minh), để quỹ bảo lãnh tín dụng phát huy tác dụng, cơ chế chính sách phải rõ ràng, chi tiết và đảm bảo an toàn cho cả người được bảo lãnh và ký bảo lãnh.

Nhiều doanh nghiệp mới trong khu công nghệ cao có những công nghệ mới với ý tưởng rất hay nhưng chưa có sản phẩm thực tế nên không có tài sản đảm bảo vay vốn theo đúng quy định được. Do đó, Nhà nước cần có chính sách cụ thể về vấn đề công nghệ mới giống như các quỹ đầu tư mạo hiểm chấp nhận rủi ro trong lĩnh vực công nghệ mới, mới tạo điều kiện cho cả ngân hàng và doạnh nghiệp có điều kiện tiếp cận vốn.

Về lâu dài, theo Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, cần định hướng chiến lược kinh doanh toàn cầu nhằm giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong nắm bắt thông tin, tiếp cận được các giải pháp công nghệ mới để cải tiến phương pháp sản xuất, kinh doanh, tiếp cận khách hàng toàn cầu.

Doanh nghiệp trong nước cần định hướng liên kết, hợp tác tốt với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thuận lợi hơn trong nắm bắt tiêu chuẩn, kỹ thuật mới, tiếp cận tri thức và công nghệ mới. Đồng thời, các doanh nghiệp chuẩn bị nhân lực có khả năng hấp thụ thành quả của tiến bộ công nghệ toàn cầu.

 
 

Thông tin

Đăng trên Báo ảnh Dân tộc và Miền núi
Tác giả Việt Âu
Ngày đăng 13/06/2018
Link bài gốc http://dantocmiennui.vn/xa-hoi/doi-moi-cong-nghe-la-giai-phap-song-con-cua-doanh-nghiep/176151.html
 
banner-doc-26.03.2018.jpg
 
 
Đối tượng 3dmst