Mã số N3040: Blockchain - công nghệ sẽ làm thay đổi thế giới
Blockchain là công nghệ cho phép truyền tải dữ liệu một cách an toàn dựa vào hệ thống mã hóa vô cùng phức tạp, tương tự cuốn sổ cái kế toán của một công ty.
Gần đây, cụm từ blockchain được nhắc đến và xuất hiện với tần suất dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Rất nhiều hội thảo về công nghệ blockchain và khả năng ứng dụng vào đời sống cũng đã được tổ chức, quy tụ đông đảo giới kinh doanh, công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) Việt tham gia.
Mới là sự khởi đầu
Sự kiện rầm rộ nhất gần đây phải kể đến sự kiện Ngày hội Blockchain Việt Nam (Blockchain Festival Vietnam) tổ chức tại TPHCM hồi cuối tháng 5-2018, quy tụ hơn 1.500 người tham dự.
Sự kiện được đánh giá mang lại nhiều giá trị tích cực cho cộng đồng, hệ sinh thái khởi nghiệp blockchain với nguồn kiến thức về ngành công nghiệp chuỗi khối cùng mạng lưới kết nối hơn 30 diễn giả, đơn vị phát triển blockchain hiện nay. Mới hơn, ngày 19-6, tại Lào, Lina Group (Lina.review) - một startup Việt vinh dự được Chính phủ Lào ký hợp đồng về việc sử dụng nền tảng công nghệ của Lina Group trong nghiên cứu và triển khai Digital Identity using Blockchain (Định danh điện tử bằng blockchain).
Công nghệ được cho là có thể xử lý và đem lại những tính năng ưu việc trong việc định danh điện tử như kiểm soát luồng dữ liệu cá nhân tuyệt đối, đảm bảo tính riêng, quản lý danh tính và thông tin xác thực thông qua trải nghiệm ví điện tử đơn giản…
Nếu như vào thời điểm năm 2015, những doanh nghiệp đề cập đến blockchain, bitcoin, cryptocurrency chỉ là con số nhỏ, thì đến năm 2016 trở đi, tỷ lệ này bắt đầu phát triển và kết quả là sự gia tăng trong năm 2017. Ở đây cần thấy, do sự ra đời của công nghệ blockchain gắn liền với sự ra đời của đồng tiền ảo bitcoin, song đã có nhiều người nhầm lẫn khái niệm blockchain với bitcoin.
Điểm qua các sự kiện blockchain được tổ chức tại Việt Nam gần đây cho thấy, các đơn vị tổ chức đều giới thiệu các giá trị mới của công nghệ chuỗi khối và thường hướng các mục tiêu vào tiền ảo. Nhưng blockchain với những đặc thù riêng, các chuyên gia cho rằng, công nghệ này mở ra một xu hướng ứng dụng tiềm năng cho nhiều lĩnh vực như tài chính ngân hàng, bán lẻ, vận chuyển hàng hóa, sản xuất, viễn thông...
Các chuyên gia định nghĩa, blockchain là công nghệ cho phép truyền tải dữ liệu một cách an toàn dựa vào hệ thống mã hóa vô cùng phức tạp, tương tự cuốn sổ cái kế toán của một công ty. Blockchain cho phép việc truyền tải dữ liệu không đòi hỏi một trung gian để xác nhận thông tin. Hệ thống blockchain tồn tại rất nhiều nút độc lập có khả năng xác thực thông tin. Thông tin trong blockchain không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống. Đây là một hệ thống bảo mật an toàn cao trước khả năng bị đánh cắp dữ liệu.
Ứng dụng nhiều ngành nghề
Hiện nay cho thấy, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang nghiên cứu ban hành các chủ trương, xây dựng các chính sách phù hợp cho sự phát triển đầy tiềm năng của công nghệ blockchain. Chính phủ Thụy Điển và Honduras đã sử dụng công nghệ này để xử lý quyền sử dụng đất; Estonia sử dụng trong quản lý cơ sở dữ liệu của chính phủ; quốc đảo Isle of Man cũng đang thử nghiệm việc sử dụng blockchain trong việc đăng ký công ty… Cùng với đó, các công ty công nghệ lớn trên thế giới như Microsoft, Oracle đã có những động thái tối ưu công nghệ này cho các ngành nghề như tài chính, giao thông.
Tại Việt Nam đã có hơn 20 startup liên quan đến blockchain, song chủ yếu ứng dụng trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến, ví điện tử và gần như họ không mong muốn xuất hiện trước truyền thông. Còn theo báo cáo mới nhất từ TopDev (mạng tuyển dụng chuyên về Công nghệ thông tin) cho biết, tính đến tháng 12-2017, lượng tìm kiếm việc làm liên quan đến lĩnh vực tiền điện tử (cryptocurrency) - một ứng dụng của công nghệ blockchain tại Việt Nam đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016.
Mức lương trung bình dành cho nhà phân tích nghiên cứu (Research Analyst) có trình độ chuyên môn về blockchain sẽ từ 30.117EUR mỗi năm (hơn 830 triệu đồng) và cho một kiến trúc sư phần mềm (Software Architect) sẽ là 67.209EUR mỗi năm (hơn 1,8 tỷ đồng). Điều đó cho thấy công nghệ blockchain đang tạo ra một xu hướng mới tại Việt Nam.
Các chuyên gia đánh giá, công nghệ blockchain đạt được sự tin cậy cao nhờ tính năng không thể thay đổi đối với thông tin, dữ liệu trong các khối lưu trữ. Hiện nhiều ngân hàng lớn trên thế giới như Morgan Stanley, Goldman Sachs, BNY Mellon, JP Morgan Chase, HSBC... đã và đang nghiên cứu áp dụng công nghệ này trong các hoạt động của mình và xu hướng này đang có chiều hướng gia tăng.
Theo Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), Việt Nam chưa có tổ chức ngân hàng - tài chính nào công bố công khai chính thức áp dụng công nghệ blockchain cho kinh doanh, hoạt động nghiệp vụ. Tuy nhiên, một số ngân hàng đang có những nghiên cứu ban đầu đối với công nghệ này.
Trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa, với công nghệ này, khi hàng hóa chuyển đến đâu thì tất cả những thành viên tham gia mạng blockchain đều có thể theo dõi tình trạng hàng hóa và biết cụ thể thời gian đến. Blockchain sẽ phục vụ hiệu quả cho việc truy xuất nguồn gốc để biết rõ các sản phẩm, hàng hóa được nhập khẩu, sản xuất từ đâu.
“Với blockchain, chúng ta hoàn toàn có thể chia sẻ thông tin theo phương thức hàng ngang trong chuỗi khối mà không cần bên thứ ba can thiệp vào vấn đề quản lý. Mọi thông tin chia sẻ từ người dùng sau khi được định danh điện tử bằng blockchain được xem như một hồ sơ công khai trên nền tảng kỹ thuật số”, Ông Vũ Trường Ca, CEO Lina Group, khẳng định.
Thông tin
Đăng trên | Báo Sài Gòn giải phóng |
Tác giả | Bá Tân |
Ngày đăng | 21/06/2018 |
Link bài gốc | http://www.sggp.org.vn/blockchain-cong-nghe-se-lam-thay-doi-the-gioi-527715.html |