Mã số N3047: Khởi nghiệp: Hiểu sao cho đúng
Cùng với một số thuật ngữ như: Cách mạng 4.0, IoT, AI …, “khởi nghiệp” cũng là thuật ngữ đang được nói ở nhiều nơi. Có người sướng quá khi vận động “Việt Nam là quốc gia khởi nghiệp”! Ai cũng có thể nói nhưng hiểu đúng thuật ngữ này, chưa nói đến làm, đã là chuyện khó.
Khởi nghiệp rần rần…
Ông Cao Đức Độ, chuyên gia thị trường viễn thông, vừa “khởi nghiệp” ở tuổi 40 với cương vị giám đốc một doanh nghiệp nhỏ, “không lấy làm vui” về hiện tượng khởi nghiệp hiện nay ở nhiều thành phần, chủ yếu là giới trẻ. “Chúng ta đang lạm dụng từ khởi nghiệp để làm màu với thiên hạ. Cứ làm một việc nào đó mới mẻ với chính mình, gọi là khởi nghiệp. Vậy nên thiên hạ khởi nghiệp rần rần”.
Tại buổi nói chuyện với giới trẻ đang nung nấu ý định khởi nghiệp tại Sài Gòn vào cuối năm 2017, ông Nguyễn Hữu Thái Hoà, chủ tịch hội đồng quản trị chương trình iBosses Việt Nam, nhận xét chắc nịch: “Hiện nay Việt Nam đang rơi vào tình cảnh loạn khởi nghiệp”. Ông Thái Hoà giải thích rằng: “Vì chưa hiểu như thế nào là khởi nghiệp nên sinh ra loạn. Đến đâu cũng nghe nói về khái niệm này, hết phong trào này, phong trào nọ… Nhưng chưa có một tổ chức nào làm bài bản về khởi nghiệp”.
Ông Nguyễn Văn Phước, giám đốc Trí Việt First News, đồng tình: “Khái niệm khởi nghiệp đang lan toả rất nhanh trong giới trẻ Việt Nam. Đó là một tín hiệu, tốt nhưng đáng tiếc, khởi nghiệp tại Việt Nam vài năm qua chỉ thiên về hình thức phong trào, diễn đàn… mà chưa thấy tổ chức nào đứng ra tư vấn cho những người muốn khởi nghiệp”.
Từ “rần rần” mà ông Độ dùng nghe chất vị dân dã của phương ngữ miền Nam, và từ “loạn” của ông Thái Hoà là hai góc nhìn, nhưng đã lột tả đúng về hiện tượng khởi nghiệp tại Việt Nam những năm gần đây. Tỉnh nào cũng hô hào khởi nghiệp, thi khởi nghiệp. Tổ chức nào cũng nói về khởi nghiệp, thi khởi nghiệp.
Nhiều diễn đàn về khởi nghiệp được tổ chức trong những khách sạn hạng sang. Thậm chí đã có người có thêm nghề mới “thi khởi nghiệp”. Hễ nơi nào có cuộc thi khởi nghiệp là thấy “nhân vật khởi nghiệp” đó nộp đề tài tham gia dự thi, giám đốc một tổ chức hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp chia sẻ thông tin trên. Thoáng qua thấy đúng, thấy hay, nhưng đi sâu vào những hoạt động này mới thấy đó chỉ là hình thức theo kiểu “thấy thiên hạ ăn khoai, xách mai chạy… vòng vòng”!
Có người nhận xét chưa khởi đã thấy thất nghiệp. Quả nhiên điều đó đúng. Có ý kiến cho rằng, 80% khởi nghiệp thất bại. Có người nói, tỷ lệ đó là 90%. Còn theo ông Thái Hoà, con số khởi nghiệp thất bại tại Việt Nam là 95%. Tuỳ theo vị trí và công cụ đo kiểm của từng người mà có con số khác nhau. Nhưng dù gì, khái niệm và chính sách dành cho khởi nghiệp (nếu có) ở Việt Nam cần hiểu đúng để có cách làm đúng.
Hiểu sao cho đúng?
Khởi nghiệp, xét theo nghĩa thông thường của tiếng Việt là bắt đầu công việc mới của một cá nhân hay của nhóm người. Nhưng ở bình diện xã hội, khởi nghiệp là thuật ngữ để chỉ về “những cá nhân hoặc công ty bắt đầu tham gia thị trường với những sản phẩm có giá trị hữu ích với xã hội, cộng đồng dựa trên nền tảng công nghệ mới mà trước đó chưa có ai nghĩ đến”, như ý kiến của ông Cao Đức Độ.
Tại diễn đàn “Khởi nghiệp – Đường nào tới thành công?” được tổ chức vào cuối năm 2016, chủ tịch hội đồng quản trị FPT Trương Gia Bình có yêu cầu cao đến độ cực đoan, khi cho rằng: “Nói đến khởi nghiệp là nói đến đổi mới sáng tạo, nói đến đỉnh cao của khoa học công nghệ, nói đến điều thế giới chưa từng làm. Nếu khởi nghiệp mà không có những giá trị trên, thì đó chỉ là lập nghiệp”. Ông Bình cũng nói thêm rằng, đâu cần dùng đến khái niệm khởi nghiệp thời thượng, nhiều doanh nghiệp lớn hiện nay cũng bắt đầu từ lập nghiệp.
Tại buổi họp báo thường kỳ quý 1/2017, ông Bùi Thế Duy, chánh văn phòng bộ Khoa học và công nghệ, cho rằng nhiều người vẫn chưa hiểu đúng về khái niệm khởi nghiệp. Theo vị chánh văn phòng bộ, “Khởi nghiệp phải dựa trên một công nghệ mới hoặc tạo ra một hình thức kinh doanh mới, xây dựng một phân khúc thị trường mới… Nghĩa là phải tạo ra sự khác biệt không chỉ ở thị trường trong nước mà còn trên thế giới”.
Nói đến doanh nghiệp khởi nghiệp theo đúng nghĩa mà các chuyên gia ở trên đã phân tích, là cần có những tiêu chí: tạo ra sản phẩm mới mà trước đó trên thị trường chưa hề có, mô hình kinh doanh mới, công nghệ độc đáo, xu hướng tiêu dùng mới… Nhưng giá trị cốt lõi của sản phẩm doanh nghiệp khởi nghiệp chính là công nghệ. Đây là tiêu chí quan trọng tạo ra sự khác biệt giữa một doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp lập nghiệp.
Có thể nói rằng “khởi nghiệp” còn được hiểu là một danh hiệu của doanh nghiệp đó trên thương trường, để phân biệt với nhiều doanh nghiệp khác cùng chung một lĩnh vực, thậm chí là một sản phẩm. Apple, AirBnb, Grab, Uber… là những mô hình mẫu mực của khái niệm khởi nghiệp.
Cần dạy quy trình khởi nghiệp!
Không ai lại chia sẻ bí quyết công nghệ của một sản phẩm, vì đó là bí mật, quyết định sự “sống còn” của doanh nghiệp, huống hồ chi đó lại là doanh nghiệp khởi nghiệp. Đây là ý kiến bình luận của ông Cao Đức Độ về những cuộc thi khởi nghiệp đã và đang xảy ra tại Việt Nam. Theo ông Độ, đó chỉ là những cuộc thi ý tưởng lập nghiệp để tìm kiếm nguồn vốn tài trợ ban đầu, để họ hội nhập vào đời sống kinh doanh. “Đây là cách tìm vốn đơn giản nhất so với cách gọi vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, hay quỹ đầu tư thiên thần”, ông Độ nói thêm.
Từ những câu chuyện thực tế ở Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, cần dạy dỗ lớp trẻ quy trình khởi nghiệp nếu như họ muốn khởi nghiệp. Ông Thái Hoà chia sẻ: “Tinh thần khởi nghiệp, nhất là với giới trẻ đáng trân trọng, nhưng nếu không có định hướng về mặt học thuật, tỷ lệ thất bại rất cao, làm họ dễ nản chí, mất phương hướng”.
Hiện nay, tại thị trường Việt Nam, có nhiều tổ chức trong và ngoài nước soạn chương trình riêng để dạy quy trình khởi nghiệp cho những ai quan tâm. Nhiều doanh nghiệp tham gia vào khởi nghiệp bằng hình thức tạo không gian làm việc miễn phí cho cộng đồng khởi nghiệp. Tháng 10.2017, VPBank công bố dự án hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp mang tên VPBank StartUp với giá trị 1 triệu USD trong năm 2018.
Theo ông Thái Hoà, iBosses VN chuẩn bị triển khai các khoá huấn luyện về quy trình khởi nghiệp theo lý thuyết khởi nghiệp của TS Patrick Khor tại Việt Nam, cụ thể là Hà Nội và Sài Gòn. Đã có chín quốc gia, 23 thành phố tại khu vực châu Á và 400 trường đại học đang sử dụng lý thuyết khởi nghiệp của Khor, ông Hoà cho biết thêm. Ông Phước của Trí Việt cho rằng, nên đưa lý thuyết về quy trình khởi nghiệp vào trường đại học, vì sinh viên cần hiểu về khởi nghiệp để sau này dễ dàng vào đời.