Mã số N3048: Cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định khởi nghiệp

Chưa bao giờ phong trào khởi nghiệp trong giới trẻ được nhắc nhiều như thời gian gần đây. Thế nhưng, nếu không có đam mê, sáng tạo, sự kiên nhẫn và nhiều yếu tố khác, những người trẻ bắt đầu khởi nghiệp sẽ rất khó thành công với công việc mình đã chọn.

o-STARTUP-facebook.jpg
 

Dù đã tạo dựng được phong cách cho món ăn khá nổi tiếng, sở hữu trang Fanpage 5 quả trứng với hàng chục nghìn người theo dõi, từng kết hợp với rất nhiều nhãn hàng lớn…, nhưng Hương Thảo, tên thật là Ðỗ Thị Cẩm Thoa, 31 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh vẫn chưa dám nhận mình đang khởi nghiệp.

Hương Thảo "bén duyên" với nghề bếp núc được hơn ba năm nay. Hiện, cô đang làm công việc thiết kế và trình bày món ăn theo yêu cầu của khách hàng. Cụ thể là phối hợp việc chế biến ẩm thực với nghệ thuật sắp đặt các nguyên liệu, mầu sắc để món ăn trông thật đẹp, thật hấp dẫn trong các buổi thu hình, chụp ảnh truyền thông, quảng cáo. "Tôi vẫn luôn ước mơ mở một tiệm bánh cho riêng mình, lập một phim trường nho nhỏ để sáng tạo ra những món ăn đẹp, nhưng thực tế là mình vẫn đang trên con đường vừa học vừa làm. Khởi nghiệp, được làm chủ thì ai chẳng muốn, nhất là tôi lại rất có nhiều đam mê", Hương Thảo tâm sự.

Tiếp xúc với nhiều bạn trẻ đang bắt tay thực hiện ước mơ, hầu như không có ai cho rằng khởi nghiệp là công việc dễ dàng. Ðang có công việc ổn định, chị Phan Hoàng Anh Thi (34 tuổi, ngụ quận Bình Tân) vì quá mê làm trái cây sạch đã bỏ công việc kế toán tại một công ty nước ngoài để khởi nghiệp. Mặc dù gia đình khuyên ngăn, chị vẫn dồn tiền bạc, công sức vào việc thuê mặt bằng, mướn nhân công, dành thời gian đi tìm nguồn hàng ổn định, tìm khách hàng. Mới đây, chị Anh Thi đã trở thành nông dân cho một doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. "Lửa khởi nghiệp trong tôi vẫn chưa bao giờ tắt, nhưng sau thời gian bắt tay vào thực tế, tôi thấy rằng chỉ có đam mê thôi thì chưa đủ. Ðể khởi nghiệp cần phải có kinh nghiệm, tiềm lực kinh tế mạnh và nhất là các mối quan hệ bên ngoài", chị Thi chia sẻ.

Lý giải về dự án khởi nghiệp thất bại, Giám đốc Công ty Ði chợ thuê 247 Võ Ðức Minh cho rằng, mạng xã hội như "con dao hai lưỡi", có thể tạo điều kiện để đi đến thành công nhưng cũng là nguyên nhân dẫn đến thất bại. Dự án "đi chợ thuê" được Minh ấp ủ từ rất lâu. Sau khi thử nghiệm với bạn bè, người thân và nhận được những phản hồi tích cực, anh quyết tâm đầu tư bài bản. Với lợi thế về công nghệ thông tin trong thời buổi điện thoại thông minh kết nối mọi khách hàng, Minh kỳ vọng đây sẽ là cách giúp chị em văn phòng nhẹ nhàng hơn với công việc bếp núc.

Chỉ cần đặt món hoặc thực phẩm tươi sống, nhân viên công ty 247 sẽ giao hàng tận nơi. "Chỉ cần một phút chậm trễ, khách hàng nhận xét một câu phiền trách trên mạng xã hội về dịch vụ là dự án "lên bờ, xuống ruộng". Nhiều đối thủ cạnh tranh cũng tận dụng cơ hội này liên tục có hình thức "thêm dầu vào lửa". Ðơn hàng sụt giảm, lợi nhuận đem lại không đủ để tôi thuê nhân viên, đội ngũ giao hàng cho nên đành phải bỏ cuộc", Ðức Minh cho hay.

Phân tích lý do vì sao 10 người khởi nghiệp thì có đến chín người thất bại, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: "Khi đã có ý định khởi nghiệp, bạn trẻ nên chú ý đến ý tưởng, sản phẩm độc đáo khi đưa ra thị trường dễ có sức hút hơn với những mặt hàng quen thuộc, người tiêu dùng đã biết đến. Ðó là lý do vì sao người khởi nghiệp đi sau càng khó thành công hơn những người đi trước. Ngoài ra, năng lực tài chính cũng là nguyên nhân khiến những người khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn. Nhiều người sau khi có sản phẩm mới đi tìm nguồn vốn, thậm chí cả tín dụng đen khiến doanh nghiệp dễ chết yểu trong thời kỳ đầu".

Chia sẻ về vấn đề khởi nghiệp của giới trẻ, Tổng Giám đốc Công ty Vinamit Nguyễn Lâm Viên cho rằng, điều kiện tiên quyết khi bạn trẻ dấn thân vào con đường khởi nghiệp là phải có bản lĩnh, quyết liệt và khát khao chứ không phải khởi nghiệp theo phong trào, thích thì làm. Khởi nghiệp không nhất thiết là phụ thuộc vào yếu tố sản phẩm, mà quan trọng hơn đó là sự kết nối, kết nối càng sâu rộng thì càng dễ thành công.

Sau đó mới là sản phẩm có sự đột phá, định hướng sản phẩm "đi tắt, đón đầu". "Trường hợp người khởi nghiệp không có cả hai yếu tố trên thì nên trở lại làm công để tích lũy kinh nghiệm rồi mới tính đến khởi nghiệp. Với người trẻ muốn khởi nghiệp thành công mà không có vốn mạnh thì phải liên kết chuỗi, bởi không ai có thể tự mình là suôn sẻ ngay từ đầu được", ông Nguyễn Lâm Viên tư vấn.

Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Sài Gòn Food Lê Thị Thanh Lâm cho biết: "Là một thành viên trong Hội đồng tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia khu vực phía nam và từng ngồi ghế giám khảo một số cuộc thi khởi nghiệp dành cho sinh viên, tôi thấy không ít bạn trẻ còn khá mơ hồ về khởi nghiệp, cứ tưởng rằng có chút vốn liếng và ý tưởng là bắt đầu được.

Nhưng thật sự khởi nghiệp phải đi đôi với sáng tạo, công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Ðặc tính cơ bản của khởi nghiệp là tính đột phá nhằm tạo ra một điều gì đấy chưa hề có trên thị trường hoặc tạo ra một giá trị tốt hơn so với những thứ đang có sẵn thì mới mong làm giàu cho đất nước, cho bản thân. Còn nếu khởi nghiệp theo kiểu sao chép thì thất bại chỉ là chuyện sớm hay muộn".

 
 

Thông tin

logo.png
 
Đăng trên Báo Nhân dân
Tác giả Xuân Lộc
Ngày đăng 04/06/2018
Link bài gốc http://www.nhandan.com.vn/tphcm/item/36606002-can-nhac-ky-luong-khi-quyet-dinh-khoi-nghiep.html
 
banner-doc-26.03.2018.jpg
 
 
Đối tượng 3dmst