Mã số N3049: Dạy khởi nghiệp thế nào cho hiệu quả?
Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây đã yêu cầu triển khai chương trình đào tạo khởi nghiệp trong các trường đại học. Bên cạnh việc đào tạo, các trường cần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp thúc đẩy sinh viên trong hoạt động khởi nghiệp kiến tạo doanh nghiệp.
Đào tạo và giảng dạy khởi nghiệp cũng được triển khai trong một số trường cấp 2-3 trên toàn quốc. Bài viết này nhằm đóng góp những ý kiến trên nhiều góc độ để cộng đồng chung tay xây dựng chương trình đào tạo khởi nghiệp đáp ứng nhu cầu quốc gia đồng thời tích hợp các tri thức của thế giới.
Khởi nghiệp hướng đến 6 mục tiêu
Có nhiều ý kiến tranh luận về khái niệm “khởi nghiệp”, nhưng theo người viết, khởi nghiệp là “quá trình cá nhân dấn thân, bền bỉ và kiên trì áp dụng đổi mới sáng tạo kết hợp với công nghệ, công cụ mới để liên tục gia tăng giá trị có sẵn hoặc kiến tạo những giá trị mới nhằm giải quyết các vấn đề hay thách thức cho chính bản thân mình, doanh nghiệp, cộng đồng và xã hội xung quanh”.
Định nghĩa này rộng hơn so với định nghĩa khởi nghiệp kiến tạo doanh nghiệp. Các cá nhân dù chưa đi làm nhưng đã phải có tâm thế khởi nghiệp tạo giá trị cho chính mình trong quá trình học tập và phát triển bản thân. Khi bắt đầu làm việc trong doanh nghiệp hay tổ chức, họ cũng mang tâm thế đó, cần liên tục suy nghĩ đổi mới sử dụng công nghệ kiến tạo giá trị cho doanh nghiệp.
Cuối cùng, tới mức độ cao nhất là kiến tạo doanh nghiệp. Các cá nhân có thể kiến tạo doanh nghiệp cho bản thân, cho bạn bè, cho gia đình, cho cộng đồng hoặc cho xã hội. Tùy theo cơ hội, nguồn lực, khả năng sáng tạo, khả năng áp dụng công nghệ cũng như các hoàn cảnh thuận lợi từ bên ngoài, doanh nhân có thể xây dựng doanh nghiệp phát triển từ quy mô nhỏ đến lớn.
Đứng về phía Nhà nước, cần quan tâm tới những chỉ số khởi nghiệp: (1) Doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp; (2) Chi phí doanh nghiệp bỏ ra kích cầu trong xã hội; (3) Đóng góp cho Nhà nước, ví dụ thuế thu nhập cá nhân; (4) Số lượng việc làm tạo ra; (5) Áp dụng triển khai các công nghệ mới; (6) Nâng cao năng lực và tri thức của lực lượng lao động trong xã hội.
Kết hợp mục tiêu của Chính phủ và cách tiếp cận khởi nghiệp nói trên, chúng ta cần những chương trình quan trọng: (1) Thúc đẩy tâm thế khởi nghiệp tạo giá trị thông qua áp dụng đổi mới sáng tạo và công nghệ tại mọi vị trí trong mọi doanh nghiệp, mọi ngành bao gồm cả các đơn vị nhà nước; (2) Nâng cấp năng lực của lực lượng lao động trong các doanh nghiệp như đổi mới sáng tạo, công cụ đổi mới sáng tạo, công cụ khởi nghiệp; (3) Áp dụng và thúc đẩy các công nghệ và tri thức khoa học mới trong cộng đồng doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp đã thành lập và doanh nghiệp mới khởi nghiệp; (4) Tái khởi nghiệp các doanh nghiệp đã có thông qua đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo sản phẩm/quy trình hoặc toàn bộ mô hình kinh doanh; (5) Kiến tạo các doanh nghiệp nhỏ và vừa; (6) Kiến tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp sử dụng công nghệ và áp dụng đổi mới sáng tạo có khả năng nhân rộng.
Hai cấp độ chính
Nhìn vào 6 mục tiêu cụ thể mà chúng ta mong muốn, chương trình đào tạo khởi nghiệp có thể được tách ra làm hai cấp độ chính. Các cấp độ từ lớp 1 tới lớp 12 và cấp độ trên đại học.
Tại cấp độ lớp 1 tới lớp 12 chúng ta nên có các chương trình đào tạo hướng tới việc kiến tạo nền tảng tinh thần và năng lực khởi nghiệp cho học sinh thông qua các mục tiêu đổi mới sáng tạo - STEM (**) và tinh thần khởi nghiệp. Các chương trình này được đào tạo với các vòng lặp xoáy trôn ốc có các cấp độ cao hơn từ lớp 1 tới lớp 12 để đào tạo thái độ/tinh thần khởi nghiệp - kỹ năng/đổi mới sáng tạo, công cụ - tri thức/STEM. Các chương trình đào tạo nên chia làm hai phần: lý thuyết và thực hành/dự án. Phần thực hành và dự án là nhằm đào tạo những kỹ năng căn bản của người lao động, ví dụ làm việc nhóm, trình bày, thuyết phục, ra quyết định, giải quyết vấn đề... Thông qua cách tiếp cận này, học sinh sẽ được phát triển đồng bộ những kỹ năng, tri thức, thái độ chuẩn bị cho việc tiếp cận quy trình và tri thức kiến tạo doanh nghiệp.
Ở cấp 3, chương trình đào tạo về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo bắt đầu đưa các khái niệm cơ bản về doanh nghiệp như vận hành doanh nghiệp, vai trò và giá trị kiến tạo doanh nghiệp... Chương trình đào tạo khởi nghiệp cấp 3 chủ yếu đáp ứng mục tiêu số 1 tới 4 trong 6 mục tiêu nói trên. Chương trình nên nhấn mạnh vào vai trò kiến tạo nguồn nhân lực với tâm thế, kỹ năng và tri thức đế giúp các em trở thành nguồn nhân lực tương lai trong các doanh nghiệp hiện có và khởi nghiệp. Kiến tạo doanh nghiệp với vai trò doanh chủ không phải là cuộc chơi của tất cả các bạn trẻ, đây là thông điệp nên được gửi tới cho các học sinh cấp 3 và xã hội.
Ở cấp độ đại học, các chương trình đào tạo khởi nghiệp vẫn nên chú trọng vào việc đào tạo các kiến thức, kỹ năng giúp cho sinh viên ra trường là nguồn nhân lực có tâm thế và kỹ năng khởi nghiệp là chính. Các chương trình đào tạo nên tập trung vào các công cụ, phương pháp, cách tư duy trong đổi mới sáng tạo cũng như khởi nghiệp cho sinh viên. Các sinh viên cần được đào tạo cách triển khai và thực thi những điều nói trên trong doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các bài giảng về công nghệ cũng như các thành phần trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như dữ liệu lớn, trí thông minh nhân tạo... cần được đưa vào chương trình đào tạo tại đại học cho các chuyên ngành và ngành học liên quan. Nội dung chương trình đào tạo này bám sát các mục tiêu áp dụng đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ nhằm gia tăng giá trị cho doanh nghiệp và xã hội thông qua doanh thu, thuế và năng suất lao động như đã nêu trong phần mục tiêu của Nhà nước. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực này chính là động lực giúp cho doanh nghiệp hiện có tái khởi nghiệp và đáp ứng chuyển đổi số từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Cuối cùng, chỉ có một số ít thật sự quan tâm và có thiên hướng mới tiếp cận các khóa học đào tạo cho kiến tạo và khởi nghiệp doanh nghiệp phục vụ cho mục tiêu 5 và 6 nói trên. Các khóa học này cũng chỉ nên đào tạo trong khoảng một năm đến một năm rưỡi cuối khóa, sau khi sinh viên đã trải qua cấp độ đào tạo nhân viên. Cách tiếp cận này để giảm thiểu rủi ro cho chính bản thân sinh viên, tránh gây ảo tưởng rằng khi ra trường ai cũng làm chủ.
Chương trình đào tạo cũng nên chia làm hai phần rõ rệt: kiến tạo doanh nghiệp truyền thống và khởi nghiệp các doanh nghiệp sử dụng công nghệ đổi mới sáng tạo và có thể nhân rộng. Chương trình kiến tạo doanh nghiệp truyền thống có thể tích hợp chung với các chương trình đào tạo quản trị kinh doanh thông thường tại các trường đại học với các môn chuyên ngành lựa chọn tại năm cuối.
Trái ngược với chương trình kiến tạo doanh nghiệp truyền thống, chương trình đào tạo phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sử dụng công nghệ nhân rộng cần được tách riêng ra khoảng một năm với 10-12 môn học chuyên sâu. Có thể hiểu một cách ngắn gọn, chương trình này hướng tới các chương trình tăng tốc khởi nghiệp áp dụng trong các hệ thống tăng tốc trên toàn thế giới - Accelerator.
Chương trình đào tạo cần được tích hợp giữa nhà trường, quỹ đầu tư, các công ty công nghệ cùng các thành phần khác trong hệ sinh thái. Chương trình đào tạo này cũng cần mở rộng cho sinh viên các ngành khác. Đây là điểm khác biệt vì chỉ khi chúng ta cho phép tích hợp giữa sinh viên kinh doanh và sinh viên công nghệ, chương trình mới có khả năng tạo ra các doanh nghiệp khởi nghiệp có chất lượng cao.
Các chương trình đào tạo về khởi nghiệp cần thống nhất mục tiêu quan trọng: đào tạo nguồn nhân lực cho nền kinh tế với tâm thế, kỹ năng, tri thức khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Các chương trình đào tạo cần nhấn mạnh rõ nhu cầu nhân lực làm việc tại các doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp đã thành lập và các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Cuối cùng, chỉ có những sinh viên có đam mê và định hướng rõ ràng mới có thể tham gia vào chương trình chuyên sâu đào tạo khởi nghiệp đổi mới công nghệ và nhân rộng.