Mã số N3025: Những quy định mới giúp ngăn chặn nạn 'chảy máu startup'
Những quy định mới được cộng đồng khởi nghiệp kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích quan trọng cho phong trào khởi nghiệp, giúp các startup Việt không còn phải khai sinh nơi xứ người chỉ vì khó tiếp cận nguồn vốn.
Được tung ra thị trường vào tháng 10.2016, “Photoshop” dành cho designer nghiệp dư - DesignBold đã đạt mức lợi nhuận đáng mơ ước 130.000 USD chỉ trong 2 tuần. Số khách hàng quay trở lại chiếm 52% khách hàng sử dụng dịch vụ. Một điều đáng buồn là startup của người Việt này lại được đăng ký kinh doanh tại Mỹ.
Đó cũng là tình trạng đang xảy ra với nhiều startup khác của người Việt. Một trong những nguyên nhân chính được nhiều startup và các chuyên gia chỉ ra là do sự thông thoáng, thuận lợi trong thủ tục nhận vốn đầu tư cho startup ở các quốc gia nói trên. Thậm chí, nhiều quỹ đầu tư coi mở công ty tại các quốc gia như Singapore, Mỹ là tiêu chuẩn lựa chọn dự án khởi nghiệp để rót vốn.
Bởi vậy, cộng đồng khởi nghiệp vẫn luôn mong chờ những quy định, chính sách tạo thuận lợi cho đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Sự mong đợi đó đã được trở thành hiện thực với sự ra đời của Nghị định 38/2018/NĐ-CP (Nghị định 38) quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.
Quy chế thông thoáng cho quỹ đầu tư khởi nghiệp
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Trưởng Phòng Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa - Cục Phát triển doanh nghiệp, cho biết: “Trước khi có Nghị định 38, hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam tuân theo các quy định trong luật Đầu tư, luật Doanh nghiệp và luật Chứng khoán.
Nhà đầu tư trong nước muốn lập Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo mô hình thông lệ quốc tế rất khó đáp ứng các điều kiện thành lập, yêu cầu hoạt động của luật Chứng khoán. Trong khi đó, các quỹ đầu tư chứng khoán theo luật Chứng khoán hầu như không tham gia đầu tư cho startup.”
Theo quy định tại Nghị định 38, doanh nghiệp được sử dụng quỹ phát triển KH&CN để đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của luật Chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, các nhà đầu tư có thể góp vốn thành lập quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo nhưng không quá 30 nhà đầu tư. Nhà đầu tư không được sử dụng vốn vay để góp vốn thành lập quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.
Các Quỹ đầu tư này được đầu tư không quá 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo sau khi nhận đầu tư. Toàn bộ số vốn góp và tài sản của các nhà đầu tư tại quỹ phải hạch toán độc lập với công ty thực hiện quản lý quỹ.
Là người điều hành một đơn vị hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực hỗ trợ khởi nghiệp, bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC) nhận định những quy định mới đã khơi thông dòng vốn cho khởi nghiệp sáng tạo.
Bà Phi chia sẻ: “Trong quá trình kêu gọi các nguồn đầu tư từ các tổ chức tư nhân, chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn từ yếu tố pháp lý. Chúng tôi chờ điều này từ rất lâu và rất mừng với những quy định mới.”
Startup có thể nhận đầu tư từ ngân sách địa phương
Bên cạnh những quy định tạo thuận lợi tối đa trong thành lập và hoạt động của các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, Nghị định 38 còn tạo ra bước ngoặt có tính cách mạng khi lần đầu mở ra cơ chế sử dụng ngân sách địa phương đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp.
Trước đây, các địa phương dù rất muốn đầu tư ngân sách hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nhưng đều bị vướng bởi các quy định trong luật Tài chính. Do đó, chỉ có rất ít các chương trình hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách cho khởi nghiệp như chương trình Speedup của Sở KH&CN TP.HCM.
Trong hoàn cảnh đó, quy định về sử dụng ngân sách địa phương đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ.
Theo quy định này, UBND các địa phương tùy điều kiện ngân sách của địa phương mình trình HĐND giao cho tổ chức tài chính nhà nước của địa phương có chức năng đầu tư tài chính thực hiện việc đầu tư này.
Tổ chức tài chính được giao nhiệm vụ sẽ lựa chọn quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo để cùng đầu tư. Việc lựa chọn các doanh nghiệp khởi nghiệp để đầu tư do các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo đối tác đánh giá và đề xuất.
Ngân sách địa phương đầu tư không quá 30% tổng vốn đầu tư mà doanh nghiệp huy động được từ các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo được lựa chọn. Trong thời gian 5 năm từ thời điểm góp vốn, tổ chức tài chính nhà nước thực hiện chuyển nhượng vốn đầu tư cho các nhà đầu tư tư nhân.
Trong đó, ưu tiên chuyển nhượng cho quỹ đầu tư cùng đầu tư, cổ đông hiện hữu của doanh nghiệp. Toàn bộ giá trị thu được từ chuyển nhượng vốn, sau khi trừ đi các chi phí chuyển nhượng, nghĩa vụ thuế nếu có, phải nộp về ngân sách nhà nước.
Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp và các thành phần khác trong cộng đồng khởi nghiệp đánh giá cao những quy định mới nói trên và kỳ vọng điều này sẽ tạo ra cú hích cho phong trào khởi nghiệp, giúp các startup Việt không còn phải khai sinh nơi xứ người vì khó tiếp cận nguồn vốn.