Mã số N3065: Giấc mơ làm mới các sản phẩm dược liệu
Đổi mới sáng tạo từ những sản phẩm đã có trên thị trường là con đường mà Hà Văn Lộc chọn khi quyết định khởi nghiệp “tay ngang” ở tuổi 36. Với lựa chọn này, bước đầu anh cùng Công ty TNHH Sài Gòn TCS đã thành công trong việc đưa ra thị trường một số sản phẩm quen thuộc như máy hơ ngải cứu và điếu ngải cứu nhưng chất lượng cao hơn và an toàn hơn.
Khởi đầu tình cờ
Từng học về điện tại Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật cơ khí giao thông TPHCM, ra trường đi làm về mảng kỹ thuật cho một số công ty, nhưng giờ Lộc lại gắn bó với cây dược liệu.
Kể về mối duyên này, Lộc chia sẻ, tình cờ cách đây gần hai năm, anh gặp một người thầy đông y là Việt kiều Mỹ sở hữu công thức cân bằng âm dương giúp cơ thể trẻ khỏe bằng liệu pháp hơ ngải cứu. Lúc đó, thầy được tặng một chiếc máy hơ ngải cứu, nhưng thấy giá còn cao nên thầy bảo anh thử nghiên cứu, chế tạo ra một chiếc máy như thế, nhưng giá thành thấp hơn để nhiều người có thể sử dụng.
“Thấy cũng hợp lý, mình bắt tay vào nghiên cứu. Sau khi tìm hiểu các loại máy trên thị trường, nghĩ rằng sản phẩm của mình ra sau nên ngoài giá thành rẻ, cần có sự khác biệt và giải quyết được những nhược điểm của các dòng máy hiện có trên thị trường, chẳng hạn như phải nhỏ gọn hơn, và vỏ nhựa thay bằng vỏ gỗ.”
Nếu làm vỏ máy bằng nhựa hoặc kim loại thì dễ vặn chặt các khớp nối răng cưa với nhau; còn làm bằng gỗ thì khó hơn nhiều, Lộc cho biết. “Nhưng làm bằng gỗ thì sẽ hạn chế nhược điểm khi hơ nóng ngải cứu, nhựa sẽ sinh ra mùi hôi và dễ gây bỏng cho người sử dụng” – anh giải thích.
Lộc đã mất khoảng 500 triệu đồng và gần một năm nghiên cứu. Đổi lại, máy hơ ngải cứu do anh chế tạo đã đoạt giải nhất cuộc thi “Nhà sáng tạo xuất sắc nhất” (Best Innovator Award) do trường Đại học Việt - Đức, Đại học Leipzig phối hợp cùng với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức năm 2016.
Với giá thành chỉ bằng nửa giá máy cùng loại trên thị trường, sản phẩm của Lộc dần được người tiêu dùng biết đến và đón nhận. Từ đây, Lộc trở thành thành viên vườn ươm Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM và thành lập Công ty TNHH Sài Gòn TCS. TCS cũng đã được Chương trình Hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp giai đoạn 2016-2020 (SpeedUp 2017) thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tài trợ 700 triệu đồng để tiếp tục thực hiện dự án về máy hơ ngải cứu và điếu ngải cứu.
Theo đuổi những sản phẩm nguyên chất
Sau khi thành công với máy hơ ngải cứu, Lộc bắt đầu hành trình đi bán máy. Trong thời gian này, anh nhận thấy những điếu ngải cứu hiện có trên thị trường khi đốt có mùi khó chịu. Một số điếu không có màu xanh của ngải nguyên chất. Trong những điếu ngải cứu đó có những thành phần gì, chất nào kết dính bột ngải cứu thành điếu, tại sao khi đốt điếu ngải cứu lại có mùi khó chịu,... là những câu hỏi luôn thường trực trong đầu Lộc.
Lộc lại bắt tay vào nghiên cứu. Chỉ nửa năm sau, anh đã chế tạo ra chiếc máy làm điếu ngải cứu không cần sử dụng keo kết dính. “Điếu ngải TCS làm ra không sử dụng keo kết dính và bột ngải cứu nguyên chất hoàn toàn nên mới có màu xanh như thế này” – Lộc giới thiệu sản phẩm của mình.
Thấy phóng viên còn bán tín, bán nghi, Lộc giải thích thêm: “Muốn biết điếu ngải có dùng keo không, chỉ cần cho vào nước. Điếu ngải dùng keo sẽ không bị tan ra và rất lâu mới thấm nước. Còn điếu ngải của TCS khi cho vào nước sẽ tan ra nhanh chóng. Điếu ngải nguyên chất khi đốt có mùi thơm, không bị chóng mặt và có tác dụng an thần. Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn môi trường TP.HCM đã kiểm nghiệm và xác nhận điếu ngải của TCS không có chất độc hại thường có ở trong keo kết dính là formaldehyde và benzen.”
Lộc còn nghiên cứu thành công thiết bị sấy nhiệt hồng ngoại, giúp giảm chi phí khoảng 50% so với sấy lạnh và giữ được 95% dược chất và màu nguyên bản của dược liệu. Công nghệ này cũng do Lộc tham khảo, nghiên cứu từ của nước ngoài và mua máy móc về tự chế tạo.
Cách đây hai tháng, Lộc cho ra đời một sản phẩm mới nữa, cũng từ ngải cứu, đó là nhang viêm xoang, hỗ trợ điều trị viêm mũi dị ứng, viêm xoang. “70% thành phần trong nhang này là cây cứt lợn, 20% là ngải cứu và 10% là các dược liệu khác. Sản phẩm đang thử nghiệm nhưng cho kết quả khá khả quan, khoảng 100 người đã sử dụng và thuyên giảm rõ rệt những triệu chứng khó chịu, mà cách chữa đơn giản, rẻ và không tốn thời gian” - Lộc chia sẻ.
Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng có rất nhiều người bị viêm xoang, loại bệnh khó chữa dứt điểm, nên thời gian tới, Lộc sẽ tập trung vào sản xuất và thương mại dòng sản phẩm này.
Các sản phẩm của TCS đều được công ty sản xuất theo một chuỗi khép kín, từ nghiên cứu chế tạo máy, đến vùng trồng dược liệu. Khi được hỏi, có ôm đồm quá nhiều việc không, Lộc chia sẻ: “Mình phải tự làm mới yên tâm sản phẩm mình làm ra sạch hoàn toàn và đảm bảo chất lượng như mong muốn. Riêng cây ngải cứu, trồng và thu hoạch như thế nào để có nhiều hoạt chất là cả một vấn đề mà công ty và bản thân Lộc cũng phải tự nghiên cứu suốt thời gian qua.”
Theo Lộc, cây ngải cứu của TCS trồng hiện nay có cả 4 vị the, chát, đắng, cay. Do mỗi một vị lại có những dược tính khác nhau nên nếu cây ngải cứu hội đủ 4 vị thì khả năng chữa bệnh cao hơn rất nhiều so với chỉ có một vị đắng thông thường như hiện nay.
Nhang thảo dược, tại sao không?
Đến giờ, Lộc cũng không giải thích được tại sao mình lại “say đắm” với cây dược liệu đến như vậy. Anh nói, chỉ biết càng nghiên cứu càng thấy “yêu” và nảy sinh nhiều ý tưởng về nó.
“Thành công với nhang viêm xoang rồi, mình đang có ý tưởng diệt côn trùng bằng khói khi đốt các loại thảo dược. Đã tìm ra công thức điều chế nhưng chưa bắt tay vào làm vì còn phải tập trung vào thương mại các dòng sản phẩm đã hoàn thiện để có tiền nghiên cứu và thử nghiệm tiếp. Ngoài ra, dòng nhang thắp thường ngày từ ngải cứu cũng là ý tưởng mình muốn hướng đến trong tương lai” - anh nói về kế hoạch tiếp theo của mình.
Hiện nay, có nhiều đối tác tỏ ý muốn hợp tác cùng Lộc phát triển các dòng sản phẩm về ngải cứu, tuy nhiên anh đều từ chối để giữ bí quyết công nghệ. TCS đang “lấy ngắn nuôi dài”, với phương châm “chậm mà chắc”.
“Thành công bước đầu của ba dòng sản phẩm nói trên là bước đệm để TCS tiếp tục nuôi dưỡng và biến những ý tưởng làm mới cây dược liệu thành hiện thực” - Hà Văn Lộc nói với đầy kỳ vọng.