Mã số N3007a: Tìm “bà đỡ” dự án khởi nghiệp - Bài 1: Kết nối đồng bộ hệ sinh thái
Hệ sinh thái khởi nghiệp đã được hình thành nhưng các doanh nghiệp khởi nghiệp chưa có sự bứt phá do nguồn lực về vốn, kinh nghiệm và thị trường hạn chế.
Phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam cũng như Tp. Hồ Chí Minh đã phát triển mạnh sau Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.
Bước đầu, hệ sinh thái khởi nghiệp được hình thành, tuy nhiên các doanh nghiệp khởi nghiệp chưa có sự bứt phá do nguồn lực về vốn, kinh nghiệm thị trường hạn chế.
Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, để hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển, có những doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) mạnh, bên cạnh sự hỗ trợ chính sách từ nhà nước, các startup cần sự hỗ trợ, dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn, giúp định hướng phát triển đúng đắn.
Cũng từ kinh nghiệm, định hướng dẫn dắt đó, sẽ giúp doanh nghiệp khởi nghiệp kêu gọi được đầu tư từ các quỹ đầu tư trong và ngoài nước.
Bài 1: Kết nối đồng bộ hệ sinh thái
Tại Việt Nam, nhiều dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được hình thành; trong đó số lượng các dự án phát triển tốt chưa nhiều.
Phần lớn nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra do thiếu định hướng thị trường, kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp dẫn tới không thu hút được các nguồn vốn từ các nhà đầu tư.
Nâng chất cho hệ sinh thái
Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam còn rất trẻ, chỉ vài năm tuổi. Trong năm 2000, các công ty công nghệ mọc lên ở Việt Nam, nhưng thật sự năm 2016, hệ sinh thái khởi nghiệp của đất nước mới hoàn chỉnh đầy đủ với tất cả các thành phần, cả cải tiến về công nghệ và giáo dục, các vườn ươm, quỹ đầu tư…
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, đến nay, cả nước có hàng nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp, gần 70 khu không gian làm việc chung, 50 cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh, hình thành thêm một số quỹ đầu tư mạo hiểm như Quỹ đầu tư mạo hiểm của Tập đoàn Vingroup, Startup Viet Partner...
Chất lượng và số lượng thương vụ đầu tư có xu hướng tăng mạnh trong năm 2018 với tổng số vốn đầu tư 889 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2017 (291 triệu USD).
Dù vậy, ông Trần Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Sao Bắc Đẩu nhìn nhận, các thành phần của hệ sinh thái chưa có sự gắn kết để tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp thật sự hỗ trợ và nuôi dưỡng sự phát triển cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Từ đó, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp có chất lượng không nhiều, trình độ cộng đồng startup còn chưa tốt, hàng hóa sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, phần nhiều vẫn phụ thuộc ý chí chủ quan của nhóm khởi nghiệp.
Doanh nghiệp khởi nghiệp còn phát triển manh mún, tự phát, chưa tiếp xúc được với kênh thông tin thực tế về thị trường và nguồn vốn.
Chia sẻ kinh nghiệm từ Australia, chuyên gia Tony Wheeler, Người sáng lập ImagineX, cho biết: “Hệ sinh thái Australia đã và đang tăng trưởng trong vòng 5 năm qua thông qua những hành động rất cụ thể từ Chính phủ, nhưng chúng tôi gần như thông qua các hoạt động của doanh nghiệp tư nhân, các doanh nhân có uy tín và độ thành công cao, tạo ra những con “Kỳ lân” đầu tiên”.
Theo ông Tony Wheeler, hệ sinh thái khởi nghiệp vững mạnh đòi hỏi sự cộng tác của nhiều thành tố, bao gồm doanh nhân, tập đoàn, nhà nghiên cứu, Chính phủ và những nhà đầu tư mạo hiểm.
Có rất nhiều hoạt động hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam nhưng cần tập trung xây dựng chất lượng các hoạt động này trước khi cố gắng mở rộng.
Một trong những thành phần rất quan trọng của hệ sinh thái khởi nghiệp là các doanh nghiệp lớn.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhìn nhận, khoảng cách giữa các doanh nghiệp lớn, cũng như của các Hội nghề nghiệp trong hỗ trợ và phát triển cộng đồng startup chưa được thể hiện.
Bên cạnh số ít startup thành công, dần khẳng định được vị trí trên thương trường và thu hút được các nhà đầu tư, vẫn còn số đông doanh nghiệp khởi nghiệp loay hoay dậm chân tại chỗ, thậm chí thất bại.
Trước thực trạng trên, Bộ Khoa học và Công nghệ xác định sẽ tập trung khơi thông các nguồn lực, tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là từ doanh nghiệp.
Phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, liên kết chặt chẽ với cộng đồng khởi nghiệp trong khu vực và quốc tế.
Xây dựng Đề án phát triển Trung tâm khởi nghiệp quốc gia thống nhất, trước mắt tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng; xây dựng mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia.
Cần mục tiêu chiến lược
Theo báo cáo khởi nghiệp Topica Founder Institute (TFI) năm 2017, Việt Nam có khoảng 3.000 khởi nghiệp được thúc đẩy đầu tư hàng năm và đang đà tăng lên, 92 công ty khởi nghiệp đã nhận được khoản đầu tư trị giá 291 triệu USD. Ngoài ra, còn có 8 lần mua lại startup, với tổng trị giá 128 triệu USD.
Từng khởi nghiệp thành công tại Hoa Kỳ, đồng thời đang đầu tư cho các dự án khởi nghiệp, ông Hoàng Minh Trí, Giám đốc AiPac (Hoa Kỳ) cho rằng, quy mô là mối quan tâm lớn nhất của doanh nghiệp lớn khi làm việc với các công ty mới khởi nghiệp.
Do vậy, startup cần có khả năng mở rộng cơ sở hạ tầng, hệ thống và người dùng, trên địa lý và khả năng quản lý.
Hiện nay, với sự phát triển bùng nổ của công nghệ, cũng như định hướng thúc đẩy giao dịch không dùng tiền mặt tại Việt Nam, FinTech (công nghệ tài chính) là một lĩnh vực đang nhận được sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo một nghiên cứu bởi Solidiance, công ty tư vấn chiến lược và tiếp thị chuyên về thị trường châu Á, trị giá thị trường FinTech tại Việt Nam đạt 4,4 tỷ USD vào năm 2017 và sẽ chạm mốc 7,8 tỷ USD năm 2020.
Sự thay đổi này được cho là nhờ các chính sách tiến bộ của Chính phủ như thúc đẩy giao dịch không dùng tiền mặt, thành lập Ban chỉ đạo tài chính của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cải thiện cơ sở hạ tầng di động và bảo hiểm thông qua các dự án viễn thông lớn; cùng với đó là nhu cầu ngày càng tăng về các giải pháp FinTech lĩnh vực tài chính cá nhân và doanh nghiệp.
Ví điện tử MoMo (hỗ trợ cho việc thanh toán tại cửa hàng hoặc thanh toán trực tuyến thông qua ứng dụng thanh toán di động (Mobile Payment), một startup thành công của Việt Nam trong lĩnh vực Fintech, đã tiếp cận gần 10 triệu người dùng và là ứng dụng ví điện tử được đăng ký nhiều nhất trong năm 2018.
Khối lượng giao dịch trên nền tảng của MoMo đã tăng hơn gấp ba lần trong năm vừa qua và hiện đang hợp tác với hơn 10.000 đối tác trong nhiều lĩnh lực khác nhau như: tài chính tiêu dùng, bảo hiểm, thanh toán dịch vụ tiện ích, giải trí, thương mại điện tử, mua sắm, vận tải, dịch vụ ăn uống…
Với thị trường rộng lớn cùng mục tiêu chiến lược rõ ràng, ví điện tử MoMo nhận được nhiều quan tâm của doanh nghiệp, quỹ đầu tư lớn.
Vừa qua, MoMo đã gọi vốn thành công từ Công ty quản lý Quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân hàng đầu thế giới Warburg Pincus.
Ông Phạm Thành Đức, Tổng Giám đốc MoMo cho biết, giá trị đầu tư cũng như tỷ lệ cổ phần và định giá sau đầu tư không được công bố do cam kết bảo mật. Tuy nhiên, con số Warburg Pincus đầu tư vào MoMo có thể xem là cao nhất cho đến hiện tại của các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực Fintech và thương mại điện tử tại Việt Nam.
Sự phát triển này phù hợp với chính sách của nhà nước trong tiến trình thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam được đề cập trong Nghị quyết số 02 của Chính phủ ban hành vào tháng 1/2019 về tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
Thực tế, lĩnh vực đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam không phải quá mới, mà đã hình thành và phát triển từ năm 2004 với việc thành lập IDG Ventures Vietnam (IDGVV).
Từ 2004 – 2013, IDGVV đã đầu tư vào 42 công ty, trải rộng trên nhiều ngành nghề, cả công nghệ và phi công nghệ. Sau đó, các quỹ đầu tư khác cũng đầu tư tại Việt Nam như DFJ VinaCapital (năm 2006); CyberAgent Ventures (năm 2008)...
Một thành viên mới nhưng được đánh giá cao là Vietnam Innovative Startups Accelerator (VIISA) thành lập tháng 9/2016.
Sau 2 năm hoạt động, VIISA đã đầu tư vào 23 công ty, kết nối với hơn 1.500 khách hàng doanh nghiệp, phục vụ hơn 15.000 người dùng.
VIISA cũng đã thực hiện ba khoản đầu tư vòng hạt giống cùng với các nhà đầu tư khác là WisePass, WeFit và Base.vn.
Chuyên gia Tony Wheeler cho rằng, mức tăng trưởng hiện nay của Việt Nam được thúc đẩy mạnh mẽ bởi các quỹ đầu tư nước ngoài và lực lượng lao động tăng nhanh cùng một số dự án đầu tư nội địa, hầu hết đều đến từ lịch sử nông nghiệp.
Cần thiết phải có chiến lược chuyển đổi sang các nền công nghiệp và dịch vụ tiên tiến, nơi cần lực lượng lao động nhỏ hơn nhưng khả năng sử dụng công nghệ và tư duy sáng tạo ở tầm cao hơn rất nhiều.
Theo ông Tony Wheeler, một trong những thách thức quan trọng quan sát thấy ở Việt Nam là có quá nhiều các công ty khởi nghiệp đang cố gắng giải quyết những vấn đề nhỏ, hay chuyển đổi doanh nghiệp truyền thống sang mô hình kinh doanh trực tuyến.
Các doanh nghiệp cần tập trung vào giải quyết những vấn đề lớn hơn, khi bắt tay vào xử lý những vấn đề lớn nhất mà Việt Nam đang đối mặt cũng chính là bắt tay vào giải quyết bài toán của rất nhiều quốc gia đang phát triển khác gặp phải.