Mã số N3015a: Đổi mới tư duy trong thu hút vốn FDI - Bài 1: Điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư

    Hãy bấm LIKE, SHARE để bình chọn cho bài dự thi này

Những kết quả thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) suốt thời gian qua là một minh chứng sinh động về thành tựu đổi mới của Việt Nam. Việc đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế nhằm phát triển bền vững và đúng định hướng cùng sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của các nước trong khu vực đang đặt ra yêu cầu nước ta phải tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách để sàng lọc, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút dòng vốn FDI.

thu hút FDI.jpg
 

Thu hút nguồn vốn FDI là một trong những động lực quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Nhiều địa phương, nhờ có cách làm hay trong thu hút vốn FDI, đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần khẳng định, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.

“Trải thảm đỏ” đón dự án

Sự ra đời của khu chế xuất (KCX) Tân Thuận đánh dấu sự thành công của thu hút FDI tại TP Hồ Chí Minh. Ngay từ những ngày mới hình thành vào năm 1991, Tân Thuận đã thu hút hơn 100 doanh nghiệp (DN) trong nước và nước ngoài, trở thành KCX kiểu mẫu, giá trị sản xuất và xuất khẩu chiếm tỷ trọng rất cao.

Từ KCX đầu tiên này, TP Hồ Chí Minh cũng trở thành địa phương đầu tiên của cả nước đón những dự án lớn như: Intel, BP, Samsung, Toshiba, Mercedes, Isuzu, Nidec... tạo ra bước chuyển mình mạnh mẽ trong sản xuất, phát triển.

Từ tiền đề của KCX Tân Thuận, đến nay, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng 18 KCX, khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 4.532 ha, trong đó, 17 KCX, KCN đang hoạt động. Tính đến đầu năm nay, tổng vốn FDI còn hiệu lực trên địa bàn thành phố là 44,94 tỷ USD với 8.112 dự án.

Trong 17 KCX, KCN đang hoạt động, TP Hồ Chí Minh tiên phong thành lập Khu Công nghệ cao (SHTP) và Khu Công viên phần mềm Quang Trung. Đây là hai KCN được thành lập riêng biệt để thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao (CNC) và công nghệ thông tin để hướng đến mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng.

Tính riêng SHTP, tổng giá trị các dự án CNC có vốn FDI đạt gần 6 tỷ USD, chiếm 12% tổng vốn FDI của thành phố. Chỉ tính năm 2018, giá trị sản xuất sản phẩm CNC của SHTP đạt 14,160 tỷ USD, tăng 125% so năm 2017.

Trong đó, giá trị xuất khẩu đạt 13,21 tỷ USD. Các DN hoạt động trong SHTP đóng góp 283 triệu USD vào ngân sách trong năm 2018, tăng 67% so năm 2017. Theo đánh giá của Ban quản lý SHTP, một lao động ở SHTP tạo ra giá trị sản xuất khoảng 300 nghìn USD. Trong khi đó, tính chung cả nước, một lao động ở KCN chỉ tạo ra giá trị sản xuất bình quân 20 nghìn USD, tức thấp hơn 15 lần.

Nguyên Trưởng Ban quản lý SHTP Lê Hoài Quốc cho biết: “SHTP đã thật sự trở thành điểm đến cho các nhà đầu tư về nghiên cứu, triển khai công nghệ mới và đang hình thành nhiều dự án hợp tác nghiên cứu khoa học quan trọng về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp”.

Nói về vai trò của các DN FDI, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm nhận định: “Họ là một trong những nguồn động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đồng thời đem lại nguồn vốn quan trọng phát triển các lĩnh vực công nghiệp dịch vụ.

Đối với lĩnh vực CNC, bên cạnh việc mang đến nguồn vốn đầu tư, các DN FDI cũng chuyển giao những công nghệ sản xuất tiên tiến, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ giúp kinh tế thành phố chuyển dịch phù hợp với sự ra đời và phát triển của nền kinh tế tri thức”.

Cùng quan điểm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm chia sẻ: “Việc duy trì và thực hiện có hiệu quả chủ trương “Trải chiếu hoa mời gọi đầu tư” và “trải thảm đỏ mời gọi nhân tài” đã góp phần khai thông những bế tắc trong thu hút đầu tư, cũng như tạo cơ chế thông thoáng, thuận lợi để đón làn sóng đầu tư của các DN đến với Bình Dương.

Nhờ đó, sau hơn 20 năm được tái lập, từ một tỉnh nông nghiệp với nhiều khó khăn, Bình Dương đã đạt tốc độ phát triển khá mạnh, với tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt khoảng 14,5%, trong đó, có đóng góp quan trọng của nguồn vốn FDI”.

Cũng theo ông Trần Thanh Liêm, hiện Bình Dương đã thu hút hơn 3.500 DN FDI đến từ 64 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký hơn 32,5 tỷ USD; trở thành địa phương đứng thứ ba cả nước về thu hút vốn FDI.

Tính riêng năm 2018, khu vực DN FDI đóng góp hơn 49,6% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và chiếm gần 20% tổng thu ngân sách của tỉnh, góp phần quan trọng thúc đẩy thu nhập bình quân đầu người đạt 130,3 triệu đồng.

Với phương châm “chính quyền đồng hành cùng DN”, tỉnh Đồng Nai luôn ưu tiên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN FDI, tạo niềm tin và giúp DN phát triển ổn định, gắn bó lâu dài. Tính đến cuối tháng 2-2019, Đồng Nai đã thu hút hơn 1.404 dự án FDI đến từ 45 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký 28,73 tỷ USD. Vốn thực hiện của các dự án đạt 70% vốn đăng ký.

Riêng năm 2018, thu ngân sách từ các dự án FDI là 27 nghìn tỷ đồng, chiếm 54% tổng thu ngân sách của tỉnh. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh, nguồn vốn FDI đã tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Cụ thể, quy mô giá trị sản xuất công nghiệp của Đồng Nai hiện đã tăng gần 200 lần so năm 1985. Công nghiệp phát triển đã kéo theo sự phát triển của các lĩnh vực dịch vụ, nông nghiệp. Qua đó, GRDP tăng trưởng với tốc độ cao trong nhiều năm, bình quân 12%/năm, gấp đôi mức bình quân chung của cả nước.

Các DN FDI cũng đóng góp 62% giá trị sản lượng công nghiệp, 91% kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm cho khoảng 600 nghìn lao động, giúp xử lý căn bản tình trạng thất nghiệp, tạo ra đội ngũ lao động lành nghề.

Nhận xét cao về môi trường đầu tư, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm - Kho lạnh P.K, KCN Long Hậu (Long An) B.Ma-mút nói: “Chúng tôi đầu tư ở Việt Nam rất thuận lợi và tôi tin đất nước các bạn là nơi tốt để người nước ngoài đầu tư. Kế hoạch tiếp theo của công ty là đầu tư kho sản xuất và nhập thịt bò từ thị trường Pa-ki-xtan để đáp ứng nhu cầu thị trường với giá phù hợp”.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), nếu năm 1990, quy mô và số lượng dự án FDI còn khiêm tốn (211 dự án, 1,6 tỷ USD vốn đăng ký, 180 triệu USD vốn thực hiện), chủ yếu là công nghiệp nhẹ và khai thác dầu thô thì tính lũy kế đến cuối tháng 1-2019, cả nước có 27.463 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 343 tỷ USD và tổng vốn thực hiện hơn 192 tỷ USD. Trong đó, các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía nam chiếm 43,6% tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài (ĐTNN) hiện nay.

Tỷ trọng vốn ĐTNN trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội duy trì ở mức khoảng 18 đến 25% trong giai đoạn 1991 - 2018. Qua tổng kết 30 năm thu hút ĐTNN tại Việt Nam, từ thực tiễn nhìn nhận, khu vực ĐTNN đã trở thành một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế Việt Nam.

Sản xuất linh kiện điện tử tại doanh nghiệp FDI trong Khu công nghiệp Việt Nam - Xin-ga-po, Bình Dương.

Sản xuất linh kiện điện tử tại doanh nghiệp FDI trong Khu công nghiệp Việt Nam - Xin-ga-po, Bình Dương.

Sức lan tỏa từ dòng vốn FDI

Có thể nói, Samsung là trường hợp điển hình của sự lan tỏa và kết nối với các DN Việt Nam. Samsung đã tư vấn cho các nhà cung cấp Việt Nam và thông qua đào tạo kỹ thuật để nâng cao năng lực sản xuất.

Thống kê cho thấy, tính đến năm 2018, Samsung đã cung cấp dịch vụ tư vấn cho 26 nhà cung cấp Việt Nam, tỷ lệ cải thiện máy móc là hơn 30% và tỷ lệ hàng lỗi giảm hơn 20%.

Với dự án sợi cho lốp xe ô-tô và spandex, Công ty Hyosung đã tổ chức đào tạo kỹ thuật và chuyển giao công nghệ cho công nhân để học làm chủ được các công nghệ tiên tiến, là nguồn nhân lực quan trọng hàng đầu của công ty.

Theo giới chuyên gia, các dự án FDI có sức lan tỏa và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng dài hạn và hiện đại hóa nền kinh tế. Đồng thời, giữ vai trò chủ đạo trong xuất khẩu, từng bước đưa Việt Nam tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Cụ thể, tăng trưởng xuất khẩu của các DN FDI cao gấp hai đến ba lần trong nước, kim ngạch xuất khẩu gấp 1,5 đến hai lần; tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 17% (năm 1995) lên 72,5% (năm 2017), từng bước đưa Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhiều sản phẩm CNC bước đầu thực hiện một số công đoạn sản xuất, lắp ráp ở các nhà máy trong nước. Chuyển giao công nghệ được triển khai ở một số ngành, lĩnh vực và tạo được mối liên kết giữa DN FDI với khu vực trong nước, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ...

Nhà máy Bosch Powertrain Solutions của Công ty TNHH Bosch Việt Nam (Đức) tại KCN Long Thành (Đồng Nai) được xây dựng từ năm 2008, là nơi sản xuất dây đai truyền lực đầu tiên của Tập đoàn Bosch tại Đông - Nam Á.

Trong hơn 10 năm hoạt động, Bosch luôn chú trọng mở rộng và nâng cao năng lực sản xuất của nhà máy này. Tính đến nay, nhà máy đã đưa vào vận hành thành công 18 dây chuyền sản xuất, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn toàn cầu về chất lượng và sản xuất của Bosch.

Từ nhà máy này, đã có hơn 25 triệu sản phẩm dây đai truyền lực biến đổi liên tục phục vụ các nhà sản xuất ô-tô tại châu Á - Thái Bình Dương và Bắc Mỹ. Theo Tổng giám đốc Công ty TNHH Bosch Việt Nam G.Man-li-ca-giu-na, Tập đoàn Bosch đặt nhà máy sản xuất tại Đồng Nai vì đây là trung tâm phát triển công nghiệp của phía nam, giao thông kết nối với các tỉnh, thành phố thuận lợi.

Thủ tục đầu tư giải quyết nhanh gọn. “10 năm qua, chúng tôi đã liên tục tăng vốn để mở rộng sản xuất. Đặc biệt, chúng tôi đã góp phần đem đến cho người dân Đồng Nai nói riêng, cũng như Việt Nam nói chung một nền tảng tốt về CNC và tạo việc làm cho người dân địa phương.

Thời gian tới, DN chúng tôi tiếp tục mở rộng để phát triển hơn và mong muốn sự kết nối giữa chính quyền và DN ngày càng thắt chặt”, ông G.Man-li-ca-giu-na nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm nhận định: “Có thể nói, các DN FDI đã tham gia thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại Bình Dương thông qua chuyển giao, đổi mới công nghệ sản xuất.

Bên cạnh đó, còn là một nguồn lực to lớn, tạo tiền đề cho Bình Dương phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, góp phần giúp đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao; làm nền tảng giúp triển khai các giải pháp cụ thể về phát triển công nghiệp gắn với xây dựng đô thị thông minh”.

Còn dưới góc nhìn của các chuyên gia, tổ chức quốc tế, việc thu hút FDI hiệu quả của Việt Nam là minh chứng thuyết phục trong hội nhập và phát triển. Ông K.Ken-hô-phơ, Giám đốc quốc gia của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tại Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia cho biết: “Việt Nam đã đạt được thành quả ấn tượng trong thu hút đầu tư FDI.

Tính theo tỷ lệ % GDP hay theo đầu người, nguồn vốn FDI vào Việt Nam đã vượt phần lớn các nước ASEAN”. Đồng quan điểm, bà V.Phu-te, đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) cho rằng:

“Việt Nam đã vượt xa nhiều nước khác trong thu hút FDI. Các nhà ĐTNN chất lượng cao không chỉ giúp tăng trưởng nền kinh tế của Việt Nam mà còn giúp tăng trưởng toàn bộ hệ sinh thái của các công ty và DN Việt Nam. FDI đã giúp Việt Nam hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo ra việc làm có chất lượng và năng suất cao hơn, hiệu quả hơn, an toàn hơn…”.

 
    Hãy bấm LIKE, SHARE để bình chọn cho bài dự thi này
 

Thông tin

vneconomy1.jpg
 
Đăng trên Báo Nhân dân
Tác giả Nhóm PVTT Phía Nam
Ngày đăng 28/03/2019
Bài gốc http://www.nhandan.org.vn/kinhte/item/39654102-doi-moi-tu-duy-trong-thu-hut-von-fdi.html
 

Đơn vị tài trợ