Mã số N3015b: Đổi mới tư duy trong thu hút vốn FDI - Bài 2 :Tạo cơ chế nâng cao chất lượng nguồn vốn
Nhiều chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) nhận định, để nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện cơ chế và chính sách tạo sức hút các dự án chất lượng, thân thiện với môi trường để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững.
Nhanh chóng khắc phục các hạn chế
Tuy đạt được những kết quả quan trọng, nhưng thu hút FDI vẫn còn nhiều hạn chế cần nhanh chóng khắc phục. Nhiều bất cập đã được các chuyên gia kinh tế nêu ra, trong đó đáng chú ý là: Liên kết của khu vực FDI đến khu vực trong nước chưa chặt chẽ và hiệu ứng lan tỏa năng suất chưa cao.
Các dự án FDI chủ yếu tập trung ở các ngành sử dụng nhiều lao động, công nghệ trung bình. Phần lớn phụ tùng, nguyên vật liệu và dịch vụ đi kèm cho sản xuất được nhập khẩu, thay vì được cung ứng bởi các doanh nghiệp (DN) trong nước. Mục tiêu tiếp thu công nghệ mới, tiên tiến từ các nước công nghiệp phát triển hàng đầu rất khó khăn và gần như không đạt được.
Thống kê cho thấy, chỉ khoảng 5% DN FDI sử dụng công nghệ cao (CNC), hiện đại. Máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất ở khu vực FDI không quá vượt trội so với trong nước, phần lớn ở mức độ trung bình, hoặc trung bình tiên tiến của khu vực.
Việc cập nhật công nghệ, tỷ lệ DN đầu tư hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) còn hạn chế, chủ yếu là mua hơn là phát triển nâng cao và đổi mới công nghệ. Thu hút FDI vào một số ngành, lĩnh vực ưu tiên và từ các tập đoàn xuyên quốc gia (TNCs) còn hạn chế.
Chủ trương thu hút FDI từ các TNCs vào CNC, dịch vụ hiện đại, chưa đạt được và chậm được cải thiện. Đến nay, mới có hơn 100 TNCs trong số 500 TNCs hàng đầu thế giới hoạt động tại Việt Nam.
Ngoài ra, một số dự án FDI chưa bảo đảm tính bền vững về môi trường, hiệu quả sử dụng đất chưa cao. Dư luận đang đặt vấn đề khi một số DN FDI có hành vi chuyển giá như: khai sai giá trị máy móc, thiết bị nhập khẩu góp vốn dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước, tăng nhập siêu, ảnh hưởng môi trường đầu tư.
Một số nhà ĐTNN trong DN liên doanh, công ty TNHH hai thành viên trở lên thực hiện hành vi thâu tóm thông qua quyền góp vốn chi phối, quản lý điều hành để tạo ra tình trạng “lãi thật, lỗ giả”, mất vốn điều lệ, buộc bên Việt Nam phải chuyển nhượng phần vốn góp, chuyển thành DN 100% vốn nước ngoài, làm giảm hiệu quả chính sách khuyến khích DN trong nước liên doanh, liên kết với nhà ĐTNN...
Cụ thể, tại tỉnh Long An, với 576 dự án FDI đang hoạt động, trung bình mỗi năm có 59,2% đến 73,5% các DN FDI kinh doanh hòa và lỗ vốn. Qua đó, số thuế DN FDI nộp ngân sách nhà nước chỉ chiếm từ 6% đến 22% tổng số thu nội địa.
Theo Cục thuế Long An, việc kiểm soát chuyển giá của DN còn nhiều khó khăn, phức tạp do thiếu nhiều thông tin, dữ liệu để nhận định đối tượng có chuyển giá hay không; nguồn thông tin, dữ liệu từ các giao dịch độc lập để so sánh, ấn định giá trong giao dịch liên kết rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thanh tra, kiểm tra giá chuyển nhượng.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của những bất cập nêu trên là do nhận thức của các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, DN trong nước về vị trí, vai trò của vốn FDI chưa thật sự đầy đủ và thống nhất cao.
Hệ thống kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, ngành công nghiệp hỗ trợ và năng lực DN trong nước chưa đáp ứng yêu cầu. Trong đó, các chuyên gia nhấn mạnh đến thể chế, chính sách và môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam vẫn chưa thật sự hấp dẫn nhà ĐTNN, đặc biệt là từ các nước tiên tiến và TNCs hàng đầu thế giới.
Đánh giá cụ thể hơn về tính liên kết giữa DN FDI với DN trong nước, ông K.Ken-hô-phơ, Giám đốc quốc gia của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tại Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia cho rằng:
“Liên kết FDI và DN trong nước còn yếu, thể hiện ở giá trị gia tăng nội địa còn hạn chế, đặc biệt trong những ngành có độ phức tạp cao do các hạn chế ở cấp DN, năng lực đổi mới sáng tạo, trình độ quản lý và kỹ năng lao động của DN trong nước.
Bên cạnh đó, xu hướng toàn cầu hiện nay mang đến nhiều cơ hội, nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức, đó là: Tự động hóa sẽ làm giảm lực lượng lao động trong ngành chế biến/chế tạo và dịch vụ, làm giảm bớt lợi thế của những nước có chi phí nhân công thấp.
Việc dỡ bỏ rào cản thương mại và cải thiện môi trường kinh doanh ở các nước có chi phí nhân công thấp trong khu vực, đồng nghĩa với việc Việt Nam không thể tiếp tục lấy giá nhân công thấp làm công cụ marketing thu hút FDI.
Việc tham gia Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) là một lợi thế đối với Việt Nam nhưng cũng đặt ra thách thức đó là các nhà đầu tư sẽ có nhiều lựa chọn giữa các nước có chi phí thấp hơn và những nước có chuỗi cung ứng trong nước phát triển và lực lượng lao động lành nghề hơn…”.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Vũ Đại Thắng thẳng thắn nhìn nhận: “Bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước đang đặt ra những cơ hội và thách thức mới đối với việc thu hút và sử dụng vốn FDI trong giai đoạn tới.
Quy mô dòng vốn FDI toàn cầu có xu hướng giảm, xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới tác động đến các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Hơn nữa, với sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch thì việc Việt Nam tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu và dựa vào nhập khẩu để xuất khẩu sẽ trở nên khó khăn hơn.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh, phát triển công nghệ, nguồn nhân lực. Do đó, việc phải có định hướng khung chính sách, thể chế về ĐTNN trong tình hình mới là rất cấp thiết”.
Những giải pháp được đề xuất
Chính phủ đang xây dựng Đề án “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng ĐTNN đến năm 2030”. Theo định hướng đề án, phát triển kinh tế-xã hội yêu cầu thực hiện đột phá về thể chế, nhân lực và hạ tầng, đi đôi với cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Dài hạn, Việt Nam đặt mục tiêu GDP bình quân đầu người khoảng 22 nghìn USD, tiến tới trở thành một xã hội thịnh vượng, sáng tạo. Mục tiêu cụ thể được đưa ra: Tỷ lệ vốn ĐTNN trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội duy trì bình quân khoảng 20 đến 25%.
Tăng cường thu hút FDI quy mô lớn từ TNCs trong danh sách Global 2000 của Forbes vào các ngành sử dụng CNC, công nghệ mới, tiên tiến và dịch vụ hiện đại. Lĩnh vực ưu tiên thu hút là CNC, công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ thông tin và viễn thông, điện tử ở trình độ tiên tiến của thế giới, trí tuệ nhân tạo, kinh tế số, tự động hóa, vật liệu mới...
Ông Choi Heung Yeon, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN Hàn Quốc tại TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Để duy trì đầu tư của DN FDI, tôi rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của Bộ KH-ĐT cùng các bộ, ngành liên quan để cải cách những quy định pháp luật còn phức tạp và khó khăn sao cho phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thời gian tới, nhu cầu về nguồn nhân lực chuyên môn trong các lĩnh vực công nghiệp điện, điện tử bán dẫn, công nghệ thông tin, ô-tô… sẽ ngày càng lớn. Việt Nam muốn nâng lên một tầng cao hơn về tăng trưởng công nghiệp thì đào tạo nguồn nhân lực là việc làm cấp thiết trước mắt.
Bởi việc chuyển giao, lĩnh hội những kinh nghiệm về kỹ thuật không phải một sớm, một chiều, không phải là điều dễ dàng. Tôi nghĩ, Việt Nam cần có thời gian, thông qua hợp tác, phát triển, giao thương để liên tục nỗ lực học hỏi, mở rộng kỹ thuật, hấp thụ công nghệ”.
Nguyên Bộ trưởng Phát triển DN vừa và nhỏ Hàn Quốc Y-ăng-xáp Chu chia sẻ: “Việt Nam cần xây dựng “phiên bản 2.0” về thu hút FDI tập trung vào lĩnh vực R&D; cần thu hút FDI theo “chiều ngang”, tức là DN trong nước không còn là nhà thầu phụ mà trở thành đối tác, hợp tác với DN FDI ở nhiều lĩnh vực khác thay vì chỉ có trong lĩnh vực sản xuất và hướng tới thị trường khu vực và toàn cầu”.
Trong bối cảnh mới với sự trỗi dậy của các nền kinh tế khu vực, cần thay đổi tầm nhìn và tư duy để định hình một chiến lược thu hút FDI “phiên bản” mới mang lại giá trị gia tăng cao.
Ông K.Ken-hô-phơ đề xuất: “Việt Nam cần tập trung thu hút vốn vào những lĩnh vực tạo ra mức lương cao hơn, thúc đẩy phát triển kỹ năng, chuyển giao công nghệ, R&D và đổi mới sáng tạo trong nước…”.
Ông đưa ra giải pháp trong tám lĩnh vực chính: Thúc đẩy mạnh nguồn cung kỹ năng để bảo đảm thực hiện thu hút FDI thế hệ mới; xây dựng môi trường kinh doanh/môi trường đầu tư 4.0; tăng cường ĐTNN ở những ngành làm nền cho cạnh tranh và tăng trưởng; sửa đổi hoàn thiện khung chính sách ưu đãi hiện hành; có chính sách cụ thể để tăng cường kết nối DN FDI và hiệu ứng lan tỏa; hiện đại hóa công tác xúc tiến đầu tư, xác định lĩnh vực ưu tiên xúc tiến chủ động; nâng cấp/kiện toàn cơ quan xúc tiến đầu tư “thế hệ mới” để điều phối thực hiện chiến lược thu hút FDI trong tình hình mới và có chính sách xúc tiến đầu tư chiến lược ra nước ngoài.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm cho biết: “Đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cấp bách của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từ năm 2016, Bình Dương đã mạnh dạn đổi mới mô hình phát triển, tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư, hình thành động lực tăng trưởng mới cho sự phát triển bền vững qua Đề án “Thành phố Thông minh - Bình Dương”.
Với những định hướng nêu trên, Bình Dương đã triển khai chương trình đổi mới thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020, hướng đến mục tiêu tập trung thu hút đầu tư vào các đối tác có tiềm lực kinh tế mạnh, các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới. Cùng với đó là tiếp tục củng cố phát triển các thị trường truyền thống, tăng cường kêu gọi, thu hút FDI vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao…”.
Tại Đồng Nai, những chiến lược thu hút đầu tư có chọn lọc đang được xây dựng, hướng đến lĩnh vực CNC, dịch vụ có giá trị kinh tế lớn. Cụ thể, Đồng Nai sẽ hoàn thiện quy hoạch để thuận lợi trong mời gọi đầu tư.
Trong đó, chú trọng quy hoạch các khu đô thị mới, các trung tâm tài chính thương mại, dịch vụ du lịch. “Để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN FDI, Đồng Nai sẽ tiếp tục chú trọng đầu tư kết nối hạ tầng giao thông, logistics. Đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để giúp DN FDI thuận tiện hơn trong đầu tư, sản xuất”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh cho biết.
Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh có nhiều chính sách tập trung thu hút các dự án FDI có hàm lượng chất xám cao, TNCs để hướng đến đổi mới mô hình tăng trưởng. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm cho biết:
“Một vấn đề cần được nhắc đến khi xây dựng chính sách kêu gọi đầu tư là xây dựng một chính sách riêng để thu hút các đối tác đặc biệt. Chúng ta đã thu hút được nhiều dự án lớn, song chưa kêu gọi được nhiều TNCs đặt trụ sở điều hành hoặc trung tâm nghiên cứu phát triển chính tại Việt Nam.
Điều này, một phần do môi trường đầu tư kinh doanh của ta chưa thật sự chín muồi, một phần chưa có chính sách tạo “lực hấp dẫn” để thu hút. Việc này chỉ có thể thực hiện được nếu chúng ta có chính sách thuế, tài chính, ngoại hối vượt trội được “thiết kế” dành riêng cho các tập đoàn uy tín trên thế giới”.