Mã số N2035: Chiết, tách hợp chất kháng Oxy hóa từ vỏ và hạt quả bơ Booth
Hai học sinh trường Trung học cơ sở Nguyễn Gia Thiều, Quận Tân Bình dưới sự hỗ trợ của giáo viên đã thực hiện đề tài nghiên cứu mang tính thực tiễn rất cao là giải pháp chiết xuất hoạt chất có tính kháng oxy hóa từ vỏ, hạt quả bơ để bổ sung vào các nguyên liệu dùng trong chế biến nhằm tạo ra những thực phẩm có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng.
Năm 2012,Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ mì ăn liền hàng đầu tại châu Á và đứng thứ tư trên thế giới chỉ sau Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản với trung bình là 1-3 gói/người/tuần.
Nhưng ăn nhiều mì gói lại gây nhiều nguy hại đến sức khỏe: Thiếu dinh dưỡng; bệnh tim mạch; hư thận, hại xương…Ngoài ra, mì ăn liền chỉ được xử lý qua công nghệ chiên. Dầu sử dụng để chiên là loại không có lợi cho sức khỏe vì có độ ôxy hóa cao. (theo Vnmedia)
Khi sử dụng những thực phẩm có độ ôxy hóa cao. , gốc tự do sẽ bắt đầu phá hủy sức khỏe của chúng ta theo trình tự: Đầu tiên, gốc tự do sẽ tấn công vào màng tế bào. Chúng sẽ oxy hóa màng tế bào gây khó khăn, trở ngại cho việc thải chất độc và hấp thu chất dinh dưỡng. Sau khi đánh bại lớp màng tế bào, các gốc tự do tiếp tục tấn công vào các ty lạp thể, phá vỡ nguồn cung cấp năng lượng cho tế bào.Sau cùng, bằng cách oxy hóa, gốc tự do sẽ làm suy yếu kích thích tố và các enzym khiến cơ thể không tăng trưởng được
Chính vì thế, 2 bạn học sinh Đoàn Hoàng Vượng và Cù Ngọc Thúy Vi đã đề xuất ý tưởng bổ sung vào thành phần của mì gói các hoạt chất kháng oxy hóa có nguồn gốc từ thiên nhiên để hỗ trợ cho những người có thu nhập thấp một sản phẩm mì gói với tiêu chí ngon, rẻ và tốt cho sức khoẻ.
Qua tìm hiểu, 2 bạn trẻ tìm thấy các nghiên cứu khoa học sử dụng các sản phẩm phụ của quả bơ (hạt và vỏ) như một nguồn cung cấp tự nhiên tuyệt vời của các chất chiết xuất giàu phenol với các đặc tính chống oxy hóa, qua đó cho thấy hữu ích đối với việc ngăn ngừa các bệnh viêm nhiễm cũng như để ngăn chặn quá trình oxy hóa.
Từ đó, dưới sự hướng dẫn của giáo viên Phạm Hoàng Tuyền, 2 bạn học sinh trường Trung học cơ sở Nguyễn Gia Thiều đã ứng dụng những kiến thức trong bài báo này để chiết xuất hoạt chất kháng oxy hóa từ 2 nguồn nguyên liệu kể trên và ứng dụng nó trong thực phẩm..
Phương pháp thực nghiệm
Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu, dụng cụ
a. Nguyên liệu Bơ Booth; Acetone; DPPH.
b. Dụng cụ
Máy xay thịt; máy khuấy từ gia nhiệt; máy đánh siêu âm; máy li tâm; hệ thống cô quay; tủ sấy.
Bước 2: Tách lấy hạt và vỏ quả bơ, chia làm 2 mẫu với số lượng bằng nhau.
Mẫu 1: Vỏ đem phơi nhiệt độ phòng.
Mẫu 2: Vỏ sấy ở nhiệt độ 70 độ C
Mẫu 3: Hạt đem phơi ở nhiệt độ phòng
Mẫu 4: Hạt sấy ở nhiệt độ 70 độ C
Bước 3: Xay nhuyễn các mẫu, cân mỗi mẫu 20 gam. Pha 200ml dung môi theo tỉ lệ Aceton:Nước=7:3 cho mỗi mẫu.
Bước 4: Cho dung môi vào các mẫu rồi đem khuấy từ trong 48 giờ.
Bước 5: Dung dịch sau khuấy từ được đánh siêu âm trong 20 phút và li tâm để loại bỏ phần rắn không tan thu được dịch chiết.
Bước 6: Tiến hành cô quay 4 mẫu dịch chiết thu được 4 mẫu cao chiết.
Bước 7: Lấy khoảng 5mg mỗi mẫu gửi phòng Hóa dược trường Đại học Khoa học Tự nhiên Đại học Quốc gia TP.HCM
Bước 8: Nhận kết quả, đánh giá số liệu, viết báo cáo
Từ bảng thống kê số liệu, các mẫu thử nghiệm đều có hoạt tính kháng oxy hoá. Dựa vào chỉ số IC50 ta thấy hạt có hoạt tính cao hơn vỏ. Hạt phơi khô ở nhiệt độ thường thu được cao chiết có hoạt tính kháng oxy hoá cao hơn hạt sấy ở 70 độ C. Bên cạnh đó, vỏ sấy ở 70 độ C thu được cao chiết có hoạt tính kháng oxy hóa cao hơn vỏ phơi ở nhiệt độ thường. Qua kết quả của nghiên cứu trên, em đề xuất nên bổ sung vào thành phần của mì gói chiết xuất cao của mẫu hạt phơi khô ở nhiệt độ thường và vỏ sấy ở 70 độ C để có được độ kháng oxy hoá cao nhất. Nhằm hỗ trợ cho người có thu nhập thấp sản phẩm mì gói ngon, rẻ và an toàn cho sức khoẻ.