Mã số N3020: TP. Hồ Chí Minh: Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
TP. Hồ Chí Minh đang tích cực triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) mở rộng đầu tư, trong đó có DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT).
Chính sách thiết thực
Cụ thể, tháng 10/2018, Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Nghị quyết số 16/2018/NQ-HĐND quy định về kích cầu đầu tư trong lĩnh vực CNHT của thành phố giai đoạn 2018-2020. Theo đó, các DN CNHT được hỗ trợ lãi vay để đầu tư nhà xưởng, công nghệ sản xuất mới trong thời gian 7 năm, mức vốn vay tối đa là 200 tỷ đồng/dự án.
Cùng với hỗ trợ vốn vay lãi suất thấp và dài hạn, ngành Công Thương thành phố được giao trách nhiệm tổ chức phổ biến, triển khai chính sách về phát triển CNHT với các nội dung như: Kết nối cung-cầu sản phẩm cho lĩnh vực CNHT giữa DN của địa phương với các DN đầu cuối, DN thuộc khu vực đầu tư nước ngoài (FDI); tổ chức hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh để từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cùng với các tập đoàn kinh tế nước ngoài…
Ông Nguyễn Phương Đông - Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho biết, sau khi triển khai chương trình, đến nay Sở Công Thương đã hỗ trợ cho hơn 30 DN có nhu cầu tham gia chương trình kích cầu đầu tư, tiếp nhận 16 hồ sơ dự án, thẩm định 9 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 943 tỷ đồng, trong đó 2 dự án đã được UBND thành phố phê duyệt với tổng vốn đầu tư gần 222 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ngành Công Thương đã và đang tích cực thực hiện nhiều chương trình kết nối, giao thương, ký kết hợp tác với các tổ chức kinh tế, tập đoàn đa quốc gia để hỗ trợ cho DN và thực tế đã đạt được một số kết quả nhất định. “Chẳng hạn, qua “Hội nghị tìm kiếm nhà cung ứng cho các DN FDI trong Khu công nghệ cao”, 20 DN CNHT trong lĩnh vực điện tử đã kết nối được với 3 DN FDI gồm: Samsung, Nidec, Sonion để trở thành khách hàng tiềm năng và có cơ hội trở thành nhà cung cấp cho các công ty này”- ông Nguyễn Phương Đông thông tin.
Doanh nghiệp phát huy thế mạnh
Sở Công Thương TP. Hồ chí Minh cho rằng, với chương trình đào tạo tư vấn về năng suất và chất lượng cho các DN phối hợp với Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), ngành Công Thương thành phố đã giúp được nhiều DN CNHT thay đổi được quy trình sản xuất, quản trị DN hiệu quả và phát huy được thế mạnh.
Điển hình như ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu, ông Huỳnh Văn Hạnh - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh - cho biết: Chúng tôi không chỉ xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ mà còn có thể xuất khẩu sản phẩm CNHT ngành gỗ như: Máy móc, công cụ, phụ liệu.
“Năm 2018 vừa qua, Nhà máy Cơ khí Hồng Ký đã thâm nhập các thị trường Nhật Bản, Đức, Thái Lan, Indonesia, Myanmar để bước đầu xuất khẩu máy móc chế biến gỗ; hay dầu màu của Công ty Cổ phần Oseven cũng đã xuất khẩu sang thị trường Campuchia đạt doanh số 3,5 triệu USD, tăng 10% so với năm trước”- ông Huỳnh Văn Hạnh khẳng định.
Bên cạnh đó, ông Trịnh Tiến Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng - cho biết: Công ty Đại Dũng xuất phát điểm chỉ là xưởng cơ khí nhỏ, cung cấp thép tiền chế thông thường cho các DN trong khu công nghiệp. Tuy nhiên, nhờ được hỗ trợ nhiều mặt từ lãnh đạo thành phố, Sở Công Thương, hiện công ty trở thành đơn vị sản xuất kết cấu thép có thương hiệu quốc tế, xuất khẩu đi 40 quốc gia, doanh thu năm 2018 đạt hơn 3.000 tỷ đồng.
Nhìn nhận vấn đề này, ông Phạm Thành Kiên - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - chia sẻ, thành phố đã có kế hoạch phát triển CNHT trên địa bàn đến năm 2020, trong đó tập trung xây dựng, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút vốn đầu tư phát triển CNHT nhằm giảm nhập khẩu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.
Năm 2019, Sở Công Thương sẽ tập trung tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung-cầu cho DN trong lĩnh vực CNHT như: Tổ chức ngày hội tìm kiếm nhà cung cấp CNHT, triển lãm CNHT, tổ chức kết nối giao thương với DN nước ngoài, tổ chức các hội thảo cung cấp thông tin nhu cầu thị trường; đồng thời triển khai các chương trình đào tạo hỗ trợ DN sản xuất CNHT cải tiến, tăng năng suất sản xuất công nghiệp...
Ngoài ra, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cũng cam kết tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi để DN đầu tư đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ đẩy mạnh nội địa hóa sản phẩm và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.