Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Mã số N3023: Doanh nghiệp xã hội Việt và hành trình tạo dấu ấn trên thị trường

See this content in the original post

Doanh nghiệp xã hội là các doanh nghiệp hoạt động vì mục đích cộng đồng. Nhiều sản phẩm của các Doanh nghiệp xã hội Việt hiện gây được sự chú ý vì tính độc đáo, hiệu quả sử dụng cao…

Với nhiều tính chất đặc thù, Doanh nghiệp xã hội được quy định trong Luật doanh nghiệp Việt Nam từ năm 2014. Đây là loại hình doanh nghiệp ra đời với mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội (tăng cơ hội việc làm cho các đối tượng yếu thế…), bảo vệ môi trường (giáo dục ý thức, sử dụng các sản phẩm tái chế, sản phẩm sạch), bảo vệ sức khỏe (sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc thuần tự nhiên).

Một cửa hàng trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của MVH

Từ đó đến nay, sản phẩm của các Doanh nghiệp xã hội Việt đang từng bước gây được tiếng vang, không chỉ với thị trường trong nước mà còn với thế giới, đồng thời góp phần đưa xu hướng BuySocial (Tiêu dùng tạo giá trị xã hội) lan tỏa rộng rãi ở Việt Nam.

Doanh nghiệp khởi sự từ dự án dạy nghề thủ công

Xây dựng trên niềm tin rằng phát triển xã hội cần gắn bó chặt chẽ với tự chủ về kinh tế cho cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn, Mai Vietnamese Handicrafts đã tiếp cận và làm việc với những người thợ thủ công (đặc biệt là phụ nữ nghèo) tại các vùng nông thôn, đào tạo và mang lại việc làm cho họ, đồng thời hiện đại hóa và làm gia tăng giá trị của hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Cũng giống nhiều Doanh nghiệp xã hội khác với giai đoạn khởi đầu đầy khó khăn, dần dần những người sáng lập MVH nhận ra mình vừa cần học thêm về quản trị kinh doanh, vừa phải bắt đúng mạch thị trường đang cần gì. Cùng là sản phẩm thủ công mỹ nghệ đó nhưng mình có thể làm nó nhỏ gọn hơn, thêm nhiều mẫu mã hơn được không (vì sản phẩm của MVH hướng tới thị trường nước ngoài).

MVH đem lại cơ hội việc làm cho các nhóm sản xuất thủ công tại các làng quê ở Việt Nam

Hiện nay, Mai Vietnamese Handicrafts đang làm việc với 12 nhóm sản xuất nhỏ bao gồm 3 nhóm do Mai trực tiếp tổ chức, điều hành là nhóm may tại TP.HCM, nhóm may Trảng Bàng (Tây Ninh) và nhóm móc Cam Đức (Nha Trang), cùng 9 nhóm gián tiếp trong các ngành gốm sứ, cói, giấy màu, quế, gỗ tram bông vàng, đan lá, gỗ dừa, tre…

Các sản phẩm của Mai Vietnamese Handicrafts được thực hiện theo kỹ thuật và phương pháp truyền thống nhưng màu sắc và họa tiết, kiểu dáng được làm theo yêu cầu của từng khách hàng từng thị trường và thị hiếu. Mai Vietnamese Handicrafts có một lượng khách tương đối ổn định và lâu dài từ các nước châu Âu, Mỹ, Canada và Úc.

Giới thiệu sự kỳ diệu của giấy dó với thế giới

Giấy dó mang những giá trị tuyệt vời của lịch sử, văn hóa với đặc tính hiếm có là mềm, xốp, dai và hút ẩm tốt, qua hàng trăm năm không biến đổi. Đó cũng là lý do mà chị Trần Hồng Nhung - Sáng lập và điều hành Zó Project khởi sự dự án của mình.

Một cuốn sổ từ giấy dó dày 100 trang chỉ nhẹ có 100 gram

Tới nay, Zó có 3 hạng mục sản phẩm chính: sản phẩm nghệ thuật decor gồm tranh, ảnh in trên giấy dó, thư pháp, đèn, quạt; sản phẩm lưu niệm: sổ, postcard, greeting card...; sản phẩm phụ kiện: hoa tai, vòng tay cổ. 

Nét độc đáo của những sản phẩm này là chúng được làm hoàn toàn thủ công bằng giấy dó nên rất nhẹ. Một cuốn sổ dày 100 trang chỉ nhẹ có 100 gram. Các sản phẩm đều mang tính đương đại cao dễ sử dụng trong cuộc sống hàng ngày.

Hiện tại 80% khách hàng của Zó là người nước ngoài. Sản phẩm của Zó được đặt hàng đến Mỹ, Nhật... Khách nước ngoài đánh giá cao đặc tính mộc mạc, dẻo dai của loại giấy này. 

Khách nước ngoài rất yêu thích các sản phẩm của Zó Project

Bên cạnh đó, Zó cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động workshop như dạy làm hoa tai, vẽ thư pháp… hàng tháng, thu hút nhiều bạn trẻ tham dự. Ngoài ra, tour trải nghiệm làm giấy dó tại Hòa Bình còn thu hút nhiều trường học, phụ huynh và học sinh tham gia.

Những mảnh vải vụn ghép nên bức tranh tương lai tươi sáng

Tại Vụn Art, những mảnh vải vụn lụa Vạn Phúc tưởng như vô dụng, qua bàn tay tỉ mỉ, cần cù, sáng tạo của những người thợ đặc biệt - những người khuyết tật, lại tạo nên những bức tranh vô cùng độc đáo. 

Sản phẩm của Vụn Art lấy cảm hứng từ chủ đề tranh dân gian Việt Nam mang đậm bản sắc dân tộc. Nền tranh là vải Đũi Vạn Phúc và tranh ghép từ nguyên liệu vụn vải lụa Vạn Phúc.

Tranh Phố- Một sản phẩm được ghép nên từ các mảnh vải vụn

Vụn Art hiện có 2 dòng sản phẩm chính: tranh ghép và các hoạt động trải nghiệm. Các bạn học viên khuyết tật được dạy nghề làm tranh vải dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia. Nguyên liệu tranh được khai thác từ vải vụn của làng lụa Vạn Phúc và của các công ty may, góp phần bảo vệ môi trường. 

Sản phẩm tranh được xã hội và khách hàng ghi nhận nhờ ý nghĩa xã hội và sự độc đáo và đa dạng của dòng tranh vải, trở thành món quà lưu niệm được nhiều doanh nghiệp đặt mua.

Bên cạnh đó, hoạt động trải nghiệm ghép tranh vải được tổ chức tại cơ sở của Vụn Art tại Làng lụa Hà Đông và tại các sự kiện, hội chợ được nhiều bạn trẻ và khách tham quan ưa thích. 

Du khách trong một workshop tìm hiểu về nghệ thuật làm tranh từ vải vụn

Hoạt động trải nghiệm dành cho khách tham quan giúp mọi người hiểu hơn về dòng tranh ghép vải và cùng giao lưu với những người khuyết tật, giúp họ hòa nhập với xã hội.

Các sản phẩm của Zó Project, Vụn Art… cùng nhiều sản phẩm độc đáo khác sẽ được trưng bày trong ngày hội Tốt 2019. 

Sự kiện do Hội đồng Anh phối hợp với Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương (CIEM), Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP), Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo Xã hội (CSIE), Oxfam tại Việt Nam và Doanh nghiệp Xã hội Tòhe tổ chức diễn ra từ 17h ngày 22-3-2019 tới 17h ngày 23-3-2019, tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (CWD), 20 Thụy Khuê, Hà Nội.

See this content in the original post

Thông tin

See this content in the original post

Đơn vị tài trợ

See this content in the original post