Mã số N3024: Thương mại điện tử 'gõ cửa' tiệm tạp hóa
Việt Nam hiện có hơn 1,4 triệu tiệm tạp hóa, chiếm 70 - 80% doanh thu ngành bán lẻ. Do vậy, các nhà “làm” thương mại điện tử không bỏ qua sức hấp dẫn của phân khúc này.
Doanh thu mỗi năm cả trăm tỷ USD
Khi mới xuất hiện các ứng dụng gọi xe như Grab, Uber, nhiều người không khỏi hoài nghi, bởi thói quen của người Việt là thích ra đường vẫy tay đón xe. Nhưng chẳng bao lâu sau đó, những người chạy xe ôm truyền thống phải than trời vì mất khách, ế ẩm, buộc phải đổi nghề hoặc chuyển qua làm tài xế xe ôm “công nghệ”. Giờ đây, các tiệm tạp hóa, sạp hàng trong chợ và thậm chí là gánh hàng rong cũng bắt đầu được giới kinh doanh đưa vào tầm ngắm để làm thương mại điện tử bởi sức hấp dẫn của nó.
Tổng doanh thu bán lẻ của thị trường Việt Nam năm 2018 là 143,3 tỷ USD, tăng trưởng 12,4%. Theo ông Võ Tấn Thành - Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP.HCM (VCCI HCM), sự tăng trưởng vượt bậc này đã khẳng định sức hút của thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, kênh bán lẻ hiện đại chỉ chiếm 21%, kênh bán lẻ truyền thống chiếm đến 79% với hơn 9.000 chợ truyền thống và 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa.
Ngành bán lẻ Việt Nam đứng thứ sáu trong số các ngành hàng thu hút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài. Những năm qua, đã có những nguồn đầu tư mạnh vào ngành bán lẻ, trong nước có hệ thống Vinmart của Vingroup và Co.opmart của Saigon Co.op, nước ngoài có các tập đoàn bán lẻ lớn của Nhật (như Aeon), Hàn Quốc (như Lotte), Thái Lan.
Trên 66 triệu người Việt Nam sử dụng internet, đặc biệt, lượng người sử dụng điện thoại thông minh rất lớn. Mặc dù thương mại điện tử phát triển mạnh, bán lẻ truyền thống vẫn chiếm đến 80% doanh thu. Người tiêu dùng vẫn quen giao dịch với mạng lưới phân phối có sẵn quanh mình.
Bên cạnh sự bùng nổ các kênh bán hàng hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi), ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam - nhận định, Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng trong lĩnh vực bán lẻ.
Thương mại điện tử phát triển mạnh những năm gần đây nhưng chỉ tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, hai thành phố này chiếm tới 70% giao dịch thương mại điện tử. Kế hoạch của hiệp hội là đẩy mạnh thương mại ở các tỉnh, thành khác, để giao dịch thương mại điện tử ở các tỉnh, thành ngoài Hà Nội và TP.HCM chiếm 50% lượng giao dịch.
Tiệm tạp hóa vẫn sống khỏe bên siêu thị
Tiệm tạp hóa ở nước ta xuất hiện mọi nơi, từ thành thị đến nông thôn, từ đường lớn đến hẻm nhỏ. Chủ tiệm không cần quá nhiều vốn, có thể tận dụng nơi ở để kinh doanh.
Đại bộ phận người mua vẫn tới những tiệm tạp hóa vì tiện lợi, có thể đi vài bước chân hoặc dừng xe nêu yêu cầu, sẽ được người bán mang sản phẩm ra tận nơi. Hàng hóa ở tiệm lại đa dạng, giá rẻ. Do vậy, tiệm tạp hóa vẫn “sống” ngay cạnh siêu thị hay cửa hàng tiện lợi.
Rất nhiều nhà sản xuất lớn nhỏ xem đây là kênh bán hàng chiếm tỷ trọng lớn về doanh số của mình, nên dù chi phí phân phối đến các tiệm tạp hóa cao hơn 20 - 30%, họ vẫn rất cần và có những chính sách riêng cho hệ thống bán lẻ truyền thống này.
Theo một số nhà phân tích thị trường, trước đây, nhiều doanh nhiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử cũng từng có ý định đưa công nghệ vào các tiệm tạp hóa bằng các ứng dụng quản lý bán hàng, thậm chí tặng miễn phí ứng dụng cho các chủ tiệm. Bù lại, họ sẽ có được những dữ liệu về hàng hóa, qua đó nắm bắt được xu hướng tiêu dùng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã từ bỏ ý định vì các chủ tiệm vẫn thích bán hàng theo cách của mình với cuốn sổ ghi chép.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng cho rằng, từ trước đến nay, các kênh phân phối truyền thống (tiệm tạp hóa, sạp chợ) là nơi dễ dàng tiêu thụ hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng; các nhà cung cấp, phân phối từng rất đau đầu khi giải quyết vấn đề này. Ngay cả người giao hàng, nhân viên tiếp thị… cũng bị giả dạng nên chủ sạp, tiệm tạp hóa cũng bị lừa. Tuy vậy, hệ thống bán lẻ với nguồn giá trị hàng tỷ USD này vẫn hấp dẫn các nhà kinh doanh thương mại điện tử.
Số hóa sạp, tiệm vào chuỗi cung ứng hàng hóa
Các chuyên gia lý giải, sở dĩ một số doanh nghiệp thất bại khi cố gắng đưa các cửa hàng tạp hóa vào thương mại điện tử vì họ mới chỉ chú trọng những giải pháp mang tính cục bộ cho việc vận hành các cửa hàng đó, trong khi lẽ ra phải giải quyết cả khâu kết nối từ nhà sản xuất đến kho bãi, tiếp thị, bán hàng… theo một chu trình chuyên nghiệp.
Theo ông Võ Tấn Thành, VCCI HCM đạt được thỏa thuận hợp tác chiến lược về hỗ trợ xây dựng hệ thống phân phối có tên là nền tảng phân phối đa nhiệm BBlink. Nền tảng này giúp các nhà cung cấp (nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, nhà phân phối) có thể đưa hàng hóa, dịch vụ của mình đến tận tay người tiêu dùng thông qua kênh bán lẻ truyền thống là tiệm tạp hóa và sạp chợ.
BBlink vận hành thông qua sáu ứng dụng trên điện thoại (bao gồm đại lý, hàng sỉ, giao nhận, nhà cung cấp, quản lý kho, bán hàng), có thể thực hiện một số tiện ích như nạp thẻ, mua hộ, mua sỉ, quản lý đơn hàng và điểm bán hàng, quản lý hàng tồn, thống kê công nợ, vận đơn. Nền tảng này cũng tích hợp khả năng phân tích dữ liệu thói quen người tiêu dùng và gợi ý sản phẩm, nhận diện sản phẩm, thống kê tự động bằng camera và đánh giá cửa hàng.
Theo ông Vincent Lữ Thế Hùng - đại diện thương mại của BBLink - định hướng của nền tảng này là trở thành một tính năng dành cho người muốn mua, bán hàng theo mô hình mở, tất cả đối tượng trong chuỗi cung ứng hàng hóa (nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, nhà phân phối, nhà cung cấp dịch vụ, nhà cung cấp kho bãi, đội ngũ nhân sự giao hàng, chuyên viên kinh doanh, điểm bán lẻ) đều có thể tham gia và hưởng được nhiều quyền lợi từ nền tảng này.
Có ý kiến cho rằng, nền tảng này có thể giúp các cửa hàng tạp hóa có thể cạnh tranh với các kênh bán hàng hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi), nhưng theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, mỗi mô hình có những đối tượng khách hàng riêng.