Mã số N3033: Khởi nghiệp từ cỏ lúa mì

    Hãy bấm LIKE, SHARE để bình chọn cho bài dự thi này

Nhận biết được lợi ích từ loại cỏ lúa mì, nhiều bạn trẻ đã sáng tạo ra những mô hình khởi nghiệp để đưa loại thực phẩm này đến gần hơn đến cộng đồng.

Đại với sản phẩm sô cô la xanh độc đáo và sữa từ cỏ lúa mìẢnh: Nữ Vương

Đại với sản phẩm sô cô la xanh độc đáo và sữa từ cỏ lúa mì

Ảnh: Nữ Vương

Sô cô la xanh độc đáo

Chứng kiến bệnh tình của mẹ và những người khác phải vật vã chiến đấu với các căn bệnh ung thư, chàng trai Hậu Giang đã quyết tâm thay đổi thói quen chăm sóc sức khỏe mỗi ngày cho người dân Việt.

“Nhiều người nghèo khó, suốt đời chỉ biết kiếm tiền rồi cuối đời lại phải bơm tiền vào bệnh viện mà cũng không mua lại được sức khỏe. Chính vì thế, mình muốn tạo nên thói quen chăm sóc sức khỏe mỗi ngày cho mọi người”, Trần Đại, chủ nhân dự án Khu vườn của mẹ, nói.

Điều này đã thôi thúc Đại nghiên cứu ra những sản phẩm từ lúa mì tốt cho sức khỏe người dùng. Đó là những thanh sô cô la có thể bỏ trong tủ lạnh và ăn hằng ngày, là những ly sữa từ bột lúa mì… Anh chàng này muốn biến việc chăm sóc sức khỏe trở nên đơn giản nhất, ai cũng có thể làm được, không quá nặng nề, không quá tốn thời gian mà chỉ là như ăn một viên kẹo thư giãn mỗi ngày.

Lý giải về cái tên mộc mạc, gần gũi của dự án, Đại kể: “Ngày xưa mẹ hay sử dụng nhiều loại cây cỏ cho mình dùng và cho mẹ nữa. Mình luôn muốn có một khu vườn với đầy đủ cây thuốc, cây ăn trái bốn mùa. Đặc biệt, “Khu vườn của mẹ” luôn muốn tạo ra các sản phẩm sức khỏe và mang tình cảm ấm áp của gia đình”.

Hiện tại, từ cỏ lúa mì Đại làm thành những viên sô cô la Mascon xanh độc đáo, sữa thực vật và sản phẩm bột cỏ lúa mì.

Để làm được điều mà chưa ai từng làm, Đại đã gặp rất nhiều khó khăn, bao nhiêu tiền đều đổ dồn vào nghiên cứu và nguyên liệu. “Nguyên liệu muốn mua cũng không có nhiều, phải mua hạt giống để trồng thử nghiệm với khí hậu nắng nóng của miền Nam. Có được quy trình thì phải nghiên cứu cách xử lý nguyên liệu tươi thành nguyên liệu thứ cấp rồi lặp quy trình. Khi có được nguyên liệu thứ cấp rồi phải làm sao cho ra được viên sô cô la ngon; trong quá trình đó nguyên liệu hư phải bỏ rất nhiều. Hết nguyên liệu lại phải tích góp tiền mua tiếp để thử nghiệm sản phẩm…”, Đại nói.

Những sản phẩm của Đại đã được kiểm định an toàn chất lượng tại Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 TP.HCM.

Trồng cỏ lúa mì bằng hình thức thủy canh

Cũng mong muốn chinh phục được loại cỏ lúa mì, hai sinh viên Nguyễn Hữu Tuấn và Lâm Thị Mỹ Ngọc, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, đã nghiên cứu nhiều phương pháp để trồng loại cỏ này đạt năng suất cao.

Tuấn nhận giải đặc biệt với mô hình khởi nghiệp của mình

Tuấn nhận giải đặc biệt với mô hình khởi nghiệp của mình

 

“Với niềm đam mê nông nghiệp, tụi mình đã tìm tòi học hỏi và nghiên cứu những điều mới và sáng tạo, những điều mà người khác chưa làm. Tụi mình biết được mầm lúa mạch không chỉ là nguồn nguyên liệu cho các dạng thực phẩm chức năng mà còn làm mỹ phẩm. Nguồn dinh dưỡng tuyệt vời có trong mầm lúa mạch giúp hỗ trợ quá trình điều trị nhiều căn bệnh dễ mắc nhưng khó điều trị, thế nhưng hiện nay người Việt vẫn còn xa lạ với loại thực phẩm này. Từ những lý do trên mà dự án trồng và phân phối cỏ lúa mì của tụi mình ra đời”, Tuấn nói.

Hiện nay, nhóm đã nghiên cứu và trồng thành công giống cỏ lúa mì theo phương pháp thủy canh.

Tuấn cho biết nghiên cứu áp dụng mô hình thủy canh để tiết kiệm chi phí về nguyên liệu trồng như giá thể, nhân công và quy trình xử lý chất thải. Bên cạnh đó, khi trồng bằng hình thức này, tỷ lệ nảy mầm cũng sẽ cao hơn và rút ngắn được thời gian trồng.

“Đầu tiên mình thấy ở trên thế giới đã có nơi trồng bằng hình thức không có giá thể, lúc đó mình nảy ra ý tưởng thử nghiệm trồng thủy canh. Hơn nữa, lúa là loài ưa nước, khi sử dụng phương pháp thủy canh, đến lúc thu hoạch cắt và thu phần lá thì có thể sử dụng phần hạt và rễ để nghiên cứu tạo ra sản phẩm khác như nước ép đóng chai, bột đắp mặt, hoặc trà… Bởi khi phát triển ở 15 - 20 cm thì thành phần chất dinh dưỡng trong hạt vẫn còn khoảng 40%”, Tuấn chia sẻ.

Tuấn cho biết lúc đầu cũng gặp rất nhiều khó khăn vì khi trồng theo quy trình, những hạt không nảy mầm sẽ bị mốc do vi sinh vật tấn công, điều này ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng an toàn thực phẩm của cỏ lúa mì.

“Sau nhiều lần nghiên cứu thì mình nhận ra đây cũng là một loại rau mầm, nếu độ ẩm rau mầm trên 50% sẽ bị úng ngang thân và làm cho vi sinh vật phát triển. Chính vì vậy mình kết hợp các kỹ thuật công nghệ để có thể kiểm soát được độ ẩm bằng cách dùng quạt hút để giảm độ ẩm xuống, và quan trọng là cỏ lúa mì không phải lúc nào cũng bơm nước liên tục, mà phải bơm đúng thời điểm và đúng lượng nước cần thiết”, Tuấn chia sẻ cặn kẽ.

Với ý tưởng độc đáo này, nhóm của Tuấn cũng đã xuất sắc giành giải đặc biệt tại cuộc thi “Khởi sự kinh doanh nông nghiệp” do Trường ĐH Nông Lâm phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM và Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ VN tổ chức.

    Hãy bấm LIKE, SHARE để bình chọn cho bài dự thi này
 

Thông tin

logo_thanhnien1.jpg
 
Đăng trên Báo Thanh niên
Tác giả Nữ Vương
Ngày đăng 02/03/2019
Bài gốc thanhnien.vn/gioi-tre/khoi-nghiep-tu-co-lua-mi-1056404.html
 

Đơn vị tài trợ