Mã số N3035: Chàng trai mê sáng chế vì cộng đồng
Đam mê sáng chế từ nhỏ, Trương Công Hoàng, cựu sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, đã dành cả thanh xuân chỉ để sáng chế những chiếc máy giúp ích cộng đồng.
Nghe đến gia tài hơn 10 chiếc máy đã được sáng chế và đi vào hoạt động, ít ai dám tin rằng tác giả chỉ mới 27 tuổi và là thành quả sáng chế trong khoảng 4 năm. Điều đặc biệt, những chiếc máy này với công suất cao và phục vụ rất tốt cho nhu cầu của các công ty, doanh nghiệp lớn chứ không đơn thuần chỉ giúp cho các hộ gia đình đỡ vất vả như mục đích ban đầu mà Hoàng nhắm đến.
Hỏi về những chiếc máy đã chế tạo, Hoàng chia sẻ: “Mình làm nhiều lắm rồi, mỗi máy với cùng chức năng còn có nhiều loại khác nhau... Thậm chí nếu vô tình xuất hiện một ý tưởng nào độc đáo là mình làm ngay, nên đến giờ không nhớ hết được. Nếu tính từng loại máy với các chức năng khác nhau thì đã hơn 10 cái rồi, như: máy lột vỏ trứng cút, máy lột vỏ trứng gà, máy tách gáo dừa, máy xay, cắt dừa công nghiệp, máy tuốt cáp, máy tách vỏ sầu riêng, máy chiết nhân sầu riêng, máy chiên gà xối mỡ…”.
Cặn kẽ hơn về những “đứa con tinh thần” của mình, Hoàng cho biết đối với máy chiên gà xối mỡ, tên gọi là như vậy nhưng công dụng của nó gần như là một chiếc máy đa năng do được thiết kế cả hai chế độ ngâm nhúng và xối. Chính vì thế, máy có thể chiên, ngâm, nhúng, xối và làm chín các loại thực phẩm khác nhau như gà, thịt, cá, khoai tây chiên và các loại rau củ quả cần làm chín bằng dầu… Hiện máy đã được sử dụng ở nhiều tỉnh thành, chủ yếu là các quán ăn vừa và lớn, các công ty, cơ sở chế biến gà theo dây chuyền hay các khu công nghiệp phục vụ bữa ăn hằng ngày cho hàng ngàn người…
Đối với máy xay dừa, Hoàng nói: “Thời điểm chưa có máy xay này, đa số mọi người kể cả công ty, xí nghiệp đều dùng máy truyền thống tốn khá nhiều thời gian, nhân công, và cung cấp cho thị trường tiêu thụ không đủ nên đây là một điểm bất lợi lớn. Máy xay của mình ra đời đủ khả năng giải quyết được vấn đề này. Máy hoạt động nhanh và làm một lần theo quy trình nên tránh được tình trạng làm mệt rồi nghỉ. Máy sử dụng đĩa xay nên bền hơn, lâu thay dao và thay đĩa đơn giản hơn rất nhiều. Đặc biệt hơn nữa sẽ làm dừa xay ra mịn và đồng đều”.
Thế nhưng tâm đắc nhất với Hoàng có lẽ là chiếc máy lột vỏ trứng gà vì đây là chiếc máy khiến anh “lao tâm khổ tứ” nhiều nhất. “Với máy này không phải làm một lần mà ra được, vì phải làm rất nhiều chi tiết, các chi tiết lại thay đổi liên tục mà mỗi lần thay đổi mất rất nhiều thời gian, tiền bạc, công sức. Nghĩ ra thì đơn giản nhưng làm được lại là vấn đề hoàn toàn khác, đặc biệt là khi lắp đặt các chi tiết, khoảng cách và độ lớn nhỏ của các chi tiết rất khó khăn. Để bóc được quả trứng thì máy phải có độ chính xác của 2 trục lột phải vừa khít để lúc quay có thể lột được vỏ và cho công suất cao”, Hoàng nói.
Máy có công suất 3.000 quả trứng mỗi giờ, trứng sau khi luộc chín được cho vào máng làm dập vỏ, sau đó trục xoắn phía dưới sẽ tạo ra lực ép để tách bỏ phần vỏ trứng. Máy có tích hợp hệ thống nước làm sạch và làm giảm ma sát khi tách vỏ trứng, tạo ra trứng thành phẩm còn nguyên vẹn và sạch.
Tâm huyết vì cộng đồng
Tốt nghiệp ra trường, đi làm cho công ty được 1 năm rưỡi thì Hoàng quyết định nghỉ để toàn tâm toàn lực cho đam mê sáng chế.
Hoàng kể 1 năm rưỡi đi làm là khoảng thời gian rất vất vả. “Không đi làm thì không có kinh phí để trang trải đam mê, sau một ngày làm việc 8 tiếng tại cơ quan, về đến phòng trọ là mình xắn tay vào công việc sáng chế. Vất vả đến quên cả ăn, cả ngủ nên mình quyết định nghỉ làm và chỉ tập trung sáng chế”, Hoàng thổ lộ.
Trong căn phòng trọ thấp, nhỏ nằm sâu trong một con hẻm ở Q.12, TP.HCM, ngày qua ngày Hoàng miệt mài với công việc sáng chế của mình.
“Mọi người khắp xóm trọ ai cũng thắc mắc, một chàng trai ở độ tuổi thanh xuân nhưng suốt ngày giam mình trong phòng trọ và chế ra hết máy này đến máy khác, nhưng với mình đó là niềm vui”, Hoàng tâm sự.
Ngồi cùng Hoàng từ sáng đến hơn 13 giờ mà vẫn chưa thấy Hoàng nghỉ tay để ăn trưa, ông Trương Cao Long (bố Hoàng) nói: “Lên thăm con mà thấy con miệt mài quá, xót lắm. Làm đến quên ăn, quên ngủ. Chưa nghĩ ra được cái gì là người bứt rứt khó chịu, mà nghĩ ra được rồi là cứ miệt mài làm cho xong. Nhiều lúc làm mệt quá trải luôn tấm carton ra nền nhà ngổn ngang rồi chợp mắt. Về nhà ăn tết được vài ngày lại xách gói lên thành phố, tôi bảo con làm cho mình chứ có làm cho cơ quan nào đâu mà sợ trễ. Thế nhưng con bảo ngứa ngáy tay chân không chịu được và đầu óc lúc nào cũng thôi thúc con phải suy nghĩ, phải sáng tạo”.
“Bất cứ sản phẩm nào mình bắt tay vào sáng chế, với mình đều xuất phát từ việc chứng kiến những khó khăn, vất vả của người lao động, những lúc đó mình đều nghĩ phải làm một điều gì đó, và từ đó những chiếc máy của mình lần lượt ra đời. Tuổi trẻ là thời gian sung sức và nhiều ý tưởng nhất, nếu không phải bây giờ thì là khi nào nữa”, Hoàng tâm sự.
Chính những tâm huyết và ý nghĩa mà sản phẩm do Hoàng sáng chế mang lại cho cộng đồng, Hoàng đã được nhận giải thưởng “Sáng kiến vì cộng đồng” do Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM trao tặng.
"Chứng kiến những khó khăn, vất vả của người lao động, mình nghĩ phải làm một điều gì đó, và từ đó những chiếc máycủa mình lần lượt ra đời" Trương Công Hoàng, cựu sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM
Thông tin
Đăng trên | Báo Thanh niên |
Tác giả | Nữ Vương |
Ngày đăng | 10/03/2019 |
Bài gốc | thanhnien.vn/gioi-tre/chang-trai-me-sang-che-vi-cong-dong-1059078.html |