Mã số N3058: Chiến lược tiếp cận startup khôn ngoan của Singapore: Mở rộng Liên minh kết nối 10 trung tâm đổi mới sáng tạo trên toàn cầu, tìm chất xúc tác mới ở Việt Nam
Đảo quốc Singapore không chỉ được biết đến như một thiên đường cho các ý tưởng khởi nghiệp và thị trường vốn thu hút chứng khoán niêm yết của các "ông lớn" ở khu vực Đông Nam Á. Chính phủ Singapore còn có chính sách thúc đẩy khởi nghiệp ra bên ngoài lãnh thổ hơn 700 km2 của mình để tìm kiếm các nguồn lực và cơ hội mới.
Liên minh Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (GIA) tìm kiếm điều gì ở thị trường khởi nghiệp Việt Nam?
Enterprise Singapore là cơ quan kinh tế thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore, chịu trách nhiệm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động tại Singapore và giúp các startup Singapore, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) phát triển năng lực, đổi mới và mở rộng ra thị trường toàn cầu.
Giữa tháng 7, Enterprise Singapore ra mắt mạng lưới Liên Minh Đổi Mới Sáng Tạo Toàn Cầu Singapore tại TP.HCM. Thông qua một loạt các ký kết quan trọng giữa các đại diện tài chính (Quỹ Quest Ventures), trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp (Sihub) của hai bên, người Singapore thể hiện mối quan tâm rất lớn đến thị trường khởi nghiệp Việt Nam.
Mặc dù hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam chỉ mới phát triển trong vài năm trở lại đây nhưng Việt Nam được đánh giá là một trong các trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo phát triển nhanh nhất châu Á.
Số lượng startup tại Việt Nam tăng mạnh, thu hút dòng vốn đầu tư từ Singapore và toàn khu vực. Năm 2018, các startup Việt Nam ước tính thu hút gần 900 triệu USD vốn đầu tư, cao gấp ba lần năm 2017. Tinh thần khởi nghiệp của giới trẻ đang dâng cao tại Việt Nam, nhất là ở lĩnh vực thương mại điện tử, kỹ thuật số.
Hiện trạng khởi nghiệp ở Việt Nam có thể là chất xúc tác mới cho Singapore, khi quốc gia này đang là mái nhà của hơn 100 vườn ươm khởi nghiệp, hơn 150 quỹ đầu tư, đóng vai trò cố vấn cho hơn 5.000 startup công nghệ.
Dù là nền kinh tế hàng đầu khu vực châu Á nhưng nếu nguồn lực của Singapore chỉ quanh quẩn bên trong phạm vi lãnh thổ nhỏ hẹp thì không thể nào tìm thấy động lực bức phá. Như vậy, họ phải liên tục tìm kiếm những cơ hội mới.
Ông Png Cheong Boon - CEO của Enterprise Singapore cũng thừa nhận rằng : "Sự cởi mở và kết nối tuyệt vời của chúng tôi với các thị trường toàn cầu đã tạo nền tảng để Singapore là điểm đến của hàng nghìn công ty quốc tế. Từ đó, các công ty khởi nghiệp ở Singapore dễ dàng kết nối với các công ty này và vươn ra thế giới".
Thông tin
Đơn vị tài trợ
Góc độ tiếp cận khởi nghiệp của Singapore
Việc thành lập GIA vào năm 2017 được phía Singapore nêu lý do là "các startup Singapore cũng cần phải tiếp cận trực tiếp các trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo khác".
Các trung tâm (hub) nào có lợi thế quy tụ được "sinh viên có tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ" và tạo ra nhiều "sự hợp tác về đổi mới sáng tạo giữa các tập đoàn hàng đầu và các startup trong mạng lưới".
Kể từ khi ra mắt, mạng lưới GIA đã kết nối Singapore với 10 trung tâm đổi mới sáng tạo trên toàn cầu như San Francisco, Berlin, Munich, Paris, Bắc Kinh, Thượng Hải, Tô Châu, Tokyo, Jakarta và Bangkok.
Chiến lược về hợp tác của Singapore nhằm giải quyết vấn đề "kết nối với các nhân tài, ý tưởng, công nghệ, kênh và thị trường, khắc phục bất lợi về quy mô doanh nghiệp và những hạn chế về địa lý".
Theo CEO Png Cheong Boon: "Những ý tưởng và công nghệ tốt nhất thường đến từ bên ngoài".
Bên cạnh việc tìm kiếm cơ hội trao đổi startup và hỗ trợ lẫn nhau về công nghệ, tín dụng, phía Singapore còn xác định mục tiêu phát triển tài năng khởi nghiệp thông qua trao đổi sinh viên.
Cụ thể, Trường Ngee Ann Polytechnic (NP) của Singapore đã ký kết với 6 đối tác Việt Nam là Quỹ Alley51 Ventures, CoderSchool, ELSA Speak, Lazada Vietnam, Sihub, quỹ Quest Ventures. Chương trình hợp tác cho phép hỗ trợ 100 sinh viên Singapore đến thực tập tại các đơn vị nói trên trong 2 năm tới.
Tiếp cận khác biệt so với các quốc gia lân cận ?
Ngoài Singapore, nền kinh tế đứng thứ hai ASEAN là Malaysia đang tìm cách tiếp cận thị trường Việt Nam thông qua nhiều kênh khác nhau.
Hằng năm, đại diện xúc tiến thương mại của Malaysia là Matrade thường kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với thị trường Hồi giáo bằng cách giới thiệu các sản phẩm và quy trình đạt chứng nhận Halal.
Đồng thời, cơ quan này cũng phối hợp với đại diện bang Sengalor - bang mạnh nhất Malaysia về kinh tế để xúc tiến thương mại.
Tương tự Matrade, phía Hàn Quốc cũng thông qua tổ chức tương tự là Kotra, thực hiện các dự án kết nối doanh nghiệp SME và tập đoàn lớn của Hàn Quốc với đội ngũ lao động trẻ Việt Nam, những người được phía Hàn Quốc trịnh trọng gọi là "nhân tài". Họ nhắm đến đội ngũ lao động trẻ, sinh viên mới ra trường và định hướng xuất khẩu lao động.
Đến năm 2018, Hàn Quốc bắt đầu gửi nhiều đoàn doanh nghiệp sang Việt Nam trình bày ý tưởng khởi nghiệp, tìm kiếm cơ hội hợp tác thông qua các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam, điển hình như Sihub của TP.HCM.
Những chuyển động nói trên cho thấy Việt Nam có nhiều lợi thế về thương mại và khởi nghiệp để thu hút các đối tác đến từ nội khối ASEAN.
Khác với Hàn Quốc và Malaysia, phía Singapore nhấn mạnh hơn vào trọng tâm khởi nghiệp công nghệ. Họ từng có những tiếp cận ban đầu với giới khởi nghiệp thông qua những sự kiện blockchain quy tụ nhiều đại diện khởi nghiệp trẻ Singapore đến Việt Nam. Tiếp đến là con đường hợp tác từ trên xuống, thông qua các ký kết giữa những đại diện chính thức.
Hiện tại, Singapore đang có lợi thế về danh tiếng, với vai trò một thiên đường cho các ý tưởng khởi nghiệp và thị trường vốn thu hút chứng khoán niêm yết của các "ông lớn" ở khu vực Đông Nam Á.