Mã số N3062: TP.HCM: Từ “công viên phần mềm” đến “vườn kỳ lân”
Một kế hoạch táo bạo đã thành hình và như kế hoạch dự kiến của TP HCM, sẽ đầu tư xây dựng một chuỗi công viên phần mềm Quang Trung chứ không chỉ có 1 hay 2 công viên.
Từ công viên phần mềm và chuỗi công viên phần mềm
Trong ký ức của những người dân quận 12, TPHCM quanh Công viên Phần mềm Quang Trung vẫn còn hình ảnh một vùng đất hoang hoá với một trung tâm hội chợ - triển lãm đang từng ngày điêu tàn vì bị bỏ hoang.
Vậy mà từ một ý tưởng táo bạo và “đi trước” thời đại, chỉ trong 1 năm, từ 2000 đến 2001 vùng đất hoang tàn đã trở thành một công viên phần mềm đầu tiên của cả nước.
Và giờ đây, sau 10 năm hoạt động, công viên không những được phủ kín mà còn trở thành một “thung lũng Silicon” thu nhỏ của thành phố; đồng thời vẫn là điểm sáng số một của công nghệ cả nước.
Dự án này đã trở thành “vườn ươm” cho hàng loạt công ty công nghệ quan trọng và hàng chục ngàn đến hàng trăm ngàn kỹ sư công nghệ trưởng thành từ đây và trở thành nhân tố công nghệ cho vô số dự án và công ty công nghệ khác trên khắp cả nước.
Từ đó, chỉ 3 năm sau khi Công viên Phần mềm Quang Trung ra đời, thành phố bắt đầu nhen nhóm ý tưởng và xúc tiến cho dự án Công viên Phần mềm Quang Trung 2.
Theo đà đó, một kế hoạch táo bạo hơn rất nhiều đã thành hình và như kế hoạch dự kiến của TP HCM, sẽ đầu tư xây dựng một chuỗi công viên phần mềm Quang Trung chứ không chỉ có 1 hay 2 công viên.
Phác thảo cho thấy chuỗi này sẽ bao gồm: Công viên phần mềm Quang Trung tại quận 12, TPHCM, khu công nghệ phần mềm tại quận Thủ Đức (do Đại học Quốc gia TPHCM quản lý), dự án Công viên Phần mềm Quang Trung 2 (dự kiến xây dựng tại TP HCM), dự án Công viên Phần mềm Quang Trung – Đà Lạt, dự án Công viên phần mềm Quang Trung – Nam Định, dự án khu công nghệ thông tin của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tại khu đất C30 và dự án Công viên khoa học – Công viên phần mềm Bách Khoa tại Đại học Bách Khoa TP HCM…
Hầu hết nhận định của các đối tác trong và ngoài nước đều đánh giá cao những nỗ lực của TPHCM trong việc tiên phong tạo ra những vườn ươm công nghệ cho cả nước như dự án này. Và những kỹ sư trưởng thành từ công viên phần mềm Quang Trung, từ một môi trường năng động và cấp tiến như TPHCM đã trở thành những hạt giống đáng quý tạo nên một môi trường công nghệ bậc nhất không chỉ Việt Nam mà là cả Đông Nam Á, làm tiền đề cho hàng loạt startup đang “hot” hiện nay…
Đến ước mơ “vườn kỳ lân”
Cảm giác khi nhìn thấy kho hàng của Giao Hàng Nhanh (GHN) là hơi ngợp: nó lớn hơn mức người ta có thể tưởng. Và cũng ấn tượng khi một công ty Việt Nam có thể xây dựng được một kho hàng như này.
Nhưng đáng giá hơn cả đó là việc đầu tháng 8/2019 vừa qua GHN ra mắt hệ thống phân loại hàng tự động 100% lớn nhất tại Việt Nam: Năng suất 30.000 đơn/giờ, tiết kiệm 600 nhân công, rút ngắn thời gian từ 3 giờ xuống chỉ còn 30 phút.
Với cơ sở vật chất và khả năng vận hành này của GHN, công ty sẽ có năng lực cạnh tranh số một trên thị trường – hầu như tất cả là nhờ công nghệ và do bàn tay người Việt.
GHN – cho đến nay hầu như chỉ lớn lên bằng nguồn vốn Việt Nam và chưa tiết lộ bất kỳ thông tin nào rõ ràng nên các nhà quan sát về kinh doanh và khởi nghiệp tương đối khó khăn khi nhận định về công ty này. Song với những số liệu hiếm hoi được tiết lộ thì người ta có thể thấy GHN là một trong những niềm hy vọng số một của Việt Nam về công ty khởi nghiệp có giá trị tỷ USD – một chú kỳ lân.
Đến từ Hàn Quốc, tỷ phú công nghệ và là nhà sáng lập của Daum - một trong những công ty công nghệ hàng đầu Hàn Quốc phát biểu một câu làm người Việt giật mình: Đó là Việt Nam đang hội đủ các nhân tố để trong tương lai gần có thể có cả một "unicorn farm" – một vườn kỳ lân - chứ không phải chỉ 1-2 unicorn.
Nhìn rộng ra, có thể thấy giờ đây chúng ta có thể hy vọng vào khá nhiều công ty vươn mình trở thành kỳ lân công nghệ. Điểm danh vài công ty được coi là ứng viên người ta thấy có:
Zalo được xem là ứng viên đầu tiên, tất nhiên bao gồm cả Zalo Pay. Hiện chỉ ở Việt Nam, số lượng người dùng thống kê được của Zalo đạt hơn 100 triệu. Và nếu mỗi người dùng chỉ cần tính trị giá 10 USD – bằng 1/10 của Facebook lúc sắp niêm yết - thì trị giá của Zalo có thể lên đến mức 1 tỷ USD.
Trị giá người dùng Zalo tất nhiên không thể so sánh được với Facebook bởi nó chủ yếu dựa trên số điện thoại, còn Facebook là rất nhiều dữ liệu khác. Tuy nhiên, Zalo đã vươn mình ra quốc tế và bước đầu thành công ở Myanmar.
Ngay từ đầu 2019, công ty con của tập đoàn Temasek đã đầu tư 30 triệu USD mua cổ phiếu VNG và đánh giá trị giá VNG ở mức 2,2 tỷ USD. Trong khi đó một số chuyên gia về đầu tư cho rằng trị giá thật của VNG, trong đó có Zalo có thể ở mức cao hơn. Như tin đã biết thì Zalo sẽ có thể cùng VNG niêm yết sàn Nasdaq, khi đó trị giá công ty sẽ rõ hơn các đồn đoán hiện giờ.
GHN như trên đề cập, sẽ là ứng viên sáng giá kỳ lân Việt Nam trong tương lai gần. Năm 2017, GHN có doanh thu 50 triệu USD và 2018, con số ước tính tăng lên 100 triệu USD. GHN hiện đứng top 2 trong lĩnh vực giao hàng thương mại điện tử và giao hàng tức thời. Mỗi ngày GHN xử lý 250.000 đơn hàng, với 8.000 nhân viên và gần 15.000 tài xế tự do, cùng hơn 100 kỹ sư công nghệ và 5 đối tác phần mềm.
Tiki lại là một trường hợp khác, với tuyên bố “doanh thu kỷ lục” nhưng chưa rõ số liệu thật thế nào và hiện chỉ có con số là Tiki quy tụ 10.000 thương hiệu chính hãng cùng hơn 1.000.000 sản phẩm. Nhìn vào hết trăm tỷ nọ đến ngàn tỷ kia được rót vào Tiki, có thể cũng có hy vọng ở một kỳ lân sắp vươn mình.
VnPay và Momo; kẻ tám lạng người nửa cân. Chỉ một thời gian sau khi Momo tuyên bố nhận được khoản đầu tư trên 100 triệu USD thì VnPay tiết lộ tin được đầu tư 300 triệu USD. Các con số khủng này phần nào cũng nói lên mức độ thành công của những công ty đang trên con đường chạy đua đến kỳ lân này.
Sau nữa là những công ty làm về giáo dục. Ngành này gần đây nở rộ, và tin hot nhất thời giạn qua chính là việc Topica được đầu tư hơn 50 triệu USD từ quỹ đầu tư Northstar. Ngành công nghệ giáo dục chính sẽ là một điểm sáng và hy vọng về những chú kỳ lân nhỏ ngay thời gian tới.
Với các công ty công nghệ, nhân tố số một của thành công là con người. Con người từ đâu ra? Du học vẫn là nguồn quan trọng, và đào tạo trong nước, rồi các vườn ươm quý giá như Công viên Phần mềm Quang Trung là nhân tố không thể thiếu và cần được nhân rộng nhanh chóng.
Từ những công viên phần mềm đến vườn kỳ lân, chặng đường xa đang hoá gần, và trong cuộc đua như mơ ấy, chúng ta có quyền hy vọng về Việt Nam như điểm đến của đầu tư thế giới ngay lúc này, không còn là xa xôi nữa.