Mã số N3061: Khóc cười người Việt mua bán trên Amazon
Doanh số hơn 200 tỷ USD/năm, Amazon là một mảnh đất màu mỡ cho các seller khắp nơi trên thế giới, đồng thời mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt.
Nơi khách hàng thực sự là “thượng đế”
Đầu tháng 8, anh Nguyễn Trung, phụ trách văn phòng cho một tổ chức tại Berlin, Đức đặt mua một chiếc máy in trên Amazon, thanh toán bằng thẻ. Ngay hôm sau, máy được khuân đến nhà anh, tại phố Friedrich Junge. Hai tuần sau, anh Trung vào ứng dụng mua hàng bấm vào nút: “Trả lại”. Phần mềm đưa ra các lựa chọn lí do trả lại: “Không thích”, “Hỏng”, “Vỡ”, “Xấu”, “Mua nơi khác rẻ hơn” và vài lí do khác... Chọn “Trả lại không lí do”, chỉ sau ít phút, anh Trung nhận e-mail từ công ty bán máy in, bảo cứ gói ghém máy lại, đợi. Sáng hôm sau một chiếc xe tới khuân chiếc máy đi mất. Vài ngày sau đó, điện thoại của anh Trung báo tiền vào lại tài khoản, không thiếu một xu. “Đấy chính là cách thương mại điện tử vận hành trên Amazon. Nhẹ nhàng và êm ái. Để hiểu vì sao Amazon là thương hiệu đắt tiền nhất thế giới hiện nay”, anh Trung nhận xét.
Anh Nguyễn Trung là một trong số hơn 300 triệu khách hàng của Amazon - website thương mại điện tử lớn nhất thế giới hiện nay. Với doanh số gần 233 tỷ USD, lợi nhuận gần 10 tỷ USD trong năm 2018, Amazon là mảnh đất kinh doanh màu mỡ cho các doanh nghiệp, cá nhân toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Bất cứ doanh nghiệp, cá nhân nào cũng có thể đăng ký tài khoản, bán hàng trên Amazon với những điều kiện: Cung cấp chính xác địa chỉ, thông tin hàng hóa, thời gian giao hàng cũng như hãng vận chuyển; Giao hàng tận nơi cho khách hàng; Ngoài am hiểu về sản phẩm, người bán phải có vốn tiếng Anh cơ bản để trả lời khách hàng; Các sản phẩm được đăng bán phải có hình ảnh thực, chi tiết và phải có bản quyền.
Tuy nhiên, theo số liệu từ Bộ Công thương, hiện mới có khoảng 10.000 tài khoản của 200 doanh nghiệp và một số cá nhân tại Việt Nam bán hàng trên Amazon (10% so với con số 100.000 tài khoản người Việt đang bán hàng trên Alibaba). Ở một con số thống kê khác, có 95% người Việt Nam mua hàng trên Amazon, song chỉ có 5% hàng “made in Việt Nam” để bán. Trước miếng bánh thị trường khổng lồ như Amazon, vì sao các doanh nghiệp Việt bỏ lỡ?
Trở lại câu chuyện mua chiếc máy in của anh Trung, có thể thấy, khách mua hàng trên Amazon được sắm vai “thượng đế” theo đúng nghĩa . “Tôi không hình dung khách mua hàng qua mạng tại Việt Nam sẽ mất bao nhiêu thời gian, công sức và chi phí để đòi lại được món tiền đã bỏ ra nếu lỡ mua phải món đồ rởm. Còn “Trả lại không lý do” như trường hợp của tôi thì càng không bao giờ”, anh Trung nói.
Trần Chung, một trong 10.000 tài khoản đang bán hàng thủ công mỹ nghệ trên Amazon xác nhận: Bán hàng trên Amazon là tham gia sân chơi tiêu chuẩn rất cao, trong đó mọi điều kiện, yêu cầu khắt khe đều nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi người mua hàng. Đơn cử, trên khắp các kênh thương mại điện tử Việt Nam từ Facebook, Lazada, Shopee, Tik… dễ dàng bắt gặp hình ảnh một sản phẩm xuất hiện ở nhiều tài khoản bán hàng khác nhau, với đủ mức giá cả, phụ thuộc vào mức độ “lăng xê” của người bán.
Cộng đồng thường xuyên chia sẻ những hình ảnh khác biệt một trời một vực giữa thông tin quảng cáo trên mạng với sản phẩm thực, minh chứng cho tình trạng “treo đầu dê bán thịt chó” khá phổ biến khi giao dịch qua mạng. Cũng bởi vậy mà tỷ lệ hoàn hàng (mua rồi trả lại) ở Việt Nam rất cao, khoảng 20%. Và toàn bộ chi phí vận chuyển này đã được người bán tính vào chi phí giá thành, khiến giá sản phẩm bán ra thêm phần đắt đỏ.
Trong khi đó, với Amazon, người bán phải tuân thủ bản quyền hình ảnh cực kỳ nghiêm ngặt, do vậy hạn chế được tình trạng sao chép, “ăn cắp” lẫn nhau. Mặt khác, Amazon cho phép người mua có thể trả lại hàng với bất cứ lý do gì, nên người bán phải tự kiểm soát chất lượng sản phẩm mà không chờ một “cơ quan quản lý” nào can thiệp, xử phạt. “Bởi càng quảng cáo láo, khách hàng trả lại nhiều, người bán càng tốn chi phí. Mặt khác, tỉ lệ bị đổi, trả hàng cao, Amazon sẽ đóng tài khoản, hết cửa làm ăn”, anh Chung nói.
“Công thức hàng Trung Quốc” đang thay đổi
Đổi lại, người bán hàng trên Amazon “được gì”? Thu Hương (Hà Nội), một tài khoản đang bán sản phẩm cốc sứ với doanh số gần 10.000 USD/tháng cho biết: Amazon tự động hóa hết các khâu từ vận chuyển, kế toán đến quản lý đơn hàng, quản lý kho hàng… Trong khi đó làm thương mại điện tử ở Việt Nam mất rất nhiều thời gian, từ việc gọi điện thoại cho khách hàng, kết hợp bên giao, vận chuyển…
Điểm khác biệt nữa, Amazon có công cụ giúp người bán biết chính xác từng ngành hàng, sản phẩm có bao nhiêu người bán, khối lượng, giá cả bán ra là bao nhiêu. “Thời điểm đầu, tôi tính bán chiếc cốc có giá dưới 3 USD/chiếc, song khi tìm kiếm thấy rằng sản phẩm này ở mức giá đó đã có rất nhiều “đối thủ” cạnh tranh. Tôi quyết định đặt thiết kế, duyệt mẫu, lựa chọn bán hàng ở mức giá khoảng 5 USD/chiếc và được thị trường chấp nhận. Trên Amazon, giá không phải thước đo để cạnh tranh bởi nhiều khách hàng cho rằng, hàng rẻ đồng nghĩa kém chất lượng. Quan trọng là tìm được người sẵn sàng trả tiền cho sản phẩm của mình”, chị Hương nói.
Theo ước tính của giám đốc một doanh nghiệp marketing, mặc dù có khoảng 10.000 tài khoản bán hàng trên Amazon, song chỉ trên 100 người có doanh số trên 10.000 USD/tháng. Mặt khác, 90% sản phẩm bán ra của những tài khoản này là hàng Trung Quốc.
Đ.T, một thương nhân đang cung cấp sản phẩm thìa inox trên Amazon chia sẻ: Công thức làm thương mại điện tử ở Việt Nam phổ biến là: Hàng giá rẻ Trung Quốc cộng với chạy quảng cáo là ra tiền. Tuy nhiên, sau gần 1 năm làm theo “công thức” đó, T. cho biết bắt đầu chuyển sang đặt hàng tại Việt Nam sản xuất khoảng 6 tháng gần đây. Lý do là vì đặt hàng Trung Quốc thời gian chậm nên dòng tiền cũng chậm theo. Mặt khác, hàng Trung Quốc bao giờ cũng có 10-15% tỷ lệ không đảm bảo chất lượng. Nhưng đặt hàng ở Việt Nam thì có thể kiểm soát từng chiếc một.
Một lý do khác, theo T., khâu đóng gói sản phẩm khi đặt hàng tại Việt Nam cũng nhanh, thuận tiện hơn. Chẳng hạn, T. đang bán bộ dụng cụ đồ uống, gồm cốc, thìa và ống hút, nếu đặt hàng phải đặt từ ba nhà sản xuất khác nhau. Và nhà sản xuất cốc không sẵn sàng nhận thìa, ống hút đóng gói để chuyển sang kho hàng ở Amazon. Nhưng nếu đặt hàng ở Việt Nam, T. có thể chuyển hàng của nhiều nhà sản xuất về một kho hàng, tự đóng gói, hoàn thiện sản phẩm. Chưa kể, ở Việt Nam có thể đàm phán với nhà sản xuất chậm thanh toán, thậm chí nợ, song với đối tác Trung Quốc bao giờ cũng phải ứng trước 30%, giao hàng thanh toán 70% còn lại. “Một lý do rất quan trọng khác, thương chiến Mỹ - Trung nổ ra, hàng Trung Quốc vào Mỹ bị kiểm soát gắt gao, nên chọn sản xuất tại Việt Nam - những sản phẩm ta hoàn toàn có thể làm được - là một sự lựa chọn tất yếu”, T. nói.
Đường xa không vì khoảng cách địa lý…
“Con đường đưa hàng Việt Nam lên Amazon, dẫu vậy vẫn còn dài và xa lắm”, Đ.T. chia sẻ. Xa không phải vì khoảng cách địa lý từ Việt Nam tới kho hàng nằm bên kia bán cầu, mà nằm ở tư duy của những nhà sản xuất.
T. kể, anh tìm đến một xưởng sản xuất ngay tại ngoại thành Hà Nội để đặt chiếc thìa inox trong bộ dụng cụ đồ uống. Xưởng sản xuất sẵn máy móc, công nhân đang thiếu việc, song khi anh yêu cầu thay đổi mẫu mã cho phù hợp với thị hiếu khách hàng, chủ cơ sở không sẵn sàng thay đổi. “Nhà sản xuất vẫn mang tư duy chỉ sản xuất những thứ mình có mà không phải thứ thị trường cần. Và quá trình đi tìm nhà sản xuất, tôi gặp rất nhiều những đối tác như vậy”, T. nói.
Chung nhận xét, Trần Chung bổ sung dẫn chứng: Anh mua một sản phẩm đồ gỗ tại Mỹ được ưa chuộng làm mẫu, về Việt Nam đặt thiết kế, sản xuất. Tuy nhiên, để đảm bảo vận chuyển thuận tiện, anh thay đổi một vài chi tiết, trong đó yêu cầu tháo ra và lắp vào được, song cơ sở sản xuất loay hoay cả tháng trời chưa đưa ra được phương án tối ưu. Đó cũng là yếu điểm bởi người Việt vốn bó hẹp trong suy nghĩ: Hàng sản xuất tại Việt Nam và bán cho người Việt Nam. “Nếu không tháo ra lắp vào được, hàng rất cồng kềnh, chi phí vận chuyển cao, chưa kể dễ hư hại. Nhà cung cấp rất nhiều, nhưng để tìm được nhà sản xuất sẵn sàng thay đổi, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu thị trường không dễ chút nào. Chưa nói tới khâu đóng gói. Nhiều nhà sản xuất tôi đặt hàng chỉ lo đóng gói cho xong, chứ không quan tâm đóng gói sao cho thẩm mỹ, bắt mắt lại càng không nghĩ tới tiện ích khi lắp, mở”, anh Chung chia sẻ.
Bên cạnh đó, anh Chung cho rằng, Việt Nam cũng thiếu những đơn vị lo khâu trung gian, vận chuyển. Chẳng hạn, hàng nông sản chỉ cần thêm chứng chỉ hữu cơ USDA chuẩn toàn cầu của Mỹ, giá bán có thể gấp 6 lần hàng thông thường.
“Việt Nam đang có nhiều cơ hội. Song, người Việt phải vượt qua được rào cản ngôn ngữ cùng tư duy sản xuất không chỉ để bán hàng trong nước mà cho cả thế giới. Và Amazon là một thị trường ở đó chỉ cạnh tranh bằng tài năng mà không có một mánh khoé nào có thể qua mặt được”, anh Chung nói.