Mã số N3064: Startup Việt Nam: Khát vọng tạo ra sản phẩm công nghệ không thua kém thế giới
Phong trào khởi nghiệp (startup) tại Việt Nam đang được gửi gắm nhiều kỳ vọng khi phát triển ngày càng sôi nổi. Những gương mặt startup triển vọng lần lượt xuất hiện với mong muốn tạo ra các sản phẩm của người Việt, dành cho người Việt và có thể bán ra thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, để hành trình này sớm chạm tới thành công, cần “tiếp lửa” cho những ước mơ khởi nghiệp.
Mong muốn tạo ra sản phẩm tốt nhất
“Ban đầu, nhóm chỉ muốn xây dựng một phần mềm, một ứng dụng dựa trên các kiến thức đã học ở trường cũng như được đóng góp một điều gì đó riêng cho xã hội bằng sản phẩm của chính mình tạo ra” - anh Đặng Thành Trung, đồng sáng lập Công ty TNHH Công nghệ ezCloud bắt đầu câu chuyện với chúng tôi về hành trình phát triển ezCloud - một startup cung cấp những giải pháp công nghệ giúp đơn giản hóa công việc quản lý và kinh doanh khách sạn.
Anh Đặng Thành Trung chia sẻ, ezCloud được thành lập từ năm 2013, bởi 6 người đến từ trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Thời điểm đó, lĩnh vực du lịch đang phát triển ở Việt Nam, nên nhóm quyết tâm sẽ đi theo con đường phát triển một sản phẩm về du lịch, dựa trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây… Sau thời gian kiên trì miệt mài theo đuổi, đến nay, ezCloud đã đạt gặt hái được nhiều “trái ngọt” với mức độ tăng trưởng trung bình 200%/năm.
Hiện tại, ezCloudhotel và ezFolio - 2 giải pháp quản lý khách sạn chuyên nghiệp của ezCloud đã được tin dùng bởi trên 3.000 khách sạn không chỉ tại Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia Đông Nam Á như: Thái Lan, Lào, Campuchia và Myanmar. Bên cạnh đó, ezCloud cũng là đối tác công nghệ của Vingroup, Techcombank...
“Đặc biệt năm 2017, ezCloud đã thành lập công ty ở Singapore với mong muốn mang sản phẩm của người Việt Nam ra thị trường nước ngoài. Hiện đã có 5 quốc gia sử dụng sản phẩm của ezCloud, trong đó có 4 quốc gia ở Đông Nam Á, một quốc gia ở châu Âu” - anh Đặng Thành Trung hào hứng chia sẻ.
Cũng với mong ước có thể ứng dụng những gì đã học và cùng nhau xây dựng ra những sản phẩm tốt nhất, có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới, các thành viên sáng lập Tripi.vn - sàn du lịch trực tuyến đầu tiên ở Việt Nam gồm nhiều bạn trẻ đã từng nghiên cứu sinh ở nước ngoài, hoặc đã từng làm việc tại công ty công nghệ hàng đầu trên thế giới như IBM, Google, Yahoo…
“Chúng tôi nghĩ về Việt Nam làm việc sẽ có cơ hội tốt hơn và luôn happy cũng như chưa bao giờ hối hận về quyết định của mình” - anh Trần Bình Giang (sinh năm 1987), đồng sáng lập, Giám đốc Kinh doanh của Tripi khẳng định. Bản thân anh cũng đã từng làm nghiên cứu sinh ở Đức, ngành khoa học máy tính.
Anh Trần Bình Giang cho biết, với mục tiêu giải quyết những vấn đề người dùng đang gặp phải trong việc tìm kiếm và mua sản phẩm du lịch, Tripi ra đời dựa trên nền tảng Data Science có khả năng tự động gợi ý gói du lịch thông minh trong khoảng thời gian khởi hành khách hàng yêu cầu. Tripi.vn cũng là website đầu tiên trên thị trường du lịch Việt Nam thực hiện giao dịch sản phẩm tour trọn gói, khách sạn và vé máy bay.
Nói cách khác, Tripi.vn cũng là trang cung cấp dịch vụ khách sạn, vé máy bay, tour, nhưng sàn giao dịch này có điểm khác là cung cấp nhiều nguồn hàng từ nhiều nhà cung cấp, kết hợp với công nghệ so sánh giá, người sử dụng dễ tìm thấy nơi bán cùng một sản phẩm với giá thấp nhất những vẫn đảm bảo tính xác thực ngay - điều mà nhiều website du lịch trong nước không có được.
“Chúng tôi muốn chứng minh rằng người Việt chúng ta, tại môi trường Việt Nam, có thể xây dựng được những sản phẩm công nghệ không kém các quốc gia hàng đầu trên thế giới, giúp cuộc sống trở nên dễ dàng hơn” - anh Trần Bình Giang bày tỏ và nhấn mạnh, Tripi.vn tham vọng trở thành sàn giao dịch du lịch trực tuyến lớn nhất tại thị trường Đông Nam Á về gói sản phẩm Holidays (combo kết hợp vé máy bay, khách sạn, tour du lịch) với sự trợ giúp của công nghệ tìm kiếm có thể gợi ý gói du lịch thông minh, tiết kiệm chi phí mà các đối thủ không có.
Năng lực và đam mê vẫn chưa đủ
Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là những doanh nghiệp áp dụng công nghệ hoặc mô hình kinh doanh mới để đưa những sản phẩm tốt nhất, mới nhất ra thị trường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo không thể đứng vững khi đứng một mình. Bởi, với một ý tưởng khởi nghiệp, không dễ gì để thành công ngay lần đầu tiên. Đặc biệt, để có thể chinh phục thị trường, nhất là thị trường quốc tế lại càng không hề đơn giản, nhất là với những startup thiếu bề dày kinh nghiệm, vốn, kỹ thuật.
“Hành trình khởi nghiệp không như là mơ, làm việc chỉ với niềm đam mê và đối mặt với vô vàn khó khăn: Không có tiền, không có nhân sự, không có văn phòng, không có chiến lược kinh doanh... Những khó khăn này nhiều lúc khiến giấc mơ tưởng chừng như phải gác lại” - anh Đặng Thành Trung nhớ lại và cho hay, thời điểm bắt đầu khởi nghiệp, với nhân sự chỉ có 6 người nhưng đã phải kiêm nhiệm toàn bộ các lĩnh vực của công ty từ phát triển sản phẩm, marketing, bán hàng…
Tuy nhiên, trong những thời điểm khó khăn nhất, ezCloud đã nhận được sự hỗ trợ của Chương trình Đối tác Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan giai đoạn 2 (IPP2), trong sau 6 tháng. IPP 2 đã hỗ trợ số vốn đầu tiên là 30.000 Euro cho ezCloud. “Đây là một khoản tiền khá lớn với một startup 6 người. Nhưng chúng tôi cảm nhận được sự hỗ trợ này còn nhiều hơn thế, đó là sự tư vấn trực tiếp từ những cố vấn - mentor” - anh Đặng Thành Trung nói.
Chương trình IPP2 thực sự cần thiết đối với các startup Việt Nam, bởi có sự đồng hành của các cố vấn viên, những người hướng dẫn thực tế từng bước một cho doanh nghiệp phát triển, qua đó giúp họ hiểu thế nào là vận hành doanh nghiệp, chân dung khách hàng… Các startup Việt Nam thường đơn thuần chỉ nghĩ một điều rằng, phát triển sản phẩm chỉ cần tiền, nhưng đó không phải là tất cả.
Anh Trần Bình Giang cũng nhận định, chúng tôi cảm nhận xung quanh có nhiều người có cùng lửa đam mê khởi nghiệp, mong muốn có thể làm một điều gì đó tốt, đóng góp cho xã hội, làm cho xã hội tốt hơn. Song, có rất nhiều khó khăn với các công ty khởi nghiệp. Trong đó, vốn luôn luôn là vấn đề mấu chốt, nếu không có vốn sẽ khó có thể mở rộng phát triển mạnh hơn, kinh doanh mạnh hơn và thương mại hóa nhiều hơn.
Đó là một trong những lý do, anh Trần Bình Giang kỳ vọng các sự kiện như Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest) do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức sẽ giúp các startup tiếp cận được các nhà đầu tư nhiều hơn. "Tuy nhiên, trước khi nói đến câu chuyện vốn, làm sao để có được một team hiểu nhau và có đam mê đủ lớn để cùng nhau vượt qua khó khăn là vấn đề quan trọng đầu tiên để khởi nghiệp thành công" - anh Trần Bình Giang chia sẻ thêm.
"Tiếp lửa" cho những ước mơ khởi nghiệp
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Phan Hoàng Lan, Trưởng phòng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, góp phần “khơi thông” dòng vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp với các kênh đầu tư mới và hình thức đầu tư đa dạng hơn. Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ hiện đang làm đầu mối để ra soát và đề xuất các chính sách liên quan để tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư tham gia vào thị trường đầu tư khởi nghiệp.
Đặc biệt, để hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phát triển được, chắc chắn phải kết nối quốc tế. Doanh nghiệp khởi nghiệp để trở thành doanh nghiệp trăm triệu USD, tỷ USD, bắt buộc phải bán hàng trên một diện rộng. Chính vì vậy, các đơn vị thuộc Bộ Khoa học Công nghệ, đơn vị có nguồn hỗ trợ từ Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) và các địa phương đều đang có những hoạt động kết nối quốc tế, trong đó chú trọng kết nối với hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh.
“Khi kết nối với hệ sinh thái khởi nghiệp trên thế giới, chúng tôi tiếp cận với các nhà chính sách để chia sẻ thông tin về mặt làm thế nào để xây dựng chính sách tốt nhất cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Đồng thời, chúng tôi kết nối với các tập đoàn, các quỹ đầu tư, các cơ sở ươm tạo, cơ sở hỗ trợ khởi nghiệp để đưa doanh nghiệp Việt Nam đến với những người có thể hỗ trợ họ trên thị trường quốc tế” - bà Phan Hoàng Lan nói.
Trước vấn đề này, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá, có nhiều nhà đầu tư với chuyên môn sâu đang âm thầm theo dõi các startup, các ý tưởng khởi nghiệp của các bạn Việt Nam và nếu ý tưởng nào tốt, sẽ nhận được đầu tư. Do vậy, vấn đề nằm ở chất lượng của các ý tưởng khởi nghiệp. Chất lượng đó phụ thuộc vào ý tưởng mới đến đâu, sáng tạo ra sao, khác biệt như thế nào so với những ý tưởng đã có trước đó, kèm với đó là phương án sản xuất kinh doanh khả thi đến đâu…
Hiện nay, Đề án 844 được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì là một đề án bao trùm và có yếu tố tiên phong, định hướng. Trong giai đoạn đầu phê duyệt, Đề án 844 tập trung xây dựng cơ chế, chính sách và khuôn khổ pháp lý cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đến nay, Đề án 844 đã chuyển sang hỗ trợ cho các Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp, các khu làm việc tập trung; hỗ trợ đào đạo, bồi dưỡng kiến thức về khởi nghiệp, giúp người khởi nghiệp có đủ năng lực, khả năng nghiệp vụ, trình độ chuyên môn.
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền về kinh nghiệm khởi nghiệp thông qua các bài giảng, các chuyên gia, doanh nghiệp khởi nghiệp đã thành công, để giúp những người mới khởi nghiệp có kiến thức và xây dựng được những kế hoạch sản xuất, kinh doanh cũng như triển khai được kế hoạch của mình. "Chúng tôi tin tưởng với những phương án như vậy sẽ giảm bớt khoảng cách giữa tinh thần, niềm đam mê khởi nghiệp với khả năng thực hiện những ý tưởng của những người khởi nghiệp" - Thứ trưởng Trần Văn Tùng nói.