Mã số N3012: Kỹ sư bỏ việc lương 5.000 USD ở Hàn Quốc, về Việt Nam xây "đế chế" riêng
Ông Lương Vũ Đăng Quang trở về Việt Nam, sáng lập AMED với kỳ vọng đưa công nghệ laser trong thẩm mỹ cùng các dòng dược mỹ phẩm liên quan thành một "đế chế" mạnh.
Ngừng công việc tại Hàn Quốc với mức lương hơn 5.000 USD/tháng, kỹ sư Lương Vũ Đăng Quang trở về Việt Nam sáng lập AMED với kỳ vọng đưa công nghệ laser trong thẩm mỹ cùng các dòng dược mỹ phẩm liên quan ra thị trường với chi phí phù hợp hơn.
Không thể sống mãi tại Hàn Quốc…
Dự tính chỉ sang Hàn Quốc vài tháng tham gia chương trình kỹ sư đi Hàn Quốc visa E7 (thẻ vàng) mảng công nghệ cao, nhưng kỹ sư vật lý điện tử Lương Vũ Đăng Quang đã sống và làm việc 7 năm ở xứ sở kim chi, bởi bị cuốn theo công việc nghiên cứu và phát triển (R&D) tại một công ty thiết bị y tế công nghệ cao.
Thành thạo tiếng Anh, lại hiểu chuyên môn, Quang được giao làm việc trực tiếp với các kỹ sư Mỹ - phía chuyển giao máy móc, công nghệ cho công ty. Sau 2 năm, ông được cất nhắc lên vị trí Giám đốc R&D. “Trong quá trình làm việc, kiến thức và kinh nghiệm của tôi trong mảng quang học, laser dần được mở ra. Đến năm thứ 3, công ty đề nghị tôi mở chi nhánh đại diện ở thị trường Việt Nam”, ông Quang chia sẻ.
Sau nhiều lần chần chừ và từ chối, ông quyết định nhận lời đề nghị trên. Trong năm đầu tiên, hầu hết máy móc thiết bị nhập về từ Hàn Quốc đều bán chạy, nổi bật là dòng máy laser. “Tới một thời điểm nào đó, phải về Việt Nam, chứ không thể sống mãi ở Hàn”, ông suy nghĩ ngay ở thời điểm công việc đại diện thương mại cho công ty ở Hàn Quốc tại Việt Nam vẫn thuận buồm xuôi gió.
Khi đã xác định trở về, ông phải tìm cơ hội từ lĩnh vực mình có lợi thế về mối quan hệ, kiến thức chuyên môn liên quan đến thiết bị công nghệ cao trong lĩnh vực da liễu như laser. Cơ hội tới khi một công ty gia công mặt nạ cho The Face Shop (thương hiệu mỹ phẩm của LG) muốn ông Quang sản xuất phôi mặt nạ sinh học với nguyên liệu từ quả dừa Việt Nam để có chi phí sản xuất thấp hơn, thay vì dùng nhân sâm, dưa hấu, hay cam ở Hàn Quốc, với đơn hàng đầu tiên là 10.000 miếng, giá 0,3 USD/miếng.
Nhu cầu dùng mặt nạ sinh học ngày càng gia tăng, ông phải mở rộng xưởng sản xuất nhỏ tại Tân Bình (TP.HCM) ra Cần Giuộc (Long An). “Tôi đào tạo một kỹ sư khác thay thế trước khi chính thức nghỉ ở công ty tại Hàn Quốc, nhưng cũng dự liệu, khi rời công ty, việc kinh doanh ở thị trường Việt Nam của mình sẽ bị dao động và có thể chỉ kéo dài một vài năm”, ông Quang nói về quyết định theo đuổi ý tưởng sản xuất các máy laser, sản phẩm dược mỹ phẩm liên quan sau điều trị bằng laser và sáng lập AMED vào năm 2016.
Sau 2 năm ông về nước, có 4 công ty Hàn Quốc vào Việt Nam chia nhỏ thị trường và cạnh tranh về giá và chất lượng mặt nạ sinh học. Đây là sản phẩm mới, một số hãng không nắm công nghệ, nên mặt nạ còn mùi và họ phải dùng hóa chất. Nhưng ông Quang và một số công ty của Hàn Quốc có công nghệ, nên sản phẩm không mùi, không hóa chất, đạt chuẩn xuất cả đi châu Âu.
Từ đó, AMED sản xuất một số sản phẩm dược mỹ phẩm “Made in Vietnam” với thương hiệu riêng và đây là cũng sản phẩm đầu tiên ông cùng đồng đội thực hiện sau các loại máy laser. Hiện AMED có 45 sản phẩm dược mỹ phẩm chuyên dụng theo liệu trình điều trị, chăm sóc da bằng laser.
Dịch vụ bảo dưỡng sẽ là lợi thế
Máy laser CO2 vi điểm được đánh giá là thiết bị cơ bản nhất mà mỗi spa, thẩm mỹ viện đều cần có. Laser sắc tố cũng được AMED đẩy mạnh phát triển nhằm xoá vết bớt, tràm, nám. Hầu hết các linh kiện thiết bị đều do AMED tự nghiên cứu, sản xuất, trong khi linh kiện công nghệ chính buộc phải nhập từ Hàn như bóng laser.
“Máy của AMED rất dễ lắp ráp, nhưng phần khó, cũng là giá trị cốt lõi, nằm ở khả năng cân chỉnh quang học và laser”, ông Quang nói và cho biết, ông là người thiết kế khung máy và phần giao diện để bác sĩ dễ thao tác, từ đó, máy dễ dàng ghi nhận được thông số truyền xuống bo điều khiển.
Giá cả chỉ là một phần nhỏ trong các khác biệt mà AMED tạo nên. Câu chuyện bảo trì, bảo hành là vấn đề khó khăn ở Việt Nam, bởi theo ông Quang, người hiểu về công nghệ laser chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nếu giá một máy từ Mỹ có giá khoảng 600 triệu đồng, của Hàn Quốc từ 300 - 400 triệu đồng, của Trung Quốc dưới 100 triệu đồng, thì máy do AMED cung cấp có giá thấp hơn giá máy của Hàn Quốc 30%.
“Sau Hàn Quốc, tôi tự tin là Việt Nam sẽ làm chủ được công nghệ laser ở châu Á. Cơ hội với AMED không chỉ ở thị trường nội địa và cũng không chỉ cung cấp thiết bị, mà còn hỗ trợ cho đối tác cả về kỹ thuật và chuyên môn”, ông chia sẻ.
Trong kế hoạch năm nay, ngoài việc tiếp tục phát triển các thiết bị, đội ngũ AMED sẽ thiết lập hệ thống chuỗi phòng khám điều trị da. Nguồn thu của AMED không chỉ đến từ việc bán máy móc, thiết bị công nghệ laser, mà còn từ các nhóm mỹ phẩm theo liệu trình điều trị như nhóm tái tạo da, trị mụn, trị nám, dưỡng trắng…
AMED là một trong 15 start-up được lựa chọn tham gia Chương trình “NINJA Accelerator tại TP.HCM” kéo dài từ ngày 12/1 đến 9/4/2021, do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ.
TS. Ngô Anh Ngọc, nhà sáng lập/CEO Babuki - nhà tư vấn cho AMED tại NINJA Accelerator tại TP.HCM đánh giá, thách thức nhất với AMED lúc này không phải tìm kiếm thị trường, vì nhu cầu điều trị da liễu sẵn có, mà là tuyển dụng được người phù hợp để phụ trách kinh doanh.
Về vấn đề này, ông Quang chia sẻ: “Tôi có thể phụ trách mảng thiết bị với công nghệ laser, còn người bạn nối khố của tôi là Nguyễn Đức Tâm, từng làm quản lý tại một đơn vị trong lĩnh vực y tế, được đào tạo chuyên ngành hoá, sẽ phụ trách mảng nghiên cứu, phát triển các sản phẩm điều trị theo liệu trình. Chúng tôi đang rất muốn tìm kiếm một đồng đội phụ trách mảng kinh doanh để nhanh chóng khai thác thị trường hiệu quả hơn”.
Link tham khảo: https://baodautu.vn/ky-su-bo-viec-luong-5000-usd-o-han-quoc-ve-viet-nam-xay-de-che-rieng-d139847.html
Ngày xuất bản: 25/03/2021
Thông tin
Tên tác giả: Tạ Thị Hồng Phúc
Địa chỉ: Toà nhà Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lầu 8, 289 Điện Biên Phủ, P.7, Q.3
Điện thoại:
Email: hongphuc@virhcm.com.vn
Đơn vị tài trợ