Mã số N3032: Phạm Hoàng Long, CEO 25 FIT - Luôn chuẩn bị cho những điều xấu nhất

    Hãy bấm LIKE, SHARE để bình chọn cho bài dự thi này.

Mở mới 18 chi nhánh trong năm 2020, áp dụng thành công mô hình dịch vụ tại nhà cho khách hàng…, 25 FIT đã có một năm “ngược sóng” với thị trường dịch vụ phòng tập gym vốn gặp rất nhiều khó khăn bởi đại dịch Covid, không ít phòng tập và cả chuỗi phòng tập phải đóng cửa vĩnh viễn. Vậy, kinh nghiệm vượt sóng của chuỗi phòng tập này là gì? TBKTSG đã có cuộc trao đổi với anh Phạm Hoàng Loang, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của 25 FIT về câu chuyện này.

Ông Phạm Hoàng Long - Đồng sáng lập và CEO 25 FIT.

Ông Phạm Hoàng Long - Đồng sáng lập và CEO 25 FIT.

TBKSTG: Chỉ một ngày trước Tết Nguyên đán, 25 FIT lại kích hoạt dịch vụ “25 FIT at home”, đưa phòng tập đến tận nhà cho khách hàng vì TPHCM thực hiện giãn cách xã hội. Xem ra doanh nghiệp của bạn đã chuẩn bị sẵn các phương án đối phó với tình hình dịch bệnh?

Anh Phạm Hoàng Long: Tôi luôn luôn nhớ câu châm ngôn “Plan for the best, prepare for the worst” - lúc nào cũng có phương án chuẩn bị cho tình huống xấu nhất khi chuyện còn chưa xảy ra.

Còn nhớ cách đây một tháng, chúng tôi làm tiệc cuối năm ở Hà Nội, đặt mục tiêu đạt 100 phòng tập đến hết năm 2021, xây dựng luôn kế hoạch hành động thì nghe tin dịch bùng phát ở Hải Dương. Ngay trong hôm đó, ban lãnh đạo đã họp khẩn để lên phương án chuẩn bị và sẵn sàng nhấn nút kích hoạt kế hoạch hành động khi cần thiết. Đến 29 Tết, TPHCM nhận thông báo đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu thì anh em lao ngay ra đường và trở thành một trong những dịch vụ luyện tập fitness còn hoạt động được. 14 chi nhánh tại Sài Gòn phải đóng cửa thì các huấn luyện viên của 25 FIT lại chạy tất cả các quận huyện để phục vụ việc tập luyện cho khách hàng, ngay tại nhà họ.

- Thế còn cả năm 2020 vừa qua thì sao? Dịch bùng cũng mất bận, giãn cách cũng vài lần (ở các thành phố khác nhau), 25 FIT không bị ảnh hưởng gì sao?

Năm Covid 2020 quả thật rất khác biệt với 25 FIT. Nhớ ở thời điểm tháng 4, chúng tôi chỉ có 2 phòng tập ở TPHCM rồi bùng dịch, phải đóng cửa và triển khai dịch vụ tại nhà. Lúc đấy Long nhớ công ty chỉ tầm 10 nhân viên, anh em kéo cửa làm việc mỗi ngày. Hết giãn cách, phòng tập mở trở lại và 25 FIT tăng tốc. Từ tháng 6 đến hết năm 2020, chúng tôi mở được thêm 18 chi nhánh để có 20 phòng tập trong cả nước, đạt 200% kế hoạch đề ra. Vì Covid, giá mặt bằng rẻ đi, nhiều vị trí đắc địa trống và chúng tôi tận dụng ngay cơ hội đó. Trong năm 2021 này, 25 FIT sẽ tiếp tục tận dụng điều này vì thị trường bán lẻ chưa thể hồi phục mạnh mẽ.

Tóm lại, Covid có ảnh hưởng đến 25 FIT nhưng tôi nghĩ ảnh hưởng tốt nhiều hơn. Đặc biệt khi dịch bệnh đến thì chăm sóc sức khoẻ trở thành xu hướng hàng đầu.

- Những gì làm được của 25 FIT có vẻ là quá khác biệt với tình hình chung của ngành, khi đã có chuỗi hoặc các phòng tập đơn lẻ phải rời thị trường. Theo Long, vấn đề cốt lõi nằm ở đâu?

Làm trong ngành khá lâu, tôi biết các anh em phòng tập đơn lẻ phải đóng cửa khá nhiều. Năm 2019, chính tôi cũng phá sản một phòng tập kiểu đơn lẻ. Theo tôi, lợi thế cạnh tranh của bạn là gì, điều gì sẽ khiến khách hàng đến với bạn… sẽ chính là câu trả lời. Như tôi từng trải nghiệm thì cứ phòng tập sau ra đời sẽ nhái theo phòng trước và bán giá rẻ hơn. Giá - giá - giá, nếu bạn ở trong cuộc chiến này thì hãy cẩn thận. Chi phí lúc nào cũng tăng mà cứ liên tục giảm giá thì giảm đến khi nào?

- Anh vừa nhắc đến việc đạt 200% chỉ tiêu mở chi nhánh. Bao nhiêu trong số này là chi nhánh nhượng quyền? Dịch giã như vậy, các nhà đầu tư “xuống tiền” đâu dễ dàng gì?

Hôm mùng 4 Tết, đã có nhà đầu tư lên ký hợp đồng nhượng quyền. 25 FIT có gần 10 hợp đồng đang triển khai cho nhà đầu tư trong mùa dịch. Trong số 20 phòng tập hiện tại thì 8 là chi nhánh nhượng quyền.

Chuyện xuống tiền thì nói khó cũng không đúng mà nói dễ cũng không hẳn. Điều quan trọng là nhà đầu tư tin tưởng vào đội ngũ những người sáng lập, đều là những người rất tâm huyết và muốn biến 25 FIT trở thành một công ty rất lớn.

Quan trọng hơn là mô hình. Mô hình phòng tập công nghệ này đã được chứng minh thành công ở châu Âu 13 năm nay rồi, riêng tại Đức thì có hơn 1.500 phòng tập như 25 FIT và dân số của họ là 80 triệu dân. Dân số Việt Nam là 100 triệu mà không lẽ mình không làm được.

Quan trọng nhất là các chi nhánh của 25 FIT đã hoạt động hơn một năm rưỡi và đều sinh lợi, thu hồi vốn rất nhanh dưới một năm. Mới trước tết, nhà đầu tư nhận quyền tại Phú Mỹ Hưng vừa mở thêm chi nhánh thứ hai và ký hợp đồng độc quyền cho khu vực này.

Và các phòng tập của 25 FIT thì nếu có rủi ro là giãn cách vẫn hoạt động vì có dịch vụ tại nhà, nhân sự vẫn làm việc, bánh xe vẫn quay.

Ở thời điểm hiện tại thì các nhà đầu tư cũng rất muốn vào vì đang dễ dàng tìm  được mặt bằng tốt, tuyển dụng nhân sự cũng không quá khó khăn.

- Cuối cùng, những bài học về thị trường, về vận hành.... mà anh và đội ngũ tại 25FIT rút ra qua năm vừa rồi là gì? 

Nhu cầu thị trường hiện nay là sức khỏe. Và khách hàng đang hướng đến những mô hình tiện lợi, đơn giản và hiệu quả. Ví dụ như bây giờ, muốn mua kem đánh răng thì họ sẽ xuống siêu thị tiện lợi dưới chân nhà mình, ít còn đi siêu thị như ngày xưa. Các mô hình bán lẻ hiện tại đang đi theo hướng đó cũng như giao hàng đến tận nơi. 25 FIT cũng vậy, vừa làm mô hình tiện lợi, nhỏ gọn, vừa mang dịch vụ đó đến nhà.

Và chúng tôi cũng sẽ vận hành theo hướng ngày càng nhỏ hơn chứ không làm các chi nhánh lớn, luôn luôn tạo ra những sản phẩm, dịch vụ ngày càng tinh gọn hơn. Năm 2021 mọi người sẽ thấy 25 FIT sẽ triển khai mô hình còn nhỏ hơn nữa, chỉ chừng 20 - 30m2 một phòng tập.

Nhưng, muốn làm gì thì cũng phải đó đội ngũ. Đây là điều lớn nhất là Long có được trong năm qua. Anh em đội ngũ tin tưởng lẫn nhau, từ ban lãnh đạo đến các quản lý cấp trung hay các huấn luyện viên… Mọi người năm nay chỉ được nghỉ có mùng 1 Tết mà không ai than thở gì. Tôi động viên anh em là “ cơ hội của chúng ta đến rồi, phải làm thật nhanh”. Thế là anh em đồng lòng cùng nhau chiến.

Đã đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 9-2021: Dọc đường chuyển đổi số

Ngày phát hành: 25/02/2021

Thông tin

Tên tác giả: Minh Tâm

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn

Email: minhtam037@gmail.com