Mã số N3033: Giấc mơ ra biển lớn đậm mùi… rau - cá - mắm

    Hãy bấm LIKE, SHARE để bình chọn cho bài dự thi này.

1. “Ngày tôi làm bột rau má, người ta nói thứ bột này không thể bán cho người Việt Nam, nhất là người miền Nam. Ai mà bỏ cả triệu đồng mua ký bột trong khi ngoài chợ rau má rẻ rề. Tôi cứ làm và hôm nay, không chỉ người miền Nam mua, người Việt Nam mua mà cả người Việt ở châu Âu cũng đã mua”, Nguyễn Ngọc Hương, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Nhiên Việt, chủ sở hữu thương hiệu bột rau sấy lạnh Quảng Thanh, chia sẻ về sản phẩm của mình.

Ở thời điểm hiện tại, sản phẩm bột rau các loại mang thương hiệu Quảng Thanh, trong đó có rau má, mà Hương và cộng sự tạo nên, đã xuất khẩu đến Hà Lan để phân phối đi 28 nước châu Âu. Khách hàng Úc mới kết nối trực tuyến hồi tháng 7 cũng tỏ ý quan tâm đến sản phẩm này. Chưa bằng lòng với kết quả ấy, Ngọc Hương đang đặt mục tiêu mới: chinh phục thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan với bột tía tô. Mới đây, Hương còn đặt tên mới cho sản phẩm của mình là Orama và Wefresh nhằm chuẩn bị cho ngày bột rau đi khắp nơi trên thế giới.

N3033_giac-mo-ra-bien-lon-02.jpg

Nguyễn Ngọc Hương, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Nhiên Việt.

Hương thành thật, ngày bắt đầu với bột rau cách đây gần 5 năm, cô không vẽ ra một viễn cảnh nào quá cụ thể kiểu phải mang sản phẩm của mình xuất ngoại đến tận đâu mà đơn giản chỉ là làm sản phẩm tốt, sạch cho mọi người dùng với chất lượng chuẩn quốc tế. Và rồi, thành quả đổ về một cách tự nhiên từ chính định hướng và sự chuẩn bị chu đáo ngay từ đầu đó.

Nhớ lại những ngày cầm 100 triệu đồng đi thuê đất ở Củ Chi để trồng rau, Hương cho biết mục tiêu ban đầu của cô chỉ là để hiểu được bản chất, đặc tính của rau, truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu trong sản phẩm.

Khi đi vào thực tế, Hương bảo, mọi thứ vượt ngoài tưởng tượng.

“Trồng rau sao cho có vị ngọt, ngon như mình mong muốn hóa ra còn khó hơn cả chốt hợp đồng bán máy ngày xưa nhiều lần”, Hương chia sẻ. Gần một năm trời, ba bốn lứa rau liên tiếp, cứ đến kỳ thu hoạch là phải cắt bỏ. Bao nhiêu công sức, tiền bạc ra đi. Lại mượn nợ, lại trồng.

Phải đến đầu năm 2016, Hương mới tự tin về quy trình trồng, về nguồn nguyên liệu và an tâm lập doanh nghiệp để phát triển sản phẩm.

Thiếu vốn, thiếu công nghệ, Hương và cộng sự sáng tạo mọi thứ, chẳng hạn như chế máy nhặt rau, máy rửa rau. Một năm sau, công ty bắt đầu có doanh thu, ba tháng sau thì bắt đầu có lãi. Cô gái trẻ vừa làm vừa hoàn thiện quy trình sản xuất, từ thủ công sang tự động hóa và miệt mài xuất hiện ở các hội chợ để tiếp xúc với khách hàng, lắng nghe phản hồi và hướng dẫn họ cách làm quen với bột rau.

Cứ thế, mọi thứ dần đi vào guồng và đến giờ thì cô gái sinh năm 1991 này đã tạm yên tâm về “năm năm lần thứ nhất” – gầy dựng để chuẩn bị cho giai đoạn tăng tốc.

“Khởi nghiệp về nông nghiệp cho tôi bài học về sự dấn thân không ngừng và tư thế luôn sẵn sàng để đối mặt với tất cả những tình huống có thể xảy ra”, Ngọc Hương đúc kết.

Sản phẩm mắm xứ Gò.

2. “Ai gọi em là Thảo Mắm, em ghét lắm. Dù biết mắm nhà mình làm ra ngon nhất nhưng em coi nó là nghề tầm thường, cố chối bỏ nó”, Lê Ngọc Thảo, cô bé ghét nghề mắm ngày nào giờ lại trở về, khởi nghiệp cùng “mắm xứ Gò” với kỳ vọng một ngày nào đó mắm Gò Công trở thành di sản, được người ta tặng nhau như phô mai của Pháp, kim chi của Hàn hay tương miso của Nhật.

Trước khi trở về làm mắm, Thảo đi du lịch. Cô gái sinh năm 1991 này từng vác tiền sang Thái Lan thuê đất làm tiêu. Cũng nhờ đi nhiều, gặp gỡ nhiều, Thảo dần hiểu ra gia đình mình đang sở hữu một tài nguyên bản địa, đó là mắm xứ Gò Công với hương vị đặc trưng, không lẫn vào đâu được.

So với cách làm mắm của ông bà ngoại ngày xưa, vốn học từ bà cố chuyên làm mắm cho nhà hội đồng ăn, gia đình Thảo vẫn giữ nguyên cách xử lý nguyên liệu, phải lấy hết bọng phân, đầu cá… để loại bỏ hại khuẩn, đảm bảo vệ sinh, hương vị cho vại mắm, cho mắm lên men tự nhiên, không sử dụng chất bảo quản.

Điểm khác chỉ là không cần phải trông trời trông đất để đem phơi mà có thể xử lý trong nhà xưởng. Mắm vẫn làm thủ công gần hết các công đoạn. Đó là lý do Thảo chưa nghĩ đến việc phải bán cho nhiều, mà chỉ cố gắng phục vụ tốt nhất nhóm khách hàng mê ăn mắm bằng sự minh bạch sản xuất cũng như nhắc nhớ họ về hương vị quê hương.

Tuy nhiên, cô gái nhỏ vẫn không quên mơ ước có một ngày đưa mắm xứ Gò đến Mỹ, đến Nhật cho cộng đồng người Việt thưởng thức. Hơn thế, phải nâng tầm giá trị của sản phẩm, làm sao để mắm là di sản của Việt Nam giống như phô mai của Pháp hay kim chi của Hàn Quốc.

Để hiện thực mục tiêu này, Thảo cho biết cô đang chuẩn bị xây dựng xưởng sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế nhằm chuẩn bị xuất khẩu, ngoài ra, cô còn ấp ủ dự định làm thêm các loại rau củ muối chua để tiếp cận giới trẻ trong nước.

3. “Ngay ở Việt Nam, mình thèm một miếng cá kho mà còn không có ăn vậy thì những người Việt ở nước ngoài còn vất vả cỡ nào”, Phạm Thị Ánh Ngọc, nhà sáng lập và điều hành của Công ty TNHH Thực phẩm Nhân Hậu (Nhân Hậu Food) đã quyết định khởi nghiệp bằng món cá kho quê nhà - cá kho làng Vũ Đại.

Hộp cá được đóng gói với nước sốt riêng.

Vào Sài Gòn lập nghiệp, Ngọc gặp bao nhiêu chướng ngại. Muốn làm bếp ở Sài Gòn thì phải chuyển niêu bằng tàu hỏa từ Thanh Hóa, Nghệ An vào; cá trắm đen cũng phải gây mê đi từ Hà Nam…

Có lần, niêu vào đến nơi thì vỡ hơn phân nửa. Cuối cùng, Ngọc quyết định phải mở bếp ngay tại Phủ Lý, Hà Nam để giải quyết câu chuyện chi phí và hậu cần.

Làm ra sản phẩm rồi thì lại thêm chuyện làm sao đưa vào kênh siêu thị.

“Nhớ lần đầu tiên đi chào hàng ở siêu thị, mồ hôi tay túa ra, người run rẩy, lo lắng”, Ngọc cười nhớ lại.

Nhưng, nhờ những việc lần đầu tiên phải làm đó, mà cô đã trưởng thành hơn rất nhiều, có được những kỹ năng mới, hiểu hơn về nhu cầu của khách hàng và nhất là có kinh nghiệm để xử lý những tình huống “từ trên trời rớt xuống”.

Ở thời điểm hiện tại, Ngọc đã có danh mục sản phẩm gồm cá kho, patê cá, chà bông cá làm từ cá trắm đen, kho cùng gia vị trong 14 giờ trên bếp gas, bằng nồi inox đế dày.

Nguyên liệu kho cá.

Nếu so với cách làm truyền thống của người dân làng Vũ Đại – Hà Nam như kho trong niêu đất, trên bếp củi… thì sản phẩm Nhân Hậu Food đã có biến đổi khá nhiều. Cá kho sẵn được đặt trong bao bì nhựa, nước sốt để riêng, đóng gói hộp giấy dưới thương hiệu Nhân Hậu Food. Đây là cách để đảm bảo các chỉ tiêu sinh hóa đạt quy định của ngành y tế.

Mỗi phần cá bán ra cũng chỉ 400 gram, đóng trong hộp nhựa pp, có thể hấp nóng trong nồi cơm hoặc lò vi ba để phù hợp với một bữa ăn gia đình 4-5 người. Cách đóng gói này cũng để giảm giá sản phẩm và giúp dễ vận chuyển.

Tuy nhiên, ước mơ của Ngọc xa hơn nữa. Cô muốn kho cá ngừ, cá basa hoặc cá lóc… để phù hợp với khẩu vị của nhiều người tiêu dùng ở các vùng miền, địa lý khác nhau, như ngày xưa cô từng chinh phục vợ của vị giám đốc người Nhật bằng nồi cá ngừ kho kiểu Vũ Đại. Tất nhiên, Ngọc cũng đang từng bước mày mò, điều chỉnh cân đối nêm nếm món ăn để sản phẩm trở nên dễ đáp ứng số đông người dùng. Ngọc mong muốn một ngày không xa sản phẩm này sẽ chinh phục được người Việt ở châu Âu theo những chuyến hàng quanh năm chứ không cần phải đợi dịp về xách tay như lâu nay.

Ngọc Hương, Ngọc Thảo, Ánh Ngọc chỉ là ba trong rất nhiều những người trẻ Việt Nam đang nuôi khát vọng đưa những sản phẩm đặc thù của ẩm thực Việt Nam ra chinh phục thế giới. Mỗi người một sản phẩm, mỗi người một con đường. Hành trình của mỗi người, nhanh chậm có khác nhau, thậm chí, có thể sẽ có ai đó không thể về đến đích. Nhưng họ vẫn mơ và dám mạnh dạn đi, mạnh dạn làm mọi thứ để đạt được ước mơ dù họ biết con đường phía trước có rất nhiều trắc trở, gập ghềnh.

Những cô gái trẻ ấy đã bắt đầu mùa xuân của cuộc đời mình một cách đáng ngưỡng mộ.

Link tham khảo: https://doanhnhantrevietnam.vn/giac-mo-ra-bien-lon-dam-mui-rau--ca--mam-ema4102.html

Đăng trên Doanh nhân trẻ số Xuân Tân Sửu.

Thông tin

Tên tác giả: THUẬN AN

email: minhtam037@gmail.com

Đơn vị tài trợ