Mã số N3034: Cửa ngày càng rộng cho thực phẩm hữu cơ

    Hãy bấm LIKE, SHARE để bình chọn cho bài dự thi này.

Sau nhiều khổ cực, vất vả để thuyết phục từng người tiêu dùng, những doanh nghiệp làm về thực phẩm hữu cơ (organic) đã bắt đầu… hái quả ngọt. Phải chăng, thời của thực phẩm hữu cơ đã tới?

Nở rộ điểm bán, trang trại

Cuối tuần qua, một phiên chợ khá đặc biệt đã được nhóm họp ngay giữa trung tâm TP. HCM. Trong khuôn viên của một quán cà phê nằm gần Nhà thờ Đức Bà, quận 1, người tiêu dùng có thể mua các sản phẩm tươi sống như thịt heo với giá 400.000 đồng một ki lô gam, các loại rau, củ quả với giá từ 70.000 đồng đến hơn 100.000 đồng. Các sản phẩm đều có chứng nhận organic trong và ngoài nước. Mục đích của những người tổ chức phiên chợ, bên cạnh việc tạo không gian cho các chủ nông trại gặp gỡ, hội tụ và giới thiệu sản phẩm của mình với người tiêu dùng, là để đáp ứng nhu cầu về thực phẩm organic đang tăng lên đáng kể, nhất là ở khu vực thành thị.

Thực ra, trước phiên chợ này, tại TP. HCM cũng đã có nhiều mô hình chợ phiên cuối tuần chuyên bán các sản phẩm thực phẩm an toàn, theo một số tiêu chuẩn như VietGap, organic… và cũng có số lượng khách hàng nhất định. Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố cũng có hàng chục cửa hàng chuyên doanh sản phẩm dạng này và các quầy hàng riêng trong các siêu thị. Sức tiêu thụ các mặt hàng này, theo quan sát của TBKTSG, là khá khả quan khi giá dù vẫn cách biệt so với các sản phẩm cùng loại nhưng đã ngày càng rẻ hơn so với năm bảy năm trước.

“Người tiêu dùng bắt đầu tìm hiểu và số người tìm hiểu tăng nhanh, nhanh hơn phần tăng của sản lượng nên chúng tôi bán được”, bà Trần Ngọc Diệp, đại diện của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Hương Đất, chủ sở hữu của thương hiệu rau Happy Vegi cho biết. Sau gần 10 năm hình thành và phát triển, từ một vườn rau ban đầu tại TP. HCM có quy mô 5.000 mét vuông, giờ công ty này đã có thêm vườn rau 18.000 mét vuông tại Măng Đen (Kon Tum) và 10.000 mét vuông tại Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu). Công ty này, như chia sẻ của bà Nguyễn Thị Quỳnh Viên, người phụ trách phần trồng trọt với chuyên môn kỹ sư hóa môi trường, bắt đầu triển khai mô hình liên kết với nông dân khi quy trình sản xuất và quản trị đã được số hóa, có thể theo dõi trên ứng dụng (app). Và cũng từ năm 2018, sau 7 năm đi làm nông nghiệp hữu cơ, bà Viên và cộng sự không còn phải “đốt tiền” và ngày càng tự tin rằng, trồng rau không hóa chất hoàn toàn có thể cho thu nhập.

Bắt đầu từ vụ Đông – Xuân này, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An thực hiện liên kết với nông dân để trồng lúa không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bằng hóa chất. Diện tích dự kiến là 150.000 hec ta ở nhiều vùng của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc của Trung An nói rằng, công ty cam kết với các hộ nông dân liên kết về việc diệt trừ sâu rầy không dùng hóa chất, đảm bảo sản lượng tám tấn trên một hec ta. Nếu dưới con số này thì công ty bù, còn vượt thì hai bên chia đôi.

Ông Bình cho rằng, xu thế của thời đại này hữu cơ, không chỉ là thế giới mà cả ở Việt Nam. Đây là con đường chắc chắn phải đi. Nhiều người tiêu dùng đã chấp nhận các sản phẩm, dù giá cao. Đó là lý do khiến Trung An từ chỗ canh tác 100 hec ta theo chuẩn organics, 700 hecta theo chuẩn VietGap đã quyết định nhân rộng mô hình với nhiều hộ nông dân. Gạo sản xuất được sẽ phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. “Tất nhiên, chúng tôi phải chờ thêm bốn tháng nữa khi vụ Đông Xuân kết thúc để xem kết quả canh tác thực tế như thế nào”, ông Bình nói.

Cơ hội cho các khởi nghiệp nông nghiệp hữu cơ đến đâu?

Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Công ty cổ phần Vinamit thì khẳng định, thời của thực phẩm hữu cơ phải là năm 2020 này. Bởi lẽ, đại dịch Covid đã giúp các sản phẩm liên quan đến sức khỏe tăng trưởng theo chiều thẳng đứng. Thị trường có tình trạng thiếu hàng để bán. Và tại Vinamit Organics, nông trường tại Đăk Nông dù mới xây dựng gần hai năm nhưng đã đạt điểm hòa vốn và có lãi. Tuy nhiên, nông trường đầu tư từ 2003 thì chưa được như vậy, do mức đầu tư tại đây rất lớn. 

Từ phía người tiêu dùng, sau thời gian các công ty dầy công thuyết phục, tư vấn, chứng minh… thì đã ngày càng hiểu và chấp nhận. Theo quan điểm của ông Viên, chỉ khi các nhà sản xuất để người tiêu dùng trải nghiệm và chứng minh được sự khác biệt của thực phẩm sạch thì họ sẽ không tiếc tiền, dù bán với giá nào. Nếu chưa làm được điều đó thì còn phải bán rẻ. 

Ông Viên cho rằng, trong bối cảnh nhu cầu của người tiêu dùng tăng nhanh nhưng các công ty lớn trở tay không kịp thì các khởi nghiệp (startup) lại có cơ hội lớn, bởi có thể nhanh chóng xoay chuyển. Việc tiếp cận người tiêu dùng cũng dễ dàng hơn, không còn là kênh truyền thống như trước (phải là siêu thị, cửa hàng) mà còn có thể bán hàng trực tuyến, giao hàng tận nơi.

Ông Trần Phong Lan, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp Hải Âu thì dè dặt hơn. Từ trải nghiệm của mình, ông Lan cho biết, con đường làm nông nghiệp hữu cơ không hề dễ dàng. Bởi lẽ, một mảnh đất không tự nhiên mà được chứng nhận hữu cơ. Từ năm 2013 đến nay, riêng khoản đầu tư cho phần trồng, ông đã “đốt” gần 40 tỉ đồng. Sản phẩm trồng xong, mang đến người tiêu dùng lại còn vất vả, khó khăn hơn, vì phải làm thương hiệu, xây dựng hệ thống. Ông cũng đã “đốt” thêm 30 tỉ đồng cho phần này và hiện vẫn đang “đốt”. Tất nhiên, trang trại mới sẽ có thời gian để đạt điểm hòa vốn nhanh hơn trang trại cũ, vì đó cũng là thành quả của những kinh nghiệm, bài học đã trả trước đó. Tóm lại, làm nông nghiệp hữu cơ là con đường tạo ra giá trị, tốt cho mọi thứ, từ con người, xã hội đến môi trường nhưng tiêu tốn nhiều tiền và không thể có lợi nhuận nhanh.

Vì vậy, theo ông Lan, ông không khuyến khích các bạn trẻ khởi nghiệp đi theo con đường nông nghiệp hữu cơ. Bởi lẽ, những người này thường có nguồn vốn nhỏ, vay mượn gia đình, người thân hoặc bạn bè để bắt đầu. Điều này sẽ khó duy trì đến ngày có lợi nhuận. “Chúng tôi làm nông nghiệp hữu cơ nhưng có nguồn thu khác làm bệ đỡ, cũng đã có tích lũy”, ông Lan chia sẻ.

Bà Quỳnh Viên cũng chia sẻ, bà cũng đã chứng kiến nhiều người khởi nghiệp thất bại khi làm với nông nghiệp hữu cơ. Họ có tâm huyết và sức trẻ nhưng lại thiếu kiến thức, kinh nghiệm và tiền bạc. Vì vậy, lời khuyên của bà là cần tích lũy cả ba yếu tố này khi bắt đầu. 

 

Đã đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 48-2020: Những viên gạch… chuyển đổi số

Ngày phát hành: 26/11/2020

Thông tin

Tên tác giả: Minh Tâm

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn

Email: minhtam037@gmail.com