Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Mã số N3036: Huy động vốn, bài toán nan giải khi khởi nghiệp

See this content in the original post

Một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành bại của các doanh nghiệp khởi nghiệp (DN KN) là việc huy động vốn. Đặc thù của doanh nghiệp này là sản phẩm, công nghệ mới gần như chưa có trên thị trường, vì vậy, việc tiếp cận vốn không phải là đơn giản.

Sinh viên trong một cuộc thi khởi nghiệp. Ảnh minh họa.

Ý tưởng tốt chưa chắc đã có tiền

Bạn Hoàng Yến và nhóm của mình đều là những sinh viên năm cuối của một trường đại học, khi tham gia một cuộc thi khởi nghiệp, có rất nhiều nhà tài trợ, ý tưởng khởi nghiệp của các bạn được đánh giá rất cao, nhưng khi đi vào chi tiết cụ thể việc thực hiện dự án nào, các bạn không thể nào trả lời được các câu hỏi của nhà tài trợ.

TS. Lê Thị Minh Ngọc, Học viện Ngân hàng cho biết, thực tế cho thấy, khả năng tiếp cận vốn của các DNKN nói chung và DNKN đổi mới sáng tạo (ĐMST) ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, nhiều DN có năng lực và ý tưởng kinh doanh tốt nhưng vẫn không gọi được vốn, điều này xuất phát từ những nguyên nhân cơ bản:

Về phía các chính sách hỗ trợ tài chính của Nhà nước, Chính phủ đã có những hỗ trợ về pháp lý, thể chế bao gồm Luật hỗ trợ DN vừa và nhỏ 2017; các chương trình, đề án như “Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025”, “Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” và “Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp”... Tuy nhiên, các chương trình mới chỉ hỗ trợ khi DN đã được thành lập và hoạt động được một thời gian đầu, chưa hỗ trợ được toàn bộ quá trình phát triển phát triển của DNKN ĐMST. Các khoản tài trợ cho khởi nghiệp chủ yếu liên quan đến nghiên cứu phát triển, những khoản liên quan đến tìm hiểu thị trường, phát triển sản phẩm thì hiện tại chưa có khoản chính sách hỗ trợ.

Về phía các tổ chức tài chính và nhà đầu tư, nhiều tổ chức tài chính như ngân hàng thương mại, công ty tài chính hay quỹ đầu tư vẫn còn chưa đầu tư mạnh vào các DNKN ở Việt Nam, bởi do mức độ rủi ro của DNKN cao, họ ưu tiên đầu tư vào các thị trường truyền thống như bất động sản, tài chính nhiều hơn. Điều này khiến các DNKN ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn vốn, dẫn đến tình trạng thất bại. Tại Việt Nam, việc tìm kiếm các nhà đầu tư thiên thần và các quỹ đầu tư là rất khó. Hiện tại, thị trường đã có sự tham gia của một số quỹ đầu tư vào các DNKN tại Việt Nam, nhưng nhìn chung, số lượng quỹ đầu tư chưa nhiều, số tiền bỏ ra cho các DNKN rất hạn chế.

Về phía các DNKN, mặc dù tinh thần khởi nghiệp rất cao, nhưng năng lực quản trị nhìn chung còn thiếu và yếu, từ năng lực lãnh đạo, quản trị tài chính, tầm nhìn chiến lược, phát triển thị trường… Bên cạnh đó, DNKN thường là DN có quy mô vừa và nhỏ, việc đáp ứng các điều kiện để niêm yết trên thị trường chứng khoán là khó khăn. Để kêu gọi được vốn đầu tư từ các quỹ thì DN phải có phương án kinh doanh khả thi, đây cũng là một trong những điểm yếu của các DNKN ở Việt Nam.

Sinh viên trong một cuộc thi khởi nghiệp. Ảnh minh họa.

Các hình thức huy động vốn cần biết

Theo TS. Lê Thị Minh Ngọc, các hình thức huy động vốn của các DN ĐMST ở Việt Nam hiện nay chủ yếu gồm:

- Vốn tự có: vốn tự có được đầu tư bởi một hoặc những người sáng lập, đây là nguồn vốn quan trọng trong giai đoạn đầu của DNKN. Số liệu điều tra của Tổ chức khởi nghiệp toàn cầu - GEM chỉ ra hơn 60% vốn cho các DNKN mới thành lập là vốn tự có. Tại Việt Nam, nguồn vốn tự có ban đầu của các DNKN còn rất hạn chế, chủ yếu trông chờ vào các quỹ đầu tư và nguồn vốn khác.

 - Vốn hỗ trợ từ Chính phủ: hỗ trợ tài chính của Chính phủ đối với các DNKN ĐMST thường thông qua việc thành lập các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, vốn tài trợ nghiên cứu và phát triển, vốn vay ưu đãi, quỹ bảo lãnh tín dụng của Chính phủ, các đề án, chương trình và các chính sách miễn, giảm, ưu đãi thuế… Vốn tài trợ không hoàn lại cho các DNKN ĐMST chủ yếu dành cho các dự án nghiên cứu và phát triển. Một số chính sách đã được triển khai trên phạm vi toàn quốc với mục tiêu tư vấn, hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp ĐMST như: đề án số 844; Quỹ khởi nghiệp DN khoa học và công nghệ, nhằm thu hút đội ngũ tri thức, tổ chức, cá nhân, doanh nhân, nhà khoa học đóng góp vào các lĩnh vực phát triển kinh tế, tham gia thành lập các DN khoa học và công nghệ; chương trình thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2016 - 2021; chương trình khởi nghiệp ĐMST quốc gia - TECHFEST là sự kiện thường niên dành cho cộng đồng khởi nghiệp ĐMST, quy tụ các đối tác trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST.

- Vay ưu đãi: khoản vốn này thường do Chính phủ triển khai thông qua các chương trình cho vay ưu đãi dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa và DNKN thông qua các ngân hàng. Hiện tại, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là cơ quan quản lý vốn vay ưu đãi dành cho DNNVV, theo đó DNKN phải có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi thuộc lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích của Nhà nước, nếu đáp ứng đủ điều kiện thì được vay vốn với mức vay tối đa là 30 tỷ đồng, lãi suất vay 7%/năm, thời hạn vay tối đa 7 năm. Trong thực tế, do có những quy định khắt khe nên các khoản vay ưu đãi này chưa phát huy được hiệu quả tối đa.

- Vốn vay ngân hàng thương mại: tiếp cận vốn vay ngân hàng cho khởi nghiệp ĐMST cũng là một hình thức được áp dụng như trên các thị trường tài chính ở các quốc gia khác. Có khoảng 40% DNKN Mỹ được tài trợ bởi các khoản vay thương mại. Tại Việt Nam, một số ngân hàng như Vietinbank, VP Bank và BIDV trong thời gian qua đã công bố các chương tình tín dụng đặc biệt dành cho DNKN sáng tạo, nhưng việc thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn vì còn nhiều rủi ro, cần tài sản thế chấp và không đủ nhân sự để thẩm định DNKN sáng tạo.

Chính phủ cũng đã lập Quỹ bảo lãnh tín dụng (CGF) để tham gia bảo lãnh các khoản vay của các DNNVV (trong đó bao gồm các DNKN sáng tạo), các quỹ CGF sẽ trả nợ trong trường hợp DN vay vốn chậm trả nợ. Mặc dù quỹ này đã hoạt động được 15 năm và trải khắp 28 tỉnh và thành phố trên cả nước, tuy nhiên hiệu quả của các quỹ này cho tới nay vẫn chưa được kiểm chứng. Nguyên nhân là do các quy định khắt khe, cũng như thiếu sự cam kết của CGE về việc hoàn trả toàn bộ khoản bảo lãnh khi nợ xấu. Do đó, các ngân hàng tư nhân thường không có động lực tham gia vào mô hình này.

- Vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm: đây là khoản vốn từ các quỹ đầu tư dành cho các doanh nghiệp ĐMST ở giai đoạn đầu khởi nghiệp, chủ yếu đầu tư vào các công ty có tiềm năng đủ tốt, công nghệ sáng tạo và có triển vọng phát triển. Từ năm 2000, một số quỹ đầu tư mạo hiểm đã hoạt động tích cực tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ khoa học và công nghệ, hiện nay có khoảng 40 quỹ đầu tư mạo hiểm đã và đang hoạt động tại Việt Nam. Các quỹ đầu tư này sẵn sàng bỏ vốn nếu DN có nền tảng về nguồn vốn tự có. Tuy nhiên, trong thực tế, nguồn vốn này còn rất hạn chế do mức độ uy tín, tin cậy của các DN chưa cao.

- Vốn từ các nhà đầu tư thiên thần: nhà đầu tư thiên thần thường đầu tư vào giai đoạn có ý tưởng đến bắt đầu hoạt động để DNKN ĐMST có thể xây dựng kế hoạch kinh doanh, nghiên cứu thị trường và bắt đầu bán thử sản phẩm trên thị trường. Từ năm 2017, hoạt động của các nhà đầu tư thiên thần ở Việt Nam bắt đầu có tính hệ thống, chuyên nghiệp hơn, thông qua việc kết nối, hình thành một số câu lạc bộ, mạng lưới đầu tư cho khởi nghiệp.

- Nguồn vốn khác: ngoài các nguồn vốn trên, DNKN ĐMST cũng có thể huy động vốn từ một số nguồn khác như tài trợ đám đông và vốn hóa thông qua phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, huy động vốn cộng đồng theo hình thức nhận quà tri ân, vay ngang hàng hoặc thông qua những hình thức huy động vốn mới từ các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Tuy nhiên, quy mô của các kênh đầu tư này còn rất hạn chế do chưa được hợp thức hóa và chưa được khuyến khích.

Link tham khảo: http://www.khoahocphothong.com.vn/huy-dong-von-bai-toan-nan-giai-khi-khoi-nghiep-57646.html

Ngày xuất bản: 05/12/2020

Thông tin

Tên tác giả: ANH THƯ

Báo Khoa học Phổ thông

Email: toasoan@khoahocphothong.com.vn