Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Mã số N2024: UTraffic - Hệ thống cảnh báo ùn tắc giao thông đô thị dựa vào dữ liệu từ cộng đồng

See this content in the original post

Ùn tắc giao thông (UTGT) gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, xã hội như gây lãng phí thời gian, nhiên liệu, hư hỏng hàng hóa do vận chuyển chậm, giảm chất lượng dịch vụ giao thông, ô nhiễm môi trường, thậm chí còn gây ảnh hưởng lớn đến an ninh cũng như chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là ở các thành phố lớn như ở TP. HCM.

Hiện tại TP. HCM có hơn 10 triệu dân, với khoảng 9 triệu phương tiện giao thông (bao gồm 8,12 triệu xe gắn máy và 830.000 ô tô) dẫn đến mật độ giao thông rất cao trong khi nền tảng hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển của thành phố. Điều này dẫn đến UTGT thường xuyên xảy ra, gây nhiều thiệt hại về kinh tế - xã hội và là nguyên nhân chính gây ra mất an toàn giao thông. Theo số liệu thống kê năm 2018, mỗi giờ kẹt xe gây thiệt hại cho nền kinh tế 2,4 tỉ đồng tương đương với 21.000 tỉ đồng mỗi năm, và chỉ trong sáu tháng đầu năm 2019, đã có tới 1.669 vụ tai nạn giao thông khiến cho 304 người chết và 1.147 người bị thương.

Do vậy, giảm UTGT là vấn đề cấp bách, ưu tiên hàng đầu cần được giải quyết của TP. HCM, thu hút sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân thành phố. Đến tháng 6 năm 2019, TP.HCM đã có hệ thống hơn 1000 camera giám sát của Sở giao thông vận tải và một số quận trên địa bàn kết nối thông tin tổng hợp để tiếp nhận và xử lý sự cố liên quan đến hạ tầng giao thông (http://giaothong.hochiminhcity.gov.vn/). Đây là hướng đi đúng đắn, vận dụng công nghệ ICT vào quản lý giao thông của thành phố. Tuy nhiên, hệ thống trên vẫn còn nhiều hạn chế do độ bao phủ của hệ thống camera còn thấp (chỉ triển khai được ở những nút giao thông quan trọng), chi phí đầu tư và bảo trì lớn.

Giải pháp UTraffic: Hệ thống cảnh báo ùn tắc giao thông đô thị dựa vào dữ liệu từ cộng đồng (UTraffic: Urban Traffic Management) đã nghiên cứu và đề xuất các giải pháp hợp lý, vận dụng sức mạnh của công nghệ 4.0 và sức mạnh của cộng đồng nhằm giải quyết các vấn đề cốt lõi, mớichưa được giải quyết tốt bởi các giải pháp hiện có như sau:

   (i) Dữ liệu về giao thông được thu thập từ nhiều nguồn trong đó có nguồn quan trọng là từ cộng đồng thông qua ứng dụng trên điện thoại di động

(ii) Ước lượng và dự báo tình trạng giao thông (TTGT) chính xác và kịp thời bằng các kỹ thuật phân tích dữ liệu lớn và học máy

(iii) Cảnh báo UTGT cho người dân một cách kịp thời

(iv) Hỗ trợ chức năng tìm đường hiệu quả có xét đến TTGT

(v) Cung cấp thông tin thống kê, dự báo, hỗ trợ công tác ra quyết định của nhà quản lý.

UTraffic đã có được các sản phẩm nổi bật về phần mềm, công bố khoa học, sở hữu trí tuệ, đào tạo và đã được triển khai trong thực tế, phục vụ cộng đồng.

Về sản phẩm phần mềm: UTraffic là một hệ thống gồm ba phần mềm sau:

UTrafficMobile: Phần mềm trên điện thoại di động hỗ trợ thu thập dữ liệu dựa vào cộng đồng (hình 1), hiển thị và cảnh báo TTGT (hình 2), hỗ trợ tìm đường tối ưu (hình 3). Ứng dụng này đang được triển khai rộng rãi cho cộng đồng người dùng tại TP. HCM sử dụng miễn phí. Hiện tại đã có khoảng 500 lượt  người sử dụng. Người dùng có thể download ứng dụng tại https://bktraffic.com/home/mobile-app.

UTrafficPortal: Ứng dụng web thu thập, tổ chức lưu trữ và phân tích dữ liệu, hỗ trợ tìm đường tối ưu (hình 4). Hiện tại đã có hơn 1600 lượt người dùng truy xuất vào hệ thống tại https://bktraffic.com/home/.

UTrafficMIS: Hệ thống thông tin quản lý về tình trạng giao thông đang được sử dụng thực tế tại Kênh giao thông đô thị (95,6MHz) của Đài tiếng nói Nhân dân TP. HCM (VOH) kể từ tháng 09/2020. Cụ thể, hệ thống này đã phát huy tốt hiệu quả hỗ trợ cho các hoạt động hàng ngày của kênh 95,6Mhz, nhằm phục vụ tốt nhất cộng đồng.

Về công bố khoa học: Hai (02) bài báo đã được đăng trên kỷ yếu hội nghị quốc tế uy tín do IEEE bảo trợ và một (01) bài báo đăng trên tạp chí quốc tế uy tín.

Về sở hữu trí tuệ: Một (01) Giải pháp hữu ích đã được chấp nhận đơn

Về kết quả đào tạo: Hoàn thành đào tạo 02 Thạc sĩ, 04 Kỹ sư và 01 NCS (tham gia).

Trang web và một số hình ảnh minh họa

Truy cập thông tin về Utraffic: https://bktraffic.com/home/

Trải nghiệm app: https://bktraffic.com/home/mobile-app Hoặc mã QR (trái)

 

Hình 1. Chức năng giúp người dân gửi cảnh báo về TTGT qua ứng dụng trên di động UTrafficMobile (https://bktraffic.com/home/mobile-app).

Hình 2. Hiển thị tình trạng giao thông trên ứng dụng UtrafficMobile (https://bktraffic.com/home/mobile-app)

Hình 3. Chức năng tìm đường (routing) trên ứng dụng UTrafficMobile (https://bktraffic.com/home/mobile-app).

Hình 4. Tìm đường trên trang web cảnh báo tình trạng giao thông TrafficPortal https://bktraffic.com/home/

Hình 5: Khung cảnh Thư ký kênh giao thông đô thị 95.6MHz (VoH) sử dụng hệ thống UTrafficMIS (https://bktraffic.com/)



Hình 6: Danh sách bản tin cần đọc của Phát thanh viên (màn hình lớn) và chức năng chat giữa các bộ phận (Thư ký, Biên tập viên, Phát thanh viên) ở bên phải trên hệ thống UTrafficMIS (https://bktraffic.com/)

Thông tin

Tên tác giả: Nhóm nghiên cứu về Giao thông thông minh (ITS), Khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy Tính, Trường ĐH Bách Khoa TP. HCM, do PGS. TS. Trần Minh Quang làm chủ nhiệm."

Địa chỉ: Nhà A3 Trường Đại học Bách khoa TP. HCM – 268 Lý Thường Kiệt, Q. 10, TP. HCM

Điện thoại: 0969852729

Email: quangtran@hcmut.edu.vn

Đơn vị tài trợ